![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Quan tâm đến việc thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động, đại biểu cho biết, trong trường hợp người đứng đầu các tổ chức có sử dụng lao động không thực hiện các quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở thì sẽ bị xử lý. Điều này sẽ gây áp lực thêm cho tổ chức, ngoài việc chịu sự kiểm tra, thanh tra, đảm bảo điều kiện an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm…, giờ các tổ chức sẽ gánh thêm áp lực đảm bảo dân chủ, đây sẽ là áp lực lớn cho người đứng đầu các tổ chức. Ngoài ra, việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm cũng sẽ làm tăng thêm công việc, nhiệm vụ cho các cơ quan nhà nước.
Đại biểu cho rằng, với các quy định này, pháp luật đang can thiệp sâu vào hoạt động của các tổ chức có sử dụng lao động, khiến các tổ chức này mất đi sự chủ động, gây tốn kém thời gian, nguồn lực, không còn tập trung cho việc sản xuất, kinh doanh, bị kìm hãm trong phát triển. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần cân nhắc để quy định của pháp luật phù hơp với thực tiễn, đảm bảo khả thi trong tổ chức thực hiện.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: mong muốn khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành, các chính quyền địa phương sẽ bám sát nội dung, tích cực tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc để đảm bảo Luật có tác động tích cực trong thực tiễn. Đối với việc thực hiện dân chủ ở các tổ chức có sử dụng lao động, đại biểu cho rằng, một số quy định còn chưa khả thi, không phù hợp với môi trường kinh doanh của các tổ chức này. Cụ thể, việc công khai thông tin kinh doanh của xí nghiệp, công ty đối với toàn thể người lao động là việc không thực tế, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, tình hình sản xuất, làm lãng phí nguồn lực, lộ bí mật thông tin kinh doanh của doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, rà soát kỹ để đảm bảo quy định của Luật có tính khả thi khi tổ chức triển khai thực hiện.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Trị: nêu rõ, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương lớn của Đảng với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng". Trong đó, phạm trù về kiểm tra, giám sát là một trong những nội dung rất lớn. Tuy nhiên lại chưa có giải thích rõ thế nào là kiểm tra Nhân dân và giám sát Nhân dân. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào điều về giải thích từ ngữ các khái niệm kiểm tra Nhân dân và giám sát Nhân dân để xác định nội dung, phạm vi, đối tượng, thẩm quyền trong kiểm tra, giám sát Nhân dân.
Liên quan đến Ban Thanh tra nhân dân, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho biết đây là nội dung được chuyển từ Luật Thanh tra sang. Theo đại biểu, bản chất của thiết chế thanh tra nhân dân là thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của người dân. Do đó đại biểu đề nghị đổi tên từ Ban Thanh tra nhân dân thành Ban kiểm tra giám sát nhân dân để phù hợp với luật mới và tránh nhầm lẫn với các thiết chế thanh tra của Nhà nước, kiểm tra Đảng và phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bày tỏ thống nhất với nhiều đại biểu phát biểu trước đó về quy định kiểm tra, giám sát ở doanh nghiệp ngoài nhà nước, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho biết đây là vấn đề mới, chưa có thực tiễn thi hành kiểm chứng. Do vậy nếu cầu toàn đưa tất cả các nội dung của doanh nghiệp nhà nước áp dụng với doanh nghiệp ngoài nhà nước là không phù hợp và không khả thi. Đại biểu đề nghị cần phân định các quy định theo nhóm chủ thể là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trên cơ sở đó thiết kế các quy định ở mức độ phù hợp với từng đối tượng, có được thực tiễn triển khai sau một thời gian có thể tiến hành tổng kết đánh giá từ đó sửa đổi, bổ sung về sau.
Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: dự thảo Luật cần quy định rõ các nội dung công dân, cán bộ, công chức được quyền biết, bàn thì được quyền kiểm tra và giám sát; cần cân nhắc việc đặt các chế tài để tăng tính dân chủ thực sự cho Luật, đảm bảo nếu người dân bàn, kiểm tra, giám sát đúng thì đối tượng chịu kiểm tra, giám sát phải thực hiện và thay đổi.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng, cần có Ban Thanh tra nhân dân ở cấp xã nhưng phải có hình thức tổ chức, cơ chế hoạt động thực chất, hiệu quả. Ngoài ra, cần có cơ chế để Ban Thanh tra nhân dân không hoạt động một cách bè phái hoặc đưa quá nhiều người thân, họ hàng vào làm việc.
