Hà Nội, Ngày 10/06/2023

Nâng cao chất lượng bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán Tòa án nhân dân cấp huyện

Ngày đăng: 29/03/2023   09:56
Mặc định Cỡ chữ
Đội ngũ thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện có vai trò rất quan trọng trong giải quyết và xét xử các loại án, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; là lực lượng nòng cốt bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật và giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân và quần chúng nhân dân. Văn hóa pháp luật là một bộ phận cấu thành của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là nền tảng tinh thần để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; là tiền đề trực tiếp để xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thực hiện sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật của mọi công dân. Bồi dưỡng văn hóa pháp luật trực tiếp góp phần xây dựng, hoàn thiện phẩm chất nhân cách, là cơ sở, tiền đề để củng cố, phát triển ý thức tự giác, thói quen chấp hành pháp luật và văn hóa ứng xử trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của đội ngũ thẩm phán ngành Tòa án nói chung và của thẩm phán TAND cấp huyện nói riêng.  

 

Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử và thi hành án hình sự cho Thẩm phán Tòa án nhân dân địa phương. Ảnh minh họa: toaan.gov.vn

Thực tiễn công tác bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán TAND cấp huyện những năm qua cho thấy có một số bài học kinh nghiệm quan trọng sau đây cần được quan tâm để nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới:

Một là, phải tạo được sự thống nhất về nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu và cơ quan chức năng các cấp trong việc nâng cao chất lượng bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán TAND cấp huyện.

Thực tiễn cho thấy, sự thống nhất về nhận thức và phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, trước hết là của cấp ủy và tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, người đứng đầu TAND và cơ quan chức năng các cấp có vai trò rất quan trọng đối với nâng cao chất lượng bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán TAND cấp huyện. Quá trình bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán TAND cấp huyện luôn đặt dưới dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, cơ quan chức năng các cấp và sự tham gia của các tổ chức, lực lượng có liên quan. Vì vậy, cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp phải xác định rõ vị trí, ý nghĩa tầm quan trọng và sự cần thiết phải bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán TAND cấp huyện, từ đó đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn và phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong nâng cao chất lượng bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán TAND cấp huyện. 

Trên cơ sở thống nhất về nhận thức, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện phân công, giao nhiệm vụ và phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong tăng cường bồi dưỡng cho đội ngũ thẩm phán TAND cấp huyện nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn, bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chú trọng bồi dưỡng về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam; tăng cường giáo dục lịch sử và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của Đảng, của ngành Tòa án, của địa phương; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội, bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam... Giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng, tự giác chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nguyên tắc, quy định của ngành Tòa án; xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong quản lý, lãnh đạo, trong thực thi công vụ; xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn, nhân ái... Đồng thời, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết và quan liêu, tham nhũng, lãng phí; nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện bản thân và tinh thần nỗ lực học tập không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, kiến thức, năng lực của đội ngũ thẩm phán TAND cấp huyện.

Hai là, kết hợp bồi dưỡng văn hóa pháp luật với giáo dục, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống và kiến thức pháp lý, pháp luật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, kinh nghiệm nghề nghiệp cho đội ngũ thẩm phán TAND cấp huyện.

Nếu không có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh thì đội ngũ thẩm phán TAND cấp huyện không thể có văn hóa pháp luật ở tầm nhận thức lý luận. Vì vậy, việc bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán TAND cấp huyện không thể tách rời việc giáo dục, rèn luyện để nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng và kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm công tác. Bảo đảm trong bất kỳ tình huống nào đội ngũ thẩm phán TAND cấp huyện luôn phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, với Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu lý tưởng và đường lối đổi mới của Đảng; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước; kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp... 

Chú trọng bồi dưỡng nâng cao kiến thức về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; những quan điểm, nguyên tắc của Đảng, Nhà nước về xây dựng và thực thi Hiến pháp, pháp luật. Kết hợp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ với giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; gương mẫu chấp hành Hiến pháp, pháp luật và thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; công tâm, khách quan, bảo vệ công lý trong xét xử; tôn trọng Nhân dân, tận tụy, hết lòng phục vụ Nhân dân; có lối sống trung thực, thẳng thắn, liêm khiết, đoàn kết, nhân ái, yêu thương con người... 

Ba là, tiến hành toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nội dung, hình thức, biện pháp trong công tác bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho thẩm phán TAND cấp huyện.

Bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho thẩm phán TAND cấp huyện đòi hỏi phải toàn diện cả về tri thức, tình cảm, niềm tin gắn với nâng cao trình độ hiểu biết, hình thành thói quen, hành vi ứng xử văn hóa trong hoạt động chuyên môn. Do đó, để việc bồi dưỡng văn hóa pháp luật đạt chất lượng và hiệu quả, cần phải tiến hành thường xuyên, liên tục, bằng nhiều nội dung, hình thức, có trọng tâm, trọng điểm bảo đảm phù hợp với đặc thù hoạt động của đội ngũ thẩm phán TAND cấp huyện. 

Quá trình bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán TAND cấp huyện cần nghiên cứu, quán triệt, cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, xác định đúng các nội dung; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp phù hợp với từng đối tượng. Quán triệt, thực hiện tốt phương châm lý luận gắn liền với thực tiễn, học đi đôi với hành, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, thường xuyên, lâu dài; đội ngũ thẩm phán yếu và thiếu về nội dung gì thì tập trung bồi dưỡng nội dung đó. Thực tiễn bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán TAND cấp huyện thời gian qua cho thấy ở cấp ủy, tổ chức, đơn vị nào được người đứng đầu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm thì ở đó việc bồi dưỡng văn hóa pháp luật đối với đội ngũ thẩm phán TAND cấp huyện mới đạt được chất lượng, hiệu quả như mong muốn; qua đó trình độ tri thức, hiểu biết, tình cảm, niềm tin và hành vi văn hóa pháp luật của đội ngũ thẩm phán TAND cấp huyện ngày càng được củng cố, nâng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Vì vậy, quá trình bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho đội ngũ thẩm phán TAND cấp huyện hiện nay và thời gian tới phải được tổ chức triển khai thực hiện một cách khoa học, chặt chẽ, toàn diện, cụ thể và thường xuyên, liên tục. Bảo đảm các nội dung, hình thức, biện pháp trong công tác bồi dưỡng cần sát với chức trách, nhiệm vụ, đặc điểm và trình độ của đội ngũ thẩm phán TAND cấp huyện. Mặt khác, nội dung bồi dưỡng cần bảo đảm tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung giải quyết những khâu yếu, mặt yếu để nâng cao hiệu quả bồi dưỡng văn hóa pháp luật đối với thẩm phán TAND cấp huyện. Hình thức, biện pháp bồi dưỡng cần đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ từng thẩm phán, từng TAND cấp huyện. Đồng thời, trong bồi dưỡng tránh hình thức, dàn trải, gây tốn kém chi phí, không đạt hiệu quả. 

Mặt khác, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp phải chú trọng giáo dục, động viên xây dựng động cơ, thái độ đúng đắn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ thẩm phán TAND cấp huyện tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ văn hóa pháp luật và tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật... Định kỳ kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, tu dưỡng của từng cá nhân, khắc phục tình trạng buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác bồi dưỡng văn hóa pháp luật đối với thẩm phán TAND cấp huyện nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay./.

 

PGS.TS Bùi Quang Cường - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

ThS Đồng Thanh Quý - Học viện Tòa án nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao 

tcnn.vn

Tin tức cùng chuyên mục

Bồi dưỡng phong cách lãnh đạo cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

Ngày đăng 29/05/2023
Phong cách lãnh đạo (PCLĐ) là lề lối, cách thức riêng có, độc đáo mang tính ổn định mà người lãnh đạo sử dụng trong quá trình tác động lên đối tượng lãnh đạo nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Phong cách lãnh đạo vừa là một bộ phận cơ bản, quan trọng cấu thành nhân cách, phản ánh phẩm chất, năng lực; vừa là sản phẩm tổng hòa của phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ lý luận chính trị và tri thức khoa học, năng lực tổ chức thực tiễn và kinh nghiệm công tác, phẩm chất tâm lý của cán bộ, đảng viên; trực tiếp quyết định chất lượng, hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. 

Các phương thức tuyển sinh ngành Quản lý công của Khoa Chính trị - Hành chính, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023

Ngày đăng 05/06/2023
Ngày 19/3/2021, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã ký Quyết định số 226/QĐ-ĐHQG về việc mở ngành đào tạo Quản lý công trình độ đại học và giao nhiệm vụ cho Khoa Chính trị - Hành chính triển khai công tác tuyển sinh khóa đào tạo đầu tiên.

Hơn 1.800 lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí dự bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng

Ngày đăng 02/06/2023
Sáng 02/6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2023.

Đào tạo nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính nhà nước các cấp

Ngày đăng 24/05/2023
Tại Văn bản hỏa tốc số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023 về việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” triển khai Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ xây dựng tài liệu bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo về chuyển đổi số đối với đội ngũ lãnh đạo các cấp. Thời hạn hoàn thành trong tháng 9/2023.

Xây dựng và hoàn thiện các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị

Ngày đăng 22/05/2023
Ngày 22/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 540/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2026”. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.