Hà Nội, Ngày 25/04/2024

Chữ ký số chuyên dùng công vụ cần được quản lý chặt chẽ, bảo mật

Ngày đăng: 30/05/2023   13:16
Mặc định Cỡ chữ
Chữ ký số chuyên dùng công vụ có mức độ an toàn kỹ thuật, tính bảo mật rất cao, dùng cho người, cấp có thẩm quyền nên mỗi văn bản giao dịch đều ảnh hưởng đến Nhân dân, quốc gia, dân tộc. Vì vậy, theo các đại biểu Quốc hội, loại chữ ký số này cần phải được quản lý đặc biệt và phải được rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm bí mật và an toàn.
Quang cảnh phiên họp của Quốc hội sáng 30/5

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 30/5/2023, Quốc hội tiến hành họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Cân nhắc kỹ lưỡng quy định về quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ

Cho ý kiến liên quan đến quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ và chữ ký số công cộng, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (ĐBQH tỉnh Bình Dương) chỉ rõ, thực tiễn từ năm 2007 đến nay đã tồn tại 2 hệ thống chữ ký số riêng biệt là chữ ký số chuyên dùng công vụ và chữ ký số công cộng được Chính phủ giao cho 2 cơ quan quản lý.

Trong đó, Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ, còn Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công cộng.

Trong khi đó, chữ ký số chuyên dùng công vụ là hoạt động có tính đặc thù, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân bảo lưu. Đây là thực thi công vụ của Nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị đòi hỏi cấp độ an toàn, bảo mật cao hơn.

Đối với chữ ký số chuyên dùng công cộng do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý và cấp phép cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có thu phí.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng, nếu như dự thảo Luật quy định Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý nhà nước cả 2 loại chữ ký số nêu trên khi có vấn đề mất an toàn xảy ra thì việc xác định trách nhiệm là không rõ ràng.

Do vậy, đại biểu đề nghị quy định Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định pháp luật về cơ yếu và giao dịch điện tử.

Nhấn mạnh chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải được quản lý chặt chẽ, bảo mật, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (ĐBQH thành phố Hà Nội) nêu rõ, bản chất của chữ ký số chuyên dùng công vụ là dùng công nghệ mật mã để xác thực thông tin dữ liệu và được triển khai sử dụng trong hoạt động công vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội.

Kinh nghiệm thế giới cũng như Việt Nam coi mật mã như một “vũ khí” đặc biệt để bảo vệ an ninh quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và do cơ quan thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, quân sự, quốc phòng, đối ngoại của đất nước quản lý nghiêm ngặt và phải được mã hóa. Nếu như xác định như vậy thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc này.

Mặt khác, chữ ký số chuyên dùng công vụ là chữ ký của người có thẩm quyền. Mỗi văn bản, mỗi giao dịch công vụ đều có tác động rất lớn và ảnh hưởng đến Nhân dân, đến quốc gia, lợi ích của dân tộc.

Vì vậy, đại biểu nhấn mạnh chữ ký số chuyên dùng công vụ cần phải được cung cấp, quản lý chặt chẽ, bảo mật và phải giao cho cơ quan về quốc phòng, an ninh quản lý.

Để tránh sự chồng chéo và bảo đảm có tính ổn định, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời bảo đảm tính khả thi và triển khai thực hiện luật ngay khi được thông qua mà không phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt đề nghị cần quy định ngay trong dự thảo Luật về trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Theo đó, đại biểu đề nghị giữ nguyên việc quản lý nhà nước về lĩnh vực cơ yếu và chữ số chuyên dùng công vụ; bổ sung một khoản vào Điều 27 quy định cụ thể về chữ ký số chuyên dùng công vụ tại dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Chung quan điểm, đại biểu Vũ Xuân Hùng (ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho biết, tại Luật Giao dịch điện tử hiện hành, có 2 loại chữ ký số: Chữ ký số chuyên dùng công vụ và chữ ký số công cộng. Theo quan điểm trình Chính phủ, việc sửa đổi Luật này không thay đổi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành.

