Hà Nội, Ngày 01/04/2023

Những kinh nghiệm quản trị nhà nước tốt tại Tiểu vương quốc Dubai

Ngày đăng: 11/02/2023   09:58
Mặc định Cỡ chữ
Dubai là một trong bảy tiểu vương quốc của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Dubai là thành phố đông dân nhất của UAE và hiện nay đang nổi lên như một thành phố toàn cầu, năng động, hiện đại, với nhiều thành tựu được đánh giá bậc nhất thế giới... Bài viết phân tích một số kinh nghiệm xây dựng mô hình quản trị nhà nước tốt của Dubai, có thể nghiên cứu, tham khảo và vận dụng vào quản trị nhà nước ở Việt Nam.
Một góc thành phố Dubai, UAE. Ảnh: RF

Quản trị nhà nước tốt tại Tiểu vương quốc Dubai

Mô hình hành chính quản trị nhà nước tốt (Good administration) được nhắc đến vào thập niên 1990 trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ và dân chủ hóa ngày càng mở rộng. Đó là cách thức sử dụng sức mạnh quyền lực nhà nước để quản lý nguồn lực xã hội vì sự phát triển quốc gia. Theo Ngân hàng Thế giới, quản trị nhà nước tốt là việc thực thi các loại quyền lực như kinh tế, chính trị và hành chính để quản lý tốt mọi vấn đề của đất nước ở tất cả các cấp chính quyền(1). Từ các quan niệm trên, ba yếu tố cần có để thực hiện quản trị nhà nước tốt bao gồm: 1) Năng lực của nhà nước trong giải quyết vấn đề của các chính phủ và các nhà lãnh đạo; 2) Khả năng ứng phó của nhà nước trong việc ban hành các chính sách và thể chế công đáp ứng nhu cầu và đề cao quyền của công dân; 3) Trách nhiệm của công dân và khu vực tư nhân trong giám sát, theo dõi trách nhiệm của các thể chế công và chính phủ… 

Từ năm 1971, UAE đã tiến hành hàng loạt cải cách kinh tế - xã hội nhằm tránh sự ảnh hưởng, phụ thuộc quá mức của dầu mỏ đối với nền kinh tế quốc gia. Trọng tâm là đầu tư vào hệ thống y tế, giáo dục cũng như xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đồng thời đa dạng hóa nền kinh tế. Các cải cách thành công đưa nền kinh tế của UAE trở nên đa dạng và bền vững nhất trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. Dubai - thành phố đông dân nhất của UAE, hiện nay nổi lên như một thành phố toàn cầu, năng động, hiện đại bậc nhất thế giới; là một trung tâm kinh tế, tài chính, công nghệ thông tin, du lịch, bất động sản, cảng biển (trung tâm vận tải toàn cầu lớn cho hành khách và hàng hóa) của Ả Rập và toàn thế giới. “Để có được kết quả này các nhà lãnh đạo Dubai ngay từ thập niên 1970 đã có tầm nhìn chiến lược… các chính sách của chính phủ đều nhằm đa dạng hóa nền kinh tế… đã đem lại vị thế vượt trội của Dubai trong thế giới Ả Rập và trên toàn thế giới”(2). Có được những thành tựu nổi bật đó là nhờ các yếu tố:

Thứ nhất, chính quyền UAE hoạt động trong khuôn khổ chế độ quân chủ lập hiến, do đó mỗi tiểu vương quốc lại có một vị quân chủ cai trị, giữa các quân chủ hình thành Hội đồng Tối cao Liên bang, Hội đồng này sẽ họp để bầu chọn ra người đại diện làm Tổng thống của toàn liên bang theo nhiệm kỳ. Chính quyền Dubai do gia tộc Al Maktoum trị vì từ năm 1833, quốc vương hiện tại là Mohammed bin Rashid Al Maktoum, đồng thời là Phó Tổng thống và là Thủ tướng của UAE. Dubai bổ nhiệm 08 thành viên vào hai nhiệm kỳ của Hội đồng Quốc gia liên bang (FNC) của UAE, cơ quan lập pháp tối cao của liên bang. Công dân Dubai được tham gia vào vòng bầu cử sơ loại để bầu đại diện cho FNC(3). 

Dubai là tiểu vương quốc không theo hệ thống tư pháp liên bang UAE. Các tòa án tư pháp của Dubai gồm tòa sơ thẩm, phúc thẩm và thượng thẩm. Tòa án sơ thẩm bao gồm tòa án dân sự, giải quyết cả các khiếu nại dân sự. Tòa án hình sự giải quyết các khiếu nại từ cảnh sát. Tòa án Sharia chịu trách nhiệm về các vấn đề giữa người Hồi giáo. Tòa thượng thẩm là tòa án tối cao của tiểu vương quốc, chỉ giải quyết tranh chấp về những vấn đề liên quan đến luật pháp. Dubai hiện nay là một thành phố an toàn nhất thế giới với tỷ lệ tội phạm 0% do có một đội ngũ cảnh sát có năng lực, được trang bị hiện đại. Quan trọng hơn, mỗi người dân Dubai chính là một cảnh sát thực thụ - người bảo vệ pháp luật. Họ cho rằng, tôn trọng pháp luật là quan tâm đến sự phát triển tương lai của Dubai và là bảo vệ chính lợi ích của bản thân, gia đình họ(4).

Thứ hai, bí quyết thành công của Dubai là sự minh bạch và thương yêu dân chúng. Để minh bạch và thương yêu dân chúng, Dubai có những nhà lãnh đạo có tầm nhìn, dám chịu trách nhiệm trước quyết định và có lòng quyết tâm cao để thực hiện quyết định đó. Mục tiêu mà chính quyền Dubai xác định là phục vụ người dân và nâng cao vị thế của đất nước. Vì vậy, các nhà lãnh đạo của Dubai luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, đáp ứng yêu cầu của họ và xây dựng các chương trình, các chính sách để nhằm đạt được mục tiêu này. 

Thứ ba, Dubai đã huy động được sự tham gia của các chủ thể vào hoạt động quản lý nhà nước, cụ thể là việc ban hành các quyết định hành chính, các chính sách và các biện pháp hành động theo định hướng: “Xây dựng quốc gia là kết quả của những nỗ lực mạnh mẽ nhằm tạo lập một cộng đồng, một đất nước; là nhiệm vụ phi thường không thể xem nhẹ, nhưng phải do chính phủ của một quốc gia cùng các thành phần kinh tế công và tư, cũng như người dân của chính quốc gia đó gánh vác. Tất cả phải sẵn sàng để đối phó với các điều kiện biến đổi mau lẹ đang diễn ra trên khắp thế giới với tốc độ chóng mặt”(5). Hiện nay, nhiều dự án công nghệ cao như “Thành phố internet Dubai”, “Thành phố truyền thông đa phương tiện Dubai” có sự tham gia của cả khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước. 

Thứ tư, các thiết chế tổ chức và các quy trình hành chính phải phục vụ tổ chức và công dân trong khoảng thời gian thích hợp. Nghĩa là Chính phủ luôn linh hoạt, thích ứng với sự thay đổi để hướng đến hiệu suất và sự cam kết phục vụ. Chính phủ đã cam kết phụng sự cho lợi ích chung của UAE, phục vụ cộng đồng bằng cách đảm bảo với người dân về sự phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, an ninh, sự ổn định, sự tiện nghi, cơ hội nghỉ ngơi và được tự do đi lại. Trước khi xây dựng mô hình quản trị nhà nước tốt, Dubai có nền kinh tế yếu kém, các quy hoạch bị hạn chế, hệ thống y tế ở mức cơ bản và giáo dục đã phổ biến nhưng không theo bất cứ chuẩn mực nào; đồng thời còn gặp nhiều trở ngại từ các thủ tục hành chính. 

