![]() |
PGS. TS Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì Hội thảo quốc tế "Quản trị địa phương: Lý luận và thực tiễn của Pháp và Việt Nam", tháng 9/2016. Ảnh minh họa |
Đặc trưng cơ bản của quản trị địa phương tốt
Quản trị địa phương là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trên thế giới từ thập niên 80 của thế kỷ XX đến nay. Quản trị địa phương khác phương thức quản lý truyền thống của chính quyền địa phương (CQĐP) khi nhấn mạnh vai trò độc tôn của chính quyền trong cung ứng dịch vụ công, cũng như trong giải quyết các vấn đề xã hội. Nội hàm cốt lõi của quản trị địa phương chính là nhấn mạnh việc phát huy và tích hợp sức mạnh của nhiều chủ thể, mà chủ yếu là chính quyền, doanh nghiệp và xã hội trong giải quyết các vấn đề xã hội và trong cung ứng dịch vụ công(1).
Xét từ phương diện chủ thể quản trị, quản trị địa phương ở Việt Nam được cấu thành bởi các chủ thể chủ yếu như: hệ thống tổ chức đảng và chính quyền xác định đội ngũ cán bộ, công chức làm đại diện và lấy cơ quan đảng, các cơ quan nhà nước ở địa phương làm cơ sở; hệ thống thị trường (doanh nghiệp) xác định đội ngũ doanh nhân làm đại diện và lấy tổ chức doanh nghiệp làm cơ sở; hệ thống xã hội xác định công dân làm đại diện và lấy tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp làm cơ sở(2). Quản trị địa phương tốt có một số đặc trưng và yêu cầu cơ bản gồm: 1) Lấy công dân làm trung tâm; 2) Niềm tin và sự ủng hộ của công dân đối với hệ thống quản trị, nhất là đối với CQĐP; 3) Đảm bảo sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của công dân; 4) Công khai và minh bạch trong hoạt động của CQĐP; 5) Tính trách nhiệm, bao gồm trách nhiệm giải trình; 6) Nguyên tắc pháp quyền; 7) Hiệu lực và hiệu quả; 8) Công bằng xã hội; 9) Liêm chính hay kiểm soát có hiệu quả tham nhũng trong khu vực công; 10) Ổn định xã hội và an ninh xã hội.
Thực trạng hiệu quả quản trị địa phương ở khu vực Tây Nam Bộ từ năm 2011 đến nay
Từ năm 2009, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (RTA) đã phối hợp triển khai Chương trình đánh giá Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) ở Việt Nam. Nội dung của Chỉ số PAPI tập trung khảo sát, thu thập dữ liệu và ý kiến của người dân như: sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường (bổ sung từ năm 2018); quản trị điện tử (bổ sung từ năm 2018). Mỗi nội dung trên có thang điểm đánh giá từ 01 đến 10 điểm. Tuy chưa phản ánh đầy đủ các đặc trưng của quản trị địa phương tốt, song các nội dung và tiêu chí đánh giá của Chỉ số PAPI đã bao hàm nhiều đặc trưng cốt lõi của quản trị địa phương tốt. Qua đó có thể đưa ra một số nhận xét về hiệu quả quản trị địa phương ở vùng Tây Nam Bộ như sau:
Thứ nhất, sự tham gia của người dân. Để đánh giá mức độ tham gia của người dân trong quản trị địa phương, PAPI đã khảo sát và nắm bắt trải nghiệm của người dân trên các phương diện: tri thức công dân (hiểu biết của người dân về chính sách hiện hành và vị trí lãnh đạo); cơ hội tham gia (mức độ tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, câu lạc bộ của người dân, tỷ lệ tham gia bầu cử lần gần nhất); chất lượng bầu cử (việc đảm bảo các nguyên tắc như cạnh trạnh, tự chủ, công khai, minh bạch trong bầu cử); đóng góp tự nguyện của người dân (mức độ đóng góp tự nguyện của người dân cho công trình công cộng ở xã, khu dân cư…).
Thứ hai, về công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách. Trong những năm qua, PAPI đã tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ công khai thông tin trong hoạch định chính sách của CQĐP thông qua các chỉ số: tiếp cận thông tin (các kênh tiếp cận thông tin của người dân và tính hiệu quả của chúng); công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo; công khai ngân sách cấp xã; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá bồi thường thu hồi đất.
