Hà Nội, Ngày 29/03/2024

30 năm thực thi Chiến lược biển: Bước tiến dài triển khai tầm nhìn chiến lược

Ngày đăng: 05/09/2022   07:28
Mặc định Cỡ chữ
Phát triển bền vững kinh tế biển là khát vọng, ước mơ và mục tiêu của các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, phù hợp với xu thế chung của thế giới về phát triển kinh tế biển xanh. Chiến lược biển (2007-2020) và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển (1993-2022) được thực hiện trong 30 năm qua đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu này.
Chiến lược biển và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đã mang lại những thành tựu kinh tế nhất định.

Biển được coi là không gian sinh tồn, phát triển và an ninh của dân tộc Việt Nam. Chiến lược biển và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam được hình thành bởi các yếu tố: địa lý, bờ biển dài, vùng biển rộng; đời sống kinh tế và văn hóa của người dân Việt Nam luôn gắn liền với biển.

Tầm nhìn chiến lược

Việt Nam đã nhanh chóng nhận thức được tầm quan trọng của biển đối với kinh tế, an ninh quốc phòng và phát triển xã hội, thông qua các công cụ chính sách cụ thể từ những năm 1990.

Nghị quyết số 03/NQ-TW ngày 06/5/1993 đặt mục tiêu đưa Việt Nam thành một quốc gia mạnh về biển. Tiếp đó Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/01/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 được thông qua với trọng tâm là trở thành “quốc gia mạnh về biển” thông qua “phát huy mọi tiềm năng từ biển”. Mục tiêu của Nghị quyết là đến năm 2020, Việt Nam đạt được mức đóng góp GDP từ kinh tế biển và ven biển đạt 53-55% và tăng GDP theo đầu người tại các cộng đồng biển và ven biển gấp hai lần so với mức tăng trung bình quốc gia.

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển tới năm 2030, tầm nhìn 2045 tiếp tục mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh và giàu từ biển, phát triển bền vững, phồn vinh, an toàn và an ninh, nhấn mạnh “việc phát triển bền vững kinh tế biển dựa trên tăng trưởng xanh”. Các chỉ tiêu về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ được yêu cầu theo chuẩn mực quốc tế, đạt mức thuộc nhóm nước trung bình cao trở lên trên thế giới. Kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt khoảng 65-70% GDP cả nước, thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân cả nước…

Chiến lược biển 2007-2020 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiện đại hoá các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường trong khi ưu tiên phát triển dầu khí và giao thông vận tải biển. Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển tới năm 2030, tầm nhìn 2045 chuyển trọng tâm ưu tiên sang du lịch biển, chú trọng hơn giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế biển.

Việt Nam cũng đã tham gia đầy đủ các điều ước quốc tế về môi trường và về biển và chủ động xây dựng hệ thống luật pháp quản lý biển; tích cực thúc đẩy đàm phán giải quyết các tranh chấp biển và đã ký ba hiệp định phân định, hai thoả thuận khai thác chung, tạo điều kiện xác lập rõ các vùng biển theo UNCLOS để thực thi chiến lược biển. Bộ máy nhà nước quản lý kinh tế biển cũng được tổ chức lại, ưu tiên các Bộ có hoạt động liên quan đến biển theo hướng tiếp cận tổng hợp.

Một số chính sách đã được đề xuất và triển khai để thực thi, như Chính sách trợ cấp và phát triển đánh bắt xa bờ, Chiến lược phát triển thủy sản năm 2010, Chiến lược phát triển du lịch năm 2010, Chiến lược phát triển giao thông vận tải năm 2010… Nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ và nhân lực đã được tập trung nhiều cho các ngành công nghiệp biển; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân cũng đã được chú trọng…

Nỗ lực của Việt Nam và những quả ngọt đầu tiên

Thời gian qua, nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ và nhân lực ở Việt Nam đã được tập trung nhiều cho các ngành công nghiệp biển như dầu khí, xây dựng các cảng biển, cảng cá, đóng tàu.

Việt Nam đã nhanh chóng thành lập các lực lượng chuyên ngành kiểm tra, kiểm soát trên biển như Cảnh sát biển từ năm 1998, Kiểm ngư 2014. Chế độ báo cáo và đánh giá tác động môi trường đã đi vào nền nếp thực hiện theo Luật Môi trường.

Việt Nam áp dụng tương đối thành công cách tiếp cận quản lý tổng hợp vùng biển, tham gia tích cực các chương trình của PEMSEA, UNEP, IUCN và các tổ chức khác trong khu vực. Hiện có 14/28 tỉnh, thành xây dựng chiến lược quản lý tổng hợp vùng ven biển.

Các ngành kinh tế biển đều có quy hoạch, kế hoạch sử dụng phù hợp với đặc điểm của từng vùng theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển.

Thực thi Chiến lược biển 2007-2020 và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển tới 2030 tầm nhìn 2045 trong 30 năm qua đã mang lại các quả ngọt đầu tiên, với các thành tựu kinh tế nhất định, hình thành hướng phát triển kinh tế mới dựa vào tiềm năng, lợi thế của biển.

Giai đoạn 2011-2020, các ngành kinh tế biển đã đóng góp lớn vào GDP của cả nước. Năm 2020, GRDP của 28 tỉnh ven biển theo giá hiện hành đạt mức 4.040,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 50,1% GDP cả nước. Tốc độ tăng trưởng địa phương dải ven biển đạt 6,4% bình quân năm trong thời kỳ 2011-2020.

