Hà Nội, Ngày 15/09/2024

Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra công vụ đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ

Ngày đăng: 05/06/2023   08:25
Mặc định Cỡ chữ
Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoạt động thực sự hiệu quả cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó thanh tra công vụ là giải pháp rất quan trọng và hiệu quả. Mặt khác, việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra công vụ có ý nghĩa và tác động lớn đến việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong trong công tác cán bộ hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng chủ trì buổi công bố quyết định thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về về tuyển dụng công chức, tiếp nhận vào làm công chức, bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý, nâng ngạch công chức tại tỉnh Bình Phước, ngày 04/4/2023. Ảnh minh họa

 

Công tác tổ chức cán bộ là gốc rễ của quyền lực 

Tham nhũng, tiêu cực trong khu vực công được thực hiện bởi cá nhân hoặc nhóm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong cơ quan nhà nước. Muốn thực hiện được hành vi tham nhũng, cá nhân hoặc nhóm đó phải có quyền lực; nghĩa là trước hết người có hành vi tham nhũng phải được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm… vào làm CBCCVC trong các cơ quan nhà nước. Sau khi có vị trí việc làm trong cơ quan nhà nước, CBCCVC sẽ được trao, giữ những chức vụ, chức danh, vị trí nhất định, qua đó phát sinh quyền lực. 

Như vậy, công tác tổ chức cán bộ là gốc rễ của quyền lực và có tác động toàn diện đến việc phát sinh hành vi tham nhũng, tiêu cực trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Công tác tổ chức cán bộ được Đảng, Nhà nước ta xác định là “then chốt của then chốt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” và “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1). Xét đến cùng, muốn thực hiện bất kỳ một nhiệm vụ, công việc nào thì cũng phải thông qua hành vi của con người; nếu làm tốt công tác tổ chức cán bộ, tạo được một đội ngũ CBCCVC trong sạch, vững mạnh, “vừa hồng, vừa chuyên”, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” thì các hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ được giảm thiểu tối đa và từng bước đi đến loại trừ.

Để kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó phải chú trọng nâng cao hiệu quả công tác thanh tra công vụ. Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (sửa đổi, bổ sung năm 2019) quy định: thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức; thanh tra việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, đánh giá, thôi việc, nghỉ hưu, khen thưởng, xử lý kỷ luật công chức, đạo đức, văn hóa giao tiếp trong thi hành công vụ của công chức và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động công vụ. Như vậy, bản chất của thanh tra công vụ chính là thanh tra về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý CBCCVC trong các cơ quan nhà nước.

Để công tác thanh tra công vụ đạt hiệu quả, cần nhận diện các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, từ đó xác định nội dung, phạm vi, mục tiêu khi tiến hành thanh tra công vụ. Ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, trong đó nội dung cốt lõi là “sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ”. Nghị quyết Ðại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”; “Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền”(2). 

“Đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính”. Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị.

Cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, quy định, kết luận nhằm tăng cường kiểm soát quyền lực, như: Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01/8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực... nhằm nâng cao tính giáo dục, đề cao lòng tự trọng, xây dựng văn hóa công minh, chính trực trong công tác cán bộ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong công tác cán bộ. Các văn bản rất quan trọng này của Đảng cũng là căn cứ để tiến hành thanh tra công vụ về công tác tổ chức cán bộ.

Bên cạnh đó, Đảng ta cũng ban hành nhiều văn bản quan trọng để quán triệt quan điểm chỉ đạo kiên quyết xử lý dứt điểm, nghiêm minh các sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, nhất là đối với những khâu dễ phát sinh tiêu cực như tuyển dụng công chức, viên chức; đề bạt, bổ nhiệm công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý(3). Theo đó, tất cả các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị tiến hành kiểm tra, rà soát các trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm sai quy định; kiên quyết xử lý với hình thức thu hồi, hủy bỏ các quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm sai quy định, đồng thời xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm. Từ nhiều năm nay, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện việc tự kiểm tra, rà soát các trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm sai quy định để xử lý dứt điểm. 

