Hà Nội, Ngày 19/04/2024

Sự đổi mới cơ cấu bộ máy chính quyền ở Cuba hiện nay

Ngày đăng: 06/05/2023   10:18
Mặc định Cỡ chữ
Cuba đang bước vào công cuộc cải cách toàn diện bộ máy nhà nước, một trong những ưu tiên hàng đầu là đổi mới cơ cấu bộ máy chính quyền. Tiến trình này được thúc đẩy sau khi Cuba ban hành Hiến pháp mới vào tháng 4/2019 và thông qua các văn kiện quan trọng tại Đại hội ĐBTQ Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VIII (tháng 4/2021).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân nước Cộng hòa Cuba Esteban Lazo Hernandez. Ảnh minh họa

Hạn chế kiêm nhiệm chức vụ trong bộ máy Đảng và Nhà nước

Do cơ chế một đảng lãnh đạo và nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa trong xây dựng bộ máy chính quyền, Cuba từng áp dụng mô hình lãnh đạo kiêm nhiệm ở cả Trung ương và địa phương. Theo đó, ở Trung ương, mỗi lãnh đạo Đảng hoặc Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị có thể kiêm nhiệm một số chức vụ trong cơ quan chính quyền. Điển hình là lãnh tụ Fidel Castro đã đã có 30 năm liên tục (1976-2006) đảm trách, kiêm nhiệm 5 chức vụ cao nhất trong hệ thống chính trị như: Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Cách mạng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang. Tại địa phương, mỗi lãnh đạo cấp ủy cũng có thể kiêm nhiệm một vài chức vụ trong cơ quan chính quyền ngang cấp. Ngoài ra, ở cả Trung ương và địa phương, một người lãnh đạo cấp ủy hoặc cơ quan chính quyền có thể kiêm nhiệm nhiều chức vụ.

Bên cạnh những ưu điểm như tuân thủ, củng cố và phát triển nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa; tập trung và thống nhất quyền lực lãnh đạo trong mỗi cấp ủy và cơ quan chính quyền; tổ chức, hoạt động và ra quyết định lãnh đạo được nhanh gọn, thông suốt; tinh giản bộ máy và biên chế lãnh đạo của các cấp ủy, cơ quan… thì mô hình lãnh đạo kiêm nhiệm cũng bộc lộ rõ nhiều nhược điểm. Đó là tình trạng quá tải công việc của người lãnh đạo kiêm nhiệm; sự lấn quyền, lạm quyền giữa chức năng lãnh đạo của Đảng với chức năng quản lý của chính quyền, hoặc vai trò lãnh đạo trong mỗi cấp ủy, mỗi cơ quan chính quyền với nhau theo kiểu làm thay; tình trạng chồng chéo, không tách bạch giữa vai trò, thẩm quyền, nhiệm vụ của cương vị lãnh đạo đảng với cương vị lãnh đạo chính quyền, hoặc cương vị lãnh đạo các bộ phận trong mỗi cấp ủy, mỗi cơ quan chính quyền với nhau; sự độc quyền trong lãnh đạo và ra quyết định… Chính những hạn chế này đã thúc đẩy Đảng và Nhà nước Cuba phải tiến hành thực thi các giải pháp hạn chế việc lãnh đạo kiêm nhiệm trong những năm gần đây theo hướng:

Thứ nhất, hạn chế tối đa và sớm chấm dứt tình trạng một người giữ một hoặc một số chức vụ lãnh đạo trong cấp ủy lại kiêm nhiệm giữ nhiều chức vụ trong cơ quan chính quyền ngang cấp. Không duy trì việc người lãnh đạo cấp ủy cấp trên lại kiêm nhiệm lãnh đạo cơ quan chính quyền cấp dưới, hoặc người lãnh đạo cơ quan chính quyền cấp trên lại kiêm nhiệm lãnh đạo cấp ủy cấp dưới. Cũng không duy trì việc một người chỉ lãnh đạo một cấp ủy hoặc một cơ quan chính quyền mà lại kiêm nhiệm từ 03 chức vụ trở lên.