Các nhà lãnh đạo Dubai cho rằng, nếu hệ thống quản lý hiệu quả thì chính trị, kinh tế, giáo dục, truyền thông, dịch vụ công, đến văn hóa, nghệ thuật và mọi thứ khác sẽ vượt trội. Mục đích cuối cùng của quản lý là chọn ra được những chính sách và quyết định tốt nhất từ những lựa chọn sẵn có, biến đổi chúng thành những mục tiêu mà kết quả có thể được định lượng một cách chính xác. Mục tiêu của cải cách quản trị là đưa hiệu suất hoạt động của Chính phủ trong ngắn hạn lên cấp độ ngang bằng khu vực tư nhân về chất lượng dịch vụ và phương thức làm việc của khu vực công. Do đó, Dubai từng bước tiến hành cải cách giáo dục, thay đổi chương trình giảng dạy ở các trường học, chú trọng vào việc phát triển sự sáng tạo và kỹ năng của học sinh. Dubai chủ trương phát triển một hệ thống giáo dục toàn diện để đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có trình độ phù hợp với công việc của tương lai. Nhiều khái niệm kinh tế, kỹ thuật và chính trị phổ biến trước đây đã bị thay thế bởi các khái niệm mới. 

Riêng đối với lĩnh vực hành chính, Dubai áp dụng các nguyên tắc quản trị hiện đại và đặt ra các chuẩn mực để phát triển quản trị trong một nền kinh tế mới. Xây dựng “Chương trình hoàn thiện Chính phủ Dubai”(6) với lộ trình áp dụng đúng cách. Dubai thực hiện cạnh tranh toàn cầu với một cơ sở hạ tầng tiên tiến, nền kinh tế miễn thuế, chi phí hiệu quả và mức quan liêu tối thiểu. Từ năm 2001, thành phố Dubai đã bắt tay vào xây dựng chính phủ điện tử với mục đích cung cấp các dịch vụ hành chính công thông qua trang web Dubai dubai.ae.  Hiện nay, tất cả các thủ tục và giao dịch bên trong, bên ngoài chính quyền Dubai đã được số hóa 100% và được quản lý trên nền tảng dịch vụ kỹ thuật số. Dubai đã trở thành chính quyền đầu tiên trên thế giới 100% không cần giấy tờ.

Thứ năm, chính quyền Dubai đối xử với người khác luôn dành sự tôn trọng lẫn nhau, khuyến khích những tranh luận chủ động hướng tới sự đồng thuận. Các cuộc tranh luận hướng đến sự đồng thuận đều trở thành những tranh luận mở rộng và diễn ra ở mọi nơi. Các nhà lãnh đạo Dubai tin rằng đối thoại và thảo luận là con đường để đạt đến những quyết định đúng đắn. Quan điểm cởi mở thông tin đó bắt đầu từ đội ngũ lãnh đạo trong tiếp xúc với dân chúng, hay thảo luận với đồng nghiệp hoặc với các doanh nhân nhằm tận dụng những kinh nghiệm từ chuyên môn của họ. Để nâng cấp dịch vụ và hiệu suất quản trị, Dubai thiết lập một cơ chế theo dõi đối với tất cả công chức bằng đội “khách hàng bí mật”. Các thành viên của đội được huấn luyện đặc biệt để đánh giá mức độ dịch vụ tại các cơ quan Chính phủ. Các thành viên này ghé thăm cơ quan Chính phủ như khách hàng bình thường, viết ra những nhận xét của họ về mức độ phục vụ kịp thời và chính xác của công chức phụ trách tiếp công dân. Dubai có một mạng lưới vững chắc về in ấn, vô tuyến, truyền hình và các phương tiện truyền thông điện tử phục vụ thành phố với quan điểm thích thấy những chỉ trích mang tính xây dựng trên báo chí hơn là ngợi ca. Các nhà lãnh đạo Dubai cho rằng, mọi người đều biết về các thành tích và Chính phủ thực sự không cần một lời nhắc lại nào cả, nhưng khám phá ra sai lầm sẽ dẫn các quan chức và những người ra quyết định có thể sửa sai và tránh mắc thêm sai lầm…

