Hà Nội, Ngày 20/04/2024

Kết quả nổi bật qua 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XII và giải pháp trong thời gian tới

Ngày đăng: 20/03/2023   10:56
Mặc định Cỡ chữ
Bài viết nêu một số kết quả nổi bật sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, và đề xuất một số giải pháp tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết quan trọng này trong thời gian tới.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XII, đến nay đã giảm 07 sở và 06 tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 1.941 tổ chức bên trong sở (trong đó giảm 1.632 phòng và 309 chi cục thuộc sở) và giảm 46 tổ chức bên trong tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 585 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp huyện.

Những kết quả nổi bật qua 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW

Về học tập, quán triệt, tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện

Công tác truyền thông về Nghị quyết số 18-NQ/TW được Chính phủ và các địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, có nhiều đổi mới cả về hình thức và nội dung, theo đó đạt được những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội; cảnh giác và chủ động có những giải pháp ngăn chặn các thế lực thù địch lợi dụng việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế để xuyên tạc, chống phá, chia rẽ nội bộ; sớm phát hiện những nơi, những vấn đề bức xúc, nhạy cảm, phức tạp để kịp thời đấu tranh, phản bác những thông tin, luận điểm xuyên tạc chủ trương của Đảng và Nhà nước. 

Cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương và địa phương đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động, đề án phù hợp với điều kiện, đặc điểm của cơ quan, đơn vị mình; xác định rõ nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ theo lộ trình và thời gian thực hiện; giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và chính quyền địa phương trong thực hiện đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy thuộc phạm vi quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW đề ra.

Về hoàn thiện thể chế

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo đảm phù hợp với chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Cụ thể, đã trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Trình Chính phủ ban hành 20 nghị định và 05 nghị quyết về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, biên chế, tinh giản biên chế, CBCCVC (hiện đang tiếp tục xem xét, ban hành 02 nghị định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý; về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố).

Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, trong đó có quy định các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để thực hiện phân cấp, phân quyền (gồm sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới 30 luật, một số nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 23 nghị định của Chính phủ; 03 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 09 thông tư của Bộ trưởng), đến nay các bộ, ngành đã thực hiện rất tốt, bảo đảm đúng kế hoạch và lộ trình đề ra, cụ thể có 06 luật đã được Quốc hội thông qua; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 06 nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với 06 địa phương; Chính phủ ban hành 07 nghị định (trong đó có 03 nghị định ban hành sớm hơn so với kế hoạch) và 05 thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được ban hành.

Về sắp xếp tổ chức bộ máy

Triển khai Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ đã xác định công tác sắp xếp tổ chức bộ máy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cần được chỉ đạo ngay từ đầu nhiệm kỳ. Để bảo đảm thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các bộ, ngành, Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để chỉ đạo tập trung, thống nhất. Theo đó, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ, ngành chủ động rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và phân công của Chính phủ; xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, không tổ chức phòng trong vụ (trừ tường hợp đặc biệt phải đáp ứng các tiêu chí theo quy định), tổ chức lại, sáp nhập, hợp nhất các tổ chức không đáp ứng các tiêu chí, điều kiện thành lập. Kết quả đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục chưa đáp ứng đủ tiêu chí thành lập; giảm 08 cục; giảm 145 vụ/ban; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành. Tính đến hết năm 2022, có 26/30 bộ, ngành đã trình Chính phủ hồ sơ dự thảo nghị định (trong đó 23 nghị định đã được ban hành). Các nội dung này được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Nội vụ.

Triển khai Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2018 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, Bộ Nội vụ đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện làm cơ sở phân cấp cho UBND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy, số lượng cấp phó thuộc sở, phòng theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tiêu chí thành lập tổ chức, số lượng cấp phó theo quy định của Chính phủ. Đến nay, đã giảm 07 sở và 06 tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 1.941 tổ chức bên trong sở (trong đó giảm 1.632 phòng và 309 chi cục thuộc sở) và giảm 46 tổ chức bên trong tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 585 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp huyện.

Triển khai Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Công điện số 209/CĐ-TTg ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, xây dựng phương án sắp xếp thu gọn đầu mối và nâng cao mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý, trên cơ sở đó tổng hợp, xây dựng dự thảo Đề án, tổ chức hội thảo khoa học lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện Đề án, trình Chính phủ làm cơ sở xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc sắp xếp, tổ chức lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Về thí điểm hợp nhất, sáp nhập

Sau 03 năm thực hiện thực hiện Kết luận số 34-KL/TW ngày 07/8/2018 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm, Ban Tổ chức Trung ương đã tiến hành sơ kết việc thực hiện, báo cáo Bộ Chính trị ban hành Thông báo kết luận số 16-TB/TW ngày 07/7/2022 về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW. Theo đó, chỉ đạo tạm dừng thực hiện thí điểm các mô hình: hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp tỉnh đồng thời là Chánh Thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện; Trưởng ban Ban Tổ chức tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương đồng thời là Giám đốc Sở Nội vụ; Trưởng ban Ban Tổ chức cấp huyện đồng thời là Trưởng phòng Phòng Nội vụ; Chánh Văn phòng cấp ủy cấp huyện đồng thời là Chánh Văn phòng HĐND và UBND cùng cấp. Đối với các địa phương đã triển khai thực hiện thí điểm các mô hình trên thì Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo sắp xếp lại theo mô hình chung của hệ thống chính trị.

Thực hiện Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND  cấp tỉnh. Đến nay, các địa phương đã kết thúc thí điểm và thực hiện theo Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh.

Về sắp xếp đơn vị hành chính

Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện rất quyết liệt, hiệu quả, đặc biệt tại 45 tỉnh có nhiều đơn vị hành chính cấp xã không đảm bảo 50% tiêu chuẩn theo quy định. Sau 03 năm (2019, 2020 và 2021), đã hoàn thành mục tiêu, yêu cầu đề ra, giảm 08 đơn vị hành chính cấp huyện và giảm 561 đơn vị hành chính cấp xã. Trong thời gian tới, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2025 và đến năm 2030, đồng thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2025.

Về mô hình chính quyền đô thị

Căn cứ Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ đã ban hành các nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành, tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 03 thành phố này (Nghị định số 32/2021/NĐ-CP; Nghị định số 33/2021/NĐ-CP và Nghị định số 34/2021/NĐ-CP). Sau hơn 01 năm triển khai tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 03 thành phố đạt được nhiều kết quả tích cực, tổ chức bộ máy chính quyền các cấp đi vào hoạt động ổn định, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm quyết định kịp thời hơn những vấn đề cấp bách tại các thành phố. Trong thời gian tới, để tháo gỡ một số bất cập của 03 thành phố trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền đô thị, Bộ Nội vụ đang xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành tổ chức chính quyền đô thị tại 03 thành phố nêu trên.

Về quản lý biên chế và tinh giản biên chế

Tính đến năm 2021, số biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước đã giảm 10,01%, biên chế viên chức giảm 11,67% so với năm 2015 (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị). Đối với biên chế giai đoạn 2022-2026, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW, Quyết định số 73-QĐ/TW ngày 18/7/2022; theo đó giai đoạn 2022-2026 giảm 5% biên chế cán bộ, công chức và giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Kết quả tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC góp phần giảm chi ngân sách nhà nước. Theo Báo cáo số 197/BTC-NSNN ngày 04/3/2022 của Bộ Tài chính, từ năm 2017 đến năm 2021 việc giảm biên chế đã tiết kiệm chi ngân sách nhà nước được 25.638 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: trong giai đoạn trước đây, các nội dung về phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương trong quá trình hoàn thiện thể chế có mặt hạn chế (Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải quyết định nhiều vấn đề cụ thể), chưa bảo đảm yêu cầu về đổi mới hoạt động của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; việc quản lý, sử dụng biên chế ở các bộ, ngành, địa phương chưa đúng với quy định của pháp luật như sử dụng biên chế sự nghiệp (viên chức) để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại các cơ quan, tổ chức hành chính; định mức biên chế sự nghiệp chưa được sửa đổi phù hợp với đặc điểm vùng, miền, đặc biệt lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế; việc đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm và chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW; tinh giản biên chế giai đoạn đến năm 2021 tuy đạt được chỉ tiêu về số lượng nhưng ở một số nơi chưa thực sự gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC và theo vị trí việc làm.

Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ảnh minh họa: Báo Kon Tum

Nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện hiệu lực, hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW trong thời gian tới

Một là, nghiên cứu, tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ từ khóa XII đến khóa XV một cách khoa học, toàn diện: xác định rõ phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của các bộ, ngành; đồng thời nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành; qua đó hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Hai là, tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm chất lượng, tiến độ đã đề ra: các bộ, ngành cần khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập, danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu theo ngành, lĩnh vực; hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật; đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về giá để làm căn cứ giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; ban hành thông tư hướng dẫn về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập (tiêu chí, điều kiện thành lập, mô hình tổ chức quản lý...), xác định vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực theo phân công của Chính phủ; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo yêu cầu của Nghị quyết số 04/NQ-CP và thực hiện mô hình chính quyền đô thị trong tình hình mới; nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện cùng với thời điểm xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XVI nhiệm kỳ 2026-2031, bảo đảm việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương được tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ba là, tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo yêu cầu, chủ trương  của Đảng, Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và  Ban Chỉ đạo đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: cần tập trung rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của tổng cục, cục thuộc bộ (nhất là các tổng cục sau khi sắp xếp), kiện toàn cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của Chính phủ.

Bốn là, tiếp tục rà soát, sắp xếp thu gọn đầu mối và nâng cao mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương: theo đó, Bộ Nội vụ tập trung xây dựng, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ “Đề án đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập” làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn 2023-2025; tham mưu, đề xuất phương án sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng thu gọn đầu mối, nâng cao mức độ tự chủ và thực hiện giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, giáo dục nghề nghiệp.

Năm là, quản lý biên chế và thực hiện tinh giản biên chế gắn với hoàn thiện vị trí việc làm theo đúng chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ: gắn tinh giản biên chế với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, cải cách chính sách tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC, thu hút người có tài năng vào làm việc trong hệ thống chính trị. Tập trung thực hiện Quyết định số 1046/QĐ-TTg ngày 06/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 28-KL/TW về xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị; Kết luận số 40-KL/TW về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026; Quy định số 70-QĐ/TW của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị.

Sáu là, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030: trọng tâm là lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các bộ, ngành, địa phương. Thực hiện nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tiến hành sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, nội dung sơ kết đánh giá tập trung vào những việc đang triển khai, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới và những kiến nghị, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền, trong đó có kiến nghị, đề xuất Bộ Chính trị ban hành kết luận làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai trong giai đoạn tới, theo đó sẽ nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cấp ủy, tổ chức đảng, CBCCVC trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tạo sự thống nhất trong việc triển khai thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng./. 

 

TS Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ

Vũ Thế Phước, Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

Ngày đăng 20/04/2024
Với vị trí, vai trò quan trọng của cơ sở, để thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân có hiệu quả, phải thực hiện dân chủ từ cơ sở. Trong những năm qua, dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, Nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được bảo vệ. Việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở... góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng 09/04/2024
Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.