Hà Nội, Ngày 01/04/2023

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác quân sự, quốc phòng địa phương theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XIII

Ngày đăng: 26/02/2023   04:56
Mặc định Cỡ chữ
Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới đã nêu rõ: tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một trong những nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Theo đó, đối với công tác quân sự, quốc phòng địa phương, cần quán triệt thực hiện nghiêm theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW nhằm góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.
Ảnh minh họa: qdnd.vn

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác quân sự, quốc phòng địa phương hiện nay là nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nói chung và đối với Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng thông qua hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, bảo đảm cho lực lượng vũ trang luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới. Để bảo đảm sự đổi mới lãnh đạo của Đảng đối với công tác quân sự, quốc phòng địa phương cần tập trung vào những nội dung sau:

Thứ nhất, đổi mới cách thức, biện pháp, quy trình đưa nghị quyết, quyết định, kết luận và định hướng lớn của Đảng về công tác quân sự, quốc phòng địa phương thành chương trình, kế hoạch của các cơ quan nhà nước và tổ chức thực hiện. Vì vậy, cần đổi mới cách thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến nghị quyết của Đảng về lãnh đạo nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương đối với cơ quan nhà nước; sử dụng, phát huy vai trò của đảng đoàn, ban cán sự đảng, cấp ủy đảng và cán bộ phụ trách công tác đảng trong cơ quan nhà nước để chuyển tải nghị quyết, kết luận và ý kiến chỉ đạo, định hướng của Đảng đến các cơ quan nhà nước, trực tiếp lãnh đạo các cơ quan, tổ chức này thể chế hóa, cụ thể hóa thành chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch công tác theo đúng vai trò, chức năng, tính chất của từng tổ chức và thực hiện thắng lợi theo yêu cầu đề ra. Các nghị quyết, kết luận, ý kiến chỉ đạo của Đảng về công tác quân sự, quốc phòng địa phương là cơ sở quan trọng để các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện, song đó là những định hướng lớn, quan điểm, chủ trương và mục tiêu tổng quát nhất, cần phải ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Các cơ quan, đơn vị phải dựa vào nghị quyết, kết luận, ý kiến chỉ đạo của Đảng làm căn cứ chính để xây dựng chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch công tác, không xa rời, làm trái nghị quyết của Đảng.

Trong đổi mới cách thức Đảng lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, cần tuân thủ nghị quyết, chủ trương của Đảng theo một số điểm sau: 

Một là, chuẩn xác hóa khái niệm nghị quyết, chủ trương và định hướng lớn của Đảng về công tác quân sự, quốc phòng địa phương, tránh cách hiểu máy móc, hoặc tùy tiện; 

Hai là, thay đổi quy trình chuẩn bị các nghị quyết, kết luận quan trọng của Đảng trong công tác quân sự, quốc phòng địa phương đòi hỏi phải thể chế hóa và tổ chức thực hiện ngay trên thực tế; 

Ba là, phát huy tính chủ động, sáng tạo xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, biện pháp có hiệu quả thực hiện đường lối của Đảng; 

Bốn là, xác định rõ trách nhiệm của đảng đoàn, ban cán sự đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc quán triệt, lãnh đạo cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan nhà nước ở địa phương và trong lực lượng vũ trang để cụ thể hóa nghị quyết của Đảng. 

Thứ hai, đổi mới cách thức, hình thức, biện pháp tuyên truyền, thuyết phục, vận động công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Trong tuyên truyền, thuyết phục cần trình bày rõ cách đặt vấn đề của cấp ủy đảng, những căn cứ lý luận và thực tiễn, sự cân nhắc giữa các phương án khi cấp ủy thảo luận, thông qua nghị quyết, tinh thần cơ bản của nghị quyết và thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nghị quyết. Nghị quyết số 28-NQ/TW đã nhấn mạnh: “Phải chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao, đồng thời cần thận trọng, có bước đi vững chắc; vấn đề đã rõ thì kiên quyết đổi mới, vấn đề cần thiết nhưng chưa rõ, còn có ý kiến khác nhau thì phải nghiên cứu, thí điểm, không nóng vội nhưng cũng không bỏ qua hoặc để chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển”(1).

Thứ ba, đổi mới cách thức, quy trình lãnh đạo của Đảng đối với công tác quân sự, quốc phòng địa phương về công tác tổ chức, cán bộ. Đảng ta là đảng cầm quyền và lãnh đạo toàn diện, đặc biệt là lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ. Đây vừa là nội dung, vừa là phương thức lãnh đạo của Đảng. Vấn đề đặt ra là cần đổi mới cách thức, quy trình lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ, đặc biệt đối với cơ quan nhà nước ở địa phương trong hoạt động quân sự, quốc phòng địa phương để giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác tổ chức, cán bộ. 