Thứ hai, hạn chế mô hình kiêm nhiệm một người lãnh đạo đảm trách cùng lúc hai chức vụ trong một cấp ủy hoặc một cơ quan chính quyền; hoặc người đó giữ một chức vụ lãnh đạo trong cấp ủy kiêm giữ một chức vụ khác trong cơ quan chính quyền ngang cấp.

Thứ ba, xây dựng, củng cố và phát triển mô hình lãnh đạo chuyên trách, không kiêm nhiệm (mỗi người lãnh đạo chỉ được giữ một chức vụ nhất định trong một cấp ủy hoặc cơ quan chính quyền).

Thứ tư, giới hạn tuổi và số nhiệm kỳ lãnh đạo đối với các cán bộ lãnh đạo đảng, chính quyền. Áp dụng phổ biến mức thời gian 05 năm đối với một nhiệm kỳ và mỗi cán bộ lãnh đạo không quá 02 nhiệm kỳ. Việc kiêm nhiệm lãnh đạo được ưu tiên dành cho người đang giữ nhiệm kỳ thứ hai.

Thứ năm, cán bộ lãnh đạo kiêm nhiệm nếu tự nguyện từ chức thì không được từ bỏ đồng loạt cùng thời điểm đối với tất cả chức vụ mà mình đang giữ.

Bổ sung, hoàn thiện bộ máy chính quyền Trung ương

Một trong những điều chỉnh chính trị quan trọng ở Cuba hiện nay là việc bổ sung, hoàn thiện bộ máy chính quyền Trung ương. Quốc hội Cuba (tên đầy đủ: Quốc hội của quyền lực nhân dân) được thành lập theo Hiến pháp năm 1976 chủ yếu mang tính hình thức trong tổ chức, hoạt động và hiệu quả hoạt động đem lại chưa cao. Vấn đề này đã được Cuba nhìn nhận, xem xét, giải quyết qua các kỳ Đại hội Đảng lần thứ VII và VIII (năm 2016 và 2021), đồng thời được chính thức hóa bằng những quy định bổ sung, hoàn thiện trong Hiến pháp mới ban hành năm 2019 và các đạo luật liên quan. Cụ thể là:

Một là, cơ cấu lại và chính thức hóa Hội đồng Nhà nước thành cơ quan thường trực/thường vụ của Quốc hội. Theo Hiến pháp năm 1976 của Cuba, Hội đồng Nhà nước là cơ quan có quyền lực cao nhất, với vị thế và chức năng là nguyên thủ quốc gia tập thể, lãnh đạo Hội đồng Bộ trưởng và hệ thống hành pháp, đồng thời là đại diện hoạt động của Quốc hội giữa các kỳ họp. Như vậy, cơ quan thường trực/thường vụ của Quốc hội Cuba trước đây chỉ như một bộ phận của Hội đồng Nhà nước chứ không phải trực thuộc Quốc hội. Hiến pháp năm 2019 thiết lập mô hình nguyên thủ quốc gia cá nhân (Chủ tịch nước) từ Hội đồng Nhà nước cũ; Hội đồng Nhà nước mới không còn lãnh đạo Hội đồng Bộ trưởng và hệ thống hành pháp, mà chỉ còn là cơ quan thường trực/thường vụ của Quốc hội. Hội đồng Nhà nước mới có quy mô và chức năng thu hẹp hơn, nhưng đã trở thành cơ quan chính thức thuộc Quốc hội, hoạt động đại diện cho Quốc hội giữa các kỳ họp. Chủ tịch, Thư ký, các Phó Chủ tịch và một số đại biểu Quốc hội cũng là Chủ tịch, Thư ký, các Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng này.

Hai là, sắp xếp, kiện toàn các Ủy ban chuyên trách của Quốc hội. Theo Hiến pháp năm 1976, Luật Tổ chức và hoạt động của Quốc hội được ban hành sau đó, Quốc hội Cuba có nhiều Ủy ban chuyên trách, mỗi Ủy ban đảm trách một số vấn đề, lĩnh vực quan trọng của đất nước. Sau khi ban hành Hiến pháp năm 2019, Luật Tổ chức và hoạt động của Quốc hội năm 2019, hệ thống Ủy ban trong Quốc hội đã được cơ cấu lại tinh gọn, hiệu quả và thích ứng với yêu cầu mới. Tất cả 14 Ủy ban chuyên trách của Quốc hội trước đây được sáp nhập, sắp xếp lại thành 10 Ủy ban chuyên trách mới và thành lập thêm 01 Ủy ban chuyên trách có nhiệm vụ giám sát hoạt động của 168 hội đồng cấp huyện (đơn vị hành chính - lãnh thổ cơ sở ở Cuba).

Ba là, bổ sung chức năng cho Quốc hội. Mặc dù Hiến pháp năm 1976 và Hiến pháp năm 2019 đều khẳng định Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện quyền lực và thể hiện ý chí của nhân dân Cuba, nhưng Quốc hội theo Hiến pháp năm 1976 chỉ có hai chức năng cơ bản là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp và cơ quan có quyền giám sát tối cao. Còn Quốc hội theo Hiến pháp năm 2019 có thêm chức năng thứ ba là quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Bốn là, tăng cường và hoàn thiện thẩm quyền của Quốc hội. So với Quốc hội theo Hiến pháp năm 1976 thì Quốc hội theo Hiến pháp năm  2019 có hệ thống thẩm quyền được tăng cường và hoàn thiện hơn; đồng thời có thêm phương thức, cơ chế để đảm bảo và thực hiện thẩm quyền.

Năm là, gia tăng vị thế và quyền lực của Chủ tịch Quốc hội. Trong Quốc hội trước đây, Chủ tịch Quốc hội là người đứng đầu nhưng có ảnh hưởng khá mờ nhạt, vì ngoài sự lãnh đạo của Đảng thì còn chịu sự chỉ đạo, chi phối của Hội đồng Nhà nước. Trong Hội đồng Nhà nước trước đây, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ là một thành viên và không được kiêm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Trong Quốc hội hiện nay, vị thế và quyền lực của Chủ tịch Quốc hội được tăng cường, Hội đồng Nhà nước hiện nay không còn là cơ quan chỉ đạo Quốc hội mà ngược lại, là cơ quan trực thuộc Quốc hội, do Quốc hội tổ chức, điều hành và chi phối; Chủ tịch Quốc hội là thành viên kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Thẩm quyền của Chủ tịch Quốc hội cũng được mở rộng từ 8 nhóm theo quy định tại Điều 81, Hiến pháp năm 1976 lên 12 nhóm theo Điều 111, Hiến pháp năm 2019.

Sáu là, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách. Trước kia, trong tổ chức và hoạt động, Cuba chưa đề cao yếu tố chuyên môn nghiệp vụ và sự chuyên trách của các đại biểu Quốc hội nên trong mỗi khóa Quốc hội được bầu ra, tập hợp rất đông các đại biểu của nhiều ngành nghề, nhưng lại ít người có kiến thức, kinh nghiệm chính trị và chuyên môn về luật. Hơn nữa, đa số đại biểu Quốc hội, ngoài tư cách đại biểu và làm việc (không được trả lương) tại Quốc hội, mỗi người còn dành nhiều thời gian cho công việc bên ngoài và kiêm nhiệm nghề nghiệp, chức vụ tại một số cơ quan, tổ chức khác. Đây chính là một trong những nguyên nhân cơ bản làm suy giảm vị thế, chức năng, hoạt động và hiệu quả của Quốc hội Cuba. Sau khi ban hành Hiến pháp năm 2019, nhất là sau Đại hội Đảng lần thứ VIII (2021), Cuba xác định hướng tới xây dựng một Quốc hội có đa số thành viên phải được trang bị đầy đủ kiến thức chính trị, có kiến thức chuyên môn trong lập pháp, giám sát, quyết định (phù hợp với các chức năng của Quốc hội), tất cả đại biểu Quốc hội được hưởng phụ cấp công tác, các đại biểu Quốc hội chuyên trách được hưởng lương và gia tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách (trên 30%).

