Hà Nội, Ngày 25/04/2024

Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ

Ngày đăng: 11/03/2023   11:18
Mặc định Cỡ chữ
Quyền lực có khởi nguồn là từ Nhân dân, của cộng đồng. Khi quyền lực được trao cho người có nhân cách và tài năng thì sẽ được sử dụng đúng mục đích, bảo vệ và đem lại lợi ích cho cộng đồng. Ngược lại, khi trao cho người không đủ nhân cách, lại thiếu cơ chế và thiết chế kiểm soát, thì quyền lực đó dễ trở thành công cụ phục vụ cho lợi ích cá nhân; bị biến dạng, tha hóa, dẫn tới lạm quyền, đi ngược lại lợi ích của cộng đồng.
Trong kiểm soát quyền lực ở Việt Nam hiện nay, việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là vấn đề rất quan trọng và cần thiết.

Nhận thức rõ tính hai mặt của quyền lực, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đặc biệt quan tâm đến vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, coi đó là nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, phòng, chống những nguy cơ của Đảng cầm quyền và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ - nhiệm vụ quan trọng của Đảng cầm quyền, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân

Chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định, xây dựng xã hội chủ nghĩa chính là sự nghiệp của nhân dân. Việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước nhằm mục đích tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm và tính hiệu quả của việc thực thi quyền lực do nhân dân ủy thác, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân; bảo đảm Đảng, Nhà nước phải được tổ chức và hoạt động tuân thủ phạm vi, giới hạn mà Nhân dân đã ủy quyền, hoạt động đúng theo quy định của Điều lệ Đảng, Hiến pháp và pháp luật. 

Theo chủ nghĩa Mác-Lênin, chỉ có nhà nước mà quyền lực thuộc về nhân dân, của dân, do dân, vì dân thì nhà nước ấy mới có thể quản lý được xã hội phù hợp với quy luật, phục vụ lợi ích nhân dân. V.I.Lênin nhấn mạnh rằng: “Nếu quyền lực chính trị nằm trong tay một giai cấp có quyền lợi khác quyền lợi của đa số thì việc điều khiển công việc quốc gia theo nguyện vọng của đa số không khỏi trở thành một sự lừa gạt, hoặc đưa đến chỗ đàn áp đa số ấy”(1).

Để vận hành cơ chế ủy quyền đảm bảo quyền lực nhà nước thực sự thuộc về Nhân dân, đòi hỏi phải có cơ chế giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực, như V.I.Lênin nêu rõ: “Những nhiệm vụ đã trở thành tự nhiên đối với những người xã hội chủ nghĩa sau khi đã giành được chính quyền”(2). Cơ chế kiểm soát quyền lực trong trong điều kiện Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền là phải bảo đảm kiểm soát việc thực hiện quyền lực của tất cả các tổ chức, các chức danh trong hệ thống chính trị, mà mục đích là tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong bộ máy nhà nước và toàn xã hội, bảo đảm cho hệ thống chính trị và chế độ xã hội chủ nghĩa phát triển ổn định và bền vững. 

Xác định rõ chủ thể, đối tượng kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa chủ thể kiểm soát và đối tượng bị kiểm soát quyền lực

Đây là một nội dung quan trọng được xác định rõ trong quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin: 

Thứ nhất, về chủ thể kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ phải là “tất cả các “công xã” - công xưởng, làng, hợp tác xã tiêu dùng, ban cung cấp đều phải tổ chức một cách thực tiễn việc kiểm kê và kiểm soát”(3); 

Thứ hai, về đối tượng kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ “giao trách nhiệm cho Bộ Dân ủy thanh tra công nông kiểm soát và giám sát hoạt động của tất cả mọi xí nghiệp, cơ quan và tổ chức xã hội và tư nhân…”(4); 

Thứ ba, về mối quan hệ giữa chủ thể kiểm soát và đối tượng kiểm soát, “thực ra, toàn bộ vấn đề kiểm soát chung quy là vấn đề xem ai là người kiểm soát và ai là kẻ bị kiểm soát, nghĩa là giai cấp nào thi hành kiểm soát và giai cấp nào phải chịu sự kiểm soát”(5). 

Nội dung và hình thức kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ 

Nội dung kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ rất rộng, gắn liền với hoạt động lãnh đạo của Đảng và hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ, đảng viên và trong các tổ chức của hệ thống chính trị. V.I.Lênin khái quát: “Kiểm tra nhân viên công tác và kiểm tra việc chấp hành thực tế công tác mấu chốt của toàn bộ công tác, của toàn bộ chính sách hiện nay là ở đấy, vẫn là ở đấy và chỉ có ở đấy”(6). Về hình thức kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, khi tiến hành kiểm soát quyền lực, phải kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các hình thức kiểm soát trực tiếp và gián tiếp, không nên tuyệt đối hóa một hình thức nào và phải do nhiều tổ chức tiến hành đồng thời mới đem lại kết quả. Điều này được V.I.Lênin chỉ rõ: “Hàng nghìn hình thức và biện pháp kiểm kê và kiểm soát thực tiễn… cần được bản thân các công xã, các chi bộ nhỏ ở nông thôn và thành thị đề ra và thể hiện trong thực tiễn”(7). Phải kết hợp cả kiểm tra, giám sát từ trên xuống và từ dưới lên, từ trong ra và từ ngoài vào, trong đó đặc biệt coi trọng vai trò giám sát của quần chúng nhân dân. 

Kiểm soát quyền lực bằng việc đề cao dân chủ và pháp luật

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, dân chủ là một phương thức và hình thức để nhận biết và thực hiện bản chất nhân dân của chủ nghĩa xã hội. Do đó, dân chủ hóa là vấn đề mang tính tất yếu của sự phát triển xã hội, biểu hiện qua thực tiễn là sự tự hoàn thiện bên trong của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, là nội dung cốt lõi để đổi mới và lành mạnh hóa các quan hệ xã hội nói chung, trong đó có vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Mọi hoạt động của đảng cầm quyền, của nhà nước, trong một thể chế chính trị dân chủ và pháp quyền là phải đáp ứng ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. C.Mác đã viết: “Dưới chế độ dân chủ, không phải con người tồn tại vì luật pháp, mà luật pháp tồn tại vì con người; ở đây sự tồn tại của con người là luật pháp, trong khi đó thì dưới những hình thức khác của chế độ nhà nước, con người lại là tồn tại được quy định bởi luật pháp. Dấu hiệu đặc trưng của chế độ dân chủ là như vậy”(8). 

Thực hiện chế độ tập trung dân chủ và ngăn ngừa mọi biểu hiện của chủ nghĩa quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, chuyên quyền; lãnh đạo tập thể phải đi đôi với cá nhân phụ trách. Trong việc triển khai những hoạt động thực tiễn của mỗi cơ quan, đơn vị, V.I.Lênin cho rằng: “… chỉ nên giao cho một đồng chí thôi, một đồng chí có tiếng là cương nghị, có tinh thần quả quyết, mạnh dạn, có khả năng lãnh đạo công tác thực tiễn và được tín nhiệm nhất”(9). Kiểm soát quyền lực phải bằng chính sự hoàn bị của hệ thống pháp luật, bằng công luận, thông qua sự minh bạch thông tin và bằng quyền tham chính của nhân dân.

Đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và phát huy vai trò của Nhân dân về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ 

Để thực hiện việc kiểm soát quyền lực có hiệu quả, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện khoa học, thận trọng, chặt chẽ theo đúng nguyên tắc, phương pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; phải bố trí người có uy tín, kinh nghiệm để điều khiển việc thực hiện; có cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, bản lĩnh, kinh nghiệm, kỹ năng, nếu không sẽ thất bại. Trong kiểm soát quyền lực, V.I.Lênin chỉ rõ: “Muốn biết cách điều khiển công tác kiểm tra, thì cần phải có người có uy tín đứng đầu, nếu không chúng ta sẽ sa lầy và sẽ chìm ngập trong những mưu toan nhỏ nhặt”(10). Phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong kiểm soát quyền lực với phát huy vai trò của Nhân dân thì mới đem lại kết quả cao nhất. 

Để thực hành cơ chế kiểm soát quyền lực và ngăn ngừa tha hóa quyền lực được hiệu quả, phải dựa vào Nhân dân vì dân chúng luôn có “nghìn tai, nghìn mắt”, sức mạnh, trí tuệ, lực lượng đều ở nơi dân. Trên cơ sở đó, phải phát huy dân chủ, xây dựng môi trường công khai, minh bạch; hướng đến mục đích bảo đảm cho Đảng, Nhà nước, các tổ chức trong xã hội thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ được Nhân dân giao quyền thông qua Hiến pháp và pháp luật; xây dựng, hoàn thiện cơ chế Nhân dân kiểm soát quyền lực. Theo quan điểm của V.I.Lênin, cần có cơ chế thích hợp để nhân dân có điều kiện giới thiệu cán bộ cho Đảng, kiểm tra hoạt động của cán bộ và nếu cán bộ không đủ tư cách thì quần chúng có quyền bãi miễn: “Quần chúng phải có quyền được tự mình cử ra những người lãnh đạo có trách nhiệm. Quần chúng phải có quyền được thay đổi những người lãnh đạo của mình, phải có quyền được hiểu rõ và kiểm tra mỗi một bước nhỏ nhất trong hoạt động của những người đó. Quần chúng phải có quyền được đề bạt trong nội bộ của họ bất kỳ một công nhân nào lên phụ trách chức vụ lãnh đạo”(11). 

Tăng cường tự phê bình và phê bình để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ 

Tự phê bình và phê bình là quy luật vận động và phát triển của Đảng Cộng sản. Việc thực hiện nghiêm và thường xuyên tự phê bình và phê bình sẽ bảo đảm cho Đảng kịp thời khắc phục khuyết điểm, thiếu sót, phát huy ưu điểm, thúc đẩy sự nghiệp của Đảng thêm vững chắc. Đây cũng là biện pháp hiệu quả để đấu tranh khắc phục mọi biểu hiện của tư tưởng hữu khuynh, bảo đảm sự thống nhất trong Đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức cán bộ và đạo đức. C.Mác nêu rõ: “Giữa chúng ta với nhau từ lâu việc phê bình vì lợi ích của bản thân đảng tất yếu mang tính chất thẳng thắn. Vả lại điều làm cho tôi và chúng ta vui mừng là khi chúng ta nhận được điều minh chứng mới rằng Đảng ta dù hoạt động trong lĩnh vực nào đi nữa vẫn luôn luôn bộc lộ ưu thế của mình”(12). Ph.Ănghen nhấn mạnh: “Giai cấp vô sản, cũng như tất cả các đảng khác, sẽ học tập nhanh nhất qua những sai lầm của bản thân, những sai lầm này không ai có thể tránh hoàn toàn cho họ được”(13). 

V.I.Lênin đã phát triển quan điểm nêu trên của C.Mác và Ph.Ănghen lên một bước mới trong xây dựng Đảng và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ qua việc khẳng định, trong hoạt động của đảng khó tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm, nhưng: “Thái độ của một chính đảng trước những sai lầm của mình là một trong những tiêu chuẩn quan trọng và chắc chắn nhất để xem xét đảng ấy có nghiêm túc không và có thực sự làm tròn nghĩa vụ của mình đối với giai cấp mình và đối với quần chúng lao động không. Công khai thừa nhận sai lầm, tìm ra nguyên nhân sai lầm, phân tích hoàn cảnh đã đẻ ra sai lầm ấy - đó là dấu hiệu chứng tỏ một đảng nghiêm túc, đó là đảng làm tròn nhiệm vụ của mình, đó là giáo dục và huấn luyện giai cấp, rồi đến quần chúng”(14). 

Kiểm soát quyền lực bằng thực hành đúng đắn nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân 

Chủ nghĩa Mác-Lênin và thực tiễn khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, do nhân dân và vì nhân dân. Sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa, của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với Nhân dân. V.I.Lênin căn dặn: “Muốn phục vụ quần chúng và đại biểu cho lợi ích được nhận thức một cách đúng đắn của họ, thì đội tiên phong, tức là tổ chức, phải tiến hành toàn bộ hoạt động của mình trong quần chúng…”(15). Sức mạnh của Đảng được xây dựng trên nền tảng vững chắc là sức mạnh của Nhân dân. Vì vậy, việc kiểm soát quyền lực bằng tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên với Nhân dân cũng chính là phòng, chống được một nguy cơ lớn của Đảng cầm quyền là quan liêu, xa dân. Để phòng tránh nguy cơ đó, giữ vững mối quan hệ mật thiết với Nhân dân thì Đảng phải kiên quyết đấu tranh chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chuyên quyền, độc đoán, xa rời thực tế, xa rời quần chúng nhân dân trong cán bộ, đảng viên. 

Trong thực thi nhiệm vụ kiểm soát quyền lực, thời kỳ thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP), V.I.Lênin chủ trương chấn chỉnh lại bộ máy chính quyền xô viết và bộ máy kinh tế. Ảnh tư liệu: TTXVN

Xây dựng cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ kiểm soát quyền lực chuyên trách, khoa học, xứng tầm

Bảo đảm các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị là chủ thể kiểm soát quyền lực được xác định rõ về phạm vi, tính chất, nội dung nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình, thủ tục kiểm soát quyền lực tương thích với vị trí, vai trò của mình trong hệ thống chính trị. Trong cơ chế kiểm soát quyền lực, hướng vào xây dựng và hoàn thiện thiết chế kiểm soát quyền lực chuyên trách, đủ năng lực, quyền hạn, có chức năng, nhiệm vụ kiểm soát quyền lực rõ ràng, cụ thể. Trong thực thi nhiệm vụ kiểm soát quyền lực, thời kỳ thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP), V.I.Lênin chủ trương chấn chỉnh lại bộ máy chính quyền Xô viết và bộ máy kinh tế; vạch ra một chương trình hoạt động thực tiễn của các cơ quan xô viết; đòi hỏi phải xây dựng lại công tác của Hội đồng Bộ trưởng dân ủy, Hội đồng lao động và Quốc phòng, Tiểu Hội đồng Bộ trưởng dân ủy. Người kịch liệt phê phán tệ quan liêu của các cơ quan đó và yêu cầu triệt để xây dựng lại chế độ công tác. Theo đó, vấn đề là lựa chọn người, thiết lập chế độ trách nhiệm cá nhân đối với công việc đang làm, kiểm tra công việc thực tế, nếu không như thế thì không thể thoát ra khỏi chủ nghĩa quan liêu và bệnh giấy tờ đang bóp nghẹt sự vận hành của tổ chức bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ. V.I.Lênin yêu cầu: “Nghiên cứu con người, tìm những cán bộ có bản lĩnh. Hiện nay, đó là then chốt; nếu không thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy lộn”(16); đồng thời phân công những đảng viên xuất sắc nhất làm việc trong cơ quan Bộ Dân ủy tư pháp.

Kiên quyết trừng trị cán bộ tha hóa quyền lực

V.I.Lênin đã sớm nhận diện tình trạng tha hóa quyền lực, suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ trong hệ thống chính trị và hệ quả của nó để có giải pháp ngăn ngừa hiệu quả. Thực tiễn chính quyền Xô viết những năm đầu sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã cho thấy nhiều nhiệm vụ lớn và phức tạp được đặt ra cho Đảng và chính quyền Xô viết cần giải quyết, trong đó có nhiệm vụ cấp thiết về việc tiếp tục cải tổ và củng cố bộ máy nhà nước. Vì bên cạnh những thành quả mang tính lịch sử, bộ máy nhà nước có không ít hạn chế như tệ quan liêu, tham nhũng, bệnh kiêu ngạo cộng sản, xa hoa, lãng phí… V.I.Lênin cho rằng: “Kẻ thù của chúng ta ngày nay, nếu chỉ nói kẻ thù bên trong thôi, không phải như loại tên tư bản và tên địa chủ - thiểu số bóc lột này dễ bị đánh bại và đã bị đánh bại rồi, kẻ thù của chúng ta là bọn đầu tư và bọn quan liêu”(17). 

Không dừng lại ở sự phê phán nghiêm khắc tệ tham nhũng, V.I.Lênin còn chỉ ra hậu quả chính trị - xã hội của tệ nạn tham nhũng: “Nếu còn có thể hối lộ được thì cũng không thể nói đến chính trị được. Một đạo luật chỉ có thể đưa đến kết quả xấu hơn, nếu trên thực tế nó được đem áp dụng trong điều kiện nạn hối lộ còn được dung thứ và đang thịnh hành. Trong những điều kiện đó, không thể làm được một thứ chính trị nào hết; người ta không có cái điều kiện cơ bản để có thể làm chính trị được”(18). Từ đó, V.I.Lênin yêu cầu phải coi trọng xây dựng cơ chế phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng và những thói hư, tật xấu của bộ máy công quyền, trong đó có bệnh quan liêu. 

Xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức cách mạng 

V.I.Lênin cho rằng, cán bộ lãnh đạo phải có uy tín trước Đảng, trước nhân dân: “Uy tín này không một người nào phủ nhận được và sức mạnh của nó, tất nhiên, không phải bắt nguồn từ đạo đức trừu tượng, mà từ đạo đức của người chiến sĩ cách mạng, đạo đức của quần chúng cách mạng”(19). Để xây dựng Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, V.I.Lênin cho rằng một nội dung vừa quan trọng, cấp bách; vừa thường xuyên, lâu dài là phải xây dựng đội ngũ cán bộ có đạo đức cách mạng, được biểu hiện ở tính trung thực; lập trường chính trị; hiểu biết công việc; về năng lực quản lý(20). 

Thực tế cho thấy, khi lựa chọn cán bộ cho Bộ Dân ủy thanh tra công nông, V.I.Lênin yêu cầu những cán bộ, nhân viên thuộc bộ máy đều phải được kiểm tra nghiêm ngặt về phương diện trung thực, sự hiểu biết về bộ máy nhà nước; phải là những người cộng sản “không thể chê trách được”. V.I.Lênin cho rằng điều cần thiết là phải cải tổ bộ máy để bảo đảm có được một nhà nước trong sạch, vững mạnh và có hiệu lực, được nhân dân tín nhiệm; đồng thời biết sử dụng cán bộ bằng cách “giao công việc cho họ, nhưng cũng phải theo dõi họ chặt chẽ, đặt họ dưới quyền các chính ủy, ngăn chặn các ý đồ phản cách mạng của họ”(21). Đó cũng chính là mục đích sâu xa của kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, phòng chống sự tha hóa quyền lực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản.

Có thể khẳng định, trong di sản tư tưởng của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác-Lênin, những quan điểm, tư tưởng cơ bản về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ có một vị trí đặc biệt quan trọng, đặc biệt là của V.I.Lênin - khi Đảng Cộng sản đã trở thành đảng cầm quyền. V.I.Lênin không chỉ làm sáng tỏ những quan điểm căn bản của C.Mác và Ph.Ăngghen về kiểm tra, kiểm soát, mà còn thể hiện ở việc đi sâu, phát triển lý luận mácxít về kiểm soát quyền lực trên nhiều phương diện, trong đó có nội dung về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, kiên quyết đấu tranh “không khoan nhượng” để “tẩy sạch” tất cả phần tử thoái hóa, biến chất nhằm làm trong sạch nội bộ Đảng và Nhà nước.

Trong kiểm soát quyền lực ở Việt Nam hiện nay, việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là vấn đề rất quan trọng và cần thiết. Việc nghiên cứu giúp chúng ta giác ngộ sâu sắc hơn tính khoa học và cách mạng của học thuyết Mác-Lênin, củng cố thêm niềm tin khoa học vào bản chất của Đảng Cộng sản, tăng cường niềm tin và động lực để các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên thực hiện có hiệu quả quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng về kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần ngăn ngừa nguy cơ của đảng cầm quyền, ổn định và phát triển bền vững chế độ xã hội chủ nghĩa, đưa sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, vững bước đi tới những thắng lợi mới./.

-----------------------

Ghi chú:

(1) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 43, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva 1978, tr.52.

(2) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 36, Nxb CTQG-ST, H.2006, tr.298.

(3),(7) Sđd, tập 35, tr.224, tr.245.

(4),(16),(18) Sđd, tập 44, tr.508, tr.218, tr.449, tr.218.

(5) Sđd, tập 34, tr.235.

(6),(10) Sđd, tập 45, tr.19, tr.146.

(8) C.Mác-Ph.Ănghen, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG-ST, H.2002, tr.350.

(9) Sđd, tập 39, tr.52-53.

(11) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 36, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva 1978, tr.192.

(12) C.Mác-Ph.Ănghen, Toàn tập, tập 29, Nxb CTQG-ST, H.1996, tr.774.

(13) C.Mác-Ph.Ănghen, Toàn tập, tập 37, Nxb CTQG-ST, H.1997, tr.450.

(14) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva 1977, tr.51.

(15) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 24, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva 1977, tr.51.

(17) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 37, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva 1977, tr.511.

(19), (21) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 38, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva 1978, tr.95, tr.7-8.

(20) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 53, Nxb CTQG-ST, H.2005, tr.127.

 

PGS.TS Đỗ Xuân Tuất - Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

Ngày đăng 20/04/2024
Với vị trí, vai trò quan trọng của cơ sở, để thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân có hiệu quả, phải thực hiện dân chủ từ cơ sở. Trong những năm qua, dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, Nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được bảo vệ. Việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở... góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng 09/04/2024
Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.