Những gợi mở, tham khảo đối với Việt Nam

Một là, mỗi người dân Dubai chính là một cảnh sát thực thụ và là người bảo vệ pháp luật. Họ cho rằng, tôn trọng pháp luật là quan tâm đến sự phát triển tương lai của Dubai, bảo vệ chính lợi ích của bản thân, gia đình họ. Do đó, Nhà nước cần tạo ra khuôn khổ, hành lang pháp lý công bằng và tạo cho người dân có thói quen sống, làm việc trong khuôn khổ của pháp luật. Nhà nước phải có hệ thống tư pháp, hành pháp vì dân, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc quản lý nhà nước phải theo quy định của pháp luật. Quản trị nhà nước tốt đòi hỏi các quy định pháp luật không chỉ đầy đủ, mà còn phải đảm bảo tính khách quan và công bằng. 

Hai là, các nhà lãnh đạo của Dubai luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, đáp ứng yêu cầu của họ và xây dựng các chương trình, chính sách nhằm đạt được mục tiêu này. Đối với Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, gần dân; đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải thực sự gương mẫu trong công việc, trong đạo đức, lối sống, trong tác phong hàng ngày, đặc biệt là có tầm nhìn, tiên phong trong suy nghĩ và hành động và dám chịu trách nhiệm trước Nhân dân.

Ba là, cần hướng tới sự đồng thuận, phải huy động được sự tham gia của các chủ thể trong xã hội vào hoạt động quản lý nhà nước và ban hành chính sách. Trong đó, có quần chúng nhân dân, cán bộ, công chức và đặc biệt các doanh nghiệp ở cả khu vực công và khu vực tư và mối quan hệ hợp tác giữa hai khu vực này. Cần xác định mục tiêu cuối cùng của cả khu vực công và khu vực tư là để phát triển kinh tế, phục vụ thị trường trong và ngoài nước, cung cấp cho người tiêu dùng các dịch vụ tốt nhất. Khu vực công có thể cung cấp nhanh chóng dịch vụ giá trị gia tăng cho khu vực tư. Ngược lại, khu vực tư có thể đóng góp vào sự phát triển của các cơ quan của Chính phủ và cung cấp cho họ chuyên môn, như đào tạo cán bộ, công chức về các công nghệ mới trong lĩnh vực tương ứng. Đại diện của khu vực tư có thể tham gia vào các kế hoạch của Chính phủ để nâng cao hiệu quả của mình, bắt kịp với sự phát triển mới nhất và trao đổi về chuyên môn. Cả hai khu vực chia sẻ một mục tiêu chung trong nhu cầu tăng năng suất, cải thiện hiệu suất và hiệu quả đẩy mạnh nền kinh tế phát triển.

Bốn là, Chính phủ cần luôn linh hoạt, thích ứng với sự thay đổi để hướng đến hiệu suất và sự cam kết phục vụ. Các quy định của pháp luật phải được ban hành kịp thời, đúng đắn theo yêu cầu của thực tiễn đời sống. Các cá nhân, tổ chức thực thi pháp luật cần sáng tạo, linh hoạt trong quá trình thực thi nhiệm vụ để đáp ứng tốt các yêu cầu của người dân. Trong giai đoạn hiện nay, cần đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Cụ thể, tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và TTHC rườm rà, phức tạp, không cần thiết, trọng tâm là các TTHC đang gây trở ngại, kìm hãm hoạt động sản xuất, kinh doanh và các thủ tục khác liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam nhằm phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ số mang lại, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Năm là, minh bạch và cởi mở thông tin, nhà nước phải bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của các phương tiện thông tin đại chúng. Các thông tin liên quan đến hoạt động của Chính phủ, trong đó đặc biệt là việc ban hành chính sách phải được công bố đầy đủ, cập nhật, rõ ràng, dễ truy cập và dễ hiểu đối với mọi người dân. Cần mở rộng cơ chế tham vấn để các tổ chức của người dân tham gia phản biện chính sách và theo dõi, đánh giá thực thi chính sách. Cơ quan nhà nước phải giải trình về những tác động từ quyết định được ban hành. Các chủ thể ban hành và thực hiện quy định pháp luật có trách nhiệm giải trình đối với cơ quan cấp trên, cơ quan dân cử, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội, công chúng và các bên liên quan đến các quy định đó. Trách nhiệm giải trình không thể thực hiện nếu thiếu tính minh bạch và hệ thống các quy định pháp luật đầy đủ, chính xác./. 