Trong những năm qua, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, đẩy mạnh việc kiểm soát quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, trong đó có nhiều quy định về việc phòng, chống tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ; ban hành Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi với nhiều nội dung mới được bổ sung để phù hợp với tình hình mới và nhất là yêu cầu trong việc xây dựng đội ngũ CBCCVC trong sạch, liêm chính, đẩy lùi các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 11/3/2022 về Chương trình hành động thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa XIII để xác định các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về công tác cán bộ. Theo đó, Chính phủ xác định cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, trong đó tiếp tục hoàn thiện pháp luật về sử dụng, quản lý đội ngũ CBCCVC theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm đồng bộ, liên thông với quy định của Đảng về công tác cán bộ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm CBCCVC vi phạm. Đồng thời, Chính phủ ban hành nhiều nghị định để sửa đổi, bổ sung những nội dung mới trong công tác tổ chức cán bộ, nhất là trong công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý CBCCVC nhằm khắc phục, hạn chế tối đa các tiêu cực trong công tác tuyển dụng công chức(4). Bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thanh tra công vụ, Chính phủ đã chỉ đạo, yêu cầu Bộ Nội vụ tập trung, đẩy mạnh công tác thanh tra về tổ chức cán bộ, cụ thể là việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý CBCCVC. 

Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra công vụ

Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, Bộ Nội vụ thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra công vụ. Lãnh đạo Bộ Nội vụ đã quan tâm, từng bước bổ sung thêm nhân lực cho Thanh tra Bộ Nội vụ để tăng cường số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ (đến năm 2022, Thanh tra Bộ đã được giao hơn 30 chỉ tiêu biên chế). Do có hành lang pháp lý đủ mạnh và nhân lực, tổ chức được tăng cường, cho nên số lượng và chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra của Thanh tra Bộ Nội vụ cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ Nội vụ đã tiến hành hơn 100 cuộc thanh tra về công tác tổ chức cán bộ, tập trung vào thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức; việc tuyển dụng công chức, viên chức; bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, số lượng cấp phó tại các cơ quan, đơn vị; nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức… 

Bên cạnh việc chỉ ra những sai phạm và kiến nghị biện pháp xử lý, Bộ Nội vụ đã chỉ ra nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm, từ đó kiến nghị các cơ quan, đơn vị làm rõ trách nhiệm, mức độ, động cơ vi phạm để có hình thức xử lý theo quy định; qua đó từng bước ngăn chặn, phòng, chống tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều văn bản của các bộ, ngành, địa phương quy định, hướng dẫn đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ có nội dung trái quy định chung; không đầy đủ và chậm được sửa đổi, bổ sung. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm cho công tác tổ chức cán bộ thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Thanh tra Bộ Nội vụ cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm và hướng dẫn đối tượng thanh tra thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật nên việc thực thi pháp luật CBCCVC của các bộ, ngành, địa phương đã có bước chuyển biến tích cực.  

Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, nhưng trên thực tế hoạt động thanh tra công vụ hiện nay vẫn còn một số hạn chế như:

Thứ nhất, mặc dù từng bước được tăng cường, nhưng so với số lượng đối tượng thanh tra, số lượng công chức làm công tác thanh tra về tổ chức cán bộ còn mỏng (Thanh tra Bộ Nội vụ) so với hơn 100 đầu mối là các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và hơn 600 hội, quỹ cũng như một số đối tượng thanh tra khác; tại Thanh tra Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hầu hết chỉ có từ 03 đến 05 công chức làm công tác thanh tra) nên việc tăng cường số lượng các cuộc thanh tra; nâng cao, mở rộng nội dung thanh tra bị hạn chế.

Thứ hai, bởi tính chất đặc thù nên thanh tra, kiểm tra về tổ chức cán bộ không có chế tài xử phạt. Do vậy, hiệu lực, hiệu quả, tính răn đe đối với đối tượng thanh tra, nhất là những đối tượng để xảy ra khuyết điểm, sai phạm chưa cao. Bên cạnh đó, chế tài xử lý đối với những sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ chưa quyết liệt, đồng bộ. Hiện nay, việc xử lý các sai phạm trong công tác bổ nhiệm mới chỉ được quy định trong các văn bản của Đảng như: Thông báo kết luận số 43-TB/TW, Thông báo Kết luận số 48-TB/TW, Kết luận số 71-KL/TW, Kết luận số 27-KL/TW và Quy định số 205-QĐ/TW, cụ thể là những sai phạm trong công tác bổ nhiệm thì có thể bị xem xét thu hồi, hủy bỏ. Trong khi đó, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định về việc thu hồi, hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm sai quy định. 

