Hà Nội, Ngày 24/04/2024

9 tháng năm 2022, có hơn 4,7 triệu văn bản điện tử gửi và nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia

Ngày đăng: 30/09/2022   14:51
Mặc định Cỡ chữ
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ Quý III/2022 (Báo cáo số 139/BC-BTTTT ngày 28/9/2022), 9 tháng năm 2022, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia là hơn 4,7 triệu văn bản, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Ảnh minh họa

Về công tác chỉ đạo, điều hành

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương: Tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; tập trung bố trí nguồn lực triển khai quyết liệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) bảo đảm theo đúng tiến độ, yêu cầu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa, việc số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đối với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2022 của Chính phủ, thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số; giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng Chỉ thị về đẩy mạnh quản trị số và cơ sở dữ liệu quốc gia; giao các bộ, ngành khẩn trương rà soát các văn bản thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, ngành mình, xác định những vấn đề vướng mắc phải sửa đổi và kiến nghị phương án, lộ trình sửa đổi đáp ứng được lộ trình đề ra của Đề án 06, Luật Cư trú và bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú theo Luật Cư trú; giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, điều chỉnh bãi bỏ các quy định yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu để sử dụng căn cước, định danh xác thực điện tử, dữ liệu dân cư trong các giao dịch, thủ tục hành chính cho công dân; bảo đảm các điều kiện về an ninh an toàn thông tin phục vụ kết nối, sử dụng dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Về xây dựng, hoàn thiện thể chế

Sau khi Chính phủ thông qua hồ sơ xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 07/3/2022, Bộ Công an đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ban Cán sự đảng Chính phủ và các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ về dự thảo Nghị định. Căn cứ ý kiến của Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bộ Công an sẽ phối hợp với Văn phòng Ban Cán sự đảng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng để sớm trình Bộ Chính trị cho ý kiến.

Chính phủ đã ban hành: Nghị định số 55/2022/NĐ-CP ngày 23/8/2022 quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử. 

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành: Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 10/8/2022 phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Về xây dựng nền tảng phát triển Chính phủ điện tử

Tính đến ngày 26/9/2022, tổng số giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (National Data Exchange Platform - NDXP) trong tháng 9 năm 2022 là 58.397.139; tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP từ khi khai trương đến nay là hơn 661 triệu giao dịch; tính từ đầu năm 2022, trung bình hằng ngày có khoảng 1,6 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP. 

Xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) tạo nền tảng Chính phủ điện tử

CSDL quốc gia về Dân cư: Bộ Công an đã vận hành chính thức Hệ thống CSDL quốc gia về Dân cư từ ngày 01/7/2021. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng cần tập trung từ nay đến cuối năm 2022, phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ đã đăng ký, thống nhất triển khai.

CSDL về Bảo hiểm: Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã hoàn thành dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Cấu trúc thông điệp dữ liệu CSDL quốc gia về bảo hiểm và đang xin ý kiến góp ý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhằm đảm bảo tiến độ triển khai Đề án 06, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện xác thực thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư qua số CMND để đối chiếu, đồng bộ (lấy) số căn cước công dân từ CSDL quốc gia về dân cư sang CSDL của BHXH. Tính đến ngày 19/9/2022, hoàn thành xác thực đúng thông tin công dân của trên 50 triệu người tham gia; việc triển khai thí điểm khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân gắn chíp, tính đến ngày 19/9/2022, toàn quốc đã có 11.376 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp; BHXH đã có các văn bản gửi bộ, ngành, địa phương đề nghị phối hợp kê khai mã số BHXH, số định danh cá nhân/căn cước công dân khi nộp hồ sơ tham gia BHXH, BHYT.

BHXH Việt Nam tiếp tục kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa BHXH với Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), Bộ Tư pháp, Tổng cục Thuế, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Bộ Y tế; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Giáo dục và Đào tạo; phối hợp với Văn phòng Chính phủ kết nối và chia sẻ dữ liệu chứng thực từ bản sao điện tử và các dữ liệu dịch vụ công liên quan đến CSDL quốc gia về Bảo hiểm theo quy định hiện hành, đồng thời triển khai thí điểm chứng thực thông tin trên sổ BHXH phù hợp với CSDL quốc gia về Bảo hiểm; tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ liên quan hoàn thiện quy trình để tích hợp cung cấp các dịch vụ công; BHXH Việt Nam đã cung cấp 100% dịch vụ công mức độ 4 lên cổng dịch vụ công của ngành và tích hợp, cung cấp 25 dịch vụ công trực tuyến của ngành trên Cổng dịch vụ công quốc gia; BHXH Việt Nam đã ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành BHXH Việt Nam phiên bản 2.0. 

CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc: tính đến ngày 19/9/2022, trên Hệ thống đã có 30.821.817 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 7.726.186 trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định, 3.969.989 hồ sơ khai sinh có số định danh cá nhân được chuyển sang hệ thống của BHXH; 6.634.307 dữ liệu đăng ký kết hôn; 4.429.553 dữ liệu đăng ký khai tử và 7.841.364 dữ liệu khác.

