Hà Nội, Ngày 28/03/2024

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và sự vận dụng trong xây dựng đạo đức của cán bộ, đảng viên hiện nay

Ngày đăng: 26/01/2023   10:26
Mặc định Cỡ chữ
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người nêu rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(1). Chính vì vậy, Người không chỉ chú trọng xây dựng, bồi đắp lý tưởng, đạo đức cách mạng, mà còn luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự phê bình, kiểm điểm để phát huy điều tốt và khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Đặc biệt, Người nhấn mạnh phải kiên quyết đấu tranh loại bỏ những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong mỗi con người nhằm mục đích “làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi”(2).
Ảnh minh họa. nhandan.vn

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân

Chủ tịch Hồ Chí Minh không nêu ra định nghĩa cụ thể về chủ nghĩa cá nhân mà tùy vào từng hoàn cảnh, từng đối tượng để Người đưa ra những chỉ dẫn cụ thể về chủ nghĩa cá nhân. Theo Người, chủ nghĩa cá nhân là “đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc”(3); “là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể”(4). Khi đặt chủ nghĩa cá nhân trong mối quan hệ với đạo đức cách mạng, Người nhấn mạnh: “Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”(5). Vì vậy, chủ nghĩa cá nhân là “giặc nội xâm” vô cùng nguy hiểm, trực tiếp cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Đấu tranh loại bỏ chủ nghĩa cá nhân là yêu cầu tất yếu để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; là công việc phải tiến hành thường xuyên để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta. 

Thứ nhất, về nguồn gốc của chủ nghĩa cá nhân. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, chủ nghĩa cá nhân là sản phẩm tất yếu của chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Căn bệnh nguy hiểm này chi phối mọi suy nghĩ và hành vi của giai cấp bóc lột trong các chế độ cũ. Người nêu rõ: “Trong xã hội cũ, bọn phong kiến địa chủ, bọn tư bản và đế quốc thẳng tay áp bức, bóc lột những tầng lớp người khác, nhất là công nhân và nông dân. Chúng cướp của chung do xã hội sản xuất ra, làm của riêng của cá nhân chúng, để chúng “ngồi mát ăn bát vàng”. Nhưng miệng chúng luôn huênh hoang những danh từ “đạo đức”, “tự do”, “dân chủ”(6). Dưới sự cai trị của đế quốc thực dân, nhân dân ta bị đẩy vào tình trạng “hấp hối trong vòng tử địa”(7), hoàn toàn không có một chút quyền tự do, bình đẳng nào, mà “chỉ có nghĩa vụ, như nộp sưu đóng thuế, đi lính đi phu mà không có quyền lợi”(8). 

Như vậy, chủ nghĩa cá nhân xuất hiện và phát sinh, phát triển trong chế độ người bóc lột người, gắn liền với chế độ tư hữu. Nói cách khác, cơ sở nảy sinh, tồn tại và phát triển của chủ nghĩa cá nhân chính là chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Do đó, muốn xóa bỏ chủ nghĩa cá nhân, cần phải loại bỏ chế độ tư hữu của tư bản chủ nghĩa, đồng thời phải tiến hành xây dựng chế độ xã hội mới - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”(9).

Thứ hai, về bản chất và sự biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. 

Trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân trong mỗi con người cho dù xem xét ở góc độ nào đều mang bản chất cố hữu, đó là sự đề cao, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân; chỉ muốn mọi người vì mình, nhưng lại không muốn mình vì người khác; coi trọng, tôn thờ “cái tôi”, cái cá nhân, xem nhẹ cái chung, cái tập thể, cộng đồng. Những biểu hiện đó là: 1) Đối với tự mình, những người cá nhân chủ nghĩa luôn có tư tưởng tư lợi, hiếu danh, thực dụng, công thần... Họ luôn đặt lợi ích riêng của bản thân mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của tập thể, của cộng đồng, “Cái gì cũng chỉ biết có mình và gia đình mình chứ ít khi nghĩ đến cái gia đình lớn là dân tộc”(10); 2) Đối với nhân dân, tư tưởng cá nhân chủ nghĩa luôn đi ngược lại với lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, xa rời nhân dân; có thái độ quan liêu, cửa quyền, hách dịch đối với nhân dân; 3) Đối với công việc, những người mắc chứng bệnh cá nhân chủ nghĩa luôn sợ khó, sợ khổ; có tư tưởng tự do, tùy tiện, luôn “đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung, rồi sinh ra vô kỷ luật, vô tổ chức, tham địa vị, tham danh vọng, bè phái, tham ô, lãng phí, quan liêu”(11). 

