![]() |
Thế và lực của Việt Nam không ngừng được tăng cường, vị thế và uy tín của Đất nước không ngừng được khẳng định và tôn vinh trong khu vực và trên trường quốc tế. Các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mức kế hoạch: tốc độ tăng trưởng đạt mức cao trong một thập kỷ qua (8,0%); cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những cân đối lớn, quan trọng được bảo đảm và giữ thế ổn định trên bình diện vĩ mô... Sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và xã hội đều có những bước tiến quan trọng. Theo quy mô, tốc độ và chiều sâu của công cuộc đổi mới, chúng ta chủ động và tích cực đổi mới, sắp xếp và kiện toàn bộ máy lãnh đạo, quản lý; tiếp tục đổi mới công tác hành chính và tư pháp; tăng cường mạnh mẽ hơn trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thực hành tiết kiệm; không ngừng giữ vững thế trận an ninh, quốc phòng; chủ động đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, sâu sắc và hiệu quả. Đó là những thành quả của đổi mới, của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, của sự ủng hộ và hợp tác quốc tế… Tất cả dồn tụ, kết tinh thành sức mạnh và uy tín, theo đó, địa vị và danh tiếng của Đất nước ngày càng được khẳng định.
Trong bối cảnh hiện nay - thời kỳ cạnh tranh và phát triển mới của thế giới, với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong không gian phẳng và tốc độ toàn cầu hóa, đã và đang mở ra những cơ hội phát triển chưa từng có, với quy mô, tốc độ đột phá, nhưng cũng đặt ra những thách thức đối với tất cả các quốc gia, dân tộc, trên quy mô toàn cầu trong một thế giới đầy biến động, đồng thời mở ra một kỷ nguyên hội nhập của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Điều đó đặt ra cho chúng ta phải tiếp tục đổi mới không chỉ tầm nhìn, quyết sách mà còn chỉnh đốn nền móng căn bản, kế sách lâu dài, cơ chế chiến lược phát triển phù hợp với Đất nước và thời đại: đổi mới tầm nhìn chiến lược, trỗi dậy toàn diện, đồng bộ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh thời đại xây dựng nền tảng cho một xã hội phồn vinh và bền vững, với khát vọng Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường và nhân văn, giữ vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.
Việt Nam càng phải độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do và hùng cường. Đó là con đường phát triển duy nhất đúng, nếu muốn bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ tương dung với xu thế phát triển của thế giới. Càng không thể chờ đợi, cầu toàn hoặc thái độ do dự, ngập ngừng và càng không thể chấp nhận hành động nửa vời, chắp vá. Lúc này, Đất nước chỉ có hai lựa chọn tụt hậu hoặc phát triển; trong thế giới hiện nay, không thể đứng im, cũng bởi hơn bao giờ hết, đứng im - dù ở bất cứ phương diện nào cũng chính là tụt hậu, trong thế giới biến động khó lường ngày nay.
Nếu không xác định được chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì Đất nước nhất định sẽ càng khó tìm được chỗ đứng xứng đáng trên trường quốc tế và càng khó có cơ hội góp phần mình cùng nhân loại xây dựng thế giới. Phải kiến tạo các trung tâm phát triển kinh tế xã hội quốc gia, các chuỗi giá trị quốc gia một cách độc đáo “Made in Vietnam” phù hợp với giá trị chung toàn cầu. Đó là gương mặt, là vận mệnh và là danh dự của dân tộc!
Thể chế! Thể chế! và thể chế phải là mệnh lệnh đổi mới, sáng tạo; là khâu đột phá ngang tầm để giải phóng nội lực và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng theo phương hướng đó.
