![]() |
Lễ Khai giảng năm học 2022-2023 chuyên ngành Quản lý công, Khoa Chính trị - Hành chính, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. |
Với sự quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao, Khoa Chính trị – Hành chính đã tuyển sinh thành công 61 sinh viên đầu tiên của ngành Quản lý công trên tổng số 60 chỉ tiêu được giao. Tiếp nối thành công đó, năm học 2022-2023, Khoa đã tiếp tục tuyển sinh được 60 sinh viên vào học ngành Quản lý công. Có thể thấy, với một cơ sở đào tạo còn non trẻ, Khoa Chính trị – Hành chính đã có những thành công trong công tác tuyển sinh đại học hệ chính quy.
Đúc kết những bài học kinh nghiệm trong 02 mùa tuyển sinh trước đó, năm 2023, Khoa Chính trị – Hành chính đã tích cực chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể để chuẩn bị công tác tuyển sinh. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Chính trị - Hành chính đã tập trung quán triệt đầy đủ những nội dung thay đổi, bổ sung trong công tác tuyển sinh năm 2023, những biện pháp cần tăng cường trong việc chỉ đạo nhiệm vụ tuyển sinh tại Khoa, nhằm thực hiện nghiêm túc Quy chế tuyển sinh và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo công tác tuyển sinh đạt kết quả và chất lượng tốt nhất.
Căn cứ vào các quy định tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và các điều kiện thực tế, Khoa Chính trị - Hành chính đã xây dựng các phương thức tuyển sinh cho năm 2023 như sau:
Phương thức 1: Tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng gồm các thí sinh đủ điều kiện xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh giỏi, tài năng của trường THPT năm 2023 theo các tiêu chuẩn của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những điểm nổi bật trong hoạt động tuyển sinh của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và của Khoa Chính trị – Hành chính nói riêng. Với phương thức này, thí sinh giỏi nhất của các trường THPT (trường Tiểu học-THCS-THPT, trường THCS-THPT và trường THPT, không bao gồm các trung tâm giáo dục thường xuyên) trên cả nước có cơ hội được tuyển thẳng vào Khoa để học tập bằng thư giới thiệu của Hiệu trưởng hoặc Ban Giám hiệu Trường. Để đạt được thư giới thiệu, thí sinh phải đạt được đồng thời hai tiêu chí cơ bản là: Học lực Giỏi, hạnh kiểm Tốt trong 3 năm THPT (lớp 10, 11, 12) và có điểm trung bình cộng học lực 3 năm THPT thuộc nhóm 3 học sinh cao nhất trường.Việc triển khai phương thức xét tuyển này sẽ giúp cho các đơn vị đào tạo có khả năng thu hút được nguồn đầu vào có chất lượng cao, tạo thuận lợi cho quá trình đào tạo.
Ngoài ra, thí sinh có thể đạt được ưu thế trong việc xét tuyển thẳng khi đạt được một số các tiêu chí như: Giấy chứng nhận hoặc Giấy khen đạt giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố giải Nhất, Nhì, Ba (thí sinh chọn giải thưởng cao nhất đạt được ở THPT); các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; Giấy chứng nhận hoặc Giấy khen, hồ sơ khác liên quan đến thành tích học tập, rèn luyện trong quá trình học THPT.
Phương thức 2: Ưu tiên xét tuyển theo Quy định của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ trên các khu vực tuyển sinh được ưu tiên và các địa phương có số lượng thí sinh đăng ký, trúng tuyển nhiều vào Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2022 để chọn ra danh sách 149 trường THPT được ưu tiên xét tuyển (với 83 trường chuyên, năng khiếu và 66 trường THPT trên phạm vi toàn quốc).
Thí sinh cần đảm bảo 3 điều kiện sau mới được đăng ký ưu tiên xét tuyển vào Khoa Chính trị - Hành chính: tốt nghiệp THPT năm 2023; có hạnh kiểm tốt trong năm lớp 10, lớp 11 và lớp 12; có thành tích học tập chia theo các nhóm như sau:
(1) Đối với học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu: đạt danh hiệu học sinh giỏi trong 2 năm và 1 năm xếp loại khá;
(2) Đối với học sinh thuộc các nhóm trường THPT khác và các nhóm đối tượng còn lại: đạt danh hiệu học sinh giỏi trong 3 năm (lớp 10, lớp 11 và lớp 12).
Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức năm 2023. Việc tổ chức thi đánh giá năng lực (ĐGNL) cho thí sinh là một trong những điểm nổi bật nhất của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là kỳ thi được tổ chức nhằm phục vụ cho mục tiêu đa dạng hóa các hình thức tuyển sinh tại các trường đại học trong và ngoài khối Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, làm tăng thêm cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học. Các kết quả thống kê cho thấy, thí sinh trúng tuyển bằng hình thức xét kết quả thi ĐGNL có kết quả học tập khá tốt so với các hình thức tuyển sinh khác. Điều này khẳng định uy tín và chất lượng của kỳ thi ĐGNL này. Chính vì vậy, đây là một trong những phương thức xét tuyển trọng điểm nhất được các trường đặc biệt quan tâm. Năm 2023, Khoa Chính trị – Hành chính dự kiến tuyển sinh theo phương thức này với chỉ tiêu tối thiểu 45%/tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Khoa với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 600 điểm (chưa cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Với việc tăng mạnh tỉ lệ tuyển sinh từ phương thức này, Khoa Chính trị – Hành chính kỳ vọng chất lượng đầu vào cũng như chất lượng đào tạo ngành Quản lý công của Khoa ngày càng cao hơn.
Phương thức 4: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Phương thức này lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với chỉ tiêu tuyển sinh tối thiểu 20% tại Khoa Chính trị – Hành chính. Các thí sinh đáp ứng được ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (17 điểm) ở tổ hợp môn xét tuyển là A01, D01, C15, C00. Điểm xét tuyển là tổng điểm 03 môn thi của tổ hợp môn xét tuyển (không nhân hệ số) cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng (nếu có).
Phương thức 5: Xét trung bình học bạ 3 năm THPT kết hợp với bài luận về ngành Quản lý công. Đây là phương thức mang tính đột phá và đặc thù của Khoa, nhằm tuyển được những sinh viên có tư chất lãnh đạo, quản lý. Ngoài những điều kiện xét tuyển chung, thí sinh nộp một bài luận viết tay trên giấy A4, trình bày niềm đam mê, yêu thích của bản thân đối với ngành học mà mình lựa chọn? Bản thân có những tố chất gì phù hợp với yêu cầu của người học ngành đó? Mong chờ điều gì sau khi tốt nghiệp?... Hội đồng sẽ căn cứ vào điểm trung bình chung của 05 học kỳ (hai học kỳ lớp 10 và lớp 11, học kỳ 1 lớp 12) cộng với điểm bài luận về ngành Quản lý công để tiến hành xét tuyển. Ngưỡng đảm bảo chất lượng là 14 điểm. Vì đây là phương thức đặc thù của Khoa, nên số lượng chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển này tại Khoa Chính trị – Hành chính tối đa lên đến 30%.
THAM KHẢO THÔNG TIN CỤ THỂ TẠI: http://www.tuyensinh.spas.edu.vn/ hoặc http://www.spas.edu.vn/ Hotline: 0948 0948 032 Trang Fanpage: https://www.facebook.com/SPAS.VNU hoặc https://www.facebook.com/tuyensinhspas/ |
ThS Lê Đức Lãm, Khoa Chính trị - Hành chính, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục