Hà Nội, Ngày 28/03/2024

Dẹp "chuyện nhỏ" để tránh họa to

Ngày đăng: 10/01/2023   07:58
Mặc định Cỡ chữ
Lâu nay có những việc mà nhiều người coi là "chuyện nhỏ" nhưng lại gây hậu quả rất nghiêm trọng, là cái cớ để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng thổi phồng, chống phá, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, thậm chí ảnh hưởng tới uy tín của đất nước. Những việc này cần được nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục, không để "chuyện nhỏ" gây họa to!
Ảnh minh họa: TTXVN 

Thói hống hách, trịch thượng

Cuối năm 2022 vừa qua, dư luận không khỏi bất bình trước việc ông Nguyễn Viết Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Bí thư Chi bộ Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Quảng, đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2021-2026, trong lúc bực dọc đã dùng gậy golf đánh nữ nhân viên phục vụ tại sân golf khiến cô này phải vào bệnh viện sơ cứu. Trước đó, một cán bộ của Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng có hành vi ném trả tiền lẻ mà chủ quán ăn trả lại cho con mình và dùng những lời bất nhã đe dọa sự tồn tại của quán này.

Đây là hai ví dụ về cán bộ, đảng viên - những người có trách nhiệm phải nêu gương phẩm chất đạo đức, ứng xử, tôn trọng Nhân dân thì lại thể hiện sự hống hách, có hành vi xúc phạm người dân, bị dư luận lên án mạnh mẽ. Thực tế đã có không ít video clip chia sẻ trên mạng xã hội hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức ở cấp cơ sở thể hiện sự hách dịch, trịch thượng, thiếu văn hóa, cậy quyền cậy thế, rõ ràng mình sai mà vẫn ngang ngược dọa dẫm kiểu "Biết tao là ai không?" khiến người dân rất bức xúc.

Không chỉ hống hách với người dân, một số cán bộ còn "quân phiệt miệng", thiếu tôn trọng cấp dưới, nhất là đối với những nhân viên trẻ tuổi. Biểu hiện rõ nhất là quát mắng vô cớ, làm cho nhân viên sợ sệt, khi cấp dưới đến gặp thì lạnh lùng, đe nẹt, thái độ xem thường, không hướng dẫn, giúp đỡ mà chỉ tìm cớ quát tháo, chì chiết, phê bình không phải trên tinh thần đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp mà cố tình thể hiện uy quyền, tạo khoảng cách trên - dưới nhằm bắt cấp dưới phải cầu cạnh, cung phụng mình. Cá biệt, có cán bộ còn "nói một đằng, làm một nẻo", ví dụ như yêu cầu cấp dưới phải triệt để thực hành tiết kiệm nhưng bản thân mình thì lãng phí, tùy tiện sử dụng tài sản công vào những việc riêng, thậm chí phục vụ cả gia đình, họ hàng... Cán bộ cấp trên mà như vậy khiến cấp dưới chán nản, mất niềm tin và động lực phấn đấu, thậm chí sinh ra bất mãn. Hiện tượng này cần phải phê phán, đấu tranh mạnh mẽ vì đó là nguyên nhân gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, suy yếu tổ chức và vô cùng nguy hiểm khi các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá.

Vấn nạn "gây khó để có phong bì"

Tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ, đang được Đảng, Nhà nước ta quyết liệt đấu tranh để ngăn chặn, đẩy lùi. Sự kiên quyết và những kết quả rất đáng ghi nhận trong công tác đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" đã củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào kỷ cương, phép nước, vào sự lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên hiện nay, tình trạng "tham nhũng vặt" vẫn diễn ra ở khá nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, các thế lực thù địch luôn lợi dụng những vụ việc "tham nhũng vặt", hành vi vòi vĩnh của một số cán bộ, công chức, viên chức mà báo chí, mạng xã hội phản ánh để quy chụp, thổi phồng, kích động chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Thực tế là bên cạnh đại đa số cán bộ, công chức, viên chức thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm, giữ gìn đạo đức, lối sống thì vẫn còn một bộ phận nhũng nhiễu, cố tình "gây khó để có phong bì". Ví dụ như ở không ít bệnh viện có hiện tượng nhân viên y tế "gợi ý" tặng quà cho bác sĩ để được khám, chữa bệnh nhanh hơn, tốt hơn; khi người dân hoặc cấp dưới cần giải quyết các thủ tục, giấy tờ thì cán bộ, nhân viên cơ quan chức năng bắt đi lại nhiều lần, chỉnh sửa nhiều lần không thực sự cần thiết, cá biệt còn có hiện tượng giả vờ không nhận được thông tin qua thư điện tử, qua phần mềm gửi-nhận văn bản theo đúng quy định của nhà nước để đối tượng phải trực tiếp đến gặp (thường mang theo phong bì "cảm ơn"); rồi một số "con sâu" trong các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra cũng "gợi ý" tặng quà để bỏ qua vi phạm... Nạn vòi vĩnh này gây mất lòng tin của Nhân dân ghê gớm!

