Hà Nội, Ngày 26/04/2024

Cơ sở pháp lý về chuyển đổi số và nâng cao nhận thức về môi trường số, văn hóa số cho đội ngũ công chức, viên chức của Bộ Nội vụ

Ngày đăng: 02/01/2023   22:15
Mặc định Cỡ chữ
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, khách quan trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt trong công tác quản lý nhà nước, để quản trị tốt và giải quyết thủ tục hành chính thuận tiện, giảm chi phí, thời gian… đòi hỏi các cơ quan, đơn vị cần quyết liệt, triển khai đồng bộ công tác chuyển đổi số. Trong thời gian qua, Bộ Nội vụ đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, lãnh đạo công tác chuyển đổi số và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước của Bộ, ngành Nội vụ.
Lễ trao giải Cuộc thi "Tìm hiểu về chuyển đổi số" do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 10/10/2022.

Cơ sở pháp lý thực hiện công tác chuyển đổi số tại Bộ Nội vụ

Hiện nay chưa có khái niệm thống nhất về chuyển đổi số. Mỗi quốc gia, tùy theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội có những quan niệm khác nhau về chuyển đổi số. Ở Việt Nam, chuyển đổi số được xác định là quá trình tiến hóa chuyển đổi nhận thức; hình thành văn hóa chấp nhận và thử nghiệm cái mới; áp dụng công nghệ số thay đổi căn bản, toàn diện phương thức quản lý, vận hành và tạo ra giá trị mới. Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyển đổi số, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra chủ trương, ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất lao động và chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cụ thể, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định chuyển đổi số ở Việt Nam gồm ba trụ cột là chính phủ số; kinh tế số; xã hội số.

Triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, để góp phần thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số thành công, Bộ Nội vụ đã ban hành nhiều văn bản như: Quyết định số 151/QĐ-BNV ngày 25/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Nội vụ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1198/QĐ-BNV ngày 18/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án chuyển đổi số của Bộ Nội vụ giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Đề án nêu rõ công tác chuyển đổi số tại Bộ Nội vụ cần phải làm rõ mô hình, các mục tiêu và giải pháp chuyển đổi số của Bộ Nội vụ, bao gồm các giải pháp chung, giải pháp xây dựng Chính phủ số, chuyển đổi số trong các lĩnh vực của ngành.

Tại Nghị quyết số 21-NQ/BCSĐ ngày 28/7/2022 về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ nêu rõ: “Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ được triển khai trên cơ sở các nghị quyết và nguyên tắc của Đảng về xây dựng hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, cấp ủy đảng các cấp và các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ có nhận thức đầy đủ về nội dung, yêu cầu, tầm quan trọng của chuyển đổi số, coi công tác chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị. Xác định rõ trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ để đẩy mạnh chuyển đổi số Bộ Nội vụ…”(1).

Nghị quyết số 21-NQ/BCSĐ nêu mục tiêu tổng quát: “Chuyển đổi hoạt động của Bộ Nội vụ trên môi trường số. Các hoạt động chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát và nghiệp vụ công tác của Bộ Nội vụ được thực hiện dựa trên dữ liệu và bằng công nghệ số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phù hợp với điều kiện thực tiễn của Bộ Nội vụ nhằm phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số của Bộ, từng bước tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng tốc độ xử lý công việc, đẩy mạnh sử dụng và lưu trữ văn bản số, giảm chi phí hoạt động, từng bước xây dựng môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian”(2). Theo đó, cần phát triển các ứng dụng, dịch vụ theo hướng sử dụng chung hạ tầng số, nền tảng số; sử dụng các công cụ phân tích thông minh để giúp Lãnh đạo Bộ kịp thời đưa ra các quyết sách chính xác trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực Nội vụ đồng thời cung cấp các dịch vụ theo phương thức số giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng; tạo lập kho dữ liệu số ngành Nội vụ đáp ứng các yêu cầu về kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin và dữ liệu; tái cấu trúc, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số thống nhất, ổn định, linh hoạt, ưu tiên áp dụng công nghệ điện toán đám mây.

Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho đội ngũ công chức, viên chức Bộ Nội vụ

Hiện nay, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, công nghệ số, chuyển đổi số đã trở thành mục tiêu phát triển mang tính chiến lược. Tuy nhiên, việc thiếu kỹ năng số, ứng dụng công nghệ thông tin lạc hậu, thiếu tư duy chiến lược, trong đó “văn hóa số” ở các tổ chức, đơn vị… đang là những rào cản trong công tác chuyển đổi số. Vì vậy, cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy, chiến lược ở mỗi công chức, viên chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Khái niệm “văn hóa số” được hiểu là: “Những quy tắc, ứng xử, chuẩn mực đạo đức của con người trong môi trường số”(3). 

Trong một khảo sát của tổ chức Capgemini với 1.700 các lãnh đạo cao cấp, nhà quản lý và nhân viên tại hơn 340 doanh nghiệp tại 08 quốc gia có nền công nghệ phát triển bậc nhất năm 2017, có tới 62% những người được khảo sát nhận định: “Văn hóa là rào cản số một trong chuyển đổi số”. Trong một nghiên cứu khác do McKinsey thực hiện khảo sát với 2.135 câu trả lời năm 2016, đa phần các câu trả lời đều nhận định rằng: “Văn hóa là rào cản lớn nhất đối với chuyển đổi số” và nếu các tổ chức tập trung vào việc chuyển đổi văn hóa và xây dựng năng lực trong quá trình chuyển đổi số sẽ có khả năng thành công cao gấp 2,5 lần. Như vậy, văn hóa có thể được coi là một trong những thách thức lớn đối với hiệu quả trong triển khai thực hiện chuyển đổi số (xem hình 1).

Hình 1: Các thách thức đối với kỹ thuật số

Trong cuốn “Công dân kỹ thuật số” của Isin và Ruppert (2015) lập luận rằng: chính thông qua các hành vi kỹ thuật số mà công dân kỹ thuật số ra đời. Với sự phát triển của internet, các cơ hội tham gia vào đời sống xã hội và chính trị đã tăng lên. Do đó, quyền của công dân kỹ thuật số có thể được định nghĩa đơn giản là “quyền tham gia vào xã hội trực tuyến”. Để hạn chế những rào cản của văn hóa đến cách mạng số, cần quan tâm đến quyền công dân kỹ thuật số; quyền kỹ thuật số; kiến thức kỹ thuật số cho công dân số. 

Kỳ vọng về cách mạng số sẽ tạo được sự bứt phá phát triển đất nước đã đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề cập đến các khái niệm “chuyển đổi số”, “kinh tế số”, “xã hội số”, và từ những khái niệm này đã hình thành các khái niệm mới như “văn hóa số”; “công dân số”.

Thời gian qua, công tác triển khai thực hiện chuyển đổi số tại Bộ Nội vụ, tuy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn gặp một số khó khăn và chưa đem lại hiệu quả như kỳ vọng. Nguyên nhân là do nhận thức của một số công chức, viên chức trong việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa bắt kịp với quá trình chuyển đổi số; chưa bổ sung, cập nhật, rà soát các văn bản hướng dẫn về chia sẻ dữ liệu, xác thực điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân; chưa đổi mới tư duy phù hợp với chuyển đổi số, ngại thay đổi trong việc tiếp cận công nghệ mới. 

Để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, môi trường số cho đội ngũ công chức, viên chức của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ, cần xây dựng môi trường “văn hóa số” trong thực thi công vụ. Cần xây dựng những quy tắc, quy định để mỗi công chức, viên chức Bộ Nội vụ nhận thức đúng về chuyển đổi số và hành động đúng trong môi trường số và có thể xem xét, đánh giá thông qua một số tiêu chí sau: Một là, có tinh thần, thái độ làm việc trong môi trường số (tính cập nhật, liên tục, đảm bảo thời gian làm việc); Hai là, chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử trong môi trường số (ngôn ngữ, tác phong phù hợp môi trường số…); Ba là, có đạo đức nghề nghiệp trong môi trường số (đảm bảo tính bảo mật thông tin, an ninh mạng trong môi trường số)...

Bên cạnh đó, trong thời gian tới cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng văn hóa số tại Bộ Nội vụ, bao gồm: tăng cường đổi mới công tác truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm thống nhất nhận thức về văn hóa số trong thực thi công vụ; hoàn thiện chính sách, pháp luật về văn hóa thực thi công vụ trong bối cảnh chuyển đổi số; nâng cao hiệu quả phối hợp của các tổ chức đoàn thể của Bộ trong công tác xây dựng văn hóa số; tổ chức đánh giá và xếp hạng về văn hóa số trong thực thi công vụ đối với công chức, viên chức Bộ Nội vụ; tăng cường hợp tác quốc tế và phát triển nghiên cứu khoa học về văn hóa số trong bối cảnh chuyển đổi số. Để chuyển đổi số thành công, trước hết cần thay đổi tư duy và nhận thức, thay đổi tác phong, lề lối làm việc phù hợp. Mỗi công chức, viên chức Bộ Nội vụ cần nhận thức được tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. 

Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, học tập, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, từng đảng viên và toàn bộ công chức, viên chức, người lao động về sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các sáng kiến, giải pháp và gương sáng điển hình trong chuyển đổi số của Bộ Nội vụ. Nguời đứng đầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm về chuyển đổi số trong đơn vị, tiên phong đi đầu trong công tác chuyển đổi số để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của mỗi đơn vị./.

-----------------------------

Ghi chú:

(1), (2) Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ, Nghị quyết số 21-NQ/BCSĐ ngày 28/7/2022 về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ Nội vụ.

(3) Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông và Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, “Cẩm nang chuyển đổi số” (năm 2020).

 

TS Nguyễn Thị Trang - Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

ĐBQH - PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Lịch sử, địa lý, văn hóa là yếu tố quan trọng trong việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập

Ngày đăng 15/04/2024
Đến năm 2025, cả nước dự kiến có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập và việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới này là vấn đề hiện đang được dư luận rất quan tâm. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc đặt tên cần thể hiện được dấu ấn, truyền thống văn hóa, lịch sử địa lý… của địa phương.

Vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả

Ngày đăng 05/04/2024
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đột phá chiến lược về thể chế. Bài viết tập trung nghiên cứu các yêu cầu đặt ra trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, từ đó xác định vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Công vụ và sự thay đổi hướng tới trả lương theo vị trí việc làm

Ngày đăng 29/03/2024
Nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình công vụ vị trí việc làm và hướng đến trả lương theo vị trí việc làm. Bài viết phân tích, trao đổi về công vụ và các mô hình công vụ cùng với vấn đề vị trí việc làm để hướng tới trả lương theo vị trí việc làm.

Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

Ngày đăng 22/03/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thanh niên, khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”(1). Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, quan điểm về sự nghiệp “trồng người” trở thành tư tưởng xuyên suốt, góp phần chuẩn bị và xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu, dẫn dắt thanh niên trở thành lớp người kế tục trung thành, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chính

Ngày đăng 19/03/2024
Văn bản hành chính (VBHC) là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức(1). VBHC là phương tiện không thể thiếu để các cơ quan, tổ chức truyền đạt các thông tin quản lý và ban hành các quyết định quản lý. VBHC cũng là sản phẩm phản ánh kết quả hoạt động của của cơ quan, tổ chức nói chung, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức nói riêng.