Cần rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, làm cơ sở để sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy và cán bộ; thể chế hóa, cụ thể hóa nguyên tắc: “Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Đảng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, xem xét, phân công, giới thiệu cán bộ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và thông qua đội ngũ cán bộ để lãnh đạo thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng”(2). Tăng cường phân cấp hợp lý về quản lý cán bộ; đổi mới mạnh mẽ việc đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, bố trí sử dụng, bảo đảm chọn và sử dụng đúng cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ở các cấp, trong đó có cơ quan quân sự địa phương. Bên cạnh đó, mở rộng và phát huy dân chủ trong công tác cán bộ theo hướng có sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân, có sự tham vấn của các cơ quan chuyên môn trong đó có cơ quan chính trị địa phương, cơ quan trực tiếp giúp cho Đảng ủy quân sự địa phương lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động công tác tổ chức, cán bộ.

Thứ tư, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên trong công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Kiểm tra, giám sát là phương thức lãnh đạo rất quan trọng trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo Điều lệ Đảng. Nghị quyết số 28-NQ/TW đã nhấn mạnh yêu cầu: “Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng trong kiểm tra, giám sát các hoạt động thuộc lĩnh vực được giao. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra của Nhà nước”(3). 

Tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quân sự, quốc phòng địa phương; việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, chế độ công tác, thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ; việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên... Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu tổ chức đảng và cơ quan nhà nước các cấp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải phối hợp chặt chẽ với công tác thanh tra, công tác giám sát của Quốc hội và các cơ quan nhà nước theo đúng chức năng và thẩm quyền. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và hoạt động của hệ thống ủy ban kiểm tra các cấp. Hoàn thiện quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra đảng với các tổ chức đảng và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Thứ năm, phát huy vai trò của các tổ chức đảng và tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Các tổ chức đảng hoạt động trong các cơ quan, đơn vị phải được xây dựng vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, thể hiện rõ tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình nghiêm túc, nhất là đối với những tiêu cực trong tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. Xác định đúng nhiệm vụ chính trị của tổ chức đảng trong từng cơ quan, đơn vị trên cơ sở nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; chương trình, kế hoạch công tác của cấp trên; nắm chắc đặc điểm, tình hình nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng địa phương của ngành. 

Cần đổi mới việc ban hành nghị quyết theo hướng dân chủ, phát huy trí tuệ của tập thể. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện quy chế làm việc; xây dựng và thực hiện nghiêm chương trình công tác của tổ chức đảng. Quy chế làm việc cần xây dựng theo đúng quy trình hướng dẫn; hàng năm, mỗi nhiệm kỳ phải rà soát, điều chỉnh quy chế cho hợp lý; xây dựng đồng bộ quy chế hoạt động của tổ chức Đảng và cơ quan nhà nước. Cụ thể, như chương trình công tác toàn khóa, hàng năm của tổ chức đảng; của ban chấp hành, ban thường vụ; các chương trình công tác chuyên đề về xây dựng Đảng, tuyên giáo, tổ chức, cán bộ, dân vận, kiểm tra, giám sát… đối với hoạt động công tác quân sự, quốc phòng địa phương.

Nghị quyết số 28-NQ/TW nhấn mạnh: “Hoàn thiện quy định lựa chọn, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện quy định… Thực hiện nghiêm quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Tiếp tục hoàn thiện các quy định về cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cán bộ, nhất là trong đánh giá, giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ”(4). Theo tinh thần này, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Kịp thời kiện toàn cấp ủy, tổ chức đảng trong cơ quan nhà nước và tăng cường cán bộ cho những nơi có nhiều khó khăn, nội bộ mất đoàn kết. Coi trọng việc lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, nhất là bí thư cấp ủy. Thực hiện tốt công tác quản lý và chế độ, chính sách đối với cán bộ, đặc biệt là cán bộ thực hiện nhiệm vụ công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo khó khăn.

Đổi mới phương thức sinh hoạt của tổ chức đảng trong cơ quan nhà nước, tổ chức đảng trong cơ quan quân sự địa phương gồm cả sinh hoạt đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy, chi bộ. Sinh hoạt đảng phải bảo đảm ba tính chất: lãnh đạo, giáo dục, chiến đấu. Nội dung sinh hoạt cần thiết thực, đi thẳng vào những vấn đề thực hiện nhiệm vụ chính trị, chú trọng các nội dung về xây dựng Đảng, nhất là công tác tư tưởng. Đổi mới hình thức sinh hoạt chi bộ trên cơ sở kết hợp sinh hoạt chính trị, học tập, chuyên đề. Bồi dưỡng, nâng cao năng lực tổ chức, điều hành sinh hoạt cho bí thư cấp ủy ở cơ quan quân sự địa phương. Gắn kết việc xây dựng, củng cố tổ chức đảng với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước; phát huy vai trò giám sát của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với tổ chức đảng hoạt động trong công tác quân sự, quốc phòng địa phương. 

Bên cạnh đó, cần đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên đối với tổ chức đảng trong cơ quan nhà nước theo hướng sâu sát, thiết thực, khắc phục bệnh quan liêu. Cấp ủy địa phương cấp trên phải có chương trình cụ thể phân công cấp ủy viên theo dõi, trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của tổ chức đảng trong cơ quan quân sự địa phương. Tập trung chỉ đạo củng cố các tổ chức đảng yếu kém, có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, vi phạm nguyên tắc trong lãnh đạo, chỉ đạo. Trọng tâm là, các cấp ủy đảng tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Nghị quyết số 28-NQ/TW nêu rõ: “Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần lan toả trong xã hội những hành động tốt, tấm gương tiêu biểu của cán bộ, đảng viên”(5). Làm tốt công tác phân công nhiệm vụ cho đảng viên theo hướng mọi đảng viên đều được phân công một số nhiệm vụ cụ thể, đúng người, đúng việc, căn cứ vào năng lực, sở trường, nguyện vọng, điều kiện, hoàn cảnh của từng đảng viên để phát huy vai trò của đảng viên và có cơ sở để đánh giá đúng phẩm chất và năng lực của từng đảng viên.

Thứ sáu, đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên ở cơ quan quân sự địa phương theo hướng mở rộng dân chủ; giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng; xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cấp ủy; xây dựng và thực hiện tốt chương trình làm việc. Xác định rõ trọng tâm, trọng điểm cần lãnh đạo trong từng thời gian, đối với từng cơ quan. Cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ, nhất là trong việc quyết định nhiệm vụ chính trị và công tác cán bộ. Duy trì nghiêm chế độ báo cáo xin ý kiến về lãnh đạo hoạt động quân sự địa phương của cơ quan quân sự địa phương. Phát huy vai trò hoạt động của cơ quan chính trị địa phương trong tham mưu, giúp cấp ủy địa phương lãnh đạo công tác quân sự, quốc phòng địa phương và hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc./. 

-------------------------

Ghi chú:

(1),(2),(3),(4),(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XIII, tr.3, tr.7, tr.9, tr.8, tr.10.

PGS.TS Phạm Đình Nhịn, ThS Trần Văn Duy - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

tcnn.vn

Tin tức cùng chuyên mục

Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XIII tới hội viên người cao tuổi toàn quốc

Ngày đăng 20/03/2023
Vừa qua, Hội Người cao tuổi (NCT) Việt Nam tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XIII và giới thiệu chuyên đề: Những vấn đề về NCT Việt Nam; Một số nội dung cơ bản về cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Chương trình công tác trọng tâm của Hội NCT Việt Nam năm 2023. Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế đến 62 điểm cầu trong cả nước, với hơn 3.500 đại biểu là cán bộ cốt cán NCT tham gia.

Cần Thơ tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới

Ngày đăng 05/03/2023
Ngày 04/3/2023, Đoàn công tác của Trung ương do Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ Cần Thơ về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 và kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Xây dựng mô hình định lượng, quản trị tốt nguồn lực quốc gia

Ngày đăng 07/02/2023
Trên thế giới, các cuộc Cách mạng công nghiệp và kinh tế thị trường đã tạo ra, thúc đẩy các nguồn lực để đạt được sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, đặc biệt ở các nước tư bản phát triển. Có thể nói, con người ngày nay đã có một cuộc sống vật chất tốt hơn rất nhiều so với những thế hệ trước. Thế nhưng, hai “hậu quả ngoài ý muốn” hiện đang đe dọa mọi thứ chúng ta có thể mong muốn trong tương lai.

Phát huy tối đa nhân tố con người trong năm bản lề 2023

Ngày đăng 31/01/2023
Bước vào năm 2023 với một tiền đề mạnh mẽ, toàn diện cùng mức tăng trưởng cao nhất trong một thập kỷ qua, chắc chắn là động lực để chúng ta từng bước thực hiện khát vọng hơn 20 năm sau, năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Một khát vọng đã được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định và định hướng lộ trình.

Bốn trụ cột cần triển khai quyết liệt trong năm bản lề 2023

Ngày đăng 30/01/2023
Năm 2023 là năm quan trọng, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải tập trung thực hiện triệt để những giải pháp mà Đại hội XIII và các Hội nghị Trung ương (khóa XIII) đã đặt ra cũng như thực hiện có kết quả.

Tiêu điểm

Công đoàn Văn phòng Bộ Nội vụ tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2023 - 2028

Chiều ngày 30/3/2023, Tại trụ sở Bộ, Công đoàn Văn phòng Bộ Nội vụ tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2023 - 2028. Dự Đại hội có các đồng chí: Vũ Đăng Minh, Chủ tịch Công đoàn Bộ, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ; Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Bộ; Nguyễn Thị Tuyết Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn cơ quan Bộ Nội vụ; tập thể công chức - đoàn viên Công đoàn Văn phòng Bộ.