Hà Nội, Ngày 19/04/2024

Đổi mới phương thức hoạt động của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn theo hướng hiện đại, hiệu quả

Ngày đăng: 14/11/2022   06:56
Mặc định Cỡ chữ
Hoạt động của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn được thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và sự phân cấp, phân quyền của chính quyền cấp trên. Trên thực tế, hiện nay phương thức hoạt động của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn còn nhiều bất cập, nhất là vai trò và trách nhiệm của chính quyền xã, thị trấn trong thực hiện trách nhiệm giải trình, thu hút sự tham gia của người dân, tăng cường công khai, minh bạch và chất lượng cung ứng dịch vụ công trên địa bàn. Vì vậy, cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Ảnh minh họa

Thực hiện trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn 

Hiện nay, phương thức quản trị quốc gia có nhiều đổi mới nhằm đáp ứng xu thế phát triển và trình độ dân trí, do đó đòi hỏi chính quyền các cấp nói chung, chính quyền cấp xã nói riêng phải tăng cường trách nhiệm giải trình cho người dân, theo đó, nội dung trách nhiệm giải trình được thực hiện trên ba phương diện: mức độ và hiệu quả tương tác với chính quyền địa phương; công tác tiếp dân và giải đáp các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân; mức độ tin tưởng của người dân khi tiếp cận các dịch vụ tư pháp. Theo kết quả điều tra Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cho thấy từ năm 2020, người dân khi có bức xúc đã có sự tương tác với chính quyền. Số lượng tiếp xúc nhiều nhất là với trưởng thôn/xóm và đại biểu Hội đồng nhân dân xã. Tỷ lệ tăng mức trung bình 23%/năm tính từ năm 2016-2019 và tiếp tục tăng trong năm 2020(1). 

Tuy nhiên năm 2021, trách nhiệm giải trình đối với người dân có sự sụt giảm (do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19). Ví dụ, đối với doanh nghiệp, cơ hội được nghe chính quyền giải trình liên quan đến quyền lợi trực tiếp của họ trên địa bàn xã, thị trấn chưa được đáp ứng một cách kịp thời, đầy đủ. Trong phạm vi khảo sát, nhóm nghiên cứu đã khảo sát 50 phiếu thuộc nhóm đối tượng là doanh nghiệp đóng trên địa bàn các xã, thị trấn và có kết quả như sau (Biểu đồ 1):

Biểu đồ 1: Tỷ lệ doanh nghiệp được nghe chính quyền xã, thị trấn giải trình

Kết quả cho thấy, số lượng các doanh nghiệp trong diện khảo sát được nghe chính quyền giải trình các vấn đề liên quan đến hoạt động của họ trên địa bàn chỉ đạt dưới 50% so với số doanh nghiệp ít được nghe hoặc không được nghe.

Về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, các khúc mắc của chính quyền xã, thị trấn: trên thực tế, số người dân khiếu nại vượt cấp có xu hướng gia tăng, trong đó có tới trên 60% là các vụ khiếu nại ở khu vực nông thôn gắn với địa bàn xã, thị trấn. Lĩnh vực khiếu nại vượt cấp nhiều nhất liên quan đến đất đai, môi trường. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, chính quyền xã, thị trấn thực sự gặp khó khăn khi giải quyết các vấn đề khiếu nại, tố cáo của người dân trên địa bàn. Việc giải quyết các khúc mắc của người dân được gắn với hoạt động tuyên truyền, vận động và thuyết phục của chính quyền, có sự tham gia của các tổ hòa giải do những người hoạt động không chuyên trách thực hiện. Kinh nghiệm cho thấy, ở nơi nào chính quyền cơ sở tích cực kết nối với người dân, tuyên truyền, vận động tốt chính sách, pháp luật cho người dân và phát huy vai trò của các nhóm cộng đồng, thì nơi đó sẽ không phát sinh các vụ việc phức tạp. 

Thu hút sự tham gia của người dân trên địa bàn xã, thị trấn trong phát triển kinh tế - xã hội 

Sự tham gia tích cực và chủ động vào đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, là quyền hiến định của người dân Việt Nam. Đây cũng là nội dung trong hoạt động “quản trị quốc gia” của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn nhằm thu hút sự tham gia của người dân với tư cách là một chủ thể thụ hưởng, bên cạnh chủ thể nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, người dân được quyền tham gia tự nguyện và giám sát các công trình, dự án công cộng thực hiện theo phương thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Theo Chỉ số PAPI công bố năm 2020, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, sự tham gia của người dân ở phương diện này có giảm sút. Nguyên nhân là do giai đoạn diễn ra đại dịch, chính quyền cơ sở ít đề xuất các công trình, dự án cần sự tham gia của người dân và phải thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, đây được coi là tín hiệu cho thấy sự thích ứng của chính quyền địa phương trong bối cảnh có nhiều biến động.

Sự tham gia của người dân vào việc ra các quyết định, phương án, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã, thị trấn là một nội dung quan trọng trong hoạt động của chính quyền. Để người dân phát huy được quyền tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã, thị trấn, chính quyền sở tại cần thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, trưng cầu ý kiến người dân. Mặt khác, huy động, khích lệ người dân chủ động, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ vào sự phát triển chung của địa phương.

Nhóm nghiên cứu đã đặt câu hỏi đối với người dân về việc họ có được hỏi ý kiến liên quan đến các phương án quy hoạch, phát triển kinh tế - xã tại địa phương không, đặc biệt là ý kiến về các dự án, công trình mới trên địa bàn. Theo đó, có xấp xỉ 40% người dân trong diện khảo sát cho rằng, họ không thường xuyên được hỏi ý kiến, trong đó có 8% khẳng định là không được hỏi ý kiến. Tuy nhiên, khi thực hiện việc điều tra, khảo sát đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý chính quyền xã, thị trấn, nhóm đối tượng này cho rằng có 100% người dân được hỏi ý kiến liên quan đến các phương án, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Sự khác biệt về số liệu có thể xuất phát từ cách thức, biện pháp thực hiện hoạt động trưng cầu ý kiến và sự đóng góp của người dân còn mang tính hình thức.

Tình trạng này cũng diễn ra với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã, thị trấn. Trả lời câu hỏi: doanh nghiệp có được hỏi ý kiến về các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã, thị trấn không, kết quả trả lời từ các phiếu thu được như sau: chỉ có 18/50 ý kiến (chiếm 33%) trả lời là được hỏi ý kiến, 26/50 ý kiến (chiếm 52%) ít được hỏi và 06 ý kiến (chiếm 12%) cho rằng không được hỏi ý kiến. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chỉ số năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư của địa phương. Sự tham gia của người dân tại địa bàn cơ sở còn thể hiện ở việc họ được trực tiếp bỏ phiếu bầu đại biểu đại diện cho quyền lợi và nghĩa vụ của họ. Kết quả khảo sát cho thấy số người tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu HĐND các cấp, nhất là bầu chức danh trưởng thôn/xóm đạt tỷ lệ cao . 

Thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của chính quyền xã, thị trấn

Quản trị quốc gia gắn với một chính quyền minh bạch, công khai nhằm đáp ứng quyền được biết của người dân, đặc biệt là đối với những chủ trương, chính sách, các quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Trong đó, việc công khai, minh bạch về thông tin, danh sách hộ nghèo, ngân sách và về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như khung giá bồi thường đất đai là những nội dung quan trọng của xã, thị trấn. Ví dụ, nhóm nghiên cứu đặt câu hỏi đối với người dân về việc họ có được biết về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn không. Trong số 265 phiếu thu được, có 263 phiếu trả lời với tỷ lệ 35% số người được hỏi cho rằng họ không được biết đầy đủ về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã, thị trấn. Thậm chí vẫn còn 5% người dân hoàn toàn không biết gì về các thông tin này. Đây là một trong số các nguyên nhân khiến người dân khó đồng thuận và ủng hộ khi chính quyền triển khai các hoạt động quản lý phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Cung ứng dịch vụ công đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn xã, thị trấn

Hiệu quả hoạt động của chính quyền xã, thị trấn đem lại sự hài lòng cho người dân được đánh giá thông qua kết quả và chất lượng cung ứng dịch vụ công trên địa bàn, trước hết là cung ứng dịch vụ hành chính công. Theo kết quả khảo sát, để đo lường sự hài lòng của người dân trên địa bàn cấp xã, việc tiếp cận thông tin của người dân khi tham gia dịch vụ công được triển khai theo nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, kênh tiếp nhận nhiều nhất là thông qua các công chức trực tiếp cung ứng dịch vụ trên địa bàn xã (Biểu đồ 2). 

Biểu đồ 2: Các chỉ số về hình thức tiếp cận thông tin về cơ quan nơi nộp hồ sơ, nhận kết quả dịch vụ công năm 2021(2).

Các hình thức tiếp cận trên cho thấy, trên địa bàn cấp xã, việc sử dụng mạng internet và hệ thống phương tiện thông tin đại chúng để cung cấp thông tin về dịch vụ tại các cơ quan cung ứng dịch vụ còn khá hạn chế với tỷ lệ dưới 30%. Điều này cho thấy chính quyền cấp xã chưa tận dụng và phát huy lợi thế từ các thiết bị công nghệ trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, người dân, doanh nghiệp còn gặp khó khăn khi tham gia dịch vụ công trên địa bàn xã, thị trấn. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát đối với người dân về việc họ có gặp khó khăn khi tham gia dịch vụ công trên địa bàn xã, thị trấn không. Cụ thể, có 134 phiếu trả lời không có khó khăn gì, trong khi số phiếu trả lời đôi khi hoặc thường xuyên gặp khó khăn là 131 người trên tổng số 265 phiếu thu được (Biểu đồ 3). 

Biểu đồ 3: Khó khăn của người dân khi tham gia dịch vụ. (Nguồn: kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu).

Mặc dù số ý kiến đánh giá về tinh thần trách nhiệm và năng lực chuyên môn của công chức xã, thị trấn tại các bộ phận cung ứng dịch vụ công không cao, tuy nhiên, khi người dân cho rằng thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp lại có phần trách nhiệm của đội ngũ này. Thực tế người dân chưa được hướng dẫn, hỗ trợ một cách đầy đủ, nên khó hoặc không nắm bắt được những quy định của pháp luật liên quan đến các thủ tục hành chính. 

Đối với hoạt động hỗ trợ của chính quyền trong tham gia dịch vụ công cũng như một số lĩnh vực khác cho doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn xã, thị trấn, nhóm nghiên cứu đã thu được kết quả từ việc khảo sát các doanh nghiệp đang kinh doanh, sản xuất trên địa bàn các địa phương như sau: số lượng phiếu chiếm đa số chủ yếu thuộc về nhóm ý kiến phủ nhận có sự hỗ trợ, phối hợp từ chính quyền đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Điều này cho thấy, còn một tỷ lệ lớn công chức chưa thực sự coi trọng vai trò và trách nhiệm cũng như tính hiệu quả của chính quyền đối với người dân, doanh nghiệp. 

Hoạt động chuyển đổi số trong cung ứng dịch vụ công là khả năng bắt kịp xu thế hiện đại của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn. Đặc biệt, với chủ trương thực hiện tinh giản biên chế như hiện nay, số lượng công chức cho các chức danh của Ủy ban nhân dân xã, thị trấn ít, trong khi nhiệm vụ cần thực hiện và giải quyết, đáp ứng nhu cầu và sự hài lòng của người dân ngày càng đa dạng, phức tạp, do đó việc chuyển đổi số sẽ góp phần đắc lực để đảm bảo giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả. Tuy nhiên, hoạt động chuyển đổi số ở xã, thị trấn thuộc khu vực nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Bởi vì, xây dựng hạ tầng số là nhiệm vụ hàng đầu trong chuyển đổi số, nhưng việc đầu tư vào hạ tầng số trên địa bàn khảo sát cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Điều đó ảnh hưởng đến kết quả cung ứng dịch vụ công trên địa bàn xã, thị trấn. Trong khi có nhiều mong muốn của người dân đối với việc cung ứng dịch vụ công của chính quyền cơ sở vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ. 

Hiện nay, người dân luôn mong muốn mở rộng các hình thức thông tin để dễ dàng tiếp cận dịch vụ hành chính công, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao tính chuyên nghiệp cho cán bộ, công chức và tiếp nhận, giải quyết tốt các ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của chính quyền địa phương ở xã, thị trấn nhằm giải quyết tốt các vấn đề đặt ra, đảm bảo công tác quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả./. 

---------------------

Ghi chú:

(1) Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam (VFF-CRT) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh năm 2021 (PAPI năm 2021) Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân năm 2020.

(2) Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Quốc gia (Bộ Nội vụ, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam), Báo cáo Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2021.

 

TS Đặng Thành Lê - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia

TS Nguyễn Thị Hường - Viện Nghiên cứu khoa học hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

ĐBQH - PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Lịch sử, địa lý, văn hóa là yếu tố quan trọng trong việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập

Ngày đăng 15/04/2024
Đến năm 2025, cả nước dự kiến có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập và việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới này là vấn đề hiện đang được dư luận rất quan tâm. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc đặt tên cần thể hiện được dấu ấn, truyền thống văn hóa, lịch sử địa lý… của địa phương.

Vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả

Ngày đăng 05/04/2024
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đột phá chiến lược về thể chế. Bài viết tập trung nghiên cứu các yêu cầu đặt ra trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, từ đó xác định vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Công vụ và sự thay đổi hướng tới trả lương theo vị trí việc làm

Ngày đăng 29/03/2024
Nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình công vụ vị trí việc làm và hướng đến trả lương theo vị trí việc làm. Bài viết phân tích, trao đổi về công vụ và các mô hình công vụ cùng với vấn đề vị trí việc làm để hướng tới trả lương theo vị trí việc làm.

Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

Ngày đăng 22/03/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thanh niên, khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”(1). Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, quan điểm về sự nghiệp “trồng người” trở thành tư tưởng xuyên suốt, góp phần chuẩn bị và xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu, dẫn dắt thanh niên trở thành lớp người kế tục trung thành, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chính

Ngày đăng 19/03/2024
Văn bản hành chính (VBHC) là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức(1). VBHC là phương tiện không thể thiếu để các cơ quan, tổ chức truyền đạt các thông tin quản lý và ban hành các quyết định quản lý. VBHC cũng là sản phẩm phản ánh kết quả hoạt động của của cơ quan, tổ chức nói chung, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức nói riêng.