Hà Nội, Ngày 29/03/2024

Tư duy sáng tạo của Hồ Chí Minh trong lựa chọn con đường giải phóng dân tộc Việt Nam

Ngày đăng: 20/10/2022   16:38
Mặc định Cỡ chữ
Hồ Chí Minh luôn xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, vận dụng những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng vô sản, đặc biệt là phép biện chứng duy vật, phân tích sâu sắc tính chất xã hội, tình hình kinh tế - chính trị, sự phân hóa giai cấp của xã hội Việt Nam để xác định đúng đắn những vấn đề chiến lược, sách lược, bước đi của cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours, năm 1920. Ảnh: Tư liệu

Hồ Chí Minh xác định đúng đắn mâu thuẫn cơ bản trong xã hội Việt Nam

Hồ Chí Minh sinh ra trong cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược và đô hộ, giai cấp phong kiến từng bước nhượng bộ, đầu hàng, làm tay sai cho thực dân Pháp, đời sống nhân dân Việt Nam vô cùng khổ cực. Không chịu cảnh nô lệ lầm than, hàng loạt phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân đã nổ ra liên tục, sôi nổi và anh dũng chống lại bọn xâm lược và lũ tay sai bán nước. Tuy vậy, các phong trào đó đều thất bại và bị đàn áp tàn bạo. Nguyên nhân chính làm cho các phong trào đó “một trăm thất bại, không một thành công” là do những người đứng đầu phong trào là những đại biểu của trào lưu tư tưởng, những giai cấp, tầng lớp mà địa vị kinh tế, chính trị và vai trò lịch sử không cho phép họ tìm thấy con đường cách mạng phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển tết yếu của thời đại. Đây là thời kỳ cách mạng Việt Nam đứng trước sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối. Sự đòi hỏi cấp bách lúc này của lịch sử là khắc phục tình trạng “luẩn quẩn không có đường ra”, xác định đường lối đúng đắn đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi áp bức nô lệ.  Người đã nhận xét: Phan Bội Châu thì cầu viện Nhật để đánh Pháp có khác gì “đưa hổ cửa trước, rước hùm cửa sau”. Phan Châu Trinh thì nhờ người Pháp đánh địa chủ phong kiến “chẳng khác gì xin giặc rủ lòng thương”. Còn cụ Hoàng Hoa Thám tuy đã chú ý đến việc trực tiếp đấu tranh chống Pháp nhưng “còn nặng cốt cách phong kiến”… những nhận xét đó cùng với những thất bại của phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX đã nung nấu trong con người Nguyễn Tất Thành một suy nghĩ lớn lao là muốn cứu nước khỏi nô lệ, dân khỏi áp bức lầm than thì phải tìm ra con đường cách mạng mới. 

Hồ Chí Minh luôn xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, vận dụng những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng vô sản, đặc biệt là phép biện chứng duy vật, phân tích sâu sắc tính chất xã hội, tình hình kinh tế - chính trị, sự phân hóa giai cấp của xã hội Việt Nam để xác định đúng đắn những vấn đề chiến lược, sách lược, bước đi của cách mạng Việt Nam. Theo Hồ Chí Minh và Đảng ta, từ khi thực dân Pháp đặt ách thống trị lên toàn cõi Việt Nam, xã hội Việt Nam có hai mâu thuẫn cơ bản. Cùng với sự tồn tại của mâu thuẫn cơ bản vốn có của một xã hội phong kiến là mâu thuẫn giữa nhân dân với giai cấp địa chủ phong kiến, đã xuất hiện thêm mâu thuẫn cơ bản mới là mâu thuẫn giữa toàn dân Việt Nam với chủ nghĩa thực dân Pháp xâm lược, thống trị. Xã hội Việt Nam từ một xã hội phong kiến độc lập, trở thành một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến. Từ đó, cách mạng Việt Nam có hai nhiệm vụ chiến lược quan hệ chặt chẽ và tác động ảnh hưởng lẫn nhau: chống đế quốc giành độc lập dân tộc và chống phong kiến, đưa lại ruộng đất cho nông dân, dân chủ cho nhân dân lao động. 

Từ sự vận động tổng hợp của hai mâu thuẫn cơ bản, nổi lên mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Việt Nam mà đại đa số là công nhân và nông dân với chủ nghĩa thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Mâu thuẫn này nổi lên sâu sắc, gay gắt, đòi hỏi phải giải quyết. Ngay từ lúc thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, cũng như sau khi hoàn toàn xâm chiếm Việt Nam và mở rộng ách thống trị, bóc lột, phong trào chống Pháp cứu nước của dân ta đã nổ ra thường xuyên, liên tục, lúc sôi nổi, lúc ngấm ngầm theo những con đường khác nhau. Do đó, nhiệm vụ giải phóng dân tộc, chống đế quốc Pháp và bè lũ tay sai là sự nghiệp nổi lên hàng đầu của nhân dân Việt Nam, cách mạng Việt Nam.

Trên cơ sở xác định mâu thuẫn cơ bản, chủ yếu, tính chất của xã hội, một vấn đề cơ bản của chiến lược cách mạng là xác định đối tượng, kẻ thù chính, chủ yếu của cách mạng. Các phong trào yêu nước chống đế quốc của nhân dân Việt Nam trước khi có sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, đều rất dũng cảm, nêu cao truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất và khí phách anh hùng của con người Việt Nam. Nhưng các phong trào này đều có nhược điểm cơ bản là không nhận thức đúng kẻ thù chính hoặc thiếu sự hiểu biết sâu sắc về kẻ thù. Đó chính là nguyên nhân đưa đến thất bại.

Hồ Chí Minh, ngay từ lúc cảm nhận được nạn mất nước và nỗi thống khổ của dân tộc, đã có ý thức tìm hiểu sâu sắc kẻ thù của dân tộc và quyết “đi vào lòng kẻ thù để hiểu biết kẻ thù”. Những hiểu biết của Người về chủ nghĩa thực dân được trình bày trong Bản án chế độ thực dân Pháp, Đây công lý của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương… chứng tỏ Người đã có những hiểu biết sâu sắc về bản chất, thủ đoạn, về phương thức thống trị bóc lột của chủ nghĩa thực dân - đặc biệt là chủ nghĩa thực dân Pháp. Từ đó, Người khẳng định: Chủ nghĩa thực dân Pháp là kẻ thù chính của dân tộc Việt Nam, đồng thời là kẻ thù của nhân dân các thuộc địa Pháp và cũng là kẻ thù của giai cấp vô sản và nhân dân lao động Pháp. Nắm vững một đặc điểm trong chính sách cai trị của chủ nghĩa thực dân Pháp là chúng duy trì chế độ bóc lột phong kiến và chính phủ Nam Triều làm công cụ áp đặt chế độ thống trị, bóc lột thuộc địa đến tận thôn xã. 

Người đã chỉ rõ, quan lại, địa chủ: Họ tuy hai mà một, một mà hai. Quan lại lớn đồng thời là địa chủ lớn… Bọn này cùng với đế quốc Pháp sống dựa vào nhau… Còn bọn “Vương Công: như hoàng đế An Nam, quốc vương Cao Miên,… tất nhiên họ là những rường cột phản động Người Pháp lợi dụng họ làm bù nhìn để thi hành những luật pháp thời Trung cổ. Như vậy, trên cơ sở nghiên cứu, phân tích toàn diện, sâu sắc, khoa học đối tượng của cách mạng Việt Nam, Người đã chỉ rõ kẻ thù chính của độc lập dân tộc Việt Nam là chủ nghĩa đế quốc thực dân và bè lũ tay sai.

Từ những mâu thuẫn cơ bản trong xã hội Việt Nam, Hồ Chí Minh đi đến xác định lực lượng nòng cốt của cách mạng. Người cùng với Bộ Chính trị và Trung ương Đảng ta luôn xác định đúng kẻ thù chính, cụ thể, trước mắt. Nhận thức sâu sắc bản chất, âm mưu thủ đoạn, khả năng thực lực của chúng mà dự báo, phát hiện kịp thời những chuyển biến trong hàng ngũ kẻ thù. Người cho rằng, chính các giai tầng bị áp bức bóc lột sẽ là người thực hiện cuộc cách mạng lật đổ các giai cấp thống trị mình, giành lấy quyền sống và quyền độc lập, tự do cho chính họ. Với Việt Nam, lực lượng cách mạng chính là giai cấp công nhân, nông dân, tư sản dân tộc, tiểu tư sản... Trong đó, “...ai mà bị áp bức càng nặng thì lòng cách mệnh càng bền, chí cách mệnh càng quyết...công nông bị áp bức nặng hơn... công nông là đông nhất nên sức mạnh hơn hết,... nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới, cho nên họ gan góc... nên công nông là gốc cách mệnh”(1).

Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, lực lượng lãnh đạo cuộc cách mạng đó phải là, và chỉ có thể là giai cấp vô sản, trên cơ sở đoàn kết rộng rãi với tất cả các giai tầng yêu nước. Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi thời cơ cách mạng đến, Hội nghị Đảng toàn quốc tháng 8/1945 nhận định: “Chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi của ta và Đồng minh”(2), Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi: “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Nhờ vậy, Người và Đảng ta kịp thời đề ra những vấn đề sách lược, chiến lược và chỉ đạo chiến lược đúng đắn, nhằm phân hóa kẻ thù, cô lập và tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chính, tạm thời hòa hoãn với những kẻ thù có thể hòa hoãn. Đó cũng chính là nguyên nhân quan trọng đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, giành độc lập, thống nhất hoàn toàn cho Việt Nam. 

Cách mạng vô sản - con đường giải phóng dân tộc Việt Nam

Thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước - nhân văn Việt Nam và khát vọng giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào, trải qua cuộc sống lao động, học tập, nghiên cứu kinh nghiệm đấu tranh cách mạng phong phú ở nhiều nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận thấy vấn đề giải phóng dân tộc và giải phóng con người là nhu cầu cấp thiết không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các dân tộc thuộc địa và nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới. Từ tình yêu thương con ngưòi đã trở thành khát vọng giải phóng con người, Nguyễn Ái Quốc luôn nung nấu ý chí tìm đường giải phóng không chỉ với dân tộc mình mà còn với mọi tầng lớp cùng khổ trên khắp các châu lục. Khi nhận ra các cuộc cách mạng tư sản Pháp, cách mạng tư sản Mỹ chỉ thay thế chế độ bóc lột này bằng chế chế độ bóc lột khác tinh vi hơn chứ không xóa bỏ được áp bức bóc lột, Người cho rằng đó là những cuộc cách mạng không đến nơi, không triệt để. Do đó, cứu nước theo ngọn cờ của giai cấp tư sản không phải là lối thoát cho dân tộc.

Hồ Chí Minh nhận thức được xu hướng phát triển tất yếu của thời đại,  Người đã bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin và trở thành người cộng sản. Dưới ánh sáng của Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin và tấm gương cách mạng Tháng Mười Nga. Người rút ra kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(3). Đó là con đường cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới do đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo, nhằm đánh đổ đế quốc phong kiến và tay sai, giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng, sau đó tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam. Đó là đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp với chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm đi tới mục tiêu cao cả là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. 

Quan niệm độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là luận điểm trung tâm của tư tưởng Hồ Chí Minh, thấm nhập và xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống tư tưởng của Người trong các thời kỳ cách mạng. Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam mới thành lập, trong “Chánh cương vắn tắt” do Người khởi thảo đã đặt nền tảng cho bước chuyển biến từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Theo Người “cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”, và chỉ có “chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức”. Xuất phát từ ý thức đi tìm chân lý cách mạng, con đường cứu nước giải phóng giống nòi, Hồ Chí Minh đã tiếp cận với chính nơi đề ra khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bắc ái”. Hòa mình với phong trào công nhân ở các nước tư bản phát triển, Hồ Chí Minh đã hiểu ra nhiều điều về bản chất của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc cũng như bản chất của giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới; nhất là hiểu rõ sự thật ẩn dấu đằng sau những từ “tự do, bình đẳng, bác ái, nhân quyền” mà giai cấp tư sản chương lên như một biểu trưng của nền văn minh phương Tây. Từ chủ nghĩa yêu nước, Hồ Chí Minh đã chỉ ra bản chất của chủ nghĩa đế quốc và nguyên nhân gây ra nỗi khổ của nhân dân lao động trong nước cũng như trên thế giới. Từ chủ nghĩa yêu nước, Hồ Chí Minh đã đến với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản quốc tế, phân biệt được cái loại hình của chủ nghĩa cơ hội, cải lương đang hoành hành ở các nước châu Âu. 

Trong quá trình hoạt động thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Hồ Chí Minh nhiều lần trình bày, làm sáng tỏ tư tưởng về con đường cách mạng Việt Nam. Về con đường giải phóng, trong tác phẩm Thường thức chính trị (1953), Hồ Chí Minh nêu: “Tính chất thuộc địa và phong kiến của xã hội cũ Việt Nam khiến cách mạng Việt Nam phải chia làm hai bước. Bước thứ nhất là đánh đổ đế quốc, đánh đổ phong kiến thực hiện “người cày có ruộng”, xây dựng chính trị và kinh tế dân chủ mới... Bước thứ hai là tiến lên chủ nghĩa xã hội, tức là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản”(4). Đến năm 1960, con đường cứu nước và giải phóng dân tộc Việt Nam được Hồ Chí Minh luận giải khái quát, sâu sắc hơn: “Những người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới”. Đây là tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng và Người đã vận dụng thành công nguyên lý đó vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, một nước thuộc địa nửa phong kiến đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh tư tưởng của Người không chỉ phát huy tác dụng trong giai đoạn Đảng lãnh đạo nhân dân ta tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc (1945 - 1954), mà còn xuyên suốt quá trình tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng có quan hệ chặt chẽ. Đó là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc giai đoạn (1965 - 1975) cũng như trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Với tư duy về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, đó là con đường kết hợp giữa đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc, kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Hồ Chí Minh đã nắm bắt được nội dung, tính chất của thời đại, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội đã tạo ra khả năng khách quan cho những nước ở trình độ khác nhau, có thể bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Từ đó, Người khẳng định: Con đường cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội. Sự lựa chọn của Người là sự lựa chọn của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại mới thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội./.

---------------------

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 266.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 427.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 314.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 209 - 210.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2,7,9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

3. Lê Doãn Tá, Tư tưởng Hồ Chí Minh - Sự vận dụng sáng tạo phép biện chứng duy vật, tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2020.

 

Thượng tá, TS Đoàn Văn Tự

Thiếu tá, ThS Nguyễn Đức Tuyên - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Xây dựng đội ngũ chính trị viên ở đơn vị cơ sở trong Quân đội có đức, có tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày đăng 26/03/2024
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đức và tài luôn là kim chỉ nam định hướng cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng. Chính trị viên là người chủ trì về chính trị ở đơn vị cơ sở, đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Bài viết tập trung phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh về đức, tài và sự vận dụng vào việc xây dựng đội ngũ chính trị viên ở đơn vị cơ sở trong Quân đội đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới.

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay

Ngày đăng 20/03/2024
Trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động đã và đang tăng cường chống phá, xuyên tạc về nền tảng tư tưởng của Đảng, những thành quả của cách mạng Việt Nam, mỗi cán bộ, đảng viên cần hiểu và vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trước các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày đăng 13/03/2024
Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện đội ngũ cán bộ chính trị trong Quân đội hiện nay cần phải quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này. Đây là nội dung, biện pháp quan trọng, khâu đột phá căn bản để xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị trong Quân đội có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, phương pháp, tác phong công tác ngang tầm nhiệm vụ.

Thành phố Đà Nẵng vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào triển khai công tác dân vận

Ngày đăng 26/02/2024
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận là hệ thống quan điểm toàn diện về dân vận và công tác dân vận. Bài viết khái quát những kết quả nổi bật ở thành phố Đà Nẵng trong việc vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, qua đó đưa ra một số giải pháp để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác dân vận trong thời gian tới tại thành phố Đà Nẵng. 

Học tập phong cách lý luận gắn với thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoạt động giảng dạy của giảng viên lý luận chính trị - hành chính

Ngày đăng 05/02/2024
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một “di sản” đồ sộ, sâu sắc, toàn diện về tư tưởng, đạo đức và phong cách trên nhiều lĩnh vực, phương diện khác nhau, trong đó có phong cách luôn gắn lý luận với thực tiễn. Đến nay, phong cách đó vẫn còn nguyên giá trị, là cơ sở quan trọng để mỗi giảng viên giảng dạy lý luận chính trị học tập và vận dụng.

Tiêu điểm

Sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến vấn đề an sinh xã hội ở Việt Nam

Trong thời đại cách mạng công nghiệp hiện nay, với chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn, đạt được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động cả chiều thuận lợi và không thuận lợi đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, vì vậy cần tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá sự tác động đó để có giải pháp phù hợp với chính sách an sinh xã hội một cách hiệu quả. Đây là nhiệm vụ quan trọng đối với công tác an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.