Như vậy, chủ nghĩa cá nhân biểu hiện rất đa dạng. Biểu hiện nổi bật của chủ nghĩa cá nhân là tính ích kỷ, hẹp hòi, luôn đòi hỏi quyền lợi của cá nhân mà không nghĩ đến nghĩa vụ của mình. Động cơ và mục đích làm việc của những người cá nhân chủ nghĩa luôn vì mình chứ không phải vì người khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”(12). Cũng vì thế, mà họ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn, bất chấp đạo lý để thỏa mãn những nhu cầu, lợi ích, tham vọng của cá nhân. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, coi thường kỷ cương phép nước và rất nhiều căn bệnh vô cùng nguy hại khác. Người chỉ rõ: “Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô... Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”(13).

Thứ ba, về tác hại của chủ nghĩa cá nhân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Chủ nghĩa cá nhân là như một thứ vi trùng rất độc”(14), rất nguy hiểm, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Trên lĩnh vực tư tưởng chính trị, tác hại lớn nhất mà chủ nghĩa cá nhân gây ra là làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, với cách mạng. Những người mắc căn bệnh cá nhân chủ nghĩa thường dễ đi đến phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận tính đúng đắn của con đường phát triển của dân tộc, “tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị giảm sút, phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”(15). Đối với lĩnh vực kinh tế, chủ nghĩa cá nhân gây ra những tổn thất lớn về tài sản của tập thể, của Nhà nước, của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi”(16). Vì thế sinh ra tham ô, tham nhũng, ăn cắp của công và nguy hại hơn là bệnh lãng phí, quan liêu - một căn bệnh gây ra sự thất thoát rất lớn tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Người đưa ra ví dụ: “Hiện nay, có những cuộc khai hội, những lễ kỷ niệm, những đám yến tiệc tốn hàng vạn, hàng chục vạn... Trong lúc công nghệ cần phải xây dựng, đồng bào đang bị thiếu thốn, chúng ta không thể tha thứ những việc phô trương, lãng phí như vậy”(17). Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, chủ nghĩa cá nhân làm tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức, gây ra những hệ lụy xấu cho xã hội, thậm chí làm thay đổi, đảo lộn chuẩn mực đạo đức xã hội. Dần dần, họ mất cả tư cách và đạo đức người cách mạng, sa vào tham ô, hủ hóa và biến thành người có tội với Đảng, với Chính phủ, với Nhân dân. Như vậy, chủ nghĩa cá nhân làm cho con người trở nên suy đồi, thoái hóa, biến chất, thậm chí mất nhân tính. Đó thực sự là thứ “bệnh mẹ”, là “là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”, cần phải kiên quyết đấu tranh loại bỏ. 

Thứ tư, biện pháp đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

Trên cơ sở nhận thức rõ sự nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, chủ nghĩa cá nhân là một trở lực lớn của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân có hiệu quả, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn kiên trì, bền bỉ học tập, rèn luyện để không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng. Người nhấn mạnh: “Muốn gột rửa sạch những vết tích xấu xa của xã hội cũ, muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi”(18). Để nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và người dân, cần mở rộng dân chủ trong Đảng, trong xã hội, phát huy tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong mỗi con người, mỗi tổ chức. Người yêu cầu: “Thực hành tự phê bình và phê bình đồng sự mình. Phê bình một cách thiết thực mà thân ái. Phê bình từ cấp trên xuống và từ cấp dưới lên”(19). Đồng thời, cần phải phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích: “Chúng ta phải biết rằng: lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng. Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(20). Đây là một trong những cách hiệu quả nhất để phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong xây dựng đạo đức của cán bộ, đảng viên hiện nay

Một là, thường xuyên quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng về đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân cho mỗi cán bộ, đảng viên. 