Xây dựng quyền hành pháp tập trung

Là hoạt động hoạch định và thực thi chính sách, hành pháp đóng vai trò là quyền lực cơ bản, có tầm quan trọng và ưu thế vượt trội trong cơ cấu quyền lực nhà nước (lập pháp - hành pháp - tư pháp). Quyền hành pháp chỉ thực sự hiệu quả khi được thực hiện chủ động, liên tục và đồng bộ, tập trung, thống nhất. Trước đây, do áp dụng phổ biến cơ chế tổ chức và lãnh đạo tập thể, kiêm nhiệm và chồng chéo nhiều chức năng, nhiệm vụ, cương vị chính quyền, nên hệ thống hành pháp ở Cuba bị phụ thuộc, khá tản mạn, kể cả ở cấp Trung ương và địa phương. Đến Đại hội Đảng lần thứ VI (04/2016), thực trạng này được đưa ra xem xét, điều chỉnh và từng bước khắc phục. Hiến pháp năm 2019 được ban hành, thay đổi theo hướng tích cực, phù hợp, hiệu quả nhiều vấn đề trong lĩnh vực hành pháp ở Cuba, quan trọng và bao trùm nhất là mục tiêu xây dựng quyền hành pháp tập trung với các giải pháp cơ bản sau:

Một là, thiết lập chức vụ đứng đầu hành pháp quốc gia là cá nhân và không kiêm nhiệm.

Đó là chức Thủ tướng Chính phủ Cuba. Trong thời kỳ 1976-2019, chức vụ này được gọi là “Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng” và do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm nhiệm. Như vậy, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng không phải là chức vụ độc lập, mà chỉ là chức vụ phụ trong chức vụ kiêm nhiệm (chức vụ chính là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước). Đồng thời, đây cũng không hoàn toàn là chức vụ đứng đầu và lãnh đạo ngành hành pháp quốc gia vì bị chỉ đạo bởi chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và chi phối bởi tập thể các thành viên của Hội đồng này.

Tuy nhiên, đến Hiến pháp năm 2019, Thủ tướng là cá nhân giữ chức vụ độc lập, đứng đầu Chính phủ (hệ thống cơ quan hành pháp Trung ương) và lãnh đạo ngành hành pháp Cuba. Thủ tướng không phải là thành viên và không chịu sự lãnh đạo của tập thể Hội đồng Nhà nước (cơ quan thường trực/thường vụ Quốc hội), đồng thời cũng không phải gắn liền và chịu sự ảnh hưởng, quyết định của nguyên thủ quốc gia mới (Chủ tịch nước).

Việc tái lập chức vụ Thủ tướng Cuba (vì thực tế, chức vụ Thủ tướng được Cuba tạo lập từ Hiến pháp năm 1940; giai đoạn 1940-1959 đã thay thế, trải qua 15 đời Thủ tướng và sau khi cách mạng thành công năm 1959 thì lãnh tụ Fidel Castro giữ chức vụ này liên tục tới năm 1976), chính thức hóa từ ngày 21/12/2019 - khi Chủ tịch nước Miguel Diaz-Canel đề cử và Quốc hội phê chuẩn ông Manuel Marrero Cruz (nguyên Bộ trưởng Bộ Du lịch) làm Thủ tướng Chính phủ Cuba nhiệm kỳ 2019-2024.

Hai là, xây dựng cơ quan lãnh đạo hành pháp Trung ương chủ động, toàn quyền và độc lập.