Theo báo cáo kết quả Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2021 do Bộ Nội vụ công bố, tình trạng công chức gây phiền hà, sách nhiễu vẫn còn ở 46/63 tỉnh, thành phố; 22/63 tỉnh, thành phố để xảy ra tình trạng người dân, tổ chức phải nộp tiền ngoài phí/lệ phí. Đặc biệt, khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, có 41,4% doanh nghiệp cho biết vẫn phải trả các chi phí không chính thức; năm 2020 có 54% doanh nghiệp cho rằng vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu... 

Những phát ngôn khiến dư luận bất bình

Bên cạnh thói hống hách, trịch thượng và nạn "tham nhũng vặt" thì việc một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có những phát ngôn bột phát, thiếu suy nghĩ, thậm chí hết sức vô lý không chỉ gây cười mà còn khiến dư luận bất bình và các thế lực thù địch lợi dụng để đặt điều, xuyên tạc, ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín của tổ chức, nhất là trong thời đại thông tin lan truyền rất nhanh qua internet.

Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến không ít trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có phát ngôn thiếu nghiêm túc, nực cười (cả phát biểu trực tiếp và viết trên mạng xã hội), chủ yếu để bao biện, né tránh trách nhiệm... Điển hình gần đây là một cán bộ Sở Xây dựng thành phố Hà Nội lý giải rằng đá lát vỉa hè (loại mà trước đó được khẳng định có độ bền 70 năm) bị nứt vỡ một phần là do mưa nhiều thì giãn nở, tự vỡ (!). Bên cạnh đó, thi thoảng vẫn có một số địa phương, cơ quan ban hành các văn bản có nội dung không đúng, thiếu tính khả thi, thậm chí vi phạm pháp luật... nhưng khi dư luận phát hiện thì người ký văn bản lại đổ lỗi cho... nhân viên đánh máy (!).

Trên thực tế, có những cán bộ, công chức, viên chức thực sự lỡ lời, vô tình nói thiếu câu từ, diễn đạt chưa hết ý dẫn đến sự hiểu lầm đáng tiếc. Nhưng cũng không hiếm người có trách nhiệm phát ngôn tùy tiện, thiếu cả tâm và tầm, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của cán bộ đó mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng, Nhà nước; trở thành cái cớ, cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng thổi phồng, kích động nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa”, chống phá cách mạng nước ta. Vì vậy, các cơ quan, tổ chức cần xem xét xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phát ngôn thiếu tâm và tầm, nhất là để bao biện, né tránh trách nhiệm một cách vô lý, nực cười, khiến dư luận bất bình.

Không để những "chuyện nhỏ" ảnh hưởng xấu tới đất nước

Thời gian qua, trên một số trang mạng, các thế lực thù địch, phản động không chỉ thường xuyên đăng tải theo kiểu thổi phồng (cả quy chụp, xuyên tạc, bịa đặt) những vụ việc tiêu cực ở Việt Nam, trong đó có hiện tượng tham nhũng và cán bộ, công chức ứng xử, phát ngôn không đúng, mà chúng còn tìm đăng những hình ảnh về cảnh nhếch nhác, rồi "bình loạn", chụp mũ rằng Việt Nam nghèo đói, kém phát triển, môi trường sống không an toàn... Với thủ đoạn cố tình lờ đi tất cả những điều tốt đẹp, những thành tựu to lớn mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta đã làm được; chỉ xoi mói, tìm kiếm những sự việc tiêu cực, hình ảnh xấu để bêu riếu, các đối tượng thiếu thiện chí đã khiến không ít bạn bè quốc tế có cái nhìn chưa khách quan, toàn diện về đất nước và con người Việt Nam. Vì thế, bên cạnh công tác đấu tranh, vạch trần những âm mưu, luận điệu sai trái, chúng ta phải kiên quyết chấn chỉnh, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật trong nội bộ; kiên quyết xử lý những tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, để xảy ra cảnh xấu xí, nhếch nhác, làm tổn hại tới uy tín, hình ảnh của đất nước, ví dụ như việc để sân vận động quốc gia Mỹ Đình bị chê là mất vệ sinh, không chuẩn bị chu đáo cho các trận thi đấu bóng đá với các đội tuyển quốc tế cuối năm 2022 vừa qua, hay vấn nạn xả rác tùy tiện, nạn ăn xin đeo bám, "chặt chém" khách du lịch...   

