Hà Nội, Ngày 20/04/2024

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và sự vận dụng vào công tác thi đua, khen thưởng qua từng thời kỳ

Ngày đăng: 07/06/2023   08:38
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 11/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” đã lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Để tiếp tục phát huy ý nghĩa, giá trị của Lời kêu gọi thi đua ái quốc, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp, ngày 04/3/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11 tháng 6 hàng năm là Ngày truyền thống thi đua yêu nước.
Ảnh: TL

Ý nghĩa, giá trị của Lời kêu gọi thi đua ái quốc

Sau chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc để giành thắng lợi to lớn hơn. Chấp thuận đề nghị của Người, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị xác định: “… mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị, nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến, ngày 11/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.

Mở đầu Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu: “Mục đích thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”(1).

Về cách làm, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cụ thể: “dựa vào: Lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”(2).

Về đối tượng của phong trào thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau”(3). 

Về phương thức tập hợp lực lượng Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Trong cuộc thi đua ái quốc, chúng ta: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”(4). 

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng, biến thành sức mạnh đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi vẻ vang.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc cùng với nhiều bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những quan điểm, chỉ đạo, định hướng phong trào thi đua yêu nước trong những thập kỷ qua; là cơ sở để Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương về thi đua yêu nước, về công tác thi đua - khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Ngày nay, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và sự vận dụng sáng tạo vào thực tiễn qua từng thời kỳ

Quan điểm về thi đua: Theo Người, thi đua là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn, thi đua không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân con người, nêu cao tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế, làm cho già, trẻ, gái, trai và các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội đều hướng tới mục đích chung. Thi đua để mọi người đều làm việc tốt hơn, nhiều hơn và “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

Mục đích thi đua: Là để thực hiện tốt nhiệm vụ chủ yếu của mỗi thời kỳ cách mạng trong tình hình và điều kiện lịch sử cụ thể. 

Nội dung thi đua: Phải toàn diện, phải xuất phát và phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, phải thiết thực, ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của đất nước, gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, từng cấp, hướng vào cải tạo và xây dựng con người mới, hướng vào giải quyết những vấn đề cơ bản thiết thực của Nhân dân; thi đua phải gắn với công việc hằng ngày của mỗi người. 

Cách tổ chức phong trào thi đua: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phải dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: hạnh phúc cho dân”; các phong trào thi đua yêu nước cần phải đa dạng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự giác, sáng tạo và sức lực của các tầng lớp nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng.

Phương châm thi đua: Người chỉ rõ: “thi đua chứ không phải ganh đua” nên cần phải đoàn kết, thân ái giúp đỡ lẫn nhau để đạt thành tích cao. Thi đua phải gắn với khen thưởng; khen thưởng là kết quả của phong trào thi đua.

Trong thời kỳ kháng chiến cứu nước và khi miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, nhiều phong trào thi đua mang lại hiệu quả thiết thực như: Phong trào: “Tuần lễ vàng”, “Bình dân học vụ”, vận động “Đời sống mới”, Quỹ Độc lập, Quỹ đảm phụ Quốc phòng,... đến phong trào thi đua xây dựng đời sống mới, “thi đua đóng thuế nông nghiệp”; “Sóng Duyên hải”, “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba nhất”, “Trống Bắc Lý”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”…

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), Đảng ta tiếp tục vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, tiêu biểu là các phong trào: “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”; “Tất cả vì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, đặc biệt sau Đại hội lần thứ VIII của Đảng, Đảng ta đã đề ra khẩu hiệu thi đua: “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nhiều phong trào được phát động và thực hiện có hiệu quả như: “Xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “5 xung kích, 4 đồng hành”, “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, “Vì Trường Sa thân yêu”… và thời gian gần đây là các phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020 và phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025; phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; phong trào thi đua “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” đã được triển khai sâu rộng, phát huy được tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tập trung cao nhất mọi nguồn lực thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh cách ly, giãn cách xã hội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đã nổi lên những giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình tốt đẹp; nhiều gương người tốt, việc tốt được nhân rộng, phát huy(5).

Triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”, ngày 18/11/2022, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động phong trào “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”... Các phong trào thi đua yêu nước đã được người người thi đua, ngành ngành thi đua, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước.

Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới đất nước, thể chế, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng ngày càng được hoàn thiện, phù hợp thực tiễn, như: Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng… Quốc hội đã ban hành Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013 và Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022… 

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 19/CT-TTg, ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và Kế hoạch 05 năm (2021-2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng...

