Hà Nội, Ngày 25/04/2024

Thái Nguyên: Sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế

Ngày đăng: 15/08/2022   17:15
Mặc định Cỡ chữ
Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ và tinh giản biên chế được tỉnh Thái Nguyên xác định là một trong những giải pháp quan trọng góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng được tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính Nhà nước và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...
Tỉnh Thái Nguyên đã giảm được 1 đầu mối khi sáp nhập Trung tâm Thể dục thể thao với Trung tâm Dịch vụ Thi đấu thế thao thành Trung tâm Huấn luyện và Dịch vụ thi đấu thể thao.

Thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU và Kế hoạch số 79-KH/TU của Tỉnh ủy Thái Nguyên về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế, đến đầu năm 2022, Thái Nguyên đã đạt được một số kết quả tích cực. Nhiều đầu mối, cấp trung gian đã giảm tối đa, giảm cấp phó và giảm 10% tổng số biên chế.

Cụ thể, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, sau khi thực Đề án số 09-ĐA/TU, tỉnh Thái Nguyên đã giảm 35 phòng, chi cục so với thời điểm năm 2016. Số đơn vị trực thuộc UBND tỉnh giảm 5/7 đơn vị đầu mối. Số đơn vị trực thuộc các sở và tương đương giảm 63 đầu mối và giảm được 37 đơn vị do UBND cấp huyện quản lý. Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương chuyển đổi những người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách Nhà nước.

Sau 6 năm thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tỉnh Thái Nguyên đã chuyển đổi 23 đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự đảm bảo chi thường xuyên, trả lương từ nguồn thu sự nghiệp. Chủ động tổ chức triển khai thực hiện tinh giản biên chế nên từ năm 2016 đến đầu năm 2022, tỉnh Thái Nguyên đã giảm được 3.126 biên chế (biên chế công chức là 251 người, biên chế sự nghiệp 2.875 người), đạt 10,6% so với kế hoạch đề ra.

Để việc tinh giản biên chế không gây biến động lớn trong các cơ quan, đơn vị và tạo sự đồng thuận trong CBCCVC, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực tuyên truyền, kịp thời bố trí nguồn kinh phí triển khai thực hiện đồng bộ, đảm bảo các quy định về chế độ, chính sách cho những người thuộc diện dôi dư sau sắp xếp, kiện toàn.

Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND quy định chế độ, chính sách hỗ trợ đối với CBCCVC, người lao động do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc đối tượng thôi việc theo nguyện vọng, nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu. Từ đó, tạo sự thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị khi giải quyết những trường hợp nghỉ công tác hưởng chính sách.

Tiếp đến, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND về quy định chế độ, chính sách hỗ trợ đối với CBCCVC, người lao động do sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại các cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cấp xã; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP; người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao tại các hội có tính đặc thù. Đây là những chính sách hỗ trợ có hiệu quả, góp phần giải quyết chế độ cho đội ngũ CBCCVC, người lao động dôi dư.

Đối với việc quản lý biên chế của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, hằng năm, UBND tỉnh Thái Nguyên thực hiện quản lý và sử dụng biên chế theo đúng quy định, giao số lượng biên chế công chức và người làm việc cho các cơ quan, đơn vị, địa phương theo đúng số lượng được Bộ Nội vụ thẩm định, thực hiện tinh giản biên chế đạt tỷ lệ theo quy định của Trung ương. Chính số biên chế tinh giản từ năm 2021 trở về trước đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp Thái Nguyên giảm áp lực tinh giản biên chế trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Trên cơ sở đó, quỹ biên chế sự nghiệp không phải tinh giản (nhất là đối với biên chế sự nghiệp giáo dục), giúp các địa phương giảm bớt tình trạng quá tải về quy mô trường lớp do thiếu biên chế hiện nay, tạo điều kiện cho các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị, tổ chức của tỉnh sau sắp xếp, tinh giản biên chế đều nhanh chóng hoạt động ổn định, bảo đảm thực hiện tốt công tác tham mưu, phục vụ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, thực thi công vụ trên các lĩnh vực ở địa phương.

Tuy nhiên, việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh còn gặp một số khó khăn, thách thức nhất định. Đó là việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn đối với một số lĩnh vực, một số nhiệm vụ chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể của Chính phủ và các bộ, ngành, thiếu cơ sở pháp lý, các quy định cụ thể về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của các cơ quan, đơn vị sau khi kiện toàn, sắp xếp, sáp nhập…

Do vậy, trong thời gian tới, công tác này sẽ tiếp tục được tỉnh Thái Nguyên thực hiện trên cơ sở đánh giá thực tiễn, tham mưu cơ chế chính sách với Trung ương để việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế có chiều sâu, đúng, trúng yêu cầu phát triển của địa phương./.

Sau khi thực hiện Đề án số 09-ĐA/TU, tỉnh Thái Nguyên đã giảm được 103 đầu mối gồm các phòng, chi cục thuộc sở, ngành và đơn vị đầu mối trực thuộc UBND tỉnh; UBND 9 huyện, thành phố giảm được 37 đơn vị. Toàn tỉnh đã tinh giản được 3.126 biên chế (biên chế công chức là 251 người, biên chế sự nghiệp 2.875 người).

Theo: baothainguyen.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu quả, giảm chi ngân sách

Ngày đăng 24/04/2024
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm sắp xếp tinh gọn bộ máy tổ chức hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giảm đầu mối, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hợp lý. Từ đó đã mang lại hiệu quả trong xử lý công việc, tránh chồng chéo, giảm chi từ ngân sách Nhà nước.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An

Ngày đăng 20/04/2024
Ngày 19/4/2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã công bố Nghị quyết số 45/2024/UBTVQH15 ngày 15/4/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Thẩm định dự thảo Nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị và cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng

Ngày đăng 18/04/2024
Ngày 17/4, Bộ Tư pháp họp thẩm định Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên là đô thị loại II

Ngày đăng 17/04/2024
Ngày 17/4/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg công nhận thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên là đô thị loại II.

Chính sách thử nghiệm phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày đăng 12/04/2024
Bài viết tập trung phân tích sự cần thiết và những vấn đề đặt ra nếu vận dụng chính sách thử nghiệm phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo, từ đó đề xuất một số giải pháp, kiến nghị góp phần xây dựng thành công chính sách thử nghiệm phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo cho Thành phố Hồ Chí Minh.