![]() |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tiếp xúc cử tri huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, ngày 21/11/2022. Ảnh: daibieunhandan.vn |
Bối cảnh hiện nay
Các thế lực thù địch trong và ngoài nước luôn gia tăng mức độ chống phá cách mạng và sự nghiệp đổi mới của Đảng ta với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Đặc biệt, từ khi chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch triệt để khai thác một số khuyết điểm của mô hình xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa của Đảng ta; khai thác những hiện tượng tiêu cực mới nảy sinh, nhất là sự bùng nổ của khoa học và công nghệ, các mạng xã hội phát triển nhanh chóng và rộng khắp… họ lợi dụng vào đó để công khai đăng tải trên mạng internet nhiều bài viết phủ nhận những thành quả của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Một số người lợi dụng tôn giáo để xuyên tạc, cho rằng nền tảng tư tưởng của Đảng ta là “phi thực tế, phi khoa học”, không thể phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam...
Gần đây, trên một số mạng xã hội như Facebook, Youtube… một số đối tượng tự nhận mình là người yêu nước, bảo vệ đường lối của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa đã câu kết với các phần tử bất mãn gốc Việt ở nước ngoài chuyển tải những nội dung xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, vu cáo, quy chụp, bôi nhọ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta, hòng làm phức tạp thêm tình hình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đảng viên, quần chúng nhân dân để thông qua các đối tượng này trực tiếp phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, làm giảm lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào mục tiêu con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Họ lợi dụng các sự kiện chính trị - xã hội; một số vụ việc bắt giam, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, những đối tượng tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta… để lôi kéo, kích động người dân tụ tập đông người gây rối an ninh trật tự, biểu tình bạo loạn; tuyên truyền kích động các hoạt động ly khai, tự trị ở vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Trước yêu cầu của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung và đối với một bộ phận cán bộ, đảng viên, Đảng ta thẳng thắn chỉ rõ: “Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao… Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp. Tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn hình thức”(1). Trong đó, một số người tự nhận là “nhân sĩ”, “trí thức” và một số cán bộ, đảng viên từng có quá trình công tác, thậm chí từng giữ một số chức vụ trong hệ thống đảng, chính quyền, nay “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” quay lại phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng và các chủ trương, chính sách đúng đắn của Nhà nước.
Mặc dù các thế lực thù địch luôn chống phá với nhiều hình thức tinh vi, với quy mô lớn hơn và sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên, song Đảng ta vẫn ngày một vững mạnh hơn, “trí tuệ” hơn, cầm quyền và lãnh đạo sáng tạo hơn, đạt được những thành tựu to lớn. Minh chứng là, qua gần 37 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), vấn đề lý luận và đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện; đời sống Nhân dân không ngừng được nâng lên cả vật chất và tinh thần; uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta…”(2).
Định hướng chiến lược về tăng cường xây dựng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta từ năm 1986 đến nay
Xuất phát từ tình hình thế giới và thực tiễn cách mạng nước ta, tại Đại hội ĐBTQ lần thứ VI (năm 1986), Đảng ta khẳng định quyết tâm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đồng thời nhấn mạnh: công cuộc đổi mới ở Việt Nam không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là hiện thực hóa mục tiêu ấy bằng những quan điểm đúng đắn và các bước đi, biện pháp phù hợp, trong đó có đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng theo tinh thần cách mạng và khoa học. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng Đảng, Hội nghị Trung ương lần thứ năm, khóa VI ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HNTW một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng; Nghị quyết số 03-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ ba, khóa VII về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Ngày 02/02/1999, Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (lần 2) khóa VIII về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay được ban hành. Theo đó, nhiệm vụ lúc này là phải tăng cường sự thống nhất trong Đảng về nhận thức, ý chí và hành động, kiên trì đẩy lùi bốn nguy cơ; đổi mới công tác giáo dục trong Đảng; tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; tập trung chỉ đạo chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng; củng cố tổ chức, tăng cường sức chiến đấu và năng lực tổ chức trong hệ thống chính trị.
Ngày 18/3/2002, Đảng ta ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ năm, khóa IX về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới nhằm ngăn chặn sự suy thoái về nhận thức, tư tưởng chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã chỉ rõ hiện tượng phai nhạt lý tưởng cách mạng, sa sút phẩm chất đạo đức, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng có chiều hướng tăng lên; tính chiến đấu của nhiều tổ chức đảng và đảng viên sa sút; không coi trọng nguyên tắc đổi mới, rập khuôn mô hình của nước ngoài, chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần… diễn ra ở nhiều lĩnh vực. Nghị quyết số 22-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nêu rõ: “Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng phải kết hợp chặt chẽ với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với xây dựng chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội cơ sở vững mạnh, với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là bí thư đảng bộ, chi bộ, người đứng đầu và các cấp ủy viên”(3).
Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Hội nghị Trung ương lần thứ tư, khóa XI một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đặt ra yêu cầu các tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở, bắt đầu từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mỗi cấp ủy viên, đảng viên phải dũng cảm tự soi xét lại mình, đơn vị mình, nhằm phát huy những ưu điểm, đồng thời có kế hoạch, biện pháp sửa chữa những sai lầm, yếu kém, khuyết điểm. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành nhiều nghị quyết, quy định và chỉ thị về công tác xây dựng Đảng, như: Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 04-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ tư, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Đặc biệt, Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” một lần nữa khẳng định: bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, quyết định sự tồn vong của Đảng, của chế độ ta.
Qua tổng kết thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng các nhiệm kỳ qua và nhiệm kỳ Đại hội XII đã góp phần quan trọng để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay; Đảng ta đoàn kết, thống nhất và trong sạch, vững mạnh hơn; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng được củng cố, tăng cường hơn, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới”(4). Nghị quyết xác định trong thời gian tới cần phải: “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng. Phát huy sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trước hết là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư”(5).
Dựa vào quần chúng nhân dân để xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thực tiễn bối cảnh hiện nay, cần xác định rõ vai trò, vị trí của quần chúng nhân dân trong việc xây dựng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là rất quan trọng, bởi trong thực tế những năm qua chúng ta mới chỉ chú trọng đến vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mà chưa thực sự đặt trọng tâm đến vai trò của quần chúng nhân dân. Báo cáo Tổng quan phát triển kỹ thuật số Việt Nam 2021 do We are social và Kepios công bố đầu năm 2022: Việt Nam có 76,95 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 97,8% dân số từ 13 tuổi trở lên). Lượng người dùng mạng xã hội cũng có xu hướng tăng nhanh (năm 2022 tăng 6,9% so với năm 2021); chủ yếu ở độ tuổi từ 18-34, đây có thể coi là độ tuổi “nhạy cảm” trong vấn đề định hình “tư tưởng” một cách rõ nét trước các tác động của văn hóa, chính trị, nhất là nhiều luồng ý kiến khác nhau trên môi trường mạng xã hội. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta cần chú trọng các giải pháp để tuyên truyền, định hướng một cách phù hợp, góp phần làm cho mỗi người dân Việt Nam, mỗi người sử dụng mạng xã hội có đủ nhận thức và trí tuệ để nhận diện, phản bác các luận điệu, quan điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch… nhằm xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta trong tình hình mới.
Nói về sức mạnh của Nhân dân, danh nhân văn hóa thế giới, Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã khẳng định: “Làm lật thuyền mới biết dân như nước”, điều đó cho thấy sức mạnh của quần chúng nhân dân là vô cùng to lớn, quyết định đến sự thịnh suy của một dân tộc, sự tồn vong của một chế độ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: “Nước lấy dân làm gốc”(6) có ý nghĩa xuyên suốt là làm cách mạng cũng vì Nhân dân và vì Nhân dân mà làm cách mạng triệt để. Muốn cách mạng thành công phải dựa vào Nhân dân, muốn xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa cũng phải nhờ vào sự đồng lòng, ủng hộ từ nơi dân; muốn đất nước cường thịnh phải có sự tham gia, đóng góp của Nhân dân. Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(7). Nhân dân là lực lượng hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng của Đảng, Nhà nước đề ra; không có Nhân dân sẽ không có lực lượng cách mạng và phong trào cách mạng.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhấn mạnh quan điểm: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(8). Quan điểm về phát huy sức mạnh Nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam; Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, luôn nhấn mạnh đến vai trò của người dân, xác định là nền tảng, cội nguồn sức mạnh.
Nhìn lại chặng đường tìm kiếm, phát triển sáng tạo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta vừa thấy được sự gian khó, vừa thấy được tính tất yếu của vấn đề cải cách, đổi mới phương thức cầm quyền, lãnh đạo của Đảng ta. Điều này càng làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ý thức sâu sắc rằng “nguồn lửa” của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ được truyền tục kế tiếp như thế nào trong thời đại ngày nay; làm thế nào để chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục tỏa sáng, soi rọi trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Do đó, phải tăng cường xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó cần xác định đội ngũ cán bộ, đảng viên là chủ lực, quần chúng nhân dân là lực lượng nòng cốt không thể thiếu. Để quần chúng nhân dân thực sự tin yêu, bảo vệ đến cùng, Đảng ta phải luôn xứng đáng là “đạo đức”, là “văn minh”; tiếp tục đấu tranh với tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực; có giải pháp phù hợp, quyết liệt trước âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch, phản động; các chủ trương, chính sách phải hợp lòng dân - ý Đảng, để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, cuộc sống của người dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân luôn một lòng sắt son với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa./.
----------------
Ghi chú:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.222-223.
(2),(4),(5),(8) Sđd, tập I, tr.25-26, tr.221, tr.229, tr.27-28.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 67, Nxb CTQG-ST, H.2008, tr.156.
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.501.
(7) Sđd, tập 10, tr.453.
Lê Doãn Sơn - Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ
tcnn.vn
Tin tức cùng chuyên mục