Hà Nội, Ngày 24/09/2023

Đấu tranh phản bác sự xuyên tạc giá trị tác phẩm “Đường Kách mệnh”, bảo vệ công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay

Ngày đăng: 10/09/2023   13:55
Mặc định Cỡ chữ

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động ra sức xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nước ta, chúng bôi nhọ, xuyên tạc những luận điểm của Nguyễn Ái Quốc trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”. Bài viết vạch trần thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc những luận điểm của Nguyễn Ái Quốc trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”; đề xuất những nội dung, biện pháp đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay.

Tác phẩm “Đường Kách mệnh”. Ảnh: toquoc.vn

Các thế lực thù địch xuyên tạc rằng, thời đại ngày nay là thời đại của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại phát triển, những luận điểm của Nguyễn Ái Quốc trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” chỉ có giá trị lịch sử và không còn giá trị thực tiễn, nhất là đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay; những tư tưởng trong tác phẩm đã bộc lộ “sự lạc hậu”, “lỗi thời”, “không còn phù hợp” với thời đại. Trong đó, họ xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam, từ đó gây tâm lý hoài nghi, dao động, giảm sút niềm tin trong Nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Vì vậy, cần nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận giá trị lý luận, thực tiễn của tác phẩm “Đường Kách mệnh” đối với cách mạng Việt Nam trong tình hình mới.

Để tiếp tục quán triệt và thực hiện lời dạy của Người trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận giá trị lý luận, thực tiễn của tác phẩm, bảo vệ sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay cần thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục khẳng định giá trị của tác phẩm “Đường Kách mệnh” cả về lý luận và thực tiễn.

Tác phẩm “Đường Kách mệnh” là tập hợp những bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho lớp huấn luyện cán bộ cách mạng ở Quảng Châu (Trung Quốc) từ năm 1925 - 1927, được xuất bản lần đầu tiên năm 1927, do bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông ấn hành. Đây là một trong những di sản tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng, Nhà nước ta công nhận là bảo vật quốc gia. 

Tác phẩm không chỉ có giá trị lịch sử, mà còn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng đối với công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay. Tác phẩm ra đời có ý nghĩa và vai trò như kim chỉ nam của cách mạng Việt Nam; vạch ra con đường cách mạng Việt Nam; xác định đường lối, mục tiêu, lý tưởng, động lực cách mạng, vai trò của lý luận cách mạng và nhiều vấn đề quan trọng khác, tạo tiền đề về tư tưởng, lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những luận điểm đó của Người được Đảng ta quán triệt và vận dụng trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước đứng lên đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập tự do cho dân tộc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện “đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử”(1).

Thứ hai, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với công cuộc đổi mới hiện nay. 

Quá trình tìm đường cứu nước, nghiên cứu các cuộc cách mạng trên thế giới, đặc biệt là cách mạng Nga, Nguyễn Ái Quốc đã rút ra bài học thiết thực cho cách mạng Việt Nam. Vào giữa những năm 20 của thế kỷ XX, phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản các nước trên thế giới phát triển mạnh mẽ. Ở trong nước, với chính sách đàn áp dã man của thực dân Pháp, nhân dân bị bưng bít thông tin và bị đầu độc bởi văn hóa thực dân; phong trào giải phóng dân tộc đã xuất hiện nhiều tổ chức yêu nước mang màu sắc chính trị khác nhau, nhiều cuộc đấu tranh nổ ra, nhưng đều thất bại, do chưa có đường lối cách mạng đúng đắn. Vì vậy, đòi hỏi phải có tổ chức mới, có đường lối đúng đắn và tổ chức chặt chẽ thì mới lãnh đạo cách mạng đi đến thành công. Tổ chức đó không ngoài ai khác đó là Đảng Cộng sản - nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Khẳng định Việt Nam phải thực hiện cách mạng để giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, “chúng ta muốn sống thì phải cách mệnh”(2). Tuy nhiên, muốn cách mạng thành công thì phải cần nhiều yếu tố; theo Người, trước hết cần phải có một đảng cách mạng chân chính, với lý luận tiên phong - chủ nghĩa Mác-Lênin dẫn đường lãnh đạo “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? - Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”(3). Muốn cách mạng thành công phải có Đảng lãnh đạo. Song nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa đủ, mà Đảng đó phải vững, vì “Đảng có vững thì cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(4). Theo Nguyễn Ái Quốc, Đảng muốn vững, muốn mạnh phải có lý luận tiên phong soi đường. Lý luận đối với Đảng, với cách mạng như trí khôn đối với người, bàn chỉ nam đối với con tàu. Làm cách mạng mà không có lý luận soi đường như đi trong đêm tối mà không có đuốc, phải mò mẫm rất khó, thậm chí là không thành công “Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt…; Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bản chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”(5).