Khoản 3, Điều 11 Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở liên quan đến việc công khai về đất đai như thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu quan điểm là cần có quy định để công khai rõ ràng, cập nhật kịp thời. Nếu để chậm trễ trong việc công khai về đất đai là Nhân dân rất khổ và nếu công khai không rõ ràng thì lại là môi trường rất tốt, màu mỡ để nhũng nhiễu, tiêu cực, tham ô, tham nhũng phát triển. Cho nên, cần có quyết định để đảm bảo được việc công khai về lĩnh vực đất đai.
![]() |
Các ĐBQH thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. |
Đại biểu Trần Văn Lâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: quan tâm đến vấn đề mở rộng phạm vi Luật Thực hiện dân chủ cơ sở sang lĩnh vực của doanh nghiệp, của tổ chức sử dụng lao động. Đại biểu Trần Văn Lâm quan ngại, lo lắng khi mở rộng phạm vi Luật sang lĩnh vực các tổ chức có sử dụng lao động sẽ nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc và không khả thi.
Về mặt lý luận, dân chủ là người dân làm chủ, thể hiện mối quan hệ giữa người dân với chính quyền, với Nhà nước. Trong mối quan hệ này, người dân là người chủ thật sự. Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, việc đặt vấn đề quan hệ dân chủ ở cơ sở hay dân chủ trong mối quan hệ giữa người dân với chính quyền, với Nhà nước là hoàn toàn xác đáng và dự án Luật này để điều chỉnh, làm sâu sắc đảm bảo quyền làm chủ của người dân rất thuyết phục. Tuy nhiên, nhìn vào mối quan hệ trong tổ chức sử dụng lao động, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đại biểu Trần Văn Lâm nhận thấy, mối quan hệ này gọi là hợp tác. Hợp đồng lao động thể hiện bằng hợp đồng và về bản chất, người trả lương là chủ sử dụng lao động đó. Còn người lao động là người đi làm thuê. “Vậy bây giờ chúng ta đặt ra vấn đề ngược lại người chủ ông trả tiền để thuê lao động ấy, ông ấy lại là đối tượng để cho người khác làm chủ mình. Vậy về mặt nguyên tắc lý luận như vậy liệu đã thông chưa, có thỏa đáng không?”, đại biểu Trần Văn Lâm băn khoăn. Do đó đại biểu đề nghị nên cân nhắc để làm rõ và trong thực tế tại Chương 4 có quy định một chương riêng về vấn đề thực hiện quy chế dân chủ ở tổ chức sử dụng lao động, có quy định rất nhiều điều về công khai, về người lao động được quyết định, được tham gia ý kiến, người lao động được kiểm tra…
Mục tiêu chính của chúng ta là đảm bảo được bảo vệ quyền lợi người lao động trong mối quan hệ giữa người làm thuê với doanh nghiệp. Theo đại biểu Trần Văn Lâm, để bảo vệ quyền lợi người lao động thì chúng ta đã có một loạt các luật quy định chặt chẽ như Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế và Luật Thi đua, khen thưởng... Các luật này được các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát thi hành một cách chặt chẽ. Vì vậy, đại biểu thấy rằng không nhất thiết phải quy định nội dung này thành luật riêng, chỉ cần bổ sung, sửa đổi quy định ở các luật hiện hành nêu trên.
Trên cơ sở đó, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm. Nếu áp dụng thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp tương tự như ở xã, phường thì có lẽ không phù hợp và khiên cưỡng. Bởi thực tế thời gian qua, việc thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp hiệu quả không cao, nếu vội vàng luật hóa nội dung này thì không đảm bảo tính khả thi, tính hiệu quả của Luật trong thực tiễn. Và có khả năng một số đối tượng sẽ lợi dụng, gây khó khăn cho doanh nghiệp thì có thể làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh.
Đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: đề nghị sửa quy định tại khoản 3, Điều 16 của dự thảo Luật theo hướng: Công dân cư trú tại thôn, tổ dân phố có sáng kiến đề xuất nội dung quy định tại Điều 15 của Luật này để Nhân dân bàn, quyết định với Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố. Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố có trách nhiệm phải xem xét sáng kiến do công dân đề xuất, nếu thấy ý kiến của công dân không trái với quy định của pháp luật, không trái thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội, thì tổ chức lấy ý kiến tham khảo sự đồng thuận của nhân dân thông qua cuộc họp thôn, Tổ dân phố, hoặc bằng phiếu, hoặc qua hình thức phù hợp khác...
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: khoản 6, Điều 15 dự thảo Luật quy định: Nhân dân bàn và quyết định các công việc tự quản khác trong nội bộ cộng đồng dân cư không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và đạo đức xã hội. Đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm “tự quản” trong dự thảo luật, quy định rõ quy mô, phạm vi giới hạn của hoạt động tự quản. Theo đại biểu, việc làm rõ khái niệm "tự quản" cũng góp phần làm sáng tỏ nhiều quy định khác có liên quan như tổ chức tự quản tại khoản 2, Điều 32 và khoản 2, Điều 34, công việc tự quản tại khoản 3, Điều 49 hay nội dung tự quản tại khoản 5, Điều 67.
Bên cạnh đó, về việc thực hiện dân chủ tại các tổ chức sử dụng lao động, đại biểu đề nghị xác định lại tiêu chí, nội dung nào do dự thảo Luật quy định, nội dung nào do pháp luật về lao động quy định, từ đó rà soát, sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật cho thống nhất và phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh: đề nghị bổ sung nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai về kết quả tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với người đứng đầu chính quyền địa phương định kỳ hàng năm để Nhân dân biết và giám sát. Đại biểu làm rõ, căn cứ vào trách nhiệm, nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực, trình độ, biên chế của cán bộ và đặc thù của vùng miền thì hình thức công khai thông tin được triển khai ở các mức độ khác nhau, dẫn đến việc tiếp cận thông tin của Nhân dân thì còn khó khăn và chưa có hệ thống kịp thời. Do đó, việc quy định một hoặc một số hình thức công khai mang tính bắt buộc để đảm bảo người dân có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và thuận tiện, dễ dàng là cần thiết. Cùng với đó, việc quy định rõ nội dung công khai hình thức công khai sẽ tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc cung cấp thông tin đến Nhân dân. Đây cũng là căn cứ để Nhân dân thực hiện thực hiện quyền giám sát của mình.
Về Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị cần quan tâm đến tính tương đồng về chức năng, nhiệm vụ của hai ban này để tránh trùng lắp; đồng thời rà soát, sắp xếp lại về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức hoạt động, tránh cộng dồn hay là ghép cơ học vào dự án Luật.
Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: hiện nay, dự thảo Luật đang gắn thiết chế của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư tại cộng đồng với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại biểu cho rằng, Hội đồng nhân dân là một trong những chế định rất quan trọng của địa phương, nhưng sự gắn bó, gắn kết của hai chế định này đối hoạt động Hội đồng nhân dân chưa được thể hiện. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các quy định, đặc biệt gắn hoạt động của hai chế định này đối với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân.
Đối với những nội dung quy định về Ban Giám sát đầu tư tại cộng đồng, đại biểu Trịnh Xuân An nêu rõ, dự thảo Luật đang giao nhiệm vụ rất lớn cho Ban Giám sát đầu tư tại cộng đồng với cơ cấu rất bé và không có khả năng làm việc rất lớn. Do đó, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, nên chăng Ban Giám sát đầu tư tại cộng đồng chỉ giám sát đối với những công trình thực hiện bằng nguồn vốn của cộng đồng dân cư hoặc các nguồn tài trợ trực tiếp cho xã, thị trấn. Đồng thời đề nghị thu hẹp phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để Ban giám sát đầu tư tại cộng đồng hoạt động hiệu quả./.
Nhật Nam
Bình luận
Tin tức cùng chuyên mục