Thứ ba, về trách nhiệm giải trình với người dân. PAPI đã tiến hành khảo sát các phương diện chủ yếu, như: mức độ và hiệu quả trong tiếp xúc với chính quyền (đánh giá các phương thức để người dân tiếp xúc với chính quyền và tính hiệu quả của các phương thức đó); giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân (đánh giá mức độ người dân gửi khiếu nại, tố cáo, phản ánh đến chính quyền và mức độ phản hồi của chính quyền đối với khiếu nại, tố cáo, phản ánh của người dân); tiếp cận dịch vụ tư pháp (khảo sát mức độ tin tưởng của người dân đối với các cơ quan tư pháp, nhất là tòa án ở địa phương).
Thứ tư, về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Để đánh giá về tình trạng tham nhũng trong khu vực công (hay đo lường mức độ liêm chính của chính quyền địa phương và các tổ chức thực hiện chức năng phục vụ công), PAPI đã tiến hành khảo sát, nắm bắt ý kiến của người dân trên các khía cạnh: kiểm soát tham nhũng trong CQĐP (khảo sát mức độ người dân cần chi thêm tiền trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính); kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công (khảo sát mức độ người dân cần chi thêm tiền trong lĩnh vực khám, chữa bệnh và giáo dục); công bằng trong tuyển dụng vào khu vực công (khảo sát mức độ người dân phải chi tiền “lót tay” để xin được việc làm trong các cơ quan nhà nước); quyết tâm chống tham nhũng (khảo sát cảm nhận của người dân về việc xử lý nghiêm túc vụ việc tham nhũng ở địa phương).
Năm |
2011 |
2012 |
2013 |
2014 |
2015 |
2016 |
2017 |
2018 |
2019 |
2020 |
Cả nước |
5.76 |
5.90 |
6.15 |
6.11 |
5.75 |
5.69 |
6.09 |
6.57 |
6.82 |
6.96 |
Tây Nam Bộ |
6.27 |
6.21 |
6.71 |
6.62 |
6.55 |
6.31 |
6.73 |
6.81 |
7.31 |
7.31 |
Bảng 1: Điểm số về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công của cả nước và vùng Tây Nam Bộ từ năm 2011 đến năm 2020 (3)
Thứ năm, về thủ tục hành chính công. Đây là nội dung khá rộng, nên chỉ khảo sát, đánh giá việc giải quyết một số thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến nhiều người dân, cụ thể là: dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền; thủ tục xin cấp phép xây dựng; thủ tục liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; dịch vụ hành chính cấp xã.
Năm |
2011 |
2012 |
2013 |
2014 |
2015 |
2016 |
2017 |
2018 |
2019 |
2020 |
Cả nước |
6.88 |
6.87 |
6.89 |
6.88 |
6.79 |
7.10 |
7.17 |
7.39 |
7.35 |
7.36 |
Tây Nam Bộ |
6.79 |
6.37 |
6.82 |
6.82 |
6.79 |
7.19 |
7.29 |
7.46 |
7.49 |
7.41 |
Bảng 2: Điểm số về thủ tục hành chính của cả nước và vùng Tây Nam Bộ từ năm 2011 đến năm 2020 (4)
Thứ sáu, về cung ứng dịch vụ công. Việc đánh giá chất lượng dịch vụ công được PAPI tiến hành trên các nội dung thành phần, như: dịch vụ y tế công lập; giáo dục tiểu học công lập; cơ sở hạ tầng căn bản; an ninh, trật tự khu dân cư.