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Nguyễn Ái Quốc về vai trò của Đảng trong tác phẩm "Đường Kách mệnh", từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định vai trò là chính đảng duy nhất, đủ khả năng lãnh đạo đất nước và Nhân dân Việt Nam tiến tới cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Lịch sử đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đã giành được những thắng lợi rất vẻ vang. Đó là cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, lật đổ ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), là thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với đường lối đổi mới đúng đắn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; từ một nước nghèo trở thành nước đang phát triển năng động, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng tăng, uy tín, vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế, sức mạnh tổng hợp như ngày nay”(6).

Trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có nhiều thay đổi, tác động cả thuận lợi và khó khăn đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta; tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về Đảng cách mệnh vẫn còn nguyên giá trị, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn khẳng định vai trò lãnh đạo duy nhất đối với công cuộc đổi mới đất nước. Dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng, Việt Nam sẽ có điều kiện để giữ vững ổn định chính trị, xã hội; quy tụ và tập hợp được các giai cấp, tầng lớp; tập trung, huy động được các nguồn lực cho phát triển đất nước; thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, nâng cao đời sống của Nhân dân. Nếu, Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ vai trò lãnh đạo, tất yếu đất nước sẽ rơi vào hỗn loạn, mất ổn định.

Thứ ba, giữ vững và kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới.

Quá trình nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin và thực tiễn các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới. Mặc dù, đồng ý với tư tưởng dân chủ tiến bộ mà cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp đã tuyên bố trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp, nhưng Nguyễn Ái Quốc không tán thành đường lối mà các chính quyền tư sản đã tiến hành sau thắng lợi của hai cuộc cách mạng trên, Người cho rằng các cuộc cách mạng đó vẫn là những cuộc cách mạng không đến nơi, không triệt để “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”(7).

Muốn dân tộc được độc lập, nhân dân lao động thoát khỏi thân phận nô lệ, thì phải làm cách mạng một cách triệt để và Người khẳng định, chỉ có cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng triệt để “trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam”(8). 

Đối chiếu với nhu cầu khách quan của cách mạng Việt Nam là độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân, Nguyễn Ái Quốc đã rút ra bài học lớn: Dân tộc ta phải đi theo con đường cách mạng vô sản, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cùng với việc nhận thức được mối quan hệ chặt chẽ giữa yêu cầu giải phóng dân tộc và giải phóng con người là nhu cầu của thời đại, trên tinh thần của học thuyết Mác-Lênin và giải quyết nhu cầu ấy, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn và đứng trên lập trường của giai cấp vô sản để giải phóng dân tộc, giải phóng con người bằng một cuộc cách mạng vô sản và bước phát triển tiếp theo là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đó, Người nêu rõ phải tiến hành cả 2 cuộc cách mệnh: Dân tộc cách mệnh và Thế giới cách mệnh. Dân tộc cách mệnh là tập trung đánh đổ bọn đế quốc thực dân và bọn phong kiến tay sai, đánh đổ cường quyền, giành lại độc lập cho xứ sở và Thế giới cách mệnh là giống như công nông Nga đánh đổ tư bản áp bức, “Đảng Cộng sản cầm quyền, tổ chức ra Chính phủ công, nông, binh…, ra sức tổ chức kinh tế mới, để thực hành chủ nghĩa thế giới đại đồng”(9). Con đường giải phóng dân tộc Việt Nam theo quỹ đạo cách mạng vô sản và thiết lập một thể chế quyền lực thuộc về nhân dân theo mô hình nhà nước Xô viết. Đó chính là con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, để đi tới xã hội cộng sản chủ nghĩa, mà mục tiêu trước hết là “độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân”(10).

Mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - đích tất yếu của cách mạng Việt Nam được Nguyễn Ái Quốc trình bày trong tác phẩm "Đường Kách mệnh" thể hiện tư duy sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển của nhân loại và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Mục tiêu đúng đắn đó được Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định ngay trong các Văn kiện đầu tiên (Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt) “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(11). Khẳng định và phấn đấu cho mục tiêu này, trong suốt hơn 93 năm xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Nhân dân Việt Nam giành được những thắng lợi to lớn.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta khẳng định “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn duy nhất đúng đắn”(12), “Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”(13). Với sự ổn định về chính trị, xã hội và những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao…, vị thế và vai trò ngày càng tăng của đất nước trên trường quốc tế, có thể khẳng định: mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn, sự kiên định và sáng tạo của Đảng ta dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh. Tiếp tục công cuộc đổi mới, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội được lựa chọn từ tác phẩm "Đường Kách mệnh", được khẳng định trong các Văn kiện của Đảng từ năm 1930 đến nay vẫn sẽ là nguồn sức mạnh nội lực, là ánh sáng soi đường để đưa đất nước ta đi trên lộ trình đúng đắn, phù hợp tâm nguyện của toàn dân tộc. Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt được Đảng ta khẳng định tại Đại hội lần thứ XIII đó là “phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội... Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngã nghiêng, dao động”(14). Nên, dù thời gian có thay đổi, thế giới có những đổi thay, nhưng Đảng và Nhân dân Việt Nam luôn kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội để hướng đến tương lai dân tộc phồn vinh, hạnh phúc, đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thứ tư, xác định đúng đắn đối tác và đối tượng của công cuộc đổi mới hiện nay.

Một trong những mục đích viết tác phẩm "Đường Kách mệnh", tại thời điểm đó được Nguyễn Ái Quốc xác định là chỉ ra Ai là bạn ta? Ai là thù ta? Từ đó để tập hợp, đoàn kết, xây dựng lực lượng thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Xác định ai là thù của cách mạng để cảnh giác, phân hóa, đấu tranh. Trên cơ sở chỉ ra đặc điểm, địa vị kinh tế, chính trị, xã hội của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, Nguyễn Ái Quốc đã xác định công nông là người chủ cách mệnh “là vì công nông bị áp bức nặng hơn. Là vì công nông là đông nhất cho nên sức mạnh hơn hết. Là vì công nông là tay không chân rồi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới, cho nên họ gan góc”(15). Cùng với đó, Người cũng xác định bầu bạn của cách mạng là học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ “học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư bản áp bức, song không cực khổ bằng công nông; 3 hạng ấy chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông thôi”(16). Người đã căn cứ vào điều kiện cụ thể của đất nước, thái độ của các giai cấp trong xã hội đối với cách mạng để vận dụng nguyên lý chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp. Vì vậy, lực lượng cách mạng vừa đông, vừa mạnh, nhưng vẫn đảm bảo vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân. Bên cạnh đó, Người cũng chỉ ra rằng, cách mạng Việt Nam phải đoàn kết với lực lượng cách mạng thế giới.

Về kẻ thù của cách mạng, Nguyễn Ái Quốc xác định đó là đế quốc Pháp và bọn đại địa chủ, đế quốc Pháp đã chà đạp lên nền độc lập của dân tộc, đặt ách áp bức, bóc lột đối với nhân dân ta. Do đó, đế quốc Pháp vừa là kẻ thù của dân tộc và cũng là kẻ thù của giai cấp, những đại địa chủ thì chớ cho họ vào hội của dân cày. Việc xác định đúng kẻ thù của cách mạng là chủ nghĩa đế quốc Pháp và bọn đại địa chủ có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng chiến lược, sách lược cách mạng, trong việc tập hợp lực lượng, phân hóa, cô lập cao độ kẻ thù, nhằm tăng sức mạnh cho cách mạng. Việc xác định bạn, thù của cách mạng thể hiện tư duy thiên tài của Nguyễn Ái Quốc, vượt lên tầm tư duy đương thời của nhiều người khi cho rằng, tất cả địa chủ đều là kẻ thù của cách mạng, đối tượng đứng về phía đế quốc. Quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng bạn, thù của cách mạng trong tác phẩm Đường Kách mệnh, từ khi ra đời đến nay Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định đúng bạn, thù của cách mạng, góp phần xây dựng lực lượng lớn mạnh, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cách mạng; đồng thời, xác định, phân hóa kẻ thù để có đối sách phù hợp.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, Đảng, Nhà nước ta đã đổi mới tư duy từ “bạn và thù” sang “đối tác và đối tượng”. Theo đó, “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng. Mặt khác, trong tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng. Trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh”(17). Đây chính là điều kiện, tiền đề quan trọng để Đảng ta lãnh đạo công cuộc đổi mới của đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./. 