Theo đại biểu, chữ ký số chuyên dùng công vụ có mức độ an toàn kỹ thuật, tính bảo mật rất cao, đạt hiệu quả rất thiết thực và không có vướng mắc, dùng cho người, cấp có thẩm quyền nên mỗi văn bản giao dịch đều ảnh hưởng đến Nhân dân, đến quốc gia, dân tộc. Vì vậy, cần phải được quản lý đặc biệt và cần phải được rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm bí mật và an toàn.

Phát biểu tranh luận với một số đại biểu về trách nhiệm quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) cho rằng, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) về cơ bản đã hoàn tất quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, cụ thể là trách nhiệm quản lý nhà nước về chữ ký chuyên dùng công vụ.

Đại biểu cho biết, đối với quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dụng công vụ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất quan điểm cần phải phù hợp với chủ trương một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm chính.

Hơn nữa, chữ ký số chuyên dùng công vụ là loại chữ ký điện tử được sử dụng công khai trong giao dịch của cơ quan nhà nước. Việc cấp cho các cơ quan nhà nước chứng thư, chữ ký số chuyên dùng công vụ cho mục đích ký số thực chất là một hoạt động dịch vụ công phục vụ giao dịch của các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, giao dịch điện tử hoạt động hằng ngày không thuộc phạm vi chứa bí mật nhà nước. Do đó, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn khẳng định chữ ký số chuyên dùng công vụ không phải là lĩnh vực đặc thù thuộc phạm vi bảo vệ bí mật nhà nước.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu.

Quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử

Phát biểu giải trình làm rõ thêm ý kiến các đại biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nêu rõ, về quản lý nhà nước quy định tại Điều 7 của dự thảo Luật, có 2 vấn đề đang cần nghiên cứu kỹ là quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, cơ quan thẩm tra đã có phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo để thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ, Ủy ban Pháp luật, các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, dù phương án Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 không có nội dung này.

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, xin Quốc hội cho phép bỏ khoản 4, Điều 7, đồng thời đề nghị bổ sung nội dung “Bộ trưởng Quốc phòng” vào khoản 2, khoản 3 Điều 7 và bổ sung khoản 4, Điều 7 quy định như sau: “4. Bộ trưởng Quốc phòng xây dựng và phát triển hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định của pháp luật”.

Về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các điều từ Điều 43 đến Điều 47 dự thảo Luật quy định cụ thể về các loại hình giao dịch điện tử, các hoạt động, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và các quy định hỗ trợ nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử.

Về phạm vi điều chỉnh, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Điều 1 đã được chỉnh lý như trong dự thảo Luật theo hướng: Chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.

Liên quan đến chữ ký điện tử, Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật đã chỉnh lý nội dung giải thích từ ngữ về “Chữ ký số”, “Chữ ký điện tử” tại Điều 3, đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung khoản 4, Điều 25 quy định về các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử mà không phải là chữ ký điện tử thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành, để phù hợp với thực tiễn triển khai./.

Theo: nhandan.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Công bố Nghị quyết thành lập phường An Điền, phường An Tây và thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương

Ngày đăng 25/04/2024
Sáng 25/4/2024, tại tỉnh Bình Dương đã diễn ra Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương; đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng tham dự buổi Lễ.

Thủ tướng chỉ rõ "3 tăng cường", "5 đẩy mạnh" trong chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số

Ngày đăng 24/04/2024
“Chuyển đổi số đã "đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, các cấp, các ngành, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh và chỉ đạo “3 tăng cường”, “5 đẩy mạnh” trong chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, yêu cầu mỗi bộ, ngành, địa phương phải có 1 đề án chuyển đổi số.

Tỉnh Hòa Bình cần tiếp tục nâng cao chỉ số cải cách hành chính; làm tốt công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Ngày đăng 24/04/2024
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục nâng cao hơn nữa các chỉ số về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính. Làm tốt công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025.

Ưu tiên bố trí biên chế và tuyển dụng giáo viên mầm non theo quy định

Ngày đăng 23/04/2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo yêu cầu ưu tiên bố trí biên chế và tuyển dụng giáo viên mầm non theo quy định để đảm bảo an toàn cho trẻ em và chất lượng giáo dục mầm non.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp làm việc với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone

Ngày đăng 22/04/2024
Chiều 22/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp làm việc với Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone nhân dịp tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN tại Hà Nội.