Về xây dựng các hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp

Các hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc

Trục liên thông văn bản quốc gia: Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong tháng 9 năm 2022 là 588.199 văn bản (gửi: 122.817 văn bản, nhận: 465.382 văn bản). 9 tháng năm 2022, số lượng văn bản điện tử gửi và nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia là hơn 4,7 triệu văn bản, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Từ khi khai trương (12/3/2019) đến nay Hệ thống có tổng số hơn 14,5 triệu văn bản điện tử được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet): Trong tháng đã phục vụ 02 phiên họp Chính phủ và xử lý 39 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 15 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy). Trong 9 tháng năm 2022, Hệ thống đã phục vụ 15 phiên họp Chính phủ và xử lý 295 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế gần 106 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy). Từ khi khai trương đến nay, Hệ thống đã phục vụ 59 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.302 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế gần 468 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy).

Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Hệ thống đã kết nối, liên thông các hệ thống thông tin, CSDL có chức năng báo cáo của 78 bộ, cơ quan, tập đoàn, tổng công ty nhà nước và địa phương để cung cấp thông tin, dữ liệu trực tuyến theo thời gian thực với 210 chỉ tiêu thông tin trực tuyến; đã có 69/179 chế độ báo cáo các bộ, cơ quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội được tích hợp hoặc nhập liệu trực tiếp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; đang xây dựng 04 bộ chỉ số (bộ chỉ số điều hành, bộ chỉ số thống kê, bộ chỉ số theo dõi, giám sát, bộ chỉ số kinh tế - xã hội địa phương) phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (với tần suất dữ liệu theo ngày, tháng, quý và năm, giai đoạn 2010-2022); kết nối, tương tác trực tuyến với 155 điểm cầu tại Trung tâm phục vụ hành chính công, Trung tâm điều hành của các bộ, ngành, địa phương, các hệ thống camera giám sát các hồ đập thủy điện, cửa khẩu biên giới. Xây dựng, vận hành kho dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành, cung cấp ấn phẩm đồ họa thông tin (infographic) về tình hình kinh tế - xã hội phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng.

Các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp

Tính đến ngày 26/9/2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện đưa lên mức độ 4 là 97,3% (chiếm 54,67% tổng số thủ tục hành chính). Từ ngày 20/8/2022 đến ngày 20/9/2022, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có trên 244 nghìn tài khoản đăng ký; trên 3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 412 nghìn lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích từ Cổng; trên 365 nghìn hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 1,49 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 248 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2022, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có hơn 1,53 triệu tài khoản đăng ký; hơn 364 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 41,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 2,3 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 2,2 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2.138 tỷ đồng. Từ khi khai trương đến nay đã cung cấp 3.812 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; hơn 2,8 triệu tài khoản đăng ký (tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021); đã có hơn 736 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ (tăng hơn 2,69 lần so với cùng kỳ năm 2021); hơn 130 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 1,75 lần so với cùng kỳ năm 2021); hơn 4,93 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng (tăng hơn 2,59 lần so với cùng kỳ năm 2021); hơn 2,72 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền khoảng 2.828 tỷ đồng (tăng hơn 9,6 lần so với cùng kỳ năm 2021); hơn 192 nghìn cuộc gọi tới tổng đài tư vấn.

Về việc xây dựng Chính phủ điện tử gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân: Trong tháng 9/2022, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 988 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 8,9% so với tháng 8/2022, tăng 19,9% so với cùng kỳ tháng 9/2021. Trong Quý III/2022, đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 2.878 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 15,5 % so với Quý III/2021./.

Mạnh Tuyền - Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Thống nhất cách thức thực hiện khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Ngày đăng 21/04/2024
Ngày 21/4/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 2635/VPCP-KSTT về việc báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), phương án đơn giản hóa về thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ.

PAR INDEX năm 2023: Bộ Nội vụ tiếp tục giữ vị trí thứ 04/17 bộ, cơ quan ngang bộ

Ngày đăng 17/04/2024
Bộ Nội vụ tiếp tục giữ vị trí thứ 04/17 bộ, cơ quan ngang bộ trong bảng Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, đạt 87.04%. Dẫn đầu là Bộ Tư pháp, đạt 89.95% và đứng cuối bảng là Bộ Công Thương, đạt 78.03%.

Công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến tích cực và đạt kết quả khá toàn diện

Ngày đăng 17/04/2024
Ngày 17/4/2024, Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS 2023) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023). 

Thực trạng và giải pháp xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị

Ngày đăng 15/04/2024
Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng chính quyền số là một mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian quan, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã không ngừng nỗ lực, tổ chức triển khai thực hiện và thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị thời gian qua vẫn còn gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định. Trên cơ sở phân tích và đánh giá thực trạng, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng thành công chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.

Bộ Nội vụ làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh về sắp xếp đơn vị hành chính

Ngày đăng 08/04/2024
Tiếp Đoàn công tác của Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) Phan Văn Mãi nhấn mạnh, buổi làm việc với Đoàn công tác là rất quan trọng, giúp TPHCM tiếp tục hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính trong đặc thù của Thành phố; cũng như thúc đẩy công tác cải cách hành chính tại Thành phố thời gian tới.