------------------

Ghi chú:

(1) Theo Ngân hàng Thế giới năm 1996.

(2) Ý kiến của ông Trần Ngọc Thạch - nguyên Đại sứ Việt Nam tại UAE.

(3) https://vi.wikipedia.org/wiki/Dubai; 

(4), (5) Tầm nhìn thay đổi quốc gia - Mohametd bin Rashid Al Maktoum, Nxb Thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh 2021, tr.49, tr.16.

(6) Chương trình hoàn thiện Chính phủ là một chương trình mang tính cách mạng trong cải cách quản lý. Giải thưởng chất lượng Dubai là giải thưởng được dành riêng cho khu vực kinh tế tư nhân nhưng hiện nay nhiều cơ quan nhà nước cũng đạt được giải thưởng này.

 

TS Nguyễn Thị Thu Hòa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

tcnn.vn

Tin tức cùng chuyên mục

Thiết chế Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức và những gợi mở, tham chiếu đối với Việt Nam

Ngày đăng 21/03/2023
Bài viết nghiên cứu về vị trí, vai trò của thiết chế Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức và ý nghĩa tham khảo đối với việc hoàn thiện thiết chế Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XIII và quy định của Hiến pháp năm 2013.

Hồng Kông sẽ xây dựng học viện chống tham nhũng quốc tế

Ngày đăng 13/03/2023
Ủy viên Ủy ban Độc lập Chống tham nhũng Hồng Kông (ICAC) Woo Ying-ming cho biết, Hồng Kông đang lên kế hoạch xây dựng một học viện chống tham nhũng quốc tế, nhằm cung cấp cho các đặc vụ chống tham nhũng ở nước ngoài những khóa học chuyên nghiệp hơn và thúc đẩy hơn nữa văn hóa trong sạch của đặc khu.

Trung Quốc cải cách sâu rộng bộ máy chính phủ

Ngày đăng 08/03/2023
Trong phương án cải cách cơ cấu Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp lần này, Chính phủ Trung Quốc cải tổ sâu rộng nhiều cơ quan.

Thế giới ưu tiên bảo vệ quyền của phụ nữ

Ngày đăng 07/03/2023
Ngày 06/3/2023, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, theo các dự báo mới nhất, thế giới cần thêm 300 năm để đạt bình đẳng giới hoàn toàn trong bối cảnh tiến bộ về quyền của phụ nữ đang bị thụt lùi.

Tây Ban Nha công bố luật thúc đẩy bình đẳng giới trong chính trị và kinh doanh

Ngày đăng 06/03/2023
Ngày 04/3/2023, Thủ tướng Tây Ban Nha đã công bố luật bình đẳng giới, yêu cầu bình đẳng hơn giữa nữ giới - nam giới trong chính trị, kinh doanh và các lĩnh vực đời sống khác.

Tiêu điểm

Công đoàn Văn phòng Bộ Nội vụ tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2023 - 2028

Chiều ngày 30/3/2023, Tại trụ sở Bộ, Công đoàn Văn phòng Bộ Nội vụ tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2023 - 2028. Dự Đại hội có các đồng chí: Vũ Đăng Minh, Chủ tịch Công đoàn Bộ, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ; Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Bộ; Nguyễn Thị Tuyết Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn cơ quan Bộ Nội vụ; tập thể công chức - đoàn viên Công đoàn Văn phòng Bộ.