Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị chuyên đề “Giải pháp nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân về giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp”, ngày 20/7/2022. Ảnh minh họa: mattran.org.vn |
Cơ sở chính trị, pháp lý về vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Hiến pháp năm 2013 và Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã quy định về vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và thể chế quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Quyết định số 217-QĐ/TW, các khoản 4, 5, 6 Điều 3 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định, MTTQ Việt Nam có nghĩa vụ tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; thực hiện giám sát và phản biện xã hội; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 để quy định chi tiết về giám sát và các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Để xác định rõ hơn trách nhiệm giám sát của MTTQ, ngày 02/02/2018, Ban Bí thư ban hành Quy định số 124-QĐ/TW về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Ngày 15/01/2020, Bộ Chính trị ban hành Thông báo Kết luận số 160-KL/TW về tiếp tục thực hiện Kết luận số 62-KL/TW ngày 08/02/2009 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó đề cập rõ vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc giám sát tổ chức đảng và chính quyền các cấp. Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc...; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân”(1).
Theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 và Nghị quyết số 1111/2020/QH14 ngày 09/12/2020 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 01/7/2021 có 16 quận và 249 phường sẽ thực hiện tổ chức chính quyền đô thị. Trong bối cảnh đó, việc phát huy vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam đối với chính quyền đô thị các cấp của Thành phố càng trở nên quan trọng và cần thiết.
Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động giám sát chính quyền các cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh
Trong giai đoạn từ năm 2009-2015, khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở tất cả các quận, huyện, phường, hoạt động giám sát vẫn tiếp tục được phát huy thông qua các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp và đặc biệt là thông qua vai trò của hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp của Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, việc thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân trên địa bàn Thành phố vẫn tiếp tục được bảo đảm, một số mặt thực hiện dân chủ cơ sở được tăng cường, kinh tế - xã hội phát triển, an ninh, quốc phòng được giữ vững, đời sống người dân không ngừng tăng lên.
Giai đoạn từ năm 2015-2020, MTTQ Việt Nam các cấp của Thành phố đã chủ trì tổ chức giám sát ở 20 nội dung, với 3.236 cuộc giám sát chuyên đề và đột xuất(2), trong đó tập trung vào các lĩnh vực mà người dân quan tâm hoặc còn bức xúc như: về quản lý và sử dụng đất đai; công tác cải cách hành chính gắn với việc thực hiện khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với công tác cải cách hành chính; việc thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn gắn với việc thực hiện 06 tiêu chí của Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI); giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật của cơ sở y tế tư nhân và các cơ sở giữ trẻ hoạt động ngoài công lập; vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm... Qua đó góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Qua hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp giúp các cơ quan có thẩm quyền hoạch định, thực thi có hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật, góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ổn định tình hình, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Nhằm tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, tích cực đóng góp xây dựng đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, khắc phục những hạn chế trong công tác giám sát, đặc biệt khi Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội, Thành ủy Thành phố đã ban hành Đề án số 06-ĐA/TU ngày 20/8/2021 về “Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp Thành phố Hồ Chí Minh” và Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 20/8/2021 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về lãnh đạo thực hiện Đề án này.
Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố xây dựng kế hoạch triển khai trong toàn hệ thống Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và các tổ chức thành viên. Đồng thời xây dựng hướng dẫn triển khai thực hiện nhằm định hướng hoạt động giám sát và phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tích cực tham gia xây dựng đảng bộ, chính quyền các cấp của Thành phố trong sạch, vững mạnh, đặc biệt khi Thành phố tổ chức thực hiện chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội(3).
Qua thời gian triển khai, hệ thống MTTQ của Thành phố đã ghi nhận, xem xét và giải quyết ngay ý kiến đóng góp của người dân liên quan đến các lĩnh vực về kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, lòng lề đường, vệ sinh môi trường, cung cách phục vụ của cán bộ, công chức trực tiếp nhận và tham mưu giải quyết hồ sơ của người dân… Cụ thể, đã chọn 09 đơn vị làm điểm tổ chức giám sát, bao gồm thành phố Thủ Đức, Quận 1, Quận 5, Quận 7, Quận 11, quận Phú Nhuận, quận Tân Phú, huyện Củ Chi và huyện Nhà Bè. Đồng thời, tổ chức giám sát một cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy và một cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp; giám sát một đảng ủy cấp xã và một chủ tịch UBND cấp xã.
Bên cạnh đó, Thành phố còn đẩy mạnh các hoạt động giám sát tập trung vào những vấn đề được người dân quan tâm, như việc tuyển dụng, bố trí, quy hoạch điều chuyển vị trí công tác viên chức, giáo viên; giám sát thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố; thực hiện phát triển y tế cộng đồng, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên địa bàn. Trong đó, chú trọng việc kiện toàn mạng lưới trạm y tế phường và vận hành trạm y tế lưu động trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng đô thị; công tác cải cách thủ tục hành chính; việc thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng về kinh tế đã có bản án; việc thực hiện cấp giấy căn cước công dân. Ủy ban MTTQ Việt Nam phường, xã, thị trấn đã tổ chức 159 cuộc giám sát, trong đó Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 24, Phường 28, quận Bình Thạnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát đối với chi ủy chi bộ khu dân cư về việc thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy(4).