Đây là giải pháp quan trọng, bởi vì đảng viên phải quán triệt, hiểu đúng vị trí, vai trò, nội dung quan trọng của các nghị quyết liên quan đến chống chủ nghĩa cá nhân thì mới làm đúng những quy định của Đảng, từ đó tuyên truyền, tổ chức thực hiện nghị quyết trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Cần thường xuyên quán triệt, coi đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là việc làm thường xuyên, một yêu cầu bắt buộc trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhằm kiên quyết loại bỏ những biểu hiện suy thoái, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên, coi đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không chỉ liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng mà còn là lương tâm, danh dự và uy tín của mỗi cán bộ, đảng viên trước Đảng, trước Nhân dân. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, trong các tổ chức đảng cần tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thông qua việc tổ chức các tọa đàm, trao đổi, sinh hoạt chuyên đề về chủ nghĩa cá nhân để mỗi cán bộ, đảng viên hiểu sâu sắc về bản chất, tác hại và những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, từ đó nêu cao ý thức trách nhiệm, tự giác trong đấu tranh loại bỏ chủ nghĩa cá nhân.

Hai là, nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên. 

Trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén, là một trong những biện pháp quan trọng để đấu tranh có hiệu quả. Do vậy, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình không chỉ giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên trong sạch mà còn giúp cho mỗi tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao khả năng đề kháng trước sự xâm nhập của những thói hư, tật xấu vào trong mỗi con người và tổ chức. Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần tự soi, tự sửa, luôn trung thực, thẳng thắn trong nhìn nhận, đánh giá những ưu, khuyết điểm của bản thân và thực sự cầu thị để tiếp thu những ý kiến đóng góp phê bình của đồng chí, đồng nghiệp. Đồng thời, phát huy dân chủ trong sinh hoạt, mạnh dạn phê bình, góp ý đồng chí, đồng nghiệp khi họ có những hạn chế, khuyết điểm, nhất là khi có những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Việc đấu tranh tự phê bình và phê bình phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, “như rửa mặt hàng ngày”, với thái độ thân ái, chân thành để cùng nhau khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm, không ngừng hoàn thiện bản thân.

Ba là, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nghiêm khắc xử lý những cán bộ, đảng viên có biểu hiện chủ nghĩa cá nhân. 

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nghiêm khắc xử lý những cán bộ, đảng viên có biểu hiện chủ nghĩa cá nhân nhằm khẳng định tính nghiêm minh của Đảng, thống nhất với nhận thức về tính chất phức tạp và nguy hiểm của căn bệnh chủ nghĩa cá nhân.

Tại Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII và Hội nghị Trung ương lần thứ 4, lần thứ 6 (khóa XIII), Đảng ta đã đặc biệt đề cao công tác kiểm tra, giám sát, xử lý những sai phạm của đảng viên và tổ chức đảng. Đây được coi là những “thanh bảo kiếm sắc bén” trong đấu tranh loại bỏ những vấn đề bức xúc, tiêu cực trong xã hội.

Để hiện thực hiện tốt quan điểm của Đảng, mỗi tổ chức đảng cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng, không chủ quan, lơ là trước những biểu hiện tiêu cực nảy sinh trong cán bộ, đảng viên; có biện pháp, chế tài ngăn ngừa chủ nghĩa cá nhân, hạn chế sự xâm nhập của chủ nghĩa cá nhân vào cán bộ, đảng viên. Khi phát hiện những biểu hiện sai phạm, cần nghiêm túc xử lý, nghiêm khắc răn đe, xử lý kịp thời, tận gốc, tránh để những biểu hiện cá nhân chủ nghĩa kéo dài làm tổn hại đến uy tín của Đảng.

Bốn là, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp trong đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. 

Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần quán triệt và thực hiện tốt những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về nêu gương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; nêu gương trong đấu tranh phòng, chống tham ô, tham nhũng và những biểu hiện tiêu cực khác của chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên. Người đứng đầu tổ chức đảng các cấp cần gương mẫu trong tự soi, tự sửa những ưu điểm, khuyết điểm của bản thân; công tâm, nghiêm khắc trong xem xét ưu điểm, khuyết điểm của cấp dưới. Đồng thời, phát huy vai trò nêu gương, làm gương của cán bộ, đảng viên, cần cảnh giác, sáng suốt phát hiện và kiên quyết đấu tranh chống lại các hiện tượng có nhận thức sai và hành vi nêu gương không tốt, hay còn gọi là nêu gương xấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trên từng phương diện của đời sống xã hội, nêu gương xấu trong học tập, sinh hoạt đời thường và trong công tác. 

Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến xây dựng và nâng cao đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên. Để đạt hiệu quả thiết thực, các cấp ủy đảng cần tiếp tục nghiên cứu sâu sắc và vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở cơ quan, đơn vị trong giai đoạn hiện nay./.

-----------------------------------------------

Ghi chú:

(1), (14), (16), (19), (20) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.309, tr.295, tr.295, tr.624, tr.335.

(2) Sđd, tập 15, tr.672.

(3), (8), (10), (11) Sđd, tập 8, tr.156, tr.64, tr.54, tr.100.

(4), (12), (13) Sđd, tập 13, tr.90, tr.90, tr.90.

(5), (6), (9), (15), (18) Sđd, tập 11, tr.602, tr.601, tr.610, tr.601, tr.602.

(7) Sđd, tập 2, tr.283.

(17) Sđd, tập 7, tr.367.

 

TS Phùng Thanh - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Xây dựng đội ngũ chính trị viên ở đơn vị cơ sở trong Quân đội có đức, có tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày đăng 26/03/2024
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đức và tài luôn là kim chỉ nam định hướng cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng. Chính trị viên là người chủ trì về chính trị ở đơn vị cơ sở, đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Bài viết tập trung phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh về đức, tài và sự vận dụng vào việc xây dựng đội ngũ chính trị viên ở đơn vị cơ sở trong Quân đội đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới.

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay

Ngày đăng 20/03/2024
Trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động đã và đang tăng cường chống phá, xuyên tạc về nền tảng tư tưởng của Đảng, những thành quả của cách mạng Việt Nam, mỗi cán bộ, đảng viên cần hiểu và vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trước các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày đăng 13/03/2024
Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện đội ngũ cán bộ chính trị trong Quân đội hiện nay cần phải quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này. Đây là nội dung, biện pháp quan trọng, khâu đột phá căn bản để xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị trong Quân đội có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, phương pháp, tác phong công tác ngang tầm nhiệm vụ.

Thành phố Đà Nẵng vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào triển khai công tác dân vận

Ngày đăng 26/02/2024
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận là hệ thống quan điểm toàn diện về dân vận và công tác dân vận. Bài viết khái quát những kết quả nổi bật ở thành phố Đà Nẵng trong việc vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, qua đó đưa ra một số giải pháp để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác dân vận trong thời gian tới tại thành phố Đà Nẵng. 

Học tập phong cách lý luận gắn với thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoạt động giảng dạy của giảng viên lý luận chính trị - hành chính

Ngày đăng 05/02/2024
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một “di sản” đồ sộ, sâu sắc, toàn diện về tư tưởng, đạo đức và phong cách trên nhiều lĩnh vực, phương diện khác nhau, trong đó có phong cách luôn gắn lý luận với thực tiễn. Đến nay, phong cách đó vẫn còn nguyên giá trị, là cơ sở quan trọng để mỗi giảng viên giảng dạy lý luận chính trị học tập và vận dụng.

Tiêu điểm

Chat GPT - Góc nhìn quản lý nhà nước

Sự ra đời của Chat GPT (còn gọi là ChatGPT, chatbot) là bước “đột phá” cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực công nghệ AI, có thể tác động lớn tới hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau. Mặc dù, còn nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực tiềm ẩn nhưng nếu tiếp cận phát triển công nghệ này một cách có trách nhiệm và đạo đức thì có thể đảm bảo rằng Chat GPT sẽ trở thành một công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả lĩnh vực.