Thành phố Đà Nẵng triển khai ứng dụng Nền tảng Công dân số (My Portal Đà Nẵng). |
Những kết quả đạt được trong giai đoạn 2020-2022
Việc triển khai thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở thành phố Đà Nẵng đã thực hiện đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ và yêu cầu đặt ra, việc chuyển tiếp thực hiện nhiệm vụ giữa hai giai đoạn không có vướng mắc, phát sinh lớn làm ảnh hưởng hay cản trở đến công tác quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân (UBND) quận, phường. Thành ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức quán triệt tạo nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân; sớm hoàn thiện các văn bản tạo cơ sở pháp lý cho quá trình thực hiện thí điểm. Công tác bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, công tác cán bộ khi triển khai thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị về cơ bản đã hoàn thành. Việc sắp xếp, bố trí các chức danh, tinh giản biên chế phù hợp với trình độ chuyên môn và nguyện vọng của từng cán bộ, công chức, viên chức; đến nay, đa số cán bộ, công chức, viên chức đã được sắp xếp, bố trí lại công việc, nên yên tâm công tác và bước đầu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Việc áp dụng thí điểm mô hình chính quyền đô thị một cấp (cấp thành phố) và chỉ tổ chức cơ quan hành chính ở quận, phường đáp ứng được yêu cầu tinh gọn bộ máy, tăng khả năng phản ứng nhanh nhạy của chính quyền đối với các vấn đề thực tiễn đang đặt ra sẽ tạo điều kiện phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo; đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền thành phố. Các cơ quan chuyên môn được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phân định rõ thẩm quyền, đặc biệt là của người đứng đầu đơn vị, qua đó tăng trách nhiệm giải trình của chính quyền; hình thành phương thức quản lý và cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp; tăng cường chức năng, nhiệm vụ của UBND quận, phường trên địa bàn thành phố.
Sau hơn 01 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, mặc dù chịu sự tác động của đại dịch Covid-19 trong năm 2021 và năm 2022, nhưng “Tình hình kinh tế - xã hội của thành phố vẫn phát triển khởi sắc, GRDP cả năm 2022 tăng 14,05% so với năm 2021, xếp thứ ba cả nước về tốc độ tăng GRDP. Đà Nẵng là một trong số các địa phương có mức độ phục hồi kinh tế khá nhanh, quy mô nền kinh tế thành phố năm 2022 (giá hiện hành) đạt hơn 125.219 tỷ đồng, quy mô tăng thêm hơn 17.381 tỷ đồng so với năm 2021 và 14.032 tỷ đồng so với năm 2019. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 23.578 tỷ đồng, bằng 120,1% dự toán, tăng 3,1% so với năm 2021… Thành phố năm thứ 2 liên tiếp đứng đầu cả nước về chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số); năm thứ 3 liên tiếp đạt giải Nhất về “Thành phố thông minh Việt Nam”; xếp hạng Ba cả nước về chỉ số cải cách hành chính”(2).
