Hà Nội, Ngày 16/04/2024

Phát triển mạnh mẽ, toàn diện Thành phố Hồ Chí Minh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 31-NQ/TW

Ngày đăng: 16/01/2023   13:55
Mặc định Cỡ chữ
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị; các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh để báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Các đồng chí chủ trì Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hương, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày 16/01/2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hương, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ trì Hội nghị có đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường vụ Quốc hội; đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Đến dự còn có các đồng chí: Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ. Cùng dự Hội nghị có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố, tướng lĩnh lực lượng vũ trang.

Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ trình bày tham luận tại Hội nghị. 

Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, có nhiều cơ chế, chính sách tạo động lực thúc đẩy Thành phố Hồ Chí Minh phát triển

Theo phân công của đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ, thay mặt Ban Cán sự đảng Chính phủ, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tham luận một số nội dung tại Hội nghị.

Đồng chí Lê Minh Khái nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm và có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất và là một đầu tàu tăng trưởng của cả nước.

Trong đó, Bộ Chính trị đã ban hành 04 Nghị quyết về phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (các Nghị quyết số 01-NQ/TW năm 1982, Nghị quyết số 20-NQ/TW năm 2002, Nghị quyết số 16-NQ/TW năm 2012 và Nghị quyết số 31-NQ/TW năm 2022); đồng thời ban hành 02 Nghị quyết và 01 Kết luận về phát triển vùng Đông Nam Bộ với trung tâm là Thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết số 53-NQ/TW năm 2005, Kết luận số 27-KL/TW năm 2012 và Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 2022).

Tại các Nghị quyết, Kết luận nêu trên, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW và Nghị quyết số 31-NQ/TW, Bộ Chính trị đều xác định Thành phố Hồ Chí Minh phải tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng và cả nước; sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Đồng chí Lê Minh Khái: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị; các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh để báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng

Qua các lần đánh giá, tổng kết thực hiện của các Nghị quyết nêu trên, nhất là tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của giai đoạn 2011-2020, Bộ Chính trị đánh giá Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.

Thành phố tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.

Trong đó, một số kết quả nổi bật là: Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quy mô kinh tế năm 2020 so với năm 2010 tăng 2,7 lần GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi.

Thu ngân sách nhà nước luôn giữ tỷ trọng cao nhất nước (27,5% năm 2011; 28,9% năm 2012; 27,4% năm 2013; 28,7% năm 2014; 27,5% năm 2015; 27,23% năm 2016; 26,67% năm 2017; 26,43% năm 2018; 26,44% năm 2019; 24,72% năm 2020), quy mô thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ngày càng lớn và luôn đạt/vượt kế hoạch (ngoại trừ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19) (năm 2019 đạt 102,8% dự toán năm; năm 2020 do tác động bởi dịch COVID-19 đạt 91,51% dự toán, năm 2021 đạt 104,5% dự toán).

Tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 80%, diện mạo đô thị ngày càng đổi mới hiện đại. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, phát triển văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng nâng lên.

Quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác kinh tế quốc tế được tăng cường và mở rộng; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả quan trọng, tạo chuyển biến khá tích cực.

Vẫn còn nhiều yếu tố tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác thực sự hiệu quả

Ban Cán sự đảng Chính phủ cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, Thành phố còn những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức, như đã được nêu rõ trong các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và báo cáo của Đảng bộ Thành phố qua các nhiệm kỳ. 

Trong đó, nhiều yếu tố tiềm năng, lợi thế của Thành phố chưa được khai thác thực sự hiệu quả; cần có các cơ chế, chính sách, giải pháp để sớm khắc phục, đồng thời thúc đẩy huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, chú trọng các động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong thời gian tới.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thành phố Hồ Chí Minh cùng các bộ, cơ quan, địa phương liên quan cần thẳng thắn nhìn nhận, rút kinh nghiệm, có các biện pháp hiệu quả nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra.

Tập trung, quyết liệt thực hiện các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trên các lĩnh vực nhằm tạo sự chuyển biến mang tính đột phá nhằm phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế và đưa Thành phố vững bước tiến lên theo tinh thần của Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thống nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt của Thành phố Hồ Chí Minh

Ngay sau Hội nghị hôm nay, Ban Cán sự đảng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong cả nước, đặc biệt là Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thành phố Hồ Chí Minh tập trung nghiên cứu, quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, toàn diện các nội dung Nghị quyết quan trọng này. Trong đó, chú trọng một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, phải thống nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại của Thành phố Hồ Chí Minh như đã được Bộ Chính trị xác định tại Nghị quyết số 31-NQ/TW.

Hai là, xác định việc xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị với phương châm: "Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh". Đây cũng chính là một trong 3 quan điểm quan trọng tại Nghị quyết số 31-NQ/TW.

Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, vì vậy, các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương khác trong cả nước cần có trách nhiệm chung trong việc xây dựng cơ chế, chính sách cũng như hỗ trợ nguồn lực phù hợp để Thành phố phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Liên quan đến ngân sách, thời gian qua, Thành phố cũng như một số chuyên gia cũng đã kiến nghị điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết của ngân sách trung ương cho Thành phố nhằm tương xứng hơn với vai trò động lực và đóng góp vào thu ngân sách nhà nước (NSNN) của Thành phố (trong giai đoạn 2011-2016, tỷ lệ này là 23%, đến giai đoạn 2017-2021 tỷ lệ này là 18%).

Tuy nhiên, qua tổng kết, đánh giá thời gian vừa qua, mặc dù thu NSNN của chúng ta tăng, đạt và vượt dự toán song thu của ngân sách Trung ương không bảo đảm được vai trò chủ đạo như quy định trong Hiến pháp, pháp luật về NSNN, tỷ trọng thu ngân sách Trung ương trong tổng thu NSNN đã giảm nhanh, từ mức 75% năm 2000 xuống còn 61,8% năm 2011 và đến năm 2020 chỉ còn 52,2%.

Trong bối cảnh đó, tiếp thu ý kiến của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như của nhiều chuyên gia, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính cân đối, tính toán và đã điều chỉnh lại tỷ lệ điều tiết của ngân sách Trung ương cho Thành phố lên 21% cho năm 2022 và giai đoạn 2023-2025.

Đồng thời, Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện Đề án "Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan" để sớm báo cáo Bộ Chính trị, các cấp có thẩm quyền.

Ba là, khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị với lộ trình thực hiện, phân công nhiệm vụ và các mục tiêu, chỉ tiêu rõ ràng gắn với việc định kỳ kiểm tra, đánh giá việc thực hiện từng năm.

Bốn là, khẩn trương xây dựng và thực hiện hiệu quả kế hoạch tuyên truyền, phổ biến thông tin về Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao, tiếp tục năng động, đổi mới, sáng tạo để thực hiện thắng lợi các mục tiệu, nhiệm vụ và giải pháp đã được đề ra.

Khẩn trương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh

Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: về phía Chính phủ, để phát triển mạnh mẽ, toàn diện Thành phố Hồ Chí Minh theo đúng tinh thần Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai thực hiện Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị; các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh để báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Trong đó xem xét một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như: xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội và phân cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặc thù của Thành phố, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của Thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố trong giai đoạn mới, tập trung là các lĩnh vực quản lý đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đô thị, tài nguyên môi trường; quản lý văn hóa và trật tự xã hội; tổ chức, bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Hoàn thiện, ban hành và thực hiện đồng bộ các quy hoạch của Thành phồ Hồ Chí Minh theo Luật Quy hoạch và các pháp luật có liên quan, nhất là quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; thực hiện đồng bộ các quy hoạch: Quy hoạch phát triển không gian ngầm, không gian xanh, không gian sông nước, không gian văn hóa, đặc biệt là khu vực trung tâm Thành phố, các khu đô thị mới, xung quanh các nhà ga Metro theo mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng.

Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và đầu tư xây dựng mới các công trình, dự án trọng điểm quốc gia về hạ tầng giao thông, thủy lợi, môi trường, đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Ưu tiên hơn nữa nguồn lực đầu tư cho phát triển, bảo đảm kinh phí thực hiện các dự án lớn, quan trọng, nhất là các dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước cùng phát triển, đồng thời tích cực mở rộng quan hệ với các đối tác nước ngoài, tạo sự thống nhất và sức mạnh tổng hợp về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh cho Thành phố, cho mỗi địa phương, cho toàn vùng và cả nước.

Ban Cán sự đảng Chính phủ tin tưởng rằng, với truyền thống tốt đẹp và với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự đồng lòng của Nhân dân, đặc biệt là của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thành phố Hồ Chí Minh, phát huy truyền thống tốt đẹp và với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự đồng lòng của Nhân dân, đặc biệt là của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị sẽ sớm phát huy hiệu quả, đi vào thực tiễn cuộc sống, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước ta vững bước tiến lên trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững./.

Theo: baochinhphu.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Chính sách thử nghiệm phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày đăng 12/04/2024
Bài viết tập trung phân tích sự cần thiết và những vấn đề đặt ra nếu vận dụng chính sách thử nghiệm phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo, từ đó đề xuất một số giải pháp, kiến nghị góp phần xây dựng thành công chính sách thử nghiệm phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Nội vụ làm việc với thành phố Hải Phòng về xây dựng các đề án tổ chức chính quyền đô thị và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025

Ngày đăng 06/04/2024
Chiều 05/4/2024, Đoàn công tác Bộ Nội vụ do Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà làm Trưởng đoàn làm việc với thành phố Hải Phòng về việc xây dựng các đề án: Tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng; Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025. 

Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Ngày đăng 04/04/2024
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 10/7/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong những năm qua tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đảm bảo đúng quy định, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Xây dựng nền công vụ Thành phố Hồ Chí Minh phải gắn với việc hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 04/04/2024
Sáng 04/4/2024, tại Hội thảo khoa học “Xây dựng nền công vụ Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030” do UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ những dự báo và đề xuất giải pháp để xây dựng nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong giai đoạn tới.

Khảo sát việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nam Định

Ngày đăng 04/04/2024
Chiều 03/4/2024, Đoàn công tác liên ngành của Trung ương do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Nam Định về khảo sát việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Nam Định. Làm việc với Đoàn công tác có Bí thư Tỉnh ủy Phạm Gia Túc, Trưởng ban Ban Chỉ đạo sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Nam Định giai đoạn 2023-2030; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Nam Định giai đoạn 2023-2030; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh Nam Định.