Nhiều phong trào thi đua yêu nước được triển khai rộng khắp. Các cấp ủy, tổ chức đảng chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo sơ kết, tổng kết, tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” bằng nhiều hình thức phong phú, có tác dụng lan tỏa trong Đảng và trong xã hội(6). Công tác khen thưởng đi vào nền nếp, khoa học, kịp thời hơn, gắn chặt giữa thi đua và khen thưởng.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững”(7); “Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc”(8), các phong trào thi đua yêu nước đã được người người thi đua, ngành ngành thi đua, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, tận dụng tốt các cơ hội, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển đất nước.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2023, chủ trì phiên họp Ban Tổ chức Hội nghị kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc , ngày 09/5/2023.

Một số giải pháp để các phong trào thi đua thực sự thiết thực, hiệu quả

Bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, phong trào thi đua và công tác khen thưởng vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, phong trào thi đua phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện, nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị; việc suy tôn, phong tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng còn có biểu hiện nể nang, dễ dãi, có hiện tượng chạy theo thành tích; khen thưởng đối với những người trực tiếp lao động sản xuất còn ít; việc nhân rộng các điển hình tiên tiến còn hiệu quả chưa cao…(9)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị phải phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu, thực sự là hạt nhân, là ngọn cờ dẫn đầu trong các phong trào thi đua… Phong trào thi đua phải thực sự thiết thực, đem lại lợi ích thiết thân cụ thể cho đất nước, xã hội, con người, khơi dậy tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm của Nhân dân, của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế. Đổi mới mạnh mẽ việc biểu dương khen thưởng; khen thưởng đúng người, đúng việc, lấy hiệu quả kinh tế, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo.

Để các phong trào thi đua thực sự thiết thực, hiệu quả, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh, cần thực hiện một số giải pháp:

Một là, đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, bám sát thực tiễn các phong trào ở cơ sở để nhận diện, nhân rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào thi đua yêu nước, các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, các mô hình, cách làm hay trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời nhân rộng, tạo sức lan toả; khen thưởng đột xuất, kịp thời. Triển khai các phong trào thi đua với tên gọi dễ nhớ, dễ hiểu, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát huy và thực hiện nghiêm trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong mọi phong trào; tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm của Hội đồng thi đua các cấp trong việc xem xét, khen thưởng và đề nghị khen thưởng.

 Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thể chế, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng, đưa thể chế vào thực tiễn. Đặc biệt là Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022 và các văn bản dưới Luật.

Hai là, hình thức thi đua phải đa dạng, phong phú, toàn diện, tránh hình thức. Thông qua phong trào thi đua phải có sự động viên, khen thưởng, khích lệ kịp thời, đúng người đúng việc, đảm bảo minh bạch, công khai. Chú trọng khen thưởng những tập thể, cá nhân trực tiếp lao động, công tác ở cơ sở, nhất là đội ngũ trí thức, lực lượng vũ trang, giáo viên, nông dân, công nhân lao động… 

Nâng cao vị trí, vai trò của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp trong công tác tổ chức, phát động thi đua và bình xét khen thưởng; nâng cao hơn nữa chất lượng, hình thức tổ chức triển khai hoạt động của các cụm, khối thi đua bộ, ngành, địa phương; lựa chọn cán bộ làm công tác thi đua có số lượng phù hợp, có kỹ năng, kiến thức, tâm huyết, trách nhiệm, nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đặc biệt, phải nắm rõ, nắm chắc được mục tiêu thi đua của từng giai đoạn, thời kỳ; thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp; ứng dụng công nghệ thông tin, thành tựu của khoa học kỹ thuật, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hồ sơ khen thưởng...

Ba là, thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức phát động phong trào thi đua, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động và triển khai hiệu quả. Làm cho thi đua, khen thưởng thực sự là động lực thúc đẩy mọi cá nhân, tập thể có ý thức, tự giác, tích cực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn được giao, nhiệt tình với các hoạt động chung của đơn vị và xã hội. 

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả, đổi mới công tác khen thưởng với phương châm “Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, ngày 11/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023), ngày 27/4/2023, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 102-HD/BTGTW về tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2023), quân và dân cả nước, mọi cấp, mọi ngành đang tích cực thi đua, ra sức lập nhiều thành tích trên các lĩnh vực.

---------------------

Ghi chú:

(1), (2), (3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr.556.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.48.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.177.

(7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.146; t.6, tr.170.

(9) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” ngày 03/6/2018. 

ThS Nguyễn Văn Vỹ, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tổ chức nhà nước

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

Ngày đăng 20/04/2024
Với vị trí, vai trò quan trọng của cơ sở, để thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân có hiệu quả, phải thực hiện dân chủ từ cơ sở. Trong những năm qua, dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, Nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được bảo vệ. Việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở... góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng 09/04/2024
Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.