Đạt được những kết quả tích cực và quan trong nêu trên là nhờ sự quyết tâm vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị nhằm nâng cao hiệu quả cải cách hành chính trong tiến trình thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại địa phương. Cụ thể là:
Thứ nhất, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố đối với công tác cải cách hành chính (CCHC) thông qua nhiều kế hoạch đúng đắn và kịp thời. Đặc biệt, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1976/QĐ-UBND ngày 25/7/2022 về quy định quy trình đánh giá xếp hạng cải cách hành chính đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố và Quyết định số 2188/QĐ-UBND ngày 17/8/2022 về việc thay thế Bộ Chỉ số theo dõi, đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính trên địa bàn thành phố. Điểm mới trong việc triển khai đánh giá xếp hạng lần này là thời gian được rút ngắn 30 ngày, theo đó triển khai từ đầu quý IV của năm trước và Báo cáo kết quả xếp hạng trong quý I năm liền kề, kết quả đánh giá xếp hạng CCHC là một trong những tiêu chí để đánh giá người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thứ hai, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, nổi bật nói trên, thành phố Đà Nẵng đã có những mô hình, sáng kiến, giải pháp mới trong cải cách hành chính được thí điểm, nhân rộng và triển khai có hiệu quả tại địa phương. Cụ thể như sau:
Một là, triển khai kiểm tra trực tuyến, kết hợp kiểm chứng thực tế các đơn vị, địa phương để đánh giá xếp hạng CCHC, văn thư lưu trữ và ứng dụng công nghệ thông tin năm 2021 trên địa bàn; trình UBND thành phố kết quả đánh giá xếp hạng năm 2021 của các cơ quan, đơn vị. Hiện nay đang triển khai đánh giá xếp hạng năm 2022 (đã hoàn thành kiểm tra khối cơ quan Trung ương và UBND các quận, huyện).
Hai là, thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn thành phố đến 100% thôn, tổ dân phố, khu dân cư. Mỗi tổ có từ 5 đến 9 thành viên do Tổ trưởng/Bí thư chi bộ làm Tổ trưởng, cùng với sự tham gia của Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và nhân viên các doanh nghiệp số. Đến nay, đã có 2.424 Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập trong tổng số 56/56 phường, xã, với khoảng 13.000 thành viên.
Ba là, xây dựng và triển khai ứng dụng Nền tảng Công dân số thành phố Đà Nẵng (My Portal Đà Nẵng), theo đó ứng dụng chính thức triển khai từ ngày 12/9/2022 tại địa chỉ https://congdanso.danang.gov.vn/; https://myportal.danang.gov.vn. Nền tảng Công dân số cũng được tích hợp trên ứng dụng DaNang Smart City để thúc đẩy hình thành công dân số, một hợp phần quan trọng của lĩnh vực xã hội số, kinh tế số và chính quyền số. Đến nay, nền tảng Công dân số Đà Nẵng có hơn 240.000 tài khoản tham gia(3).
Bốn là, hình thành Kho dữ liệu dùng chung toàn thành phố (tại địa chỉ https://khodulieu.danang.gov.vn) phục vụ thu thập, tích hợp, làm sạch, chuẩn hóa và chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan khai thác, sử dụng. Bước đầu hình thành cơ sở dữ liệu hạ tầng đô thị với các lớp dữ liệu địa chính, quy hoạch, giao thông, cấp nước, thoát nước. Đưa vào sử dụng Cổng dữ liệu mở (tại địa chỉ https://congdulieu.vn) với gần 600 tập dữ liệu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội phục vụ người dân, doanh nghiệp tra cứu, khai thác (qua API, web, SMS, Zalo).
Năm là, áp dụng công nghệ gọi tự động (CallBot) để khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với chất lượng phục vụ của Tổng đài 1022 (giảm nhân lực thực hiện, tiết kiệm kinh phí khảo sát).
Sáu là, 100% quận, huyện ứng dụng hệ thống thi công chức, viên chức trực tuyến trên máy tính ở cấp thành phố, cấp huyện (với hơn 10.000 thí sinh tham dự), áp dụng cho tất cả kỳ thi tuyển dụng công chức, viên chức; công chức phường.
Bảy là, triển khai Hệ thống kiểm soát đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ do UBND thành phố giao. Trước đây, hệ thống chỉ dừng tại mức giao từ UBND thành phố đến các cơ quan, đơn vị thì trong năm 2022 đã triển khai mở rộng các tính năng hệ thống, theo đó hỗ trợ theo dõi công việc thực hiện của các đơn vị sở, ban, ngành, UBND quận, huyện giao về các đơn vị trực thuộc.