GDP bình quân đầu người của các tỉnh ven biển năm 2020 đạt 84,4 triệu đồng, so với mức bình quân cả nước đạt 82,7 triệu đồng. Trong đó, một số địa phương có mức GDP bình quân đầu người trong nhóm tốp đầu cả nước như Bà Rịa - Vũng Tàu đứng đầu cả nước (263 triệu đồng), Quảng Ninh đứng thứ hai (164 triệu đồng), Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ tư (148 triệu đồng), Hải Phòng đứng thứ sáu (134,6 triệu đồng). Hiện cả nước đã hình thành 19 khu kinh tế và 241 khu công nghiệp ven biển; xây dựng một số cảng với quy mô hiện đại cho phép tiếp nhận tàu trọng tải lớn như Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu), Lạch Huyện (Hải Phòng).

Hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển và trên các đảo đã được chú trọng đầu tư, tạo ra sự chuyển biến căn bản về phát triển kinh tế, làm cơ sở vững chắc cho việc tiến ra biển, đồng thời trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo Việt Nam…

Tăng tốc phát triển kinh tế biển xanh

Mặc dù có tầm nhìn chiến lược và có Nghị quyết về chiến lược biển bền vững từ sớm nhưng Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức trong khi triển khai. Đó là việc thiếu các văn bản quy định chi tiết; chưa thực hiện quy hoạch không gian biển quốc gia; thiếu hướng dẫn cụ thể trong một số nội dung định hướng, chẳng hạn như khái niệm “kinh tế biển xanh “, “kinh tế xanh lam”, “kinh tế thuần biển”…

Bên cạnh đó, đất nước vẫn chưa thực sự có một cơ quan chuyên trách điều hành mang tính đa ngành; thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về biển. Tài nguyên biển bị khai thác quá mức, hệ sinh thái có nguy cơ bị suy thoái; ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng hay công tác chống nạn khai thác trái phép còn hạn chế.

Tranh chấp ở Biển Đông ảnh hưởng đến xác định ranh giới và quy hoạch toàn bộ không gian biển. Công tác nghiên cứu khoa học biển còn yếu. Nguồn lực để thực hiện còn hạn chế và dàn trải.

Vì vậy để thực hiện thành công kinh tế biển xanh, Việt Nam cần:

Thứ nhất, thúc đẩy đàm phán giải quyết các tranh chấp vùng biển, tạo điều kiện xác định biên giới biển rõ ràng, phục vụ cho công tác Quy hoạch không gian biển và phát triển kinh tế biển bền vững.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển, các vùng biển, ven biển; hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch liên quan đến biển, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ giữa các ngành, địa phương (tích hợp liên ngành và không gian).

Thứ ba, phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, khoa học, công nghệ mới, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao.

Thứ tư, phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển với các cảng biển dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, kết nối chiến lược Bắc-Nam, Đông-Tây giữa các vùng trong nước và với quốc tế.

Thứ năm, thu hút đầu tư quốc tế, công nghệ và tài chính quốc tế phục vụ cho phát triển kinh tế biển xanh; tham gia các điều ước quốc tế về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, trước mắt cùng Na Uy đồng tài trợ cho sáng kiến xây dựng Thoả thuận quốc tế về rác thải đại dương./.

 

PGS.TS, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao

Theo: baoquocte.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa

Ngày đăng 28/03/2024
Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, không có các hành động làm phức tạp tình hình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Việt Nam kiên quyết phản đối các yêu sách trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc và Philippines về vấn đề Biển Đông

Ngày đăng 23/03/2024
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, lập trường của Việt Nam là luôn rõ ràng, nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần, theo đó Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ tất cả các yêu sách trái luật pháp quốc tế về vấn đề Biển Đông.

Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trong bãi Tư Chính: Việt Nam đang và sẽ kiên trì bảo vệ quyền, lợi ích của mình

Ngày đăng 29/02/2024
Trước việc Trung Quốc điều tàu hải cảnh hoạt động trong khu vực bãi Tư Chính, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: Việt Nam đang và sẽ kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng trên biển của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Công tác quản lý nhà nước đối với huyện đảo Hoàng Sa của thành phố Đà Nẵng

Ngày đăng 05/02/2024
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước là một nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm đảm bảo việc thực thi chủ quyền hợp pháp của quốc gia, góp phần phát huy khả năng, sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước. Trong những năm qua, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực không ngừng, khắc phục những khó khăn, trở ngại để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với  huyện đảo Hoàng Sa - vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Xuân Trường Sa 2024: Sợi chỉ đỏ thắt chặt tình quân dân

Ngày đăng 26/01/2024
Tối 25/01/2024, tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân và các cơ quan hữu quan tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Xuân Trường Sa" lần thứ 12, năm 2024.  

Tiêu điểm

Sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến vấn đề an sinh xã hội ở Việt Nam

Trong thời đại cách mạng công nghiệp hiện nay, với chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn, đạt được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động cả chiều thuận lợi và không thuận lợi đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, vì vậy cần tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá sự tác động đó để có giải pháp phù hợp với chính sách an sinh xã hội một cách hiệu quả. Đây là nhiệm vụ quan trọng đối với công tác an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.