Theo Hiến pháp năm 1976, Hội đồng Bộ trưởng là cơ quan hành pháp tập thể cao nhất ở Cuba. Thành phần gồm: Chủ tịch, Thư ký, các Phó Chủ tịch, các bộ trưởng và người đứng đầu một số ban, ngành. Hội đồng Bộ trưởng làm việc qua các cuộc họp tập thể định kỳ theo luật và giữa các kỳ họp này, Ủy ban Điều hành là cơ quan thường vụ/thường trực (gồm Chủ tịch, Thư ký, các Phó Chủ tịch và một số bộ trưởng, người đứng đầu ban, ngành quan trọng). Tuy vậy, Hội đồng Bộ trưởng không phải là cơ quan lãnh đạo toàn quyền hành pháp quốc gia vì sự lãnh đạo bị phụ thuộc, chia sẻ và không chủ động: các thành viên lãnh đạo Hội đồng Bộ trưởng cũng là thành viên của Hội đồng Nhà nước. Hội đồng Bộ trưởng chỉ nắm giữ quyền thực thi chính sách, còn quyền hoạch định chính sách lại do Hội đồng Nhà nước nắm giữ.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2019 và  Luật Tổ chức và hoạt động của Hội đồng Bộ trưởng (Luật số 134/2020 ban hành tháng 12/2020), Hội đồng Bộ trưởng hiện đã trở thành cơ quan hành pháp độc lập, toàn quyền và chủ động. Cơ cấu thành phần, tổ chức của Hội đồng Bộ trưởng, Ủy ban Điều hành thay đổi không nhiều, nhưng do Hội đồng Nhà nước mới đã thu hẹp chức năng và quy mô, thuần túy là cơ quan thường trực/thường vụ Quốc hội nên các thành viên lãnh đạo của Hội đồng Bộ trưởng không phải là thành viên của Hội đồng Nhà nước. Quyền lãnh đạo hành pháp quốc gia của Hội đồng Bộ trưởng cũng độc lập, được tăng cường, mở rộng, thống nhất vì không phải chia sẻ và được nắm giữ cả quyền hoạch định lẫn quyền thực thi chính sách.

Ba là, tập trung quyền lực địa phương vào người lãnh đạo cơ quan hành pháp cấp tỉnh.

Lãnh thổ Cuba từ tháng 8/2010 được chia thành 15 tỉnh và 01 đặc khu. Mỗi tỉnh, đặc khu chia làm nhiều huyện; tổng cộng có 168 huyện. Huyện được coi là đơn vị hành chính - lãnh thổ cơ sở, dưới huyện có các đơn vị nhỏ như xã, hạt, phường, song tổ chức lãnh đạo mỗi đơn vị nhỏ này hoặc không có, hoặc chỉ là một số bộ phận chức năng, không đủ cơ cấu chính thức của một cơ quan chính quyền. Như vậy, ở Cuba có 2 cấp chính quyền địa phương là tỉnh (cấp trung gian) và huyện (cấp cơ sở).

Theo quy định của Hiến pháp năm 1976, quyền lực nhà nước ở địa phương tập trung vào các hội đồng (hội đồng nhân dân tỉnh và hội đồng nhân dân huyện). Các hội đồng này nắm giữ cả quyền lập pháp, giám sát, quyết định và quyền hành pháp tại địa phương mình. Chủ tịch Hội đồng nhân dân kiêm nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Quyền hành pháp tại địa phương do vậy không độc lập, bị động và phụ thuộc vào quyền lập pháp cùng những thành viên nắm giữ, điều chỉnh, quyết định nó. Sau khi ban hành Hiến pháp năm 2019, cơ cấu và tổ chức chính quyền địa phương đã có thay đổi mạnh theo hướng gia tăng, tách bạch và phát triển quyền hành pháp. Ở chính quyền cấp huyện, mỗi hội đồng nhân dân huyện cũ đã chuyển tách thành một hội đồng nhân dân huyện mới (nắm giữ quyền lập pháp, giám sát, quyết định) và một ủy ban hành chính huyện mới (nắm giữ quyền hành pháp). Ở chính quyền cấp tỉnh, sự cải cách diễn ra mạnh hơn: mỗi hội đồng tỉnh cũ cũng chuyển đổi thành một hội đồng tỉnh mới và một ủy ban tỉnh mới nhưng hội đồng tỉnh mới chỉ tồn tại một cách hình thức. 