Tám là, triển khai các hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành như: Hệ thống lấy ý kiến các thành viên UBND thành phố về các hồ sơ, chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND thành phố (tại địa chỉ https://yktvub.danang.gov.vn); Phần mềm theo dõi công việc lãnh đạo UBND thành phố giao (tại địa chỉ https://dieuhanhvp.danang.gov.vn);...
Chín là, thí điểm kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu đất đai với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ nghiệp vụ cư trú, cụ thể: UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành việc chuẩn bị hạ tầng và cài đặt các module theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 18 trường dữ liệu về đất đai của thành phố Đà Nẵng đã được truyền thông tin về Bộ Tài nguyên và Môi trường đúng quy chuẩn thiết kế. Bộ Tài nguyên và Môi trường (Cục Công nghệ Thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường) đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành việc đưa dữ liệu đất đai của thành phố Đà Nẵng lên Trục tích hợp dữ liệu quốc gia (NGSP) (hiện nay đang thử nghiệm với dữ liệu của quận Hải Châu), đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (đơn vị chủ quản Trục NGSP) xác nhận chia sẻ dữ liệu thành công. Về phía Bộ Công an sẽ thực hiện kiểm tra và lấy dữ liệu đất đai của thành phố Đà Nẵng thông qua Trục NGSP.
Mười là, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, triển khai Đề án tổ chức thực hiện cơ chế một cửa đối với các dịch vụ công thiết yếu về hạ tầng đô thị, chiếu sáng, cây xanh, nhà chung cư, bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Quản lý và khai thác nhà, Trung tâm hạ tầng giao thông, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị.
Đã triển khai kịp thời các quyết định, đề án về đánh giá, xếp loại công chức, viên chức; vị trí việc làm; thủ tục cải cách hành chính; ban hành các tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý... sát thực, phù hợp với yêu cầu đặt ra trong mô hình chính quyền đô thị.
Phương hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách hành chính đáp ứng việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới
Phương hướng
Thứ nhất, tiếp tục triển khai mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119/2020/QH14, theo đó sắp xếp các đơn vị hành chính, các cơ quan chuyên môn, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XII và Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị. Sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm số lượng cấp phó... Thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Rà soát các đơn vị hành chính chưa đạt 50% tiêu chuẩn về dân số, diện tích tự nhiên để tổ chức lại phù hợp với quy định... Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp trong công tác CCHC; đổi mới và phát huy vai trò của các tổ đại biểu, từng đại biểu HĐND thành phố, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính(4).
Thứ hai, nâng cao hơn nữa chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức, chất lượng của đại biểu HĐND, nhất là công chức làm việc tại UBND phường khi thuộc biên chế của UBND quận, đây là khó khăn bước đầu nhưng khi thực hiện tốt sẽ là vấn đề then chốt để hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tăng cường thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ để xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số để điều chỉnh thể chế, cấu trúc lại quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố; phát triển mạnh kinh tế số, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp để hình thành công dân số, xã hội số. Tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động CCHC và đề xuất những giải pháp cụ thể khi sơ kết 3 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng(5)
Giải pháp
Một là, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách thể chế, cải cách bộ máy, cải cách tài chính công, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bảo đảm mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; hệ thống cơ quan hành chính nhà nước các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân. Tiến hành rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng giảm thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết trong tất cả các lĩnh vực.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao số lượng hồ sơ trực tuyến, trong đó hướng đến nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và tỷ lệ hồ sơ mức độ 4. Chuẩn hóa quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức; sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đúng người, đúng việc, đúng quy định; đổi mới công tác đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức sai phạm, đảm bảo không có “vùng cấm”. Về cải cách tài chính công, cần đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan, đơn vị gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra. Tiếp tục đổi mới cơ chế tự chủ tài chính tại các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
