Hà Nội, Ngày 25/04/2024

Chuẩn bị từ sớm, từ xa, kỹ lưỡng, chặt chẽ cho công tác lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và HĐND

Ngày đăng: 30/05/2023   12:25
Mặc định Cỡ chữ
Một trong những nội dung quan trọng tại Kỳ họp thứ 5 là việc Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) theo trình tự, thủ tục rút gọn để thay thế Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014.

Đại biểu Trịnh Xuân An

Sự chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng

Trước khi các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ, chiều 30/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Nội dung này sẽ được thảo luận tại hội trường vào chiều 09/6 và xem xét biểu quyết thông qua chiều 23/6.

Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết này nhằm kịp thời thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trong bối cảnh các năm gần đây Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung một số luật có nội dung liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội trong quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần phải khắc phục kịp thời. Như trước đây chỉ quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng không quy định rõ về thời hạn thực hiện, dẫn đến việc tùy nghi, không đồng bộ, thống nhất trong cả nước.

Hay biểu mẫu báo cáo kết quả công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm còn chung chung, chưa cụ thể nên khó khăn cho đại biểu trong việc đánh giá mức độ tín nhiệm.

Theo đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai), Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho biết, việc Quốc hội nghiên cứu sửa Nghị quyết số 85/2014/QH13 là để có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa, kỹ lưỡng, chặt chẽ cho công tác lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và HĐND.

"Đại biểu Quốc hội đánh giá cao Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị với nhiều điểm mới cho thấy sự quyết liệt, trực tiếp của lấy phiếu tín nhiệm đối với đánh giá cán bộ, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước; tạo sự lan tỏa, nhất là sau khi Ban Chấp hành Trung ương lấy phiếu tín nhiệm với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ vừa qua" - Đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.

Đánh giá việc trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 5 là sự chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng, bám sát Quy định số 96-QĐ/TW, ông Trịnh Xuân An cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội sẽ có sức lan toả, tạo dấu ấn nhất định và thể hiện vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Ở góc độ là đại biểu Quốc hội – người sẽ đại diện cử tri thảo luận, thông qua nghị quyết cũng như trực tiếp bỏ lá phiếu thể hiện chính kiến, ông Trịnh Xuân An bày tỏ quan tâm khâu chuẩn bị để đại biểu có thông tin đầy đủ nhằm đánh giá sát, đúng, đầy đủ, chính xác với đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm, tránh ý kiến cho rằng thiếu khách quan, cảm tính.

"Đánh giá công tâm, khách quan, đầy đủ, toàn diện mà không có ai rơi vào “vùng nguy hiểm” thì tốt. Giả sử vị trí nào có nhiều “tín nhiệm thấp” thì cũng là đánh giá sát của Quốc hội. Với cách làm việc của Quốc hội hiện nay là công tâm, khách quan, sát sao với hoạt động của các vị trí do Quốc hội bầu, phê chuẩn thì việc chuẩn bị tốt giúp đánh giá đầy đủ và chính xác” – Đại biểu Trịnh Xuân An nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

Lấy phiếu tín nhiệm là yếu tố thể hiện tinh thần trách nhiệm cao

Cùng trao đổi về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao công tác chuẩn bị cho hoạt động lấy phiếu tín nhiệm. Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm của Quốc hội đối với người được bầu, phê chuẩn giữ chức vụ; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Theo đại biểu, người được lấy phiếu nếu có tín nhiệm cao thì cần tiếp tục phát huy, tín nhiệm chưa cao phải soi lại mình để làm sao thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao phó.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, lấy phiếu tín nhiệm là yếu tố thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, để lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng tốt hơn, là cơ sở rất tốt cho thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu đề ra của nhiệm kỳ.

"Quốc hội sẽ thảo luận kỹ để hoàn thiện quy định trước khi ban hành. Bên cạnh trách nhiệm của đại biểu Quốc hội thì quan trọng là kênh thông tin, có căn cứ định lượng để đánh giá khách quan, chính xác đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm" - đại biểu cho biết.

Theo quy định, Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ. Quốc hội khóa XV sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay./.

Theo: toquoc.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Thông cáo báo chí Kỳ họp thứ 40 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Ngày đăng 24/04/2024
Trong các ngày 23 và 24/4/2024, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 40. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp. Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau:

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế đến năm 2026

Ngày đăng 24/04/2024
Sáng 24/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng đã diễn ra Hội nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế (phiên họp thứ 3). Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế chủ trì Hội nghị. 

Sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực

Ngày đăng 23/04/2024
Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội lựa chọn 1 chuyên đề giám sát tối cao và 1 chuyên đề giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát trong năm 2025, gồm: việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Triển lãm trực tuyến "Điện Biên theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ”

Ngày đăng 22/04/2024
Triển lãm trực tuyến "Điện Biên theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ” sẽ được công bố từ 9h30 ngày 26/4/2024 tại địa chỉ: archives.org.vn; facebook.com/luutruquocgia1; dienbien.gov.vn; snv.dienbien.gov.vn nhằm giới thiệu hơn 300 tài liệu, hình ảnh từ các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, Trung tâm Lưu trữ lịch sử và Bảo tàng tỉnh Điện Biên, Viện Nghiên cứu Hán - Nôm, Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp và một số cơ quan, đơn vị tỉnh Điện Biên phản ánh lịch sử tỉnh Điện Biên từ thuở sơ khai đến nay, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố. 

Những sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin

Ngày đăng 22/04/2024
Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học cho rằng, việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin là một trong những yếu tố, cơ sở lý luận quan trọng, bảo đảm thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.