Hà Nội, Ngày 24/09/2023

Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6

Ngày đăng: 18/09/2023   15:28
Mặc định Cỡ chữ

Phát biểu tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/9/2023, xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận thấy cơ quan soạn thảo, trực tiếp là Chính phủ và Bộ Nội vụ đã chuẩn bị hồ sơ rất công phu, nghiêm túc và trách nhiệm. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành trong Chính phủ để chuẩn bị cho dự án Luật tốt nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, sáng 18/9/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Sau khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tóm tắt Tờ trình về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), báo cáo tóm tắt thẩm tra sơ bộ dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ năm 2011 và mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc sửa đổi Luật này cũng là nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của UBTVQH.

Nhấn mạnh, hồ sơ dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, đầy đủ tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát 11 nội dung giao quy định chi tiết, bảo đảm tinh thần luật hóa tối đa các nội dung đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật này, nhận thấy cơ quan soạn thảo, trực tiếp là Chính phủ và Bộ Nội vụ đã chuẩn bị hồ sơ rất công phu, nghiêm túc và trách nhiệm.

Nêu rõ các ý kiến phát biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sâu sắc, cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cơ bản thán thành với Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật và cho rằng dự án Luật đã tập trung vào 4 nhóm chính sách: quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, quy định về lưu trữ tài liệu điện tử, lưu trữ tư, quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ. Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 4 nhóm chính sách này về cơ bản đã thể chế hóa được các quan điểm của Nhà nước về vấn đề lưu trữ, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay. Dù mới trình lần đầu nhưng chất lượng của dự án Luật khá tốt.

Góp ý vào một số nội dung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát các nội dung của dự thảo Luật để quán triệt và thế chế hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị "về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" để đẩy mạnh chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu lưu trữ số, Chính phủ số, kinh tế số, công dân số, xã hội số…

Đồng thời tiếp tục rà soát để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các dự án Luật trong lĩnh vực này như Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (về việc giải mật bí mật lưu trữ còn nhiều vướng mắc, lúng túng…); tiếp tục rà soát Luật Tiếp cận thông tin, tài liệu lưu trữ, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng về lưu trữ điện tử, Luật Đầu tư, Luật Phí, lệ phí về hoạt động dịch vụ lưu trữ. Bên cạnh đó, cần rà soát tính đồng bộ, thống nhất các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt, Việt Nam là thành viên của một số tổ chức lưu trữ quốc tế như Hội đồng lưu trữ quốc tế, Hiệp hội Lưu trữ các nước có sử dụng tiếng Pháp…

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát các chương, các điều chưa thống nhất trong dự thảo Luật, càng cụ thể hóa các nội dung càng tốt, tránh quy định chồng chéo. Đồng thời rà soát, xem xét quy định về tài liệu lưu trữ lịch sử; tài liệu điện tử và tài liệu số, về điều khoản chuyển tiếp và áp dụng luật pháp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tiếp thu, giải trình, làm rõ một số nội dung UBTVQH quan tâm. Ảnh: quochoi.vn

Tiếp thu, giải trình, làm rõ một số nội dung UBTVQH quan tâm, cho ý kiến, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ, toàn diện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và tiếp thu tối đa ý kiến của UBTVQH. Đặc biệt, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội đã gợi mở các vấn đề rất hay, đó là làm sao để xây dựng xã hội lưu trữ, quốc gia lưu trữ. Muốn được vậy, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, phải thúc đẩy, phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ.

Cho rằng đây là luật chuyên ngành, tính bao trùm rộng, đặc thù, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội, lịch sử, là tài nguyên quý giá của quốc gia, dân tộc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ sẽ tiếp thu để hoàn thiện làm sao đảm bảo các nguyên tắc cơ bản nhất trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa, yêu cầu chuyển đổi số. Việc sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ này phải vừa kế thừa, bổ sung, đổi mới, vừa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan, không xung đột, mâu thuẫn, đẩy mạnh chuyển đổi số, lưu trữ số, chú ý hơn xã hội hóa lưu trữ và lưu trữ ở khu vực tư...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, có 7 ý kiến UBTVQH đã phát biểu, đặc biệt đồng chí Chủ tịch Quốc hội có ý kiến chỉ đạo sâu sát, cụ thể. Về cơ bản, UBTVQH tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ, đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ trình UBTVQH với tài liệu đầy đủ, đảm bảo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đúng tiến độ Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua… Hồ sơ được chuẩn bị kỹ lưỡng, tập trung vào đúng 4 nhóm chính sách lớn khi Quốc hội thông qua Chương trình, cơ bản phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và các luật được Quốc hội thông qua trong thời gian gần đây.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ làm rõ hơn đối với phạm vi tài liệu lưu trữ giữa các quy định nội tại trong luật. Đồng thời rà soát, bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục để đưa tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt vào phông lưu trữ quốc gia. Thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị "về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" và làm rõ hơn theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với lưu trữ tư. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo rà soát các luật và các điều ước quốc tế liên quan để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và các cam kết quốc tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6./.

Văn Nguyễn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo hướng tinh, gọn

Ngày đăng 23/09/2023
Tại Nghị quyết số 149/NQ-CP ngày 21/9/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức nghiên cứu, quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 23-CT/TW nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp Nhân dân đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tiếp tục giảm tai nạn giao thông và hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông.

Các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm với nhiệm vụ không bảo đảm lộ trình Đề án 06

Ngày đăng 23/09/2023
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, triển khai các nhiệm vụ chậm tiến độ, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ đối với các nhiệm vụ không bảo đảm lộ trình triển khai Đề án 06.

Các bộ, cơ quan lập kế hoạch chi tiết tiến độ giải ngân từ nay đến cuối năm đối với từng dự án

Ngày đăng 22/09/2023
Để đạt kết quả giải ngân năm 2023 cao nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, cơ quan giao nhiệm vụ cụ thể cho Lãnh đạo Bộ, cơ quan Trung ương trực tiếp phụ trách công tác đầu tư để chủ động kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Hướng dẫn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo nhà xuất bản và cơ quan báo chí

Ngày đăng 21/09/2023
Ngày 15/9/2023, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành các Hướng dẫn về thực hiện một số điều trong Quy định số 100-QĐ/TW và Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 28/02/2023 của Ban Bí thư (Khóa XIII).

Sửa đổi, bổ sung một số điều về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức

Ngày đăng 21/09/2023
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 71/2023/NĐ-CP ngày 20/9/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.   

Tiêu điểm

Triển lãm số "Không gian Mộc bản triều Nguyễn"

Tối ngày 22/9/2023, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức khai mạc Triển lãm số “Không gian Mộc bản triều Nguyễn” và sự kiện “Hành trình di sản trong thời đại số” với sự tham gia của gần 200 đại biểu, khách mời là lãnh đạo Bộ Nội vụ, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, cán bộ công tác trong lĩnh vực lưu trữ và văn hóa ở trung ương và địa phương.