Hà Nội, Ngày 19/04/2024

Cải cách chính sách tiền lương phải toàn diện, đảm bảo tiền lương thực sự là đòn bẩy để tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác

Ngày đăng: 17/11/2022   16:28
Mặc định Cỡ chữ

Trao đổi với Tạp chí Tổ chức nhà nước về các giải pháp cải cách chính sách tiền lương trong thời gian tới, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV cho rằng, việc cải cách tiền lương để tạo động lực làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách.

 

Ngày 11/11/2022, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, theo đó, việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được thực hiện từ ngày 01/7/2023 lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Ngày 15/11/2022,Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV. Trong đó, đối với lĩnh vực Nội vụ, Nghị quyết yêu cầu trong năm 2023, trình cấp có thẩm quyền lộ trình thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương. 

Trao đổi về các giải pháp cải cách chính sách tiền lương trong thời gian tới, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV cho rằng, việc cải cách tiền lương để tạo động lực làm việc cho đội ngũ CBCCVC là nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách.
        
Chi tiền lương cho CBCCVC chính là chi cho đầu tư phát triển

Trên cơ sở phân tích thực trạng tiền lương của đội ngũ CBCCVC ở Việt Nam hiện nay và những tư tưởng, quan điểm của Đảng, Nhà nước về cải cách chính sách tiền lương, TS Bùi Sỹ Lợi đã đưa ra một số giải pháp nhằm thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương và tiếp tục được thể hiện trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đó là: “Cải cách chính sách tiền lương theo hướng gắn với sự thay đổi của giá cả sức lao động trên thị trường, tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng năng suất lao động, bảo đảm nguyên tắc phân phối theo lao động, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả”.

Theo TS Bùi Sỹ Lợi, trước tiên cần đổi mới tư duy trong cải cách chính sách tiền lương, chi tiền lương cho CBCCVC chính là chi cho đầu tư phát triển; đảm bảo cho tiền lương thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy CBCCVC nâng cao năng lực thực thi công vụ có hiệu quả hơn, giảm thiểu tham nhũng. Bản chất tiền lương là cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tiền lương phải tiệm cận với giá trị sức lao động trên thị trường, cần phải hướng tới sự công bằng, thực chất. Cần xây dựng tiền lương tối thiểu của công chức hành chính tương xứng với sức lao động và tương đương mức lương thị trường; với tính chất phức tạp và vai trò quan trọng của CBCCVC, cần được xếp ở mức độ quan trọng hơn lao động trong khu vực sản xuất kinh doanh, khu vực sự nghiệp và chỉ đứng sau lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, tiền lương tối thiểu của công chức hành chính chỉ có thể được điều chỉnh dựa trên sự tương quan với lương tối thiểu của các khu vực; hệ số nuôi con của công chức hành chính; hệ số tương quan với thị trường lao động; hệ số vùng; hệ số tương quan với tốc độ tăng trưởng kinh tế. 

Giải pháp thứ hai được nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đưa ra đó là, đổi mới quản lý nhà nước về tiền lương thì bộ máy hành chính nhà nước cần được sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, đa chức năng, không bị chồng chéo, nhằm giảm bớt nhân lực dư thừa trong bộ máy hành chính, góp phần tạo thêm nguồn tài chính để trả lương cho CBCCVC tương xứng với giá trị sức lao động. Xây dựng hệ thống công vụ chuyên nghiệp, hiện đại, tiến kịp trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới, bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế, làm cơ sở cho việc cải cách cơ bản tiền lương. Cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa các dịch vụ công, nhằm giảm bớt quỹ tiền lương đối với viên chức từ ngân sách nhà nước, đổi mới quản lý nhà nước về tiền lương phải gắn với đẩy mạnh việc thực hiện pháp luật CBCCVC; khoán biên chế và khoán chi hành chính hàng năm; sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với thực tế yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Việc tinh giản biên chế hành chính nhà nước phải được coi như một khâu đột phá quan trọng, tinh giản về số lượng phải gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC. 

Bên cạnh đó, tuyển dụng những người có đức, có tài phải song song với việc đào thải những người không đủ trình độ chuyên môn, năng lực phẩm chất và thiếu đạo đức ra khỏi nền công vụ. Việc tuyển dụng và đào thải phải được tiến hành công khai, minh bạch và dựa trên các tiêu chuẩn cũng như kết quả đánh giá khách quan. Cần lựa chọn bộ phận công chức hành chính để cải cách tiền lương, thúc đẩy nâng cao động lực làm việc của đội ngũ công chức hành chính, nâng cao hiệu quả của bộ máy công quyền là cần thiết. Trước hết, nên tách những khâu, những bộ phận không thuộc bộ máy công quyền và những bộ phận mang tính chất dịch vụ công để bộ máy gọn nhẹ; tiếp theo là tiến hành phân tích các công việc cần trả lương, phân biệt giá trị các công việc mà công chức đảm nhận...    

Giải pháp thứ ba đó là, tạo nguồn ngân sách để tăng lương. Đây là một trong những bước đi đột phá để đưa chính sách tiền lương đi vào thực tiễn đời sống, tiền lương phải gắn với hiệu quả công tác, năng suất lao động và đảm bảo nguyên tắc tốc độ tăng năng suất lao động phải nhanh hơn tốc độ tăng tiền lương bình quân. Hiện nay, ngân sách nhà nước ta còn hạn hẹp, trong khi phải chi nhiều, đặc biệt là chi xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển sản xuất, tiền đề cho việc tăng lương; vì vậy phải cơ cấu lại chi ngân sách, đặc biệt là đầu tư vào các lĩnh vực, các tập đoàn nhà nước không có hiệu quả, dùng lượng tiền đó để tăng lương. Việc đầu tư cho con người và cho đội ngũ công chức hành chính nói riêng, sẽ có lợi về lâu dài cả về kinh tế, chính trị và xã hội nhân văn.    

Giải pháp thứ tư là tiến hành rà soát lại đội ngũ công chức hành chính nhằm nâng cao chất lượng và giảm những công chức không có năng lực hoặc biến chất; nghiên cứu xây dựng các phương án đào tạo, bồi dưỡng công chức hành chính để nâng cao trình độ đáp ứng được công việc, các phương án sử dụng số lao động dôi dư; dựa vào kết quả hệ thống công vụ được thiết kế, hệ thống chức danh công chức được điều chỉnh, đối chiếu lại các mức lương trong bảng lương công chức đã được sắp xếp lại để đảm bảo có sự tương xứng cần thiết. 

Giải pháp thứ năm được TS Bùi Sỹ Lợi đưa ra đó là, việc tuyển chọn, bố trí nhân lực (chất lượng đầu vào và bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý) cần tuân thủ các tiêu chuẩn, quy trình tuyển chọn công khai, có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các ứng viên; tiền lương và các chính sách kèm theo phải thực sự công khai, minh bạch; trả lương theo đúng vị trí việc làm và mức độ cống hiến. 
    
Đầu tư cho phát triển cần đảm bảo “tính đúng”, “tính đủ”

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, quá trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương cần tiến hành đồng bộ với cải cách các chính sách khác có tác động liên quan trực tiếp đến tiền lương như: cải cách hành chính, cải cách tài chính công; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi đối với người có công và chính sách trợ giúp xã hội; đồng thời phải xuất phát từ tình hình thực tiễn ở Việt Nam hiện nay.           

Nội dung cải cách chính sách tiền lương phải toàn diện, bao gồm cả thang lương, bảng lương, hệ số lương và các khoản phụ cấp, đảm bảo tiền lương thực sự là đòn bẩy để tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác và coi đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho phát triển. Khoản “đầu tư cho phát triển” tính vào lương cần đảm bảo “tính đúng”, “tính đủ”. Cụ thể, tính đủ là lương phải bao gồm: bộ phận đủ cho công chức tái sản xuất sức lao động; bộ phận để tái sản xuất mở rộng và một bộ phận nuôi gia đình. Tính đúng, là tiền lương phải được gắn với công việc, năng suất, chất lượng, hiệu quả làm việc của công chức hành chính; đảm bảo tiền lương là đòn bẩy để tăng năng suất lao động và tiền lương phải bảo đảm đúng giá trị của sức lao động được thể hiện bằng giá cả trên thị trường lao động. 

Cải cách chính sách tiền lương rất quan trọng, đòi hỏi quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, bố trí CBCCVC đúng vị trí việc làm, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng thời, phải kiên quyết chuyển đổi mô hình các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng bản chất của đơn vị dịch vụ công. Nhà nước thực hiện khoán chi phí dịch vụ theo kết quả đầu ra, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị, không phân biệt đơn vị nhà nước hay tư nhân, phải lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả làm thước đo./.

Ngày 28/10 vừa qua, Bộ Nội vụ đã có Báo cáo gửi các vị đại biểu Quốc hội, trong đó nêu rõ tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc; nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, một trong những giải pháp được Bộ Nội vụ đưa ra đó là, đề nghị cấp có thẩm quyền và Quốc hội cho thực hiện cải cách chính sách tiền lương để nâng cao thu nhập cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn gắn với cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC theo vị trí việc làm và nâng cao chất lượng đội ngũ gắn với cải cách chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi cho CBCCVC.

Trí Đức

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

ĐBQH - PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Lịch sử, địa lý, văn hóa là yếu tố quan trọng trong việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập

Ngày đăng 15/04/2024
Đến năm 2025, cả nước dự kiến có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập và việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới này là vấn đề hiện đang được dư luận rất quan tâm. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc đặt tên cần thể hiện được dấu ấn, truyền thống văn hóa, lịch sử địa lý… của địa phương.

Vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả

Ngày đăng 05/04/2024
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đột phá chiến lược về thể chế. Bài viết tập trung nghiên cứu các yêu cầu đặt ra trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, từ đó xác định vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Công vụ và sự thay đổi hướng tới trả lương theo vị trí việc làm

Ngày đăng 29/03/2024
Nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình công vụ vị trí việc làm và hướng đến trả lương theo vị trí việc làm. Bài viết phân tích, trao đổi về công vụ và các mô hình công vụ cùng với vấn đề vị trí việc làm để hướng tới trả lương theo vị trí việc làm.

Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

Ngày đăng 22/03/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thanh niên, khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”(1). Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, quan điểm về sự nghiệp “trồng người” trở thành tư tưởng xuyên suốt, góp phần chuẩn bị và xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu, dẫn dắt thanh niên trở thành lớp người kế tục trung thành, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chính

Ngày đăng 19/03/2024
Văn bản hành chính (VBHC) là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức(1). VBHC là phương tiện không thể thiếu để các cơ quan, tổ chức truyền đạt các thông tin quản lý và ban hành các quyết định quản lý. VBHC cũng là sản phẩm phản ánh kết quả hoạt động của của cơ quan, tổ chức nói chung, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức nói riêng.