Năm |
2011 |
2012 |
2013 |
2014 |
2015 |
2016 |
2017 |
2018 |
2019 |
2020 |
Cả nước |
6.75 |
6.90 |
6.95 |
7.02 |
7.04 |
7.10 |
7.15 |
7.10 |
7.28 |
7.06 |
Tây Nam Bộ |
6.72 |
6.83 |
6.93 |
6.95 |
6.99 |
7.02 |
7.23 |
6.90 |
7.25 |
6.98 |
Bảng 3: Điểm số về cung ứng dịch vụ công của cả nước và vùng Tây Nam Bộ từ năm 2011 đến nay (5)
Thứ bảy, về quản trị môi trường. Tính hiệu quả trong quản trị môi trường của CQĐP liên quan trực tiếp và nhiều mặt đến chất lượng cuộc sống của người dân. Chất lượng môi trường như thế nào vừa phản ánh chất lượng dịch vụ công, vừa phản ánh mức độ thực hiện cam kết của chính quyền trong thúc đẩy sự phát triển bền vững. Vì vậy, từ năm 2018 PAPI đã bổ sung chỉ số thành phần về quản trị môi trường. Việc đánh giá quản trị môi trường được PAPI tiến hành trên các tiêu chí thành phần, như: sự nghiêm túc trong bảo vệ môi trường; chất lượng không khí; chất lượng nước. Kết quả khảo sát cho thấy, trong các năm từ 2018 đến 2020, điểm số trung bình chung của cả nước ở chỉ số này tương ứng là: 4.63; 3.63 và 3.56 điểm/thang điểm từ 01-10. Trong khi đó, điểm số tương ứng của các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ là 5.30; 4.13 và 3.95(6).
Thứ tám, về quản trị điện tử. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của CQĐP có ý nghĩa về nhiều mặt, như nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền; cung cấp thông tin cho người dân; nắm bắt ý kiến, kiến nghị và phản ánh của người; thúc đẩy sự tham gia và giám sát của người dân; cung cấp dịch vụ công cho người dân; tương tác kịp thời với người dân(7). Nói cách khác, việc nâng cao hiệu quả quản trị điện tử của CQĐP góp phần thúc đẩy quản trị tốt. Từ năm 2018, PAPI đã bổ sung tiêu chí đánh giá quản trị điện tử, gồm: sử dụng cổng thông tin điện tử; tiếp cận và sử dụng internet tại địa phương; phúc đáp của CQĐP qua cổng thông tin điện tử. Theo đó, điểm số về quản trị điện tử của cả nước từ năm 2018 đến năm 2020 tương ứng là: 2.42; 3.42 và 2.77 điểm; trong khi đó điểm số tương ứng của vùng Tây Nam Bộ là: 2.63; 3.15 và 2.58(8).
Thứ chín, kết quả tổng hợp Chỉ số PAPI của cả nước và vùng Tây Nam Bộ từ năm 2011 đến năm 2020. Nếu lấy điểm cộng của 06 chỉ số thành phần gốc có thể thấy tổng điểm Chỉ số PAPI của cả nước và vùng Tây Nam Bộ trong bảng dưới đây.
Năm |
2011 |
2012 |
2013 |
2014 |
2015 |
2016 |
2017 |
2018 |
2019 |
2020 |
Cả nước |
34.5 |
35.5 |
35.4 |
35.3 |
34.0 |
35.1 |
35.9 |
36.5 |
37.4 |
36.35 |
Tây Nam Bộ |
35.5 |
35.0 |
36.6 |
36.5 |
35.5 |
35.6 |
36.5 |
35.0 |
36.5 |
35.8 |
Bảng 4: Điểm tổng Chỉ số PAPI ở 6 chỉ số của cả nước và vùng Tây Nam Bộ từ năm 2011 đến năm 2020.
Từ kết quả khảo sát trên, có thể rút ra một số nhận xét, đánh giá như sau: Tuy không ổn định và mức độ cải thiện chưa cao nhưng qua điểm tổng hợp ở 6 chỉ số thành phần gốc về Chỉ số PAPI, nhất là so sánh tổng điểm ở 06 chỉ số thành phần của năm 2011 và năm 2020 có thể thấy, hiệu quả tổng thể của quản trị địa phương của cả nước và vùng Tây Nam Bộ được cải thiện theo hướng tốt hơn, tuy nhiên còn chưa cao. Cụ thể, nếu chỉ tính 6 chỉ số thành phần gốc, không tính 02 chỉ số thành phần được bổ sung từ năm 2018 thì số điểm tổng hợp đạt được của năm 2020 mới chỉ 36.35 điểm/thang điểm từ 10-100 đối với cả nước và 35.8 điểm đối với vùng Tây Nam Bộ.