Hai là, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, chính phủ số; phát triển hạ tầng truyền dẫn, hệ thống dữ liệu, hạ tầng internet để phục vụ xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; phát triển đô thị thông minh; phát triển các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, các cấp, dịch vụ phục vụ cho người dân. Chú trọng xây dựng và phát triển đô thị thông minh phù hợp với tiềm lực của thành phố. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng công nghệ thông minh để từng bước mở rộng việc cung cấp các loại hình dịch vụ công và vận hành thông suốt hệ thống thông tin trong hoạt động điều hành, tác nghiệp của các cơ quan, đơn vị, tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Kết nối và vận hành thông suốt các phần mềm quản lý tác nghiệp, điều hành giữa các đơn vị trong thành phố và giữa thành phố với Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ba là, xây dựng thành phố thông minh gắn với chính quyền đô thị nhằm đảm bảo quyền giám sát, thực thi quyền dân chủ trực tiếp của người dân thông qua các hệ thống thông tin điện tử. Bên cạnh đó, việc xây dựng công dân thông minh cho phép mở các kênh tương tác mới giữa người dân và đại biểu, giúp người dân có thể gửi phản ánh trực tiếp đến đại biểu mà không cần phải thông qua tiếp xúc cử tri trực tiếp. Chính quyền đô thị gắn với xây dựng thành phố thông minh sẽ cung cấp thủ tục hành chính và dịch vụ công tốt hơn cho người dân. Với việc không tổ chức HĐND quận, huyện và phường, xã thì nhiệm vụ, vai trò của UBND các cấp sẽ tăng lên, thực hiện một số nhiệm vụ trước đây của HĐND các cấp. Việc hình thành chính quyền điện tử với nền tảng dữ liệu lớn cho phép các cấp chính quyền này thu thập thông tin nhanh nhất để phục vụ cho quá trình điều hành, quản lý tại địa phương. Với việc phát triển kinh tế thông minh, đời sống thông minh và môi trường thông minh, người dân thành phố sẽ được cung ứng các dịch vụ công như y tế, giáo dục, an ninh trật tự, môi trường... một cách tốt nhất. Đây là đặc điểm nổi bật khi mọi mặt đời sống của người dân cũng như các dịch vụ được số hóa, việc cung ứng dịch vụ được dự báo, phân tích và tiến hành phù hợp với nhu cầu cụ thể của người dân và phù hợp với mô hình chính quyền đô thị.
Bốn là, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Cụ thể: khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị thì quyền đại diện của người dân trực tiếp thông qua đại biểu HĐND phường và HĐND quận không còn mà được thực hiện thông qua các kênh khác như đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; Thường trực HĐND, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp… Ngoài ra, số lượng đại biểu hoạt động kiêm nhiệm chiếm đa số; chức năng, nhiệm vụ của HĐND thành phố tăng thêm do không tổ chức HĐND quận, phường, do vậy cũng ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, xử lý các ý kiến của người dân ở đô thị. Các chức danh cán bộ phường (Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội phường) không được liên thông với quận theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và các nghị định hướng dẫn thi hành(6)… cũng là vấn đề cần được cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết./.
----------------
Ghi chú:
(1) Quốc hội, Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
(2) Ngọ Ngọc Phú, Đoàn kết nỗ lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, Báo Đà Nẵng, Tết Quý Mão 2023, tr.7, 8, 9.
(3) UBND thành phố Đà Nẵng là 01 trong 07 đơn vị được vinh danh tại hạng mục “Cơ quan chuyển đổi số xuất sắc với nền tảng Công dân số thành phố Đà Nẵng.
(4) Thành ủy Đà Nẵng, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXI trình Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, Đà Nẵng ngày 05/10/2020.
(5) Bộ Nội vụ, Mô hình chính quyền đô thị thành phố Đà Nẵng, Tọa đàm khoa học “Thành phố Đà Nẵng 25 năm thành tựu và triển vọng”, Đà Nẵng ngày 28/12/2022, tr.177-182.
(6) Chính phủ, Nghị định số 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; Nghị định số 138/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
PGS.TS Lê Văn Đính - Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
tcnn.vn
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục