Chiều ngày 15/9/2023, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ Nguyễn Trọng Thừa làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác CCHC tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Tham gia Đoàn kiểm tra có Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu kết luận. |
Tiếp và làm việc với Đoàn, về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của tỉnh; lãnh đạo, công chức phòng chuyên môn theo dõi công tác CCHC của Sở Nội vụ và Văn phòng UBND tỉnh.
Sau khi nghe báo cáo đánh giá về tình hình, kết quả thực hiện công tác CCHC 8 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; kết quả kiểm tra thực tế tại một số đơn vị và ý kiến phát biểu của các thành viên Đoàn kiểm tra, đại diện lãnh đạo các sở, ngành của Tỉnh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đánh giá, trong những năm gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt thực hiện công tác CCHC. Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 49 văn bản chỉ đạo điều hành đẩy mạnh CCHC tại các cơ quan, đơn vị; ban hành một số chính sách giảm phí, lệ phí khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Các tổ công tác được thành lập do lãnh đạo tỉnh làm Tổ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên từng lĩnh vực quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp. Công tác thông tin, tuyên truyền được quan tâm, đẩy mạnh, có nhiều đổi mới, sáng tạo...
Cổng Dịch vụ công của tỉnh vận hành có hiệu quả, cung cấp nhiều tiện ích thông minh phục vụ nhân dân khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). 86,36% số sở, ngành đã hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn các tổ chức bên trong đáp ứng tiêu chí thành lập tổ chức do Chính phủ ban hành; kỷ cương, kỷ luật hành chính được tăng cường; kịp thời chấn chỉnh, xử lý những sai phạm của công chức trong thực thi công vụ, góp phần tích cực trong công tác phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và nâng cao ý thức, trách nhiệm của công chức, viên chức trong quá trình phục vụ nhân dân.
Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương tiên phong, đẩy mạnh xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đạt 88,27% trên tổng số dịch vụ công toàn tỉnh, trong đó, 787 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 1.072 dịch vụ công trực tuyến một phần. Đã triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến trên nền tảng ứng dụng Hue-S...
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu. |
Tuy nhiên, việc công bố, công khai, cập nhật TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia có lĩnh vực còn chậm. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn vẫn còn tồn tại ở cả 3 cấp hành chính, nhất là lĩnh vực đất đai. Tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận, giao trả trực tuyến toàn trình và một phần tại một số đơn vị cấp xã chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính dẫn đến phải kỷ luật. Việc tổ chức thí điểm thi tuyển lãnh đạo quản lý chưa đạt hiệu quả cao. Tỉnh chưa ban hành cơ chế, chính sách phát hiện, bồi dưỡng và bổ nhiệm người có tài năng, nhất là các cán bộ trẻ, có bản lĩnh, năng lực nổi trội.
Kết quả khảo sát người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2022 chỉ ra một số hạn chế, bất cập: Có khoảng 20% người dân, tổ chức được cho rằng có hiện tượng công chức gây phiền hà, sách nhiễu...
Trong thời gian tới, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ đối với công tác CCHC trên địa bàn tỉnh, trong đó trọng tâm vào một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục phát huy thành tựu, đổi mới tư duy, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành để giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC hàng năm phải cụ thể, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, thiết thực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ CCHC được giao.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện các quy định pháp luật để khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là ở những lĩnh vực trọng tâm như: Sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, đất đai, xây dựng, quy hoạch và thuế… Thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe, giải đáp và chỉ đạo xử lý những vướng mắc, bất cập, tạo sự thông thoáng, khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ba là, tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa quy trình TTHC; tăng cường giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, bảo đảm thực chất, hiệu quả. Thực hiện tốt các nhiệm vụ đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo quy định tại Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường rà soát, phân cấp giải quyết TTHC và đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ.
Bốn là, hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp các tổ chức bên trong các sở, ngành, đáp ứng các tiêu chí theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương. Triển khai có hiệu quả các quy định của Chính phủ về tinh giản biên chế tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023. Thực hiện tốt công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ, công chức; tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, kịp thời phát hiện và xử lý ngay những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Bố trí đủ nguồn lực để triển khai có hiệu quả các quy định của Chính phủ tại Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Năm là, tổ chức triển khai có hiệu quả việc phân bổ, sử dụng kinh phí nguồn từ ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ban hành các biện pháp cụ thể để triển khai có hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập theo thẩm quyền được giao tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản có liên quan.
Sáu là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ hoạt động quản lý, điều hành; đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số theo lộ trình của Chính phủ, phù hợp với thực tiễn địa phương. Thực hiện các nhiệm vụ CCHC gắn kết chặt chẽ với ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đề nghị Tỉnh tiếp tục đầu tư trang thiết bị, phần mềm và các tiện ích thông minh để nâng cao chất lượng giải quyết, luân chuyển hồ sơ trên môi trường điện tử; đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, qua đó rút ngắn thời gian, quy trình giải quyết, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức khi đăng nhập khai báo thông tin, nộp hồ sơ, tránh phải khai thông tin nhiều lần,…
Bảy là, sử dụng có hiệu quả Chỉ số CCHC hàng năm và các chỉ số liên quan đến CCHC trong công tác chỉ đạo điều hành thực hiện công tác CCHC trên địa bàn Tỉnh. Thường xuyên khảo sát ý kiến đánh giá của người dân, tổ chức để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân cũng như xác định những tồn tại, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước, từ đó có biện pháp cụ thể nhằm cải thiện chất lượng phục vụ, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức.
Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn kiểm tra |
Ngoài những kiến nghị, vấn đề đã được thảo luận, trả lời, tháo gỡ tại buổi kiểm tra, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Nguyễn Trọng Thừa giao Văn phòng Ban Chỉ đạo tổng hợp những đề xuất, kiến nghị của Tỉnh, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ đạo. Đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu, trả lời hoặc xử lý các kiến nghị của Tỉnh để kịp thời tháo gỡ.
* Sáng cùng ngày, Đoàn đã tiến hành kiểm tra thực tế công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Quảng Thọ, thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền và Trung tâm Hành chính công huyện Quảng Điền.
Văn Nguyễn
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục