Hà Nội, Ngày 28/03/2024

Bàn về khái niệm "Văn hóa giao tiếp trong công vụ" từ giác độ tiếp cận pháp luật

Ngày đăng: 04/11/2022   11:58
Mặc định Cỡ chữ
Trên phương diện nghiên cứu, các khái niệm “Văn hóa công sở” và “Văn hóa công vụ” được sử dụng khá phổ biến, tuy vậy nội hàm của hai khai niệm này chưa được nhận thức thống nhất, rõ ràng. Trên phương diện pháp luật, cụ thể là Luật Cán bộ, công chức (Luật CBCC) sử dụng khái niệm “Văn hóa giao tiếp” với hai nội dung: giao tiếp ở công sở và giao tiếp với Nhân dân. Cùng với các quy định của Luật CBCC, trong thời gian qua các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương, địa phương đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị, địa phương. Vậy “Văn hóa giao tiếp trong công vụ” có gì tương đồng, khác biệt với “Văn hóa công sở”, “Văn hóa công vụ”, “Ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức”? Nhằm góp phần bổ sung về lý luận và cụ thể hóa các quy định trong thực hiện Luật CBCC, bài viết bàn về khái niệm “Văn hóa giao tiếp trong công vụ” với ý nghĩa là quan hệ pháp luật.
Ảnh minh họa

Nhận thức về các khái niệm 

Văn hóa công sở

Trước hết cần khu trú phạm vi bàn luận về văn hóa công sở trong khung khổ cơ quan hành chính nhà nước, theo đó có những quan niệm như:

Theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công sở tại cơ quan hành chính nhà nước thì nội dung của văn hóa công sở bao gồm: trang phục, giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và bài trí công sở.

Trong bài “Xây dựng văn hóa công sở trong các cơ quan hành chính nhà nước” các tác giả cho rằng: Văn hóa công sở là tổng hòa các giá trị hữu hình và vô hình, bao gồm trình độ nhận thức, phương pháp tổ chức, quản lý, môi trường cảnh quan, phương tiện làm việc, đạo đức nghề nghiệp và phong cách giao tiếp ứng xử của cán bộ, công chức nhằm xây dựng một công sở văn minh, lịch sự, hoạt động đúng pháp luật và hiệu quả cao(1).

Trong bài “Một số giải pháp thực hiện tốt văn hóa công sở tại cơ quan Đảng ủy khối”, các tác giả cho rằng: “Văn hóa công sở được thể hiện trên các phương diện như: giao tiếp, ứng xử; mối quan hệ giữa cán bộ, công chức, viên chức và người lao động với nhau; giữa nhân viên với lãnh đạo; giữa nhân viên với người dân hay trang phục và cách bài trí công sở...”(2). 

Văn hóa công vụ

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có một số quan niệm khác nhau về văn hóa công vụ cụ thể như:

Là hệ thống biểu tượng, chuẩn mực, giá trị, niềm tin hình thành trong nhận thức, tạo nên tầm nhìn, tác động đến hành vi và lề lối làm việc, cách sống của người thực thi công vụ, của môi trường tổ chức, có khả năng lưu truyền và ảnh hưởng tới chất lượng công vụ(3); 

Trong bài: “Quy định về văn hoá công vụ ở Việt Nam hiện nay”, tác giả có đưa ra các nội dung cơ bản của văn hóa công vụ gồm: tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử; chuẩn mực đạo đức, lối sống; trang phục khi thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức(4).

Trong bài: “Văn hóa công vụ ở Việt Nam”, cùng với nêu quan niệm của một số học giả nước ngoài, tác giả nêu quan niệm: Văn hoá công vụ là một khái niệm kép, nó được cấu thành từ hai khái niệm “văn hoá” và “công vụ”. Nhưng văn hoá công vụ không phải là sự cộng gộp giản đơn hai lĩnh vực này, mà đó là văn hóa ở trong công vụ hay công vụ có tính văn hoá. Nó là sự thẩm thấu, tổng hòa của văn hoá vào công vụ, là công vụ có tính văn hoá. Văn hoá công vụ chính là tinh thần nhân văn trong xử lý các quan hệ giữa cơ quan công quyền với tổ chức, công dân nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ xã hội vì mục tiêu phục vụ nhân dân (5).

