Hà Nội, Ngày 03/12/2023

Truyền thông chính sách tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống

Ngày đăng: 24/11/2022   22:18
Mặc định Cỡ chữ
Chiều 24/11/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức - Hành động - Nguồn lực".
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: VGP

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành; lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí chủ lực quốc gia. Dự Hội nghị tại các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan báo chí của địa phương.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan và địa phương đã tập trung phân tích, đánh giá  những kết quả đạt được; chỉ ra những tồn tại, hạn chế và cả những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải; đề xuất các giải pháp, định hướng, nhiệm vụ để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả công tác truyền thông chính sách trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết: thời gian qua, công tác truyền thông chính sách được chú trọng và đổi mới, từ “truyền thông nội bộ” tới truyền thông đại chúng. Kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhằm quán triệt hiệu quả, kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng và các nghị quyết Trung ương tới các đảng viên, cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, nhiều sáng kiến và cách làm mới đã được Trung ương triển khai trong toàn hệ thống chính trị.

Các hoạt động học tập nghị quyết, quán triệt các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được tổ chức rộng rãi theo hình thức trực tuyến tới tất cả các tổ chức cơ sở đảng trên toàn quốc. Về bản chất, đây cũng chính là đổi mới trong hoạt động "truyền thông" về các chủ trương chính sách quan trọng của Trung ương tới cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống, để từ đó quán triệt, thống nhất ý chí và hành động.

Công tác truyền thông về hiệu quả hoạt động của Quốc hội cũng được Quốc hội khóa XV đặc biệt chú trọng, với nhiều đổi mới rõ rệt như: mỗi kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có Đề án truyền thông chi tiết trước, trong và sau kỳ họp, với các mục tiêu, nhiệm vụ và thông điệp cụ thể. 

Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt công tác chủ động truyền thông chính sách trong toàn hệ thống chính quyền từ Trung ương tới địa phương ở vị trí trọng tâm trong công tác chỉ đạo điều hành, được thể hiện thông qua các thành tựu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và khôi phục phát triển kinh tế. Công khai, minh bạch, chủ động, kịp thời là những thông điệp rõ ràng qua những nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Việc kiện toàn bộ máy chỉ đạo các vấn đề lớn của đất nước giờ đây luôn có sự tham gia của bộ máy truyền thông - báo chí, với các kế hoạch truyền thông chi tiết, các thông điệp truyền thông cụ thể, dễ nhớ, dễ làm theo, được ban hành trong từng giai đoạn hoặc với từng sự kiện. 

Điển hình gần đây phải kể đến những thành quả rõ rệt của công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác truyền thông chính sách ở Trung ương và các địa phương, với nhiều sáng kiến, cách làm có tính đột phá, mang lại hiệu quả ổn định xã hội, ổn định tâm lý người dân, giúp các tầng lớp nhân dân tin tưởng và ủng hộ các nỗ lực của hệ thống chính trị nhằm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh hiệu quả, đưa xã hội trở về trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, kết quả bước đầu của việc đổi mới công tác truyền thông chính sách chủ yếu vẫn tập trung ở các cơ quan đầu não ở trung ương với nguồn lực được trang bị, đầu tư cơ bản. Ở nhiều địa phương và cá biệt ở một số bộ, ngành hiện nay, công tác truyền thông không được quan tâm do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan...

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa thống nhất cao với báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng thời, báo cáo thêm các nội dung về tổ chức bộ máy làm công tác truyền thông chính sách, thẩm quyền xác định vị trí việc làm, định mức biên chế làm công tác truyền thông chính sách và một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông chính sách.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đề nghị các Bộ, ngành, địa phương xác định đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ về công tác truyền thông chính sách thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương mình; trên cơ sở đó, phân công một đầu mối hiện có để chủ trì thực hiện nhiệm vụ này và bố trí công chức, viên chức trong tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: VGP

Truyền thông chính sách tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu Hội nghị là làm sao mọi chính sách phải đến được với người dân với tinh thần lấy dân làm gốc, theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Thủ tướng khẳng định, công tác truyền thông chính sách có vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách. Truyền thông chính sách tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách. 

Theo Thủ tướng, thông qua truyền thông, phản ánh của dư luận về một số chính sách không phù hợp, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, tìm hiểu để kịp thời điều chỉnh, tránh gây bức xúc trong dư luận và Nhân dân.

Để làm tốt công tác truyền thông chính sách thì không chỉ có quyết tâm, mà phải có phương pháp, cách làm khoa học và phù hợp với tình hình, điều kiện, bối cảnh từng cơ quan, đơn vị, phù hợp với nội dung chúng ta thực hiện, vừa có tính khoa học, vừa có tính nghệ thuật.

Người đứng đầu một số cơ quan, bộ, ngành, địa phương chưa có nhận thức đúng về tầm quan trọng của truyền thông chính sách

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng, công tác truyền thông chính sách còn bất cập. Nhận thức của các cấp, các ngành về công tác này còn chưa tương xứng với nhiệm vụ. Chưa chủ động, sáng tạo, linh hoạt cung cấp thông tin, chất liệu cho truyền thông chưa được chuẩn bị tốt, đầy đủ, kịp thời. Một số chủ trương, chính sách đúng nhưng chưa truyền thông tốt, người dân chưa hiểu hết nên thực hiện còn khó khăn.

"Chúng ta truyền thông tốt để tạo niềm tin thì mọi người thấy rằng làm thế là đúng và phải làm, không làm không được, xử lý người sai để bảo vệ người đúng, Nhà nước bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân trong bất cứ hoàn cảnh nào", Thủ tướng nhấn mạnh.

Việc chưa làm được có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ công tác quản lý nhà nước thì mình cũng phải chỉ rõ để khắc phục, củng cố niềm tin cho người dân. Bên cạnh đó, cương quyết xử lý người lợi dụng "tát nước theo mưa", làm lung lay niềm tin của người dân. "Một trong những mục tiêu của truyền thông phải là xây dựng được niềm tin của người dân", Thủ tướng nêu rõ. Muốn có niềm tin thì phải nói đi đôi với làm.

Chỉ ra nguyên nhân của bất cập, Thủ tướng cho rằng, cấp uỷ, chính quyền, nhất là người đứng đầu một số cơ quan, bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm, chưa có nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của truyền thông chính sách. Đầu tư cho cơ sở vật chất, nhân lực chưa xứng tầm với công tác này. Việc đánh giá, sơ kết, tổng kết chưa thực sự được coi trọng, nên có những mặt làm tốt chưa được nhân rộng, khắc phục hạn chế yếu kém còn chậm so với yêu cầu.

Bộ Nội vụ chủ trì xử lý vấn đề tăng cường đội ngũ truyền thông chính sách 

Thời gian tới, nhiệm vụ được giao rất nặng nề, trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, đòi hỏi công tác truyền thông quán triệt đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để tổ chức thực hiện tốt.    

Thủ tướng nhấn mạnh: Truyền thông chính sách là nhiệm vụ chính trị của các cơ quan hành chính, cơ quan báo chí trong việc xây dựng, phổ biến, tổ chức thực hiện và đánh giá tác động để mọi chính sách đến với Nhân dân.

Phải làm truyền thông cả trước, trong và sau ban hành chính sách. Tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý phản biện chính sách.

Phải quán triệt Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Thúc đẩy, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật; đồng thời bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy vai trò tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông trong thực hiện truyền thông chính sách… Gắn công tác truyền thông chính sách với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch.

Khuyến khích sáng tạo, đổi mới nội dung và hình thức truyền thông chính sách, làm sao truyền tải thông tin đơn giản, dễ hiểu, dễ nghe, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá, dễ đi vào lòng dân, từ đó, người dân tự giác thực hiện.

Thủ tướng yêu cầu, phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về truyền thông chính sách, sát với tình hình thực tiễn, với điều kiện, khả năng, bối cảnh của đất nước. Cần chủ động cung cấp thông tin trung thực, khách quan. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí trong truyền thông chính sách. Không nên chỉ coi truyền thông chính sách là công việc của các cơ quan báo chí, truyền thông.

"Muốn truyền thông mà các bộ, ngành, địa phương ngại cung cấp thông tin thì lấy chất liệu đâu mà truyền thông", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cần đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương thức truyền thông mới, để giúp Chính phủ xây dựng thành công chính sách, tiếp tục hoàn thiện chính sách, đánh giá chính sách và giám sát việc thực hiện chính sách theo nhiều chiều, khía cạnh khác nhau.

Thủ tướng giao Bộ Nội vụ chủ trì xử lý vấn đề tăng cường đội ngũ truyền thông chính sách tại các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng nhất trí giải quyết vấn đề kinh phí cho công tác này theo hướng đặt hàng; giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan, rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách; đề nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu ý kiến đóng góp tại Hội nghị để hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác truyền thông chính sách thời gian tới./.

Duy Thái

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu phát triển của đất nước, của ngành, của địa phương

Ngày đăng 01/12/2023
Ngày 01/12/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 498/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ Khai khóa - 2023 và buổi làm việc với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại biểu Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng 01/12/2023
Sáng nay (01/12/2023), trước khi diễn ra ngày làm việc thứ nhất của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Đoàn đại biểu Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dẫn đầu đoàn là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang.  

Đề xuất người lao động được đối thoại, thương lượng mức lương tương xứng​

Ngày đăng 30/11/2023
Trước ngày diễn ra Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (tổ chức từ ngày 01 đến 03/12), chiều 30/11/2023, Diễn đàn "Tập trung nguồn lực thúc đẩy đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc" được tổ chức tại Hà Nội.  

Rà soát, xử lý tài sản, trụ sở làm việc ở các ĐVHC đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021

Ngày đăng 01/12/2023
Ngày 30/11/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 9434/VPCP-CN về việc rà soát việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021 và phương án thực hiện cho giai đoạn 2023 - 2030.

Đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày đăng 29/11/2023
Ngày 29/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 1256/TTg-CN về việc đẩy nhanh tiến độ, chất lượng các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, hoàn thiện trình phê duyệt quy hoạch theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 185/NQ-CP ngày 07/11/2023 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023.