Khi thế giới càng toàn cầu hóa, vấn đề dân tộc đối với mỗi quốc gia càng nổi lên như một mệnh đề cấp thiết. Do đó, xử lý vấn đề dân tộc vì sự phát triển toàn cầu và chủ động tiên lượng nắm lấy tổng thể sự vận động toàn cầu để giải quyết cụ thể, thiết thực những công việc của Dân tộc phải và đang trở thành mệnh lệnh hành động một cách tự nhiên và tất yếu. Không có phương lược phát triển nào khác hơn là, trên đường văn hóa, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng, phải trở thành động lực căn bản và to lớn trong tiến trình phát triển đất nước hiện nay và tương lai. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: trong tình hình quốc tế hiện nay, những đặc điểm dân tộc và những điều kiện riêng biệt ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong việc vạch ra chính sách, vạch ra những phương pháp và những biện pháp riêng của mình. Chúng ta đi con đường của mình một cách độc lập và sáng tạo trên đường lớn nhân loại. Buông lơi, coi nhẹ điều đó là cầm chắc sự thất bại từ nền móng và từ ưu thế.
Vì vậy, trong tầm nhìn tới năm 2045, trước mắt đến năm 2030, với công cuộc đổi mới sáng tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam phải trở thành một nước công nghiệp, hiện đại, phát triển, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, với bản lĩnh Việt Nam; nơi hội tụ của niềm tin, tri thức và tấm lòng rất mực thủy chung, nhân ái, chan hòa với bạn bè quốc tế; thành viên của thế giới nhân văn, hòa bình và tiến bộ trong chỉnh thể hoàn cầu. Đó là sự lựa chọn mang tầm chiến lược, là lòng tin chính trị mang tầm quốc tế của Đất nước trong thế giới hiện nay.
![]() |
Hiện nay, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt và phát triển của thế giới, thực tiễn xác tín, lãng phí lớn nhất là lãng phí nhân tài và cạnh tranh lớn nhất là cạnh tranh nhân tài. Không một quốc gia nào trở nên hùng cường mà không thu hút và trọng dụng nhân tài. Kinh nghiệm cũng xác tín, muốn phát triển khác thường, phải có những con người khác thường. Đất nước không thể trở nên hùng cường và dân tộc không thể trường tồn, nếu buông lơi việc trọng dụng con người, nhất là chưa đối đãi xứng đáng với những bậc hiền tài. Năm 1429, trong Chiếu cầu hiền, Anh hùng dân tộc Lê Lợi nhấn mạnh: “Muốn thịnh trị phải được người hiền tài... Cho nên người đứng đầu thiên hạ phải lo việc ấy trước tiên”. Ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhân tài và kiến quốc”, với lời kêu gọi: “Kiến thiết thì phải có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”. Đó là nguyên khí Việt Nam.
Lịch sử của chúng ta là lịch sử của sự phát triển rút ngắn, thậm chí là phát triển nhảy vọt, khi thời cơ lịch sử chín muồi và thế lực phát triển tới độ. Trong hai nhân tố thời cơ và lực lượng, những con người viễn kiến, đi tiên phong giữ vai trò đột phá thậm chí quyết định sự phát triển. Đó cũng chính là thời cơ phát triển. Bởi vậy, càng phải chăm lo phát triển con người ngay từ gốc, vun đắp nguyên khí ngay từ căn bản. Đó là bài học lớn về trọng dụng con người và phát triển nhân tài và cũng là yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ trong tầm nhìn năm 2045. Đó là quốc sách phát triển mạnh mẽ, nhân văn và bền vững của Việt Nam.
Do đó, khâu đột phá của đột phá về phát triển nguồn nhân lực chính là phát triển nhân tài mà rường cột là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chiến lược và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Công cuộc đổi mới cần những người có tính sáng tạo khác thường, nhìn thấy những điều chưa ai nhìn thấy, nói những điều ít ai dám nói, làm những việc không ai dám làm; chịu trách nhiệm khi không ai dám chịu trách nhiệm…; càng cần sự đột phá, sáng tạo, vượt trước… hoặc làm thay đổi thực trạng hoặc tạo ra điều mới chưa từng có hoặc tạo ra thời thế hoặc chuyển vần lịch sử hoặc tạo ra vận khí quốc gia, thậm chí mang tầm vượt thời đại. Tóm lại, cần những người có óc nghĩ trước, dũng cảm đi trước, tiên phong chịu trách nhiệm, thậm chí chấp nhận hy sinh trước, vì quốc gia dân tộc, một cách xứng đáng và ngang tầm. Đây là lực lượng có vai trò quyết định dẫn dắt quốc gia và đi tiên phong hội nhập quốc tế, bảo đảm song hành sự phát triển bền vững chính trị đồng bộ với phát triển kinh tế, chính trị với kỹ trị… phù hợp với quy mô, tốc độ, yêu cầu đổi mới và hội nhập toàn cầu.
Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện Chiến lược phát triển nhân tài quốc gia trong tầm nhìn đến năm 2045, trước mắt tới năm 2030, trong đó đội ngũ nhân tài quốc gia giữ vị thế xứng đáng, với tư cách là một quốc sách xứng tầm. Đổi mới cơ chế, hoàn thiện bộ thể chế tương dung bảo đảm sự hoạt động sáng tạo và thống nhất đội ngũ chính trị gia - chiến lược gia - quản trị gia - kỹ trị gia và khoa học gia, không kể nguồn gốc xuất thân một cách cách tổng thể, với phương châm: “Trọng thị - Trọng dụng - Trọng đãi” thật cầu thị và chân thành, thật công bình và chính trực, thật dân chủ và khoa học, thật quang minh và chính đại mang tầm chiến lược. Không có chỗ cho sự hẹp hòi, thiển cận, cục bộ, càng không dung thứ cho sự kỳ thị, sợ hãi và kém nhân văn. Do đó, giữ vững bản lĩnh chính trị quốc gia, trước hết định vị và tập trung ở bản lĩnh chính trị, văn hóa chính trị của đội ngũ lãnh đạo quốc gia, giữ vai trò tiên phong và động lực cực kỳ quan trọng.
Công cuộc đổi mới trong tầm nhìn đến năm 2045 đang đặt ra nhiều thách thức, nếu không dũng cảm đổi mới sáng tạo, không phát huy tinh thần đại đoàn kết, không nâng niu, phát triển con người, vì hạnh phúc của Nhân dân, nhất định không có sự đột phá giải phóng mọi tiềm năng và thực lực phát triển nào như mong muốn, càng rất khó có sự bứt phá thành công nào như khát vọng. Theo đó, mọi sự cải cách, đổi mới hay bất cứ một sự khát vọng phát triển nhảy vọt, bứt phá nào, dù tốt đẹp và chính đáng đến mấy cũng khó thành công, nếu không có tinh thần đại đoàn kết, không có chiến lược trọng dụng nhân tài.
Đoàn kết làm nên sức mạnh, là một điều kiện tiên quyết mang ý chí của sự sống còn, tồn tại và phát triển của Dân tộc ta trải qua mấy nghìn năm. Thời kỳ nào có sự đoàn kết, thời kỳ đó có chiến thắng. Sinh ra, phát triển và khẳng định mình ở một vị trí mang tầm vóc địa chính trị, địa kinh tế án ngữ ngã ba con đường giao lưu từ Á sang Âu, cũng là địa quân sự hiểm yếu nhìn ra Biển Đông, nối khắp những biển lớn từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương, đồng thời là nơi hợp lưu tiếp biến và thâu hóa những dòng văn hóa lớn lên mặt Bắc, xuống phương Nam, ra phía Đông… Việt Nam không chỉ đơn thuần bồi tụ và phát triển đại đoàn kết, mà bước theo tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước và giao lưu quốc tế của mình, còn chăm lo và bảo vệ tinh thần đại đoàn kết bất diệt ấy không ngừng tỏa sáng.