----------

Ghi chú:

(1), (6), (14) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2021, tr.25; tr.25; tr.33.

(2), (3), (4), (5), (7), (8), (9), (15), (16) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr.283; tr.289; tr.289; tr.289; tr.296; tr.304; tr.303-304; tr.288; tr.288.

(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr.597.   

(11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2002, tr.2.

(12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 54, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2007, tr.220.

(13) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 60, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2016, tr.178.

(17) Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI), Nghị quyết số 28-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ngày 25/10/2013.

Trung tá, ThS Nguyễn Văn Sơn - Viện KHXH&NVQS, Học viện Chính trị

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở Việt Nam

Ngày đăng 07/09/2023
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố lòng tin của Nhân dân và cộng đồng quốc tế đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Phát huy những kết quả tích cực đó, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở Việt Nam.

Thực hiện chính sách thu hút nhân tài tại thành phố Đà Nẵng - Thực trạng và giải pháp

Ngày đăng 29/08/2023
Từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Đà Nẵng đã ban hành và tổ chức thực hiện chính sách thu hút nhân tài để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và đạt được nhiều kết quả tích cực. Bài viết khái quát thực trạng và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách thu hút nhân tài tại thành phố Đà Nẵng thời gian tới.

Bối cảnh và các yếu tố tác động đến hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ

Ngày đăng 03/08/2023
Hiện nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng lãnh đạo ngày càng đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả quan trọng, gắn kết đồng bộ giữa phòng và chống; phối hợp chặt chẽ giữa công tác phòng, chống tham nhũng và công tác chống tiêu cực trong tất cả các lĩnh vực, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, nhất là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng trong sạch, vững mạnh. Kết quả, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ chịu sự tác động rất lớn của bối cảnh trong nước, quốc tế và nhiều yếu tố khách quan, yếu tố chủ quan.

Nhiều bài học quý trong bố trí lãnh đạo cấp huyện không là người địa phương

Ngày đăng 16/08/2023
Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị đề ra chủ trương bố trí lãnh đạo không là người địa phương. Qua nhiều nhiệm kỳ tổ chức thực hiện chủ trương nêu trên đã thu được nhiều bài học kinh nghiệm quý. Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đề ra mục tiêu, đến năm 2025 phải cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện, đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác. Khảo sát, tổng kết, tình hình bí thư cấp ủy cấp huyện không phải người địa phương, cho thấy đội ngũ này ở nhiều nơi đã và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Tuy nhiên, tại nhiều tỉnh, thành phố, công tác này đang còn nhiều bất cập, chưa đạt yêu cầu.

Một số vấn đề về ủy quyền trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước

Ngày đăng 25/07/2023
Ủy quyền trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tuy không còn là vấn đề mới, song quy định về ủy quyền trong pháp luật về tổ chức bộ máy và pháp luật chuyên ngành vẫn còn những nội dung chưa được quy định chặt chẽ, đầy đủ. Do vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về ủy quyền hành chính là cần thiết, nhất là trong bối cảnh thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước hiện nay.

Tiêu điểm

Triển lãm số "Không gian Mộc bản triều Nguyễn"

Tối ngày 22/9/2023, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) tổ chức khai mạc Triển lãm số “Không gian Mộc bản triều Nguyễn” và sự kiện “Hành trình di sản trong thời đại số” với sự tham gia của gần 200 đại biểu, khách mời là lãnh đạo Bộ Nội vụ, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, cùng nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, cán bộ công tác trong lĩnh vực lưu trữ và văn hóa ở trung ương và địa phương.