Mỗi hội đồng tỉnh hiện nay không có chủ tịch và ban lãnh đạo, nên thẩm quyền cá nhân của các chức vị này được chuyển giao sang cho chủ tịch ủy ban tỉnh mới; còn thẩm quyền tập thể của hội đồng tỉnh mới được chuyển giao xuống cho những thành viên của mình mà cũng là những thành viên kiêm nhiệm của/trong các hội đồng huyện mới. Hội đồng tỉnh hoạt động chủ yếu chỉ là các phiên họp định kỳ theo luật, có thể thêm một số phiên họp đặc biệt/khẩn cấp nếu có đề nghị của hơn 50% số thành viên hội đồng tỉnh mới hoặc của Chủ tịch Ủy ban tỉnh. Như vậy, ở chính quyền cấp tỉnh Cuba hiện nay, quyền lực nhà nước được tập trung vào chức vụ Chủ tịch ủy ban tỉnh và người nắm giữ chức vụ này là người có quyền lực lớn nhất tỉnh.

Sửa đổi Luật Bầu cử

Hệ thống pháp luật bầu cử của Cuba trước đây được ban hành và áp dụng trên cơ sở những quy định của Hiến pháp năm 1976, gồm các đặc trưng như: người Cuba có quyền bầu cử từ lúc hơn 16 tuổi; ứng viên không được tự ứng cử mà phải qua sự giới thiệu, đề cử của các tập thể, tổ chức, cộng đồng nơi mình cư trú; bất kỳ đảng phái chính trị nào (kể cả Đảng Cộng sản) cũng không được đưa người ra ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước (Quốc hội, hội đồng tỉnh, hội đồng nhân dân huyện); trừ cấp chính quyền cơ sở, ở các cấp chính quyền còn lại số thành viên được bầu bằng với số ứng viên (mỗi vị trí chỉ có 01 ứng viên); không giới hạn số nhiệm kỳ đối với các cương vị, chức vụ được bầu; bầu cử một vòng theo nguyên tắc đa số tuyệt đối (ứng viên đắc cử phải được trên 50% số phiếu tán thành, nếu không đạt thì tổ chức bầu cử lại hoàn toàn)…

Sau khi ban hành Hiến pháp năm 2019, Quốc hội Cuba cũng thông qua với sự đồng thuận tuyệt đối Luật Bầu cử năm 2019. Theo đó, đã điều chỉnh, sửa đổi nhiều quy định trong Luật Bầu cử cũ để phù hợp, thuận lợi, thích ứng và hiệu quả hơn, thay đổi hoặc bãi bỏ một số đặc trưng tồn tại trong luật cũ, cụ thể:

Thứ nhất, giải thể Hội đồng Nhà nước cũ và thay thế bằng 3 thiết chế hàng đầu mới, riêng biệt: Chủ tịch nước - nguyên thủ quốc gia (mô hình cá nhân); Thủ tướng - người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo ngành hành pháp (mô hình cá nhân); và Hội đồng Nhà nước mới - cơ quan thường trực/thường vụ của Quốc hội (mô hình tập thể). Thành viên các thiết chế này đều do Ban Chấp hành Trung ương Đảng giới thiệu, đề cử và Quốc hội bầu. Số lượng thành viên Hội đồng Nhà nước mới giảm 10 người so với Hội đồng Nhà nước cũ (còn 21 so với 31 thành viên). Chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhà nước mới do Chủ tịch Quốc hội kiêm giữ. Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đều có nhiệm kỳ 05 năm, giữ chức không quá 2 nhiệm kỳ và khi lần đầu được bầu vào chức vụ thì có tuổi không quá 60 (trừ trường hợp đặc biệt).

Thứ hai, không thiết lập nên không phải bầu ra Chủ tịch và ban lãnh đạo của hội đồng tỉnh. Còn Chủ tịch ủy ban mỗi tỉnh thì được đề cử bởi Chủ tịch nước và bầu bởi hội nghị chung của toàn thể đại biểu hội đồng nhân dân các huyện trong tỉnh đó.

Thứ ba, bộ máy Quốc hội được tinh gọn và giảm cồng kềnh từ khóa X (2023 - 2028) với việc giảm hơn 20% số đại biểu Quốc hội (từ 605 đại biểu của khóa IX xuống còn 474 đại biểu)).

Thứ tư, tăng gấp đôi thời gian mỗi nhiệm kỳ của đại biểu hội đồng nhân dân huyện từ 2,5 năm lên 05 năm  để đảm bảo tính liên tục, ổn định của chính quyền cơ sở và “đồng bộ” với mỗi nhiệm kỳ 05 năm của các đại biểu hội đồng tỉnh và các đại biểu Quốc hội.

Ngày 27/11/2022, Cuba tổ chức cuộc bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân địa phương. Kết quả, có 5.728.220 cử tri đi bầu (chiếm 68,56% người trong danh sách cử tri), bầu ra 12.422 đại biểu (với 44,1% là nữ - tỷ lệ này cao hơn so với cuộc bầu cử năm 2017) là những người chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp các vấn đề và đề xuất, khiếu nại trong cộng đồng mà họ đại diện. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức tại Cuba kể từ khi nước này tái cấu trúc hệ thống bầu cử và ban hành Luật Bầu cử mới theo Hiến pháp năm 2019. Các hội đồng nhân dân địa phương mới đã được chính thức thành lập trên toàn quốc vào ngày 17/12/2022./.

 

TS Nguyễn Anh Hùng - Viện Nghiên cứu châu Mỹ

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Phần Lan dự kiến cắt giảm lương hưu

Ngày đăng 14/04/2024
Chính phủ Phần Lan không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm lương hưu để cải thiện tài chính công.

Sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến vấn đề an sinh xã hội ở Việt Nam

Ngày đăng 29/03/2024
Trong thời đại cách mạng công nghiệp hiện nay, với chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn, đạt được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động cả chiều thuận lợi và không thuận lợi đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, vì vậy cần tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá sự tác động đó để có giải pháp phù hợp với chính sách an sinh xã hội một cách hiệu quả. Đây là nhiệm vụ quan trọng đối với công tác an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.

Kinh nghiệm quốc tế về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư và một số khuyến nghị cho Việt Nam

Ngày đăng 22/03/2024
Nhận diện và phòng ngừa tham nhũng (PNTN) là một vấn đề cần được ưu tiên nghiên cứu, đặc biệt trong một số lĩnh vực quan trọng liên quan tới các dịch vụ công cơ bản như y tế hay giáo dục, từ đó, giúp các cơ quan liên quan tham khảo trong quá trình tham mưu, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư.

Vận dụng các mô hình văn hóa trong quản lý giáo dục

Ngày đăng 11/03/2024
Hiện nay, hệ thống giáo dục cần được quản lý theo hướng mở rộng để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân ở các lứa tuổi khác nhau và đáp ứng yêu cầu học tập nâng cao trình độ của đội ngũ nhân lực bảo đảm phát triển bền vững. Đồng thời, trong xu thế phát triển xã hội hiện nay đòi hỏi các tổ chức phải trở thành “tổ chức học tập”, “đơn vị học tập” và “xã hội học tập”. Do đó, quản lý không giản đơn là việc thực hiện các chức năng hành chính mà quản lý luôn bao gồm việc xây dựng văn hóa tổ chức theo các mô hình như “ba tầng cấp, bốn chiều cạnh văn hóa” và mô hình “các loại hình văn hóa”(1). Cách tiếp cận quản lý theo mô hình văn hóa không thay thế mà bổ sung làm phong phú và đa dạng cho các cách tiếp cận lý thuyết quản lý đối với các loại tổ chức trong xã hội ngày nay. 

Bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số của một số quốc gia và những gợi mở đối với Việt Nam

Ngày đăng 27/02/2024
Trong những năm gần đây, vấn đề để lộ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số ở Việt Nam rất đáng báo động, gây ảnh hưởng tiêu cực đến mỗi cá nhân, cũng như của xã hội. Bài viết nghiên cứu việc bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số của một số quốc gia trên thế giới, đây là những kinh nghiệm và gợi mở đối với Việt Nam để tiếp tục có giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số hiện nay.