Âm mưu của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta không bao giờ thay đổi, đồng thời, phương thức, thủ đoạn chống phá của chúng ngày càng tinh vi, nham hiểm, quyết liệt, triệt để lợi dụng mọi sơ hở của ta để công kích. Do đó, chính chúng ta phải kiên quyết và nỗ lực khắc phục những hạn chế, yếu kém, tự làm đẹp mình hơn nữa để Nhân dân thêm tin tưởng vào Đảng, Nhà nước; bạn bè quốc tế thêm hiểu và yêu mến đất nước, con người Việt Nam. Thực tế thời gian qua, nước ta đã đạt được nhiều thành quả ấn tượng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh; tích cực tham gia đóng góp vào giữ gìn hòa bình, ổn định, vì sự phát triển của khu vực và thế giới; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Đây là sự thật hiển nhiên mà không ai có thể phủ nhận. Thế nhưng những chuyện "tưởng nhỏ" nêu trên đang tiềm ẩn nguy cơ lớn, cần được Đảng, Nhà nước và toàn dân ta quyết tâm chấn chỉnh, khắc phục bằng được để đất nước phát triển vững mạnh, góp phần củng cố "thế trận lòng dân", không để kẻ xấu lợi dụng chống phá./.

Theo: qdnd.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Chat GPT - Góc nhìn quản lý nhà nước

Ngày đăng 27/03/2024
Sự ra đời của Chat GPT (còn gọi là ChatGPT, chatbot) là bước “đột phá” cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực công nghệ AI, có thể tác động lớn tới hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau. Mặc dù, còn nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực tiềm ẩn nhưng nếu tiếp cận phát triển công nghệ này một cách có trách nhiệm và đạo đức thì có thể đảm bảo rằng Chat GPT sẽ trở thành một công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả lĩnh vực.

Bài học Vĩnh Phúc, Lâm Đồng và lời nhắc nhở với người đứng đầu

Ngày đăng 21/03/2024
Với những nhắc nhở của Đảng qua vụ việc ở Vĩnh Phúc và Lâm Đồng, các lãnh đạo mới nhận nhiệm vụ đã khẳng định sẽ gương mẫu, đoàn kết, không để xảy ra vi phạm tương tự, làm tổn hại uy tín của Đảng.  

Lựa chọn cán bộ xứng tầm vào các vị trí lãnh đạo

Ngày đăng 13/03/2024
Bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây nhận được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên cả nước.

Để tăng lương thực sự ý nghĩa!

Ngày đăng 11/03/2024
Tăng lương tối thiểu vùng, cải cách tiền lương là rất cần thiết trong bối cảnh nhiều công chức, viên chức xin ra khỏi ngành vì mức lương quá thấp. Tuy nhiên, việc tăng lương chỉ thực sự có ý nghĩa khi lạm phát được kiểm soát và luôn sẵn sàng các phương án can thiệp, bình ổn thị trường phù hợp...

Bổ sung nhân lực theo Nghị quyết 98/2023/QH15: Gỡ áp lực, nâng chất lượng phục vụ nhân dân

Ngày đăng 07/03/2024
Được bổ sung nhân lực lãnh đạo từ Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98), nhiều phường, xã, thị trấn đông dân ở Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) cơ bản đã gỡ được áp lực, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân. Trong khi đó, một số địa phương dù rất nóng lòng bổ sung nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Tiêu điểm

Chat GPT - Góc nhìn quản lý nhà nước

Sự ra đời của Chat GPT (còn gọi là ChatGPT, chatbot) là bước “đột phá” cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực công nghệ AI, có thể tác động lớn tới hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau. Mặc dù, còn nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực tiềm ẩn nhưng nếu tiếp cận phát triển công nghệ này một cách có trách nhiệm và đạo đức thì có thể đảm bảo rằng Chat GPT sẽ trở thành một công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả lĩnh vực.