Mặt khác, pháp luật về công tác tổ chức cán bộ chưa quy định, hướng dẫn các biện pháp để xử lý các sai phạm pháp hiện qua thanh tra, kiểm tra. Từ khi phát hiện sai phạm khi thanh tra cho đến khi có kết luận thanh tra phải mất một khoảng thời gian khá dài, trong thời gian đó, người được bổ nhiệm sai quy định vẫn được thực thi chức trách, quyền lực của chức vụ mình nắm giữ và có thể xảy ra tình trạng lợi dụng thời gian này để “chạy sai phạm”, “chạy kết luận”. 

Thứ ba, hiện nay, công tác tổ chức cán bộ được phân cấp, ủy quyền, đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, hoạt động giám sát của cấp có thẩm quyền ít khi được triển khai thực hiện trong công tác tổ chức cán bộ (trừ hoạt động thanh tra, kiểm tra), do đó dễ phát sinh tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ. Nhiều cuộc thanh tra về công tác tuyển dụng của Thanh tra Bộ Nội vụ cho thấy theo báo cáo của Ban giám sát thì việc tuyển dụng thực hiện theo quy định; nhưng qua thanh tra vẫn phát hiện nhiều sai phạm và có nhiều kỳ tuyển dụng phải kiến nghị thu hồi, hủy bỏ quyết định tuyển dụng.

Hiện nay, việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra về công tác tổ chức cán bộ tại Bộ Nội vụ và Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn có hạn chế nhất định, nguyên nhân chính là do không có đủ nhân lực, nên hầu hết việc giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra do Chánh Thanh tra trực tiếp thực hiện. Tuy nhiên, Chánh Thanh tra không thể giám sát liên tục, thường xuyên hoạt động của Đoàn thanh tra được. Do vậy, những lúc không có hoạt động giám sát thì thành viên Đoàn thanh tra có thể có điều kiện để thực hiện các hành vi tiêu cực (như nhận hối lộ của đối tượng thanh tra để bỏ lỗi, vi phạm ra khỏi biên bản; nhũng nhiễu, vòi vĩnh đối tượng thanh tra…).

Thứ tư, việc thanh tra, kiểm tra công vụ còn chồng chéo, trùng lặp, trong khi có lĩnh vực cần được tiến hành thanh tra nhưng vẫn bị bỏ trống, dẫn đến sai phạm không được phát hiện, xử lý kịp thời; chất lượng, hiệu quả, hiệu lực thanh tra chưa cao do quá trình thanh tra, phát hiện sai phạm nhưng vẫn được bỏ qua do một số thành viên đoàn thanh tra có tâm lý nể nang, né tránh.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do pháp luật về công tác tổ chức cán bộ còn có những hạn chế, như Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về một số nội dung trong công tác cán bộ còn chậm, có nội dung chưa thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng”(5). Bên cạnh đó, công tác tổ chức cán bộ còn phải thực hiện theo chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng, song hiện nay quy định của Đảng về công tác tổ chức cán bộ thường ban hành trước, còn pháp luật chậm được ban hành hoặc sửa đổi, thay thế để đồng bộ với quy định của Đảng. Ngay trong pháp luật về tổ chức cán bộ cũng còn có nội dung chồng chéo, bỏ sót hoặc không phù hợp với thực tiễn gây khó khăn cho việc tiến hành thanh tra công vụ.

Giải pháp nâng cao hiệu quả thanh tra công vụ thời gian tới

Trong thời gian tới, quán triệt chủ trương đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra công vụ để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, công tác thanh tra công vụ cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp trọng tâm sau đây:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định của pháp luật về hoạt động thanh tra công vụ (vì đến nay mới chỉ được quy định 02 điều tại Luật Cán bộ, công chức; chưa có nghị định và các văn bản khác quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành) để làm rõ nội dung, phạm vi, thẩm quyền khi triển khai thực hiện. Cơ chế phối hợp trong hoạt động thanh tra công vụ cần được chú trọng để tránh chồng chéo, trùng lặp. 

Hai là, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung thanh tra công vụ, nhất là công tác tổ chức cán bộ; đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định, hướng dẫn của Đảng, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, bỏ sót; cần sớm xây dựng chế tài xử lý cụ thể, nghiêm minh đối với từng hành vi vi phạm trong công tác tổ chức cán bộ để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.

