Hà Nội, Ngày 19/04/2024

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu: Cần quy định số lượng tối đa thành viên Ban giám sát đầu tư của cộng đồng trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Ngày đăng: 26/09/2022   10:58
Mặc định Cỡ chữ
Góp ý vào dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại Kỳ họp thứ Tư Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định về vai trò của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định về số lượng tối đa thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu đánh giá cao sau Kỳ họp thứ Ba Quốc hội khóa XV, Ban soạn thảo đã tiếp thu và cụ thể hóa nhiều nội dung để tường minh phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Trong đó có hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, một tổ chức cộng đồng không thể thiếu khi thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Về nội dung này, theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, số lượng thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng quy định tại Khoản 1 Điều 41 của dự thảo Luật: Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có ít nhất là 5 thành viên gồm đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn và đại diện người dân trên địa bàn thôn, tổ dân phố, nơi có chương trình, dự án. Như vậy, dự thảo Luật không giới hạn thành viên của Ban Giám sát cộng đồng tối đa là bao nhiêu.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng, thông thường khi thành lập một tổ chức đều quy định số lượng tối đa để đảm bảo về tài chính, về kinh phí cũng như hiệu quả hoạt động. Việc dự thảo Luật chỉ quy định số lượng thành viên tối thiểu mà không quy định số lượng thành viên tối đa có thể dẫn tới thành lập với số lượng nhiều hơn và chưa chắc đã hoạt động hiệu quả. Hơn nữa hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước do cấp xã bảo đảm. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo tính chặt chẽ khi áp dụng vào thực tế.

Vấn đề thứ hai, cũng tại Khoản 1 Điều 41 quy định: Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn đã được dự thảo luật quy định tại Điều 43 có thể thấy, hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn cấp xã rất nhiều và có sự tác động lớn. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng giao Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã có quyết định giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ, như vậy sẽ bảo đảm tính chặt chẽ trong hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng góp ý về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng quy định tại Điều 43 của dự thảo Luật. Theo đó, tại điểm a Khoản 1 quy định Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có nhiệm vụ theo dõi, giám sát sự phù hợp quyết định của chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư với quy hoạch, kế hoạch đầu tư trên địa bàn cấp xã. Trong khi đó tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2019 quy định về nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân xã tại Khoản 4 Điều 33: Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách xã, điều chỉnh dự toán ngân sách xã trong trường hợp cần thiết, phê chuẩn quyết toán ngân sách xã, quyết định chủ trương đầu tư, chương trình dự án của xã trong phạm vi được phân quyền. Như vậy, việc quy định nhiệm vụ tại điểm a Khoản 1 Điều 43 như dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là chưa phù hợp với thẩm quyền, có thể dẫn đến chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Bởi khi ban hành quyết định chủ trương đầu tư, các Ban của Hội đồng nhân dân phải tiến hành thẩm tra và hoàn thiện các quy trình, thủ tục theo quy định. Bên cạnh đó, việc giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân đã có cử tri, có Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cơ quan nhà nước cấp trên.

Tại điểm a Khoản 2 Điều 43 quy định: yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp các thông tin về quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, các quy hoạch khác liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai. Tại điểm b quy định: các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trả lời về các vấn đề thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật. Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, việc giao quyền cho Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng như dự thảo luật là quá lớn, trong khi đây chỉ là một tổ chức phục vụ cho việc theo dõi, giám sát theo từng chương trình, dự án trên địa bàn cấp xã, thôn, tổ; hơn nữa, năng lực chuyên môn không có đủ, cũng không thể đáp ứng. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh quy định này cho phù hợp với quy mô, tổ chức và trình độ, năng lực của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng./.

Theo: quochoi.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa

Ngày đăng 05/02/2024
Theo TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn năm 2045, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện Luật này trên thực tế sẽ góp phần quan trọng thể chế hóa các quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Hà Nội: Phát huy tối đa quyền làm chủ của người dân

Ngày đăng 05/01/2024
Ngày 05/01/2024, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban công tác năm 2023; triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong - Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.  

Bắc Giang: Biên soạn, phát hành 2 nghìn cuốn sổ tay về xây dựng chính quyền thân thiện

Ngày đăng 04/01/2024
Ban Chỉ đạo tỉnh Bắc Giang về thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở vừa biên soạn, phát hành 2 nghìn cuốn sổ tay “Chính quyền thân thiện xã, phường, thị trấn”.

Gắn phát huy dân chủ với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Ngày đăng 28/11/2023
Sáng ngày 28/11/2023, tại Trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và văn bản liên quan. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Đẩy mạnh công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Ngày đăng 21/11/2023
Văn phòng Chính phủ luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về công tác dân vận và thực hiện dân chủ ở cơ sở thành các văn bản, quy định cụ thể để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong Văn phòng Chính phủ thực hiện. Qua đó đã góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất và phát huy sức mạnh đoàn kết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tại Văn phòng Chính phủ để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.