Tuy nhiên, trong hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của Thành phố thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: kết luận giám sát vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, chưa mạnh dạn góp ý những hạn chế, yếu kém của cấp ủy, chính quyền các cấp; nhiều kiến nghị của người dân kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm; kinh phí thực hiện giám sát chưa đảm bảo; một số nơi còn trùng lắp đơn vị, nội dung với các hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thầm quyền khác; nhiều đề xuất kiến nghị sau giám sát chưa được các cấp chính quyền quan tâm xem xét, giải quyết và phản hồi một cách thỏa đáng...
Giải pháp tiếp tục phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác giám sát của MTTQ đối với hoạt động của chính quyền các cấp. Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo tại Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, tiếp tục tuyên truyền sâu, rộng trong các tầng lớp nhân dân và hệ thống chính trị của Thành phố. Quán triệt các tổ chức đảng và chính quyền Thành phố thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 20/8/2021 và Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 20/8/2021 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam Thành phố cần lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội các cấp xây dựng hướng dẫn thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU, trong đó nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá sự hợp tác cung cấp thông tin, tổ chức tiếp đoàn giám sát, báo cáo nội dung theo yêu cầu giám sát; tiếp thu, giải quyết các kiến nghị sau giám sát của đối tượng được giám sát. Kiến nghị cấp ủy, đơn vị các cấp đưa vào thành tiêu chí đánh giá, bình xét danh hiệu thi đua đối với những chủ thể thuộc đối tượng được giám sát nhưng không đảm bảo các tiêu chí này.
Hai là, nâng cao trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy đối với MTTQ Việt Nam các cấp trong giám sát các hoạt động của chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu. Chính quyền Thành phố cần tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống MTTQ Thành phố thực hiện các hoạt động giám sát, góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền; đồng thời trực tiếp chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, phản ánh trong kết luận giám sát do MTTQ đề xuất và trả lời kết quả giải quyết theo đúng quy định. Chủ động định hướng, đề nghị MTTQ Việt Nam các cấp chọn đối tượng, nội dung cụ thể để xây dựng kế hoạch giám sát hoạt động của UBND cùng cấp (đặc biệt là quận, phường - nơi không tổ chức HĐND). Các cấp ủy đảng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện công tác giám sát của MTTQ Việt Nam cùng cấp, tích cực theo dõi kết quả việc thực hiện các kiến nghị, đề xuất sau giám sát; sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm chia sẻ mô hình, cách làm mới, đạt hiệu quả trong hoạt động giám sát.
Ba là, MTTQ Việt Nam Thành phố cần triển khai thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Chủ động và đa dạng hóa cách thức tiếp cận, nắm bắt nguyện vọng của Nhân dân; tập hợp chính xác, đầy đủ các kiến nghị từ phía cử tri. Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là vai trò người đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Kịp thời thông tin để Nhân dân biết về kết quả của cơ quan có thẩm quyền giải quyết những bức xúc, kiến nghị từ người dân. Phát huy hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam ở quận, phường trong quá trình tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội nhằm thực hiện dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân Thành phố.
Bốn là, phát huy vai trò của MTTQ các cấp tham gia giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư theo Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 23/10/2013 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về tiếp tục thực hiện Quy chế giám sát cán bộ, đảng viên ở khu dân cư của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Các hoạt động giám sát cần tập trung vào việc tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân các cấp trên địa bàn Thành phố về những vấn đề “nóng” mà người dân quan tâm trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; công khai chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Chú trọng giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 và Nghị quyết số 1111/2020/QH14 ngày 09/12/2020.
Năm là, nâng cao năng lực, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận, đoàn thể cả về trình độ chuyên môn, năng lực dự báo, phân tích, kỹ năng tổng hợp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng giám sát, phản biện xã hội. Nghiên cứu xây dựng các mô hình giám sát của MTTQ Việt Nam đối với từng đối tượng giám sát cụ thể và đưa vào nội dung bồi dưỡng, tập huấn; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của ban công tác mặt trận, chi hội đoàn thể khu phố, tổ dân phố.
Sáu là, bảo đảm điều kiện về tổ chức, biên chế bộ máy giúp việc; cơ sở vật chất, tài chính… để công tác giám sát của MTTQ được triển khai thuận lợi. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giám sát của đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp trên địa bàn Thành phố. Nâng cao hiệu quả trang thông tin điện tử của MTTQ Việt Nam các cấp; có chuyên mục đăng tải thông tin hoạt động giám sát, phản biện xã hội để cung cấp chính xác, kịp thời tới người dân./.
------------------
Ghi chú:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.172.
(2) Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Đề án số 06-ĐA/TU ngày 20/8/2021 về “Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp Thành phố Hồ Chí Minh”.
(3) UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo số 128/BC-UBND ngày 15/7/2022 sơ kết 01 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
(4) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh: Bàn giải pháp nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong giám sát tổ chức đảng, đảng viên. Xem http://mattran.org.vn.
TS Quách Thị Minh Phượng - Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
tcnn.vn
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục