![]() |
Quang cảnh Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến nhận định, tại Việt Nam, biển đóng vai trò trọng yếu cả về kinh tế và an ninh. Do vậy, phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế đất nước. Kinh tế biển góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của mỗi địa phương và đất nước; giúp khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động địa phương, tăng thu nhập, đảm bảo an ninh quốc phòng và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, Đà Nẵng là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển, với 6/8 quận, huyện của thành phố tiếp giáp với biển, có hơn 92 km bờ biển, 80% dân số đang sinh sống tại các quận, huyện ven biển. Xác định được vị trí và tầm quan trọng của kinh tế biển, trong thời gian qua, thành phố đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững kinh tế biển.
“Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn về phát triển kinh tế biển cùng trao đổi, thảo luận và làm rõ thực trạng phát triển kinh tế biển ở Việt nam nói chung, khu vực Trung Bộ nói riêng, các hạn chế rào cản trong phát triển kinh tế biển, từ đó có những kiến nghị đề xuất phát triển bền vững kinh tế biển trong thời gian đến”, Phó Chủ tịch Ngô Thị Kim Yến chia sẻ; đồng thời, đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến đóng góp, kiến nghị tại Hội thảo, báo cáo đề xuất, tham mưu UBND thành phố xem xét áp dụng vào điều kiện thực tế của địa phương.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Trần Thị Lan Hương, Trưởng ban Quản lý khoa học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, sau 15 năm gia nhập WTO (2007 - 2022), Việt Nam đã có những bước tiến dài trên con đường hội nhập kinh tế toàn cầu. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020 và tăng hơn 7 lần so với năm 2006. Trong đó, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 11 tỷ USD, chiếm 9-10% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia, đứng thứ 5 về giá trị xuất khẩu trong nước, góp phần giải quyết việc làm cho gần 5 triệu lao động và đóng góp khoảng 5% GDP cả nước. Ngoài ra, du lịch biển, đảo mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước.
Kinh tế biển là ưu tiên số một trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 khoá XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế Biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”. Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.
Theo PGS.TS Trần Thị Lan Hương, trong thời gian qua, đã có nhiều hội thảo khoa học được tổ chức để bàn về phát triển kinh tế biển. Các hội thảo này bước đầu làm rõ một số vấn đề lý luận thực tiễn và đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển hiện nay còn nhiều vấn đề đặt ra như xung đột về lợi ích giữa kinh tế - xã hội và môi trường, giữa việc khai thác sử dụng tài nguyên và cạn kiệt nguồn tài nguyên, giữa các ngành, giữa các địa phương với phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và sự đa dạng sinh học, việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý tập trung thảo luận, làm rõ vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế biển gắn với chủ quyền biển, đảo và những thuận lợi, khó khăn; thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, tiềm năng và lợi thế; việc phát triển nuôi trồng và khai thác hải sản ven biển và vấn đề bảo tồn sự đa dạng sinh học và phát triển bền vững; việc liên kết phát triển logistic ở Việt Nam; vấn đề sinh kế của cư dân ven biển; đề xuất một số định hướng, giải pháp nhằm phát triển kinh tế biển ở Việt Nam hiện nay./.
Theo: danang.gov.vn
Tin tức cùng chuyên mục