Ba là, đổi mới phương thức hoạt động thanh tra công vụ, cần linh hoạt thay đổi phương pháp và cách thức thực hiện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của xã hội và kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực; tổ chức triển khai thanh tra sâu, rộng, tùy theo tính chất, điều kiện của từng cơ quan, tổ chức, có thể lựa chọn cách thức thanh tra theo từng chuyên đề và mở rộng phạm vi thanh tra với các lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm, được xã hội quan tâm, dư luận xã hội phản ánh làm sáng tỏ các sai phạm, cũng như làm rõ nội dung thanh tra.

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra công vụ khi phát hiện đối tượng thanh tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo... qua đó làm rõ hành vi vi phạm pháp luật, mức độ vi phạm cũng như đưa ra hình thức xử lý đối với người có hành vi vi phạm kịp thời, nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, bảo đảm cho cán bộ, công chức có ý thức trách nhiệm cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. 

Năm là, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ để nhận diện được hành vi lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ, cũng như hành vi chạy chức, chạy quyền nhằm phát hiện kịp thời các sai phạm, các vấn đề cần khắc phục liên quan đến công tác cán bộ.

Sáu là, nghiên cứu, từng bước hoàn thiện việc đảm bảo tính độc lập cho hoạt động thanh tra nói chung và thanh tra công vụ nói riêng; cơ quan thanh tra có đủ thẩm quyền để có thể xử lý nhanh, hiệu quả những vi phạm phát hiện qua hoạt động thanh tra công vụ./.

--------------

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.309.

(2),(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.190, tr.91.

(3) Thông báo kết luận số 43-TB/TW ngày 28/12/2017 của Bộ Chính trị; Kết luận số 48-KL/TW ngày 26/4/2019, Kết luận số 71-KL/TW ngày 24/3/2020 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 29/03/2022 của Ban Bí thư. 

(4) Nghị định số 138/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 06/2023/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức… 

 

TS Vũ Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Lãnh đạo và chức năng của lãnh đạo

Ngày đăng 13/09/2024
Tóm tắt: Lãnh đạo là hoạt động tất yếu của đời sống xã hội nhằm liên kết, phát huy tối đa tiềm năng của một nhóm, một cơ quan, tổ chức hay cộng đồng trong hoạt động thực tiễn. Hoạt động lãnh đạo là quá trình tương tác giữa chủ thể lãnh đạo với đối tượng trong quá trình thực hiện mục tiêu với vai trò chủ đạo của người lãnh đạo. Để đảm bảo cho sự vận hành quá trình lãnh đạo, chủ thể lãnh đạo - nhất là người đứng đầu cần nắm vững chức năng lãnh đạo thuộc chức trách, nhiệm vụ và thẩm quyền, trách nhiệm của mình. Từ khóa: Lãnh đạo, chức năng lãnh đạo, mục tiêu lãnh đạo.

Coi trọng tiêu chí liêm chính trong tạo nguồn và quy hoạch cán bộ

Ngày đăng 06/09/2024
PGS.TS Vũ Văn Phúc cho rằng, cần coi trọng các tiêu chí về sự liêm, chính của nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch và của cán bộ trong quy hoạch; thu hút sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, có biểu hiện rõ về sự liêm, chính, có tâm huyết vào nhà nước.

Các tài liệu lưu trữ cần được và phải được phát huy giá trị

Ngày đăng 07/08/2024
Ngày 21/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Lưu trữ. Ngày 01/7/2024, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký Lệnh số 03/2024/L-CTN về việc công bố Luật Lưu trữ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Phóng viên Tạp chí Tổ chức nhà nước đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước về một trong những điểm mới của Luật Lưu trữ năm 2024 là quy định về phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.

Phát huy nguồn lực của các tôn giáo trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Ngày đăng 04/07/2024
Bài viết tập trung làm rõ thực trạng phát huy vai trò của các tôn giáo trong thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, khẳng định cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam luôn sát cánh, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia kháng chiến, kiến quốc và phát triển đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục phát huy vai trò, nguồn lực của các tôn giáo để góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đổi mới phương pháp tuyên truyền về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng để góp phần hạn chế vi phạm về tư tưởng chính trị của tổ chức đảng và đảng viên

Ngày đăng 21/06/2024
Những năm qua, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã quan tâm, chú trọng đến hoạt động tuyên truyền, phổ biến về công tác kiểm tra, giám sát, đem lại những hiệu quả thiết thực, có tác dụng cảnh báo, ngăn ngừa, hạn chế vi phạm của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng, đặc biệt là những vi phạm về tư tưởng chính trị. Qua đó đã giúp cho công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ngày càng được triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có chất lượng, hiệu quả; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.