Tuy tổng điểm của 06 chỉ số thành phần của vùng Tây Nam Bộ cao hơn cả nước trong nhiều năm (từ năm 2011 đến năm 2017), nhưng số điểm trên nhiều chỉ số thành phần cụ thể lại thấp hơn liên tục trong nhiều năm so với cả nước. Ví dụ, điểm số về sự tham gia của người dân, công khai, minh bạch thông tin; trách nhiệm giải trình với người dân; cung ứng dịch vụ công của Vùng thấp hơn số điểm trung bình của cả nước trong hầu hết các năm. Điểm số về kiểm soát tham nhũng của Vùng cao hơn điểm trung bình chung của cả nước trong tất cả các năm. Trong các chỉ số thành phần của Chỉ số PAPI, thì các chỉ số thành phần như kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công và dịch vụ công của cả nước và Vùng có sự cải thiện rõ rệt qua các năm; đồng thời cũng là những chỉ số có điểm tốt nhất.
Các chỉ số sự tham gia của người dân, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân của cả nước và vùng Tây Nam Bộ không được cải thiện, thậm chí số điểm có xu hướng giảm; là những chỉ số có số điểm thấp. Cụ thể, năm 2011 số điểm đạt được ở các chỉ số sự tham gia của người dân, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của cả nước tương ứng là: 5.23 điểm/thang điểm từ 01-10, 5.47 điểm và 5.50 điểm; đến năm 2020 giảm xuống là: 4.78; 5.28; 4.91 điểm. Đối với vùng Tây Nam Bộ, năm 2011 số điểm đạt được ở các chỉ số này là: 5.18; 5.23 và 5.37 điểm; đến năm 2020 giảm xuống còn 4.12; 5.11 và 4.87 điểm.
Trong các chỉ số thành phần của Chỉ số PAPI năm 2018, 2019 và 2020, thì quản trị môi trường và quản trị điện tử của cả nước cũng như vùng Tây Nam Bộ có điểm thấp nhất. Cụ thể, điểm số về quản trị môi trường mà cả nước đạt được trong các năm 2018, 2019 và 2020 chỉ tương ứng là 4.63; 3.53 và 3.56 điểm; vùng Tây Nam Bộ là: 5.30; 4.13 và 3.95. Điểm số của vùng Tây Nam Bộ tuy cao hơn cả nước nhưng mức điểm vẫn rất thấp. Tương tự, điểm số về quản trị điện tử của cả nước trong các năm 2018, 2019 và 2020 là 2.42; 3.42 và 2.77 điểm. Đối với vùng Tây Nam Bộ trong ba năm 2018, 2019 và 2020 là: 2.63; 3.15 và 2.58.
Giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả quản trị địa phương vùng Tây Nam Bộ trong thời gian tới
Một là, đổi mới quản trị địa phương ở vùng Tây Nam Bộ theo định hướng cơ bản là xây dựng chính quyền “mở”. Chính quyền “mở” thực chất là chuyển từ chính quyền giữ vai trò độc tôn trong quản lý xã hội sang thực hiện mô hình quản trị có sự tham gia của nhiều bên trên cơ sở đảm bảo sự lãnh đạo của tổ chức đảng và tính chủ đạo của chính quyền. Để xây dựng chính quyền “mở”, cần thực hiện tốt công khai, minh bạch thông tin, đảm bảo sự tham gia của người dân, nhất là thực hiện có hiệu quả dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt phản biện xã hội, tự quản xã hội cũng như cơ chế hợp tác giữa chính quyền với doanh nghiệp và các đoàn thể, tổ chức xã hội.
Hai là, đổi mới, cải cách quản trị địa phương theo các nguyên tắc của quản trị địa phương tốt. Nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng, để quản trị của CQĐP có thể tạo ra giá trị công và thúc đẩy việc thực hiện lợi ích công, thì việc đổi mới CQĐP cần lấy các nguyên tắc của quản trị tốt làm căn cứ và định hướng cơ bản. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu lý luận quản trị tốt cũng như thông qua đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ cán bộ, công chức trong khu vực công nắm rõ đặc trưng của quản trị tốt, từ đó đề ra tầm nhìn, biện pháp phù hợp để tiếp tục đổi mới CQĐP theo các tiêu chí của quản trị tốt.