Theo Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án văn hóa công vụ, nội dung của văn hóa công vụ bao gồm: tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; chuẩn mực về đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức; trang phục của cán bộ, công chức, viên chức.

Văn hóa giao tiếp

Kết quả nghiên cứu cho thấy chưa có cắt nghĩa phổ quát đối với khái niệm văn hóa giao tiếp. Các tư liệu hiện có chủ yếu thể hiện và phân tích đặc điểm của văn hóa giao tiếp trên một số phương diện như: thái độ giao tiếp, quan hệ giao tiếp, đối tượng giao tiếp, chủ thể giao tiếp, cách thức giao tiếp, nghi thức lời nói.

Theo quy định tại Điều 16 và 17 Luật CBCC về văn hóa giao tiếp ở công sở, văn hóa giao tiếp với Nhân dân, cho thấy văn hóa giao tiếp thể hiện trên một số phương diện như: thái độ trong giao tiếp (lịch sự, tôn trọng, khiêm tốn, lắng nghe ý kiến, công bằng, vô tư, khách quan); ngôn ngữ giao tiếp (chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc); nghi thức giao tiếp (trang phục, phù hiệu hoặc thẻ).

Từ đó, có thể thấy, điểm chung trong các quan niệm về văn hóa công sở là gắn nhận thức về văn hóa trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức, viên chức với công sở (nơi làm việc). Theo đó, cùng với những nội dung về giao tiếp, ứng xử, trang phục của cán bộ, công chức, viên chức là các nội dung về công sở như: Quốc huy, Quốc kỳ, bài trí công sở. Qua khái quát nội hàm của các khái niệm nêu trên cho thấy “Ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức” là một phần nội dung của văn hóa công sở, văn hóa công vụ và văn hóa giao tiếp. Nói cách khác ứng xử với các biểu hiện cụ thể như: lời nói, hành động, thái độ… thể hiện văn hóa của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Cũng từ việc khái quát nội hàm các khái niệm cho thấy điểm chung (tương đồng) là đều có các biểu hiện khách quan (bên ngoài) qua hành vi giao tiếp, thể hiện nhận thức (bên trong) của chủ thể như: thái độ lịch sự, khiêm tốn, lắng nghe ý kiến; ngôn ngữ giao tiếp chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc… Qua đó có thể nhận biết văn hóa, phản ánh đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện công vụ. 

Khái niệm “Văn hóa giao tiếp trong công vụ” với ý nghĩa là quan hệ pháp luật

Về pháp lý, khái niệm “Văn hóa giao tiếp trong công vụ” được hình thành trên cơ sở quy định của Điều 2 về “Hoạt động công vụ” và Điều 16, 17 quy định về “Văn hóa giao tiếp” của Luật CBCC. Về nội hàm, vì được xem xét với ý nghĩa là quan hệ pháp luật, do vậy nội hàm của khái niệm là các yếu tố của quan hệ pháp luật như: chủ thể, nội dung và khách thể quan hệ pháp luật. Với cách tiếp cận và khung lý thuyết để xây dựng khái niệm như vậy, sau đây là phân tích nội hàm của khái niệm:

Về chủ thể, nếu như chủ thể của văn hóa công vụ và văn hóa công sở được không ít các tác giả cho rằng chỉ là cán bộ, công chức vì đây là những người thực thi công quyền, làm việc tại cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước. Thì chủ thể của văn hóa giao tiếp trong công vụ có thể mở rộng hơn với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, vì hoạt động của nhóm đối tượng này cũng có tính chất công vụ (phục vụ quản lý, phục vụ lợi ích chung, phục vụ xã hội). Nói cách khác, mở rộng hơn quan niệm công vụ không chỉ là hoạt động quản lý nhà nước do cán bộ, công chức thực hiện. Điều này phù hợp với quan điểm của quản lý công hiện đại coi trọng cả hai chức năng “quản lý” và “phục vụ” xã hội của Nhà nước.

Về nội dung của quan hệ pháp luật văn hóa giao tiếp trong công vụ, thể hiện trên hai phương diện, hành vi khách quan và nhận thức của chủ thể trong giao tiếp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trên cơ sở quy định pháp luật. Hành vi khách quan với các biểu hiện như: hành động (thực hiện các động tác, thao tác, lời nói, việc làm, hoạt động theo quy định pháp luật), hoặc không hành động (không làm những việc pháp luật quy định cán bộ, công chức, viên chức không được làm như: trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công…). Mặt khách quan của văn hóa giao tiếp trong công vụ còn thể hiện ở trang phục, phù hiệu hoặc thẻ, trang sức, trang điểm của cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian thực hiện công vụ. 

Biểu hiện tập trung về nhận thức của chủ thể đối với văn hóa giao tiếp trong công vụ là việc cán bộ, công chức, viên chức hiểu rõ, hiểu đúng để từ đó thực hiện đúng, đủ các hành vi giao tiếp (hành động và không hành động) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn pháp luật quy định. Cùng với nhận thức thì tinh thần, thái độ giao tiếp với các biểu hiện như: sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt công việc; không lựa chọn công việc, làm việc dễ, bỏ việc khó; tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao… cũng là yếu tố cần được đề cập trong nội dung của khái niệm.

Về khách thể của văn hóa giao tiếp trong công vụ, theo lý thuyết, khách thể của quan hệ pháp luật là lợi ích vật chất hoặc tinh thần mà các chủ thể pháp luật mong muốn đạt được khi tham gia các quan hệ pháp luật. Đối với quan hệ văn hóa giao tiếp trong công vụ, ngoài các chủ thể nêu trên, còn có các đối tượng phục vụ là cá nhân, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nhà nước. Vì vậy, cần nhận thức khách thể văn hóa giao tiếp trong công vụ đầy đủ hơn theo hướng là những lợi ích vật chất hoặc tinh thần mà các chủ thể, đối tượng tham gia quan hệ pháp luật hành chính nhà nước mong muốn đạt được trong giao tiếp giải quyết công việc. Những lợi ích tinh thần như: gia tăng sự tin tưởng, thúc đẩy mạnh hơn sự tương tác… Những lợi ích vật chất với các biểu hiện cụ thể như: rút ngắn thời gian thực hiện công việc, cải tiến quy trình làm việc, thúc đẩy tăng năng suất lao động…

Qua đó, có thể đi đến nhận thức khái quát đối với khái niệm văn hóa giao tiếp trong công vụ từ giác độ tiếp cận pháp luật, đó là việc cán bộ, công chức, viên chức nhận thức và thực hiện đúng, đủ các hành vi giao tiếp theo quy định pháp luật với đối tượng giao tiếp trong hoạt động công vụ, nhằm đạt được các lợi ích vật chất hoặc tinh thần các bên tham gia mong muốn, qua đó hướng tới những mục tiêu, giá trị đặt ra đối với hoạt động công vụ.

So sánh với các khái niệm khác cho thấy, văn hóa giao tiếp trong công vụ phản ánh được nội hàm của văn hóa công sở, văn hóa công vụ và ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức thông qua yếu tố khách quan với các biểu hiện của hành vi (hành động, không hành động) và nhận thức, tinh thần, thái độ của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giao tiếp công vụ. Văn hóa giao tiếp trong công vụ cũng phản ánh đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức thông qua việc không thực hiện (tức là không hành động) những điều cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

 

Từ đó, có thể mô hình hóa quan niệm về “Văn hóa giao tiếp trong công vụ”, nên thống nhất sử dụng khái niệm “Văn hóa giao tiếp trong công vụ” với chủ thể là cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành, các cơ quan cần rà soát, nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành văn bản để thống nhất nhận thức, pháp luật và tổ chức thực hiện tốt “Văn hóa giao tiếp trong công vụ” thay vì nhiều khái niệm, văn bản, nội dung khác nhau như hiện nay. 

Để thực hiện tốt văn hóa giao tiếp trong công vụ cần các yêu cầu, điều kiện nhất định, trong đó có yêu cầu, điều kiện về công sở. Theo đó cùng với quy định về văn hóa giao tiếp trong công vụ như đã nêu, văn bản của Chính phủ cần quy định về công sở và có thể quy định thêm các điều kiện khác (trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ) đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức./.

-----------------------

Ghi chú: 

[1] Đào Minh Tuấn và Nguyễn Thị Ngoan “Xây dựng văn hóa công sở trong các cơ quan hành chính nhà nước”, https://www.quanlynhanuoc.vn ngày 10/8/2020.

[2] Nguyễn Xuân Dương và Nguyễn Văn Thành “Một số giải pháp thực hiện tốt văn hóa công sở tại cơ quan Đảng ủy khối”, https://danguykhoicqvadnthanhhoa.vn.

[3] Huỳnh Văn Thới (chủ biên). Văn hóa công vụ ở Việt Nam - Lý luận và thực tiễn. H. Nxb Lý luận chính trị, 2016, tr.39-40.

[4] Lê Thị Hoa: “Quy định về văn hoá công vụ ở Việt Nam hiện nay”, https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/08/31.

[5] TS Đoàn Văn Dũng “Văn hóa công vụ ở Việt Nam”, http://isos.gov.vn ngày 18/9/2021.

 

TS Tạ Ngọc Hải - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ

TS Vũ Ngọc Hà - Trưởng khoa Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị khu vực I

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

Ngày đăng 22/03/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thanh niên, khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”(1). Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, quan điểm về sự nghiệp “trồng người” trở thành tư tưởng xuyên suốt, góp phần chuẩn bị và xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu, dẫn dắt thanh niên trở thành lớp người kế tục trung thành, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chính

Ngày đăng 19/03/2024
Văn bản hành chính (VBHC) là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức(1). VBHC là phương tiện không thể thiếu để các cơ quan, tổ chức truyền đạt các thông tin quản lý và ban hành các quyết định quản lý. VBHC cũng là sản phẩm phản ánh kết quả hoạt động của của cơ quan, tổ chức nói chung, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức nói riêng.

Công chức và vấn đề quản trị bản thân

Ngày đăng 05/03/2024
Cấu trúc quản trị bản thân và điều chỉnh nhận thức, hành vi của công chức trong hoạt động công vụ rất đa dạng. Môi trường công vụ với những hoạt động, quan hệ của công chức tạo nên các yếu tố cấu trúc kiểm soát nhận thức và hành động của họ. Bài viết phân tích các vấn đề tự do và khuôn khổ, quản trị bản thân của công chức hiện nay.

Một số khuyến nghị khi xây dựng chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng

Ngày đăng 27/02/2024
Chính quyền đô thị là mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với xu hướng của thế giới. Ở Việt Nam, mô hình này đã được triển khai và thí điểm triển khai thực hiện 03 thành phố trực thuộc trung ương gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Hải Phòng là thành phố cảng biển quan trọng, trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học thương mại và công nghệ thuộc Vùng Duyên hải Bắc Bộ. Trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự phát triển đô thị của thành phố Hải Phòng đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đồng thời đặt ra yêu cầu tất yếu phải xây dựng mô hình chính quyền đô thị để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Bài viết phân tích đặc trưng đô thị của thành phố Hải Phòng, những thuận lợi và khó khăn của thành phố khi xây dựng mô hình chính quyền đô thị và một số khuyến nghị về xây dựng chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng trong thời gian tới.

Xác định thẩm quyền của các cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động thanh tra - từ thực tiễn hoạt động của Thanh tra Bộ Nội vụ

Ngày đăng 27/02/2024
Thẩm quyền của các cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động thanh tra là tổng thể các quyền và nghĩa vụ của cơ quan thanh tra được pháp luật quy định để xem xét, kết luận nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể trong hoạt động thanh tra. Từ thực tiễn của Thanh tra Bộ Nội vụ, bài viết khái quát thực trạng việc thực hiện thẩm quyền và đề xuất một số giải pháp nhằm xác định thẩm quyền của các cơ quan thanh tra nhà nước trong trong hoạt động thanh tra.  

Tiêu điểm

Chat GPT - Góc nhìn quản lý nhà nước

Sự ra đời của Chat GPT (còn gọi là ChatGPT, chatbot) là bước “đột phá” cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực công nghệ AI, có thể tác động lớn tới hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau. Mặc dù, còn nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực tiềm ẩn nhưng nếu tiếp cận phát triển công nghệ này một cách có trách nhiệm và đạo đức thì có thể đảm bảo rằng Chat GPT sẽ trở thành một công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả lĩnh vực.