Hà Nội, Ngày 10/06/2023

Hà Nội: Không bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động đối với cán bộ, đảng viên đang bị xem xét, xử lý kỷ luật

Ngày đăng: 09/05/2023   02:25
Mặc định Cỡ chữ
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành Quy định số 12-QĐ/TU ngày 08/5/2023 của Thành ủy Hà Nội về “Quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”. Quy định này nhằm cụ thể hóa các quy định mới của Trung ương; thay thế Quy định số 04-QĐ/TU ngày 11/8/2021 của Thành ủy Hà Nội về quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và các quy định trước đây trái với Quy định này.
Trụ sở Thành ủy Hà Nội. Ảnh: dangcongsan.vn

Quy định số 12-QĐ/TU gồm 07 chương, 39 điều, quy định cụ thể về phân cấp quản lý cán bộ; bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; bổ nhiệm lại, giới thiệu tái cử; điều động, biệt phái và chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ; miễn nhiệm, cho từ chức và bố trí cán bộ sau khi miễn nhiệm, từ chức...

Quy định còn bao gồm 3 phụ lục nêu cụ thể về các chức danh, chức vụ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; Quy trình bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; Quy trình xem xét miễn nhiệm, cho từ chức và bố trí cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý sau khi miễn nhiệm, từ chức.

Quy định số 12-QĐ/TU nêu rõ trách nhiệm, mối quan hệ của các cơ quan trong công tác cán bộ. Theo đó, căn cứ Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác cán bộ, Đảng đoàn HĐND Thành phố, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố; Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội (có thành lập Đảng đoàn) ở thành phố Hà Nội; Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội; tập thể thường trực các tổ chức: Liên minh Hợp tác xã Thành phố, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố, Hội Chữ thập đỏ Thành phố, Hội Nhà báo Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc bầu cử hoặc bổ nhiệm cán bộ vào các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý theo đúng quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về cán bộ và công tác cán bộ.

Quy định số 12-QĐ/TU nêu rõ: "Không một tập thể hoặc cá nhân nào được thay đổi hoặc không thực hiện đúng quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy. Trường hợp đặc biệt cần thay đổi, phải được Ban Tổ chức Thành ủy thẩm định, báo cáo và được Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý".

 

Khi thay đổi, bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cơ quan hiệp quản cấp thành phố do bộ, ban, ngành trung ương quản lý, Ban Thường vụ Thành ủy tham gia ý kiến để Đảng đoàn, Ban cán sự đảng hoặc lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương xem xét, quyết định. Trường hợp có ý kiến khác nhau, Đảng đoàn, Ban cán sự đảng, lãnh đạo bộ, ban, ngành trung ương quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Theo Quy định số 12-QĐ/TU, cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo thẩm quyền; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, phát huy đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của từng thành viên và người đứng đầu. Việc này còn phải bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ; nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc. Không bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, phong, thăng quân hàm đối với cán bộ, đảng viên đang bị xem xét, xử lý kỷ luật.

Quy định có 7 mục về “Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn”. Trong đó, ngoài bảo đảm các tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh theo quy định, cán bộ được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn phải không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm. Cán bộ này còn phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong khoảng thời gian như sau (tính từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực): 12 tháng đối với hình thức kỷ luật Khiển trách; 30 tháng đối với hình thức kỷ luật Cảnh cáo; 60 tháng đối với hình thức kỷ luật Cách chức.

Cũng theo Quy định số 12-QĐ/TU, chậm nhất 90 ngày trước ngày hết thời hạn bổ nhiệm, người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ phải xem xét, báo cáo và chịu trách nhiệm trước cấp có thẩm quyền về việc xin chủ trương bổ nhiệm lại hoặc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đến tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ./.

Duy Thái

Tin tức cùng chuyên mục

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động giám sát chính quyền đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày đăng 29/05/2023
Cơ cấu tổ chức chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh (thực hiện từ ngày 01/7/2021) sẽ không tổ chức HĐND ở quận, phường. Trong bối cảnh đó, vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là rất quan trọng. Bài viết đánh giá những kết quả đạt được và một số giải pháp tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát chính quyền đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương

Ngày đăng 08/06/2023
Dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh tại Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình số 113/Ctr-TU của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ngày 06/6 vừa qua, nhằm định hướng phát triển Bình Dương phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký Quốc hội: Hầu hết ý kiến nhất trí ban hành và thông qua Nghị quyết mới về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM tại Kỳ họp thứ 5

Ngày đăng 07/06/2023
Trong 128 ý kiến tại 19 tổ đại biểu Quốc hội, có 115 ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cho rằng các báo cáo được chuẩn bị công phu, đánh giá khá toàn diện về tất cả các nội dung đề xuất trình Quốc hội cho thực hiện thí điểm để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM).

Khẩn trương trình quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày đăng 03/06/2023
Ngày 03/6/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 205/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới

Ngày đăng 02/06/2023
Ngày 02/6/2023, Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (kèm theo Nghị quyết số 87/NQ-CP). Theo đó, Chính phủ giao Ủy  ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan tiến hành sơ kết việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.