Ba là, bổ sung các tiêu chí đánh giá nhằm thúc đẩy cải cách, đổi mới CQĐP theo các nguyên tắc của “quản trị tốt”. Quản trị của CQĐP được xem là “quản trị tốt” khi thể hiện đầy đủ các đặc trưng: lấy công dân làm trung tâm; niềm tin và mức độ ủng hộ của người dân; công khai, minh bạch; có sự tham gia của người dân; hiệu quả; pháp quyền; trách nhiệm; tính đáp ứng; công bằng xã hội; liêm chính; ổn định(9). Vì vậy, để thúc đẩy đổi mới quản trị địa phương ở vùng Tây Nam Bộ theo các nguyên tắc của “quản trị tốt”, cần xem xét, bổ sung một số tiêu chí vào bộ Chỉ số PAPI, bao gồm: mức độ niềm tin và sự ủng hộ của người dân đối với chính quyền; mức độ và tính hiệu quả trong bảo đảm quyền con người, quyền công dân; chất lượng dịch vụ công (thủ tục hành chính công, chất lượng dịch vụ giáo dục, y tế, hạ tầng giao thông, an ninh trật tự, quản trị môi trường…); mức độ công khai, minh bạch thông tin; mức độ và hiệu quả tham gia của người dân; pháp quyền; công bằng xã hội; tính hiệu quả; tính trách nhiệm (gồm trách nhiệm giải trình); tính đáp ứng; liêm chính (kiểm soát tham nhũng trong khu vực công); quản trị điện tử; mức độ phân cấp, phân quyền cho cấp dưới; ổn định.
Bốn là, đổi mới và hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy đổi mới quản trị địa phương theo định hướng quản trị địa phương tốt. Cần rà soát, đánh giá để hoàn thiện, đổi mới thể chế, nhất là thể chế về công khai, minh bạch thông tin; thể chế về sự tham gia của người dân; thể chế tư vấn và phản biện xã hội; thể chế hợp tác quản trị; thể chế tự quản xã hội; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương; thể chế đánh giá quản trị; thể chế về chuyển đổi số trên các lĩnh vực, nhất là chuyển đổi số trong khu vực công.
Năm là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thực sự đảm bảo chất lượng. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là yếu tố quyết định chất lượng của quản trị địa phương, cũng là yếu tố quyết định chất lượng chính sách, hiệu quả thực thi chính sách và chất lượng dịch vụ công. Vì vậy, cần tăng cường đổi mới công tác cán bộ, nhất là đổi mới việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đánh giá, khen thưởng, bổ nhiệm để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có cơ cấu phù hợp, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín.
Sáu là, lấy hiệu quả quản trị địa phương là một trong các tiêu chí cốt lõi trong đánh giá hiệu quả lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu ở địa phương. Tác dụng thúc đẩy đổi mới của CQĐP theo các nguyên tắc “quản trị tốt” chỉ được phát huy đầy đủ khi các bên liên quan coi trọng sử dụng kết quả đánh giá; đồng thời sử dụng kết quả đánh giá này làm căn cứ để đánh giá lãnh đạo, đánh giá người đứng đầu địa phương. Trong những năm qua, nhiều địa phương ở nước ta đã coi trọng sử dụng kết quả đánh giá của Chỉ số PAPI để phục vụ cho việc đề ra nội dung và chương trình cải cách cho từng giai đoạn. Đồng thời, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực, nhất là chuyển đổi số trong khu vực công./.
--------------------------
Ghi chú:
(1) Nguyễn Trọng Bình, Tăng cường sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 4/2021.
(2) Nguyễn Trọng Bình, Nguyễn Thị Ngọc Anh, Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội trong quản trị địa phương hiện nay, Tạp chí Mặt trận, số 8/2018.
(3),(4),(5),(6),(8) CECODES, VFF-CRT, RTA & UNDP, Chỉ số PAPI từ năm 2011 đến năm 2020, https://papi.org.vn/bao-cao.
(7) Nguyễn Trọng Bình, Đổi mới quản trị xã hội ở các nước phát triển và những gợi mở cho Việt Nam, Tạp chí Thông tin Khoa học lý luận chính trị, số 8+9/2020.
(9) Nguyễn Trọng Bình, Xây dựng Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam hiện nay - tiếp cận từ lý luận quản trị tốt, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 08 (408), tháng 4/2020.
TS Nguyễn Trọng Bình - Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
tcnn.vn
Tin tức cùng chuyên mục