Trải dài mấy nghìn năm qua, lợi ích Quốc gia - Dân tộc luôn là mục tiêu tối thượng. Trong giai đoạn hiện nay và mai sau, càng phải bảo vệ nó trước bất cứ ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” càng phải tỏa sáng trong ý nghĩ, tư tưởng, tình cảm và hành động của mỗi người. Không có độc lập, tự do và thống nhất thì không có bất cứ một sự tự quyết chính trị nào, càng không thể nói tới bất cứ một sự phát triển đất nước xứng đáng nào. Nếu không biết giữ lấy bằng mọi giá và chăm lo vun đắp không ngừng đại đoàn kết để đất nước ngày càng tự mình độc lập, thống nhất, dân chủ và hùng cường. Nói một cách tự nhiên, phải đổi mới tư duy và giải quyết hài hòa vấn đề cốt lõi của tất cả các mối quan hệ của đất nước dù trong nước hay quốc tế mới có thể xây dựng và động lực phát triển quốc gia. Dù muốn hay không, càng tiếp tục đổi mới càng phải nhận thức và hành động đúng quy luật vận động của đất nước một cách tổng thể, trước hết và trực tiếp trong việc giải quyết vấn đề trung tâm là lợi ích và chung quanh lợi ích một cách tổng hòa, cụ thể từ cá nhân, giai cấp, giai tầng… tới Quốc gia, Dân tộc, tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của tất cả các nước trên tầm quốc tế mang tính thống nhất chỉnh thể và đa dạng với tinh thần đại đoàn kết.
Với tư cách là người lãnh đạo, cầm quyền, Đảng ta phải thực sự là tấm gương mẫu mực về tinh thần đoàn kết từ trong nội bộ, xứng đáng là hạt nhân, là giềng mối đại đoàn kết trong hệ thống chính trị, cố kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế. Không phòng, chống thành công tệ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thì Việt Nam có nguy cơ tụt hậu, kém phát triển. Tất cả nhằm mục tiêu cao cả: bảo vệ và phát triển lợi ích tối thượng của mỗi người, của từng tổ chức trong xã hội, của quốc gia dân tộc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thế giới đương đại. Lợi ích của đất nước quyện trong hạnh phúc của Nhân dân phải là hạt nhân mà mọi sự đổi mới và đoàn kết dù ở phương diện nào, góc độ nào, mức độ tới đâu… đều xoay chung quanh nó, chứ tuyệt đối không phải ngược lại.
Đó là ý chí, lương tri, là nhân phẩm, đạo lý là bản lĩnh và khí phách Dân tộc ta suốt mấy ngàn năm dồn tụ, kết tinh và trở thành Quốc bảo thiêng liêng dựng nước và giữ nước Việt Nam, vì độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do và hội nhập thế giới.
Đổi mới - Nhân tài - Đoàn kết - Hùng cường phải trở thành linh hồn, là giềng mối của triết lý phát triển mạnh mẽ, nhân văn và bền vững Việt Nam hiện tại và tương lai, để định vị chiến lược và phát triển Việt Nam trong thế kỷ XXI. Đó là cái bất biến cần tỏa sáng, để chủ động hành xử và hội nhập toàn cầu ứng với mọi sự đổi thay của thời cuộc, của thế giới trong lộ trình đổi mới toàn diện, đồng bộ, vì hạnh phúc của Nhân dân. |
Vững chãi bước vào năm 2023, với thế chủ động, trên nền móng những thành tựu quan trọng của năm 2022, với gia tốc phát triển mới của Đất nước sau hơn 36 năm đổi mới, Đất nước chủ động nắm bắt những cơ hội, hóa giải những thách thức, đoàn kết thống nhất, chuyển thời cơ và tiềm năng thành hiện thực to lớn hơn, với chất lượng cao hơn và phát triển mạnh mẽ, nhân văn và bền vững hơn. Từ tầm nhìn đến năm 2045, chào năm 2023, với niềm tin tưởng sắt đá tiếp tục thành công, với hệ thống giải pháp khả thi đã hoạch định, toàn dân tộc đồng lòng, cả nước gắng sức, nhất định thành công, vì danh dự và uy tín Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, công bằng, văn minh và hùng cường./.
TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
tcnn.vn
Tin tức cùng chuyên mục