Hà Nội, Ngày 19/04/2024

Kinh tế chia sẻ - mô hình hướng tới sự liên kết bền vững

Ngày đăng: 15/08/2022   11:15
Mặc định Cỡ chữ
Mô hình kinh tế chia sẻ là một phương thức huy động, phân bổ, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế, bởi các loại hình doanh nghiệp hoạt động theo mô hình này chủ yếu khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng trên nền tảng công nghệ được phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bài viết nghiên cứu những vấn đề chung về mô hình kinh tế chia sẻ, qua đó góp phần cung cấp luận cứ khoa học vào quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về hoạt động của mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam.
Ảnh minh họa

Các quan niệm về mô hình kinh tế chia sẻ 

Mô hình kinh tế dựa trên nền tảng internet và đám đông đã xuất hiện trên thế giới từ đầu những năm 2000. Có nhiều học giả và nhà nghiên cứu đưa ra quan niệm, tuy nhiên vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về mô hình kinh tế chia sẻ. Vì vậy, có thể tiếp cận mô hình kinh tế chia sẻ qua các góc độ sau:

- Dưới góc độ khái niệm “chia sẻ”: Giáo sư Russell Belk của Trường Đại học York (Canada) cho rằng: chia sẻ không phải là một hiện tượng mới mà đã có từ thời tiền sử, nhưng chia sẻ chỉ xảy ra giữa bạn bè, gia đình và các thành viên của một cộng đồng đáng tin cậy và trên quy mô nhỏ, còn trong nền kinh tế hiện nay tồn tại hành vi chia sẻ thật và chia sẻ giả. Ông cho rằng, bản chất của chia sẻ là xác định thứ gì là của chúng ta thay vì phân biệt thứ gì là của tôi và của bạn. Vì vậy, chúng ta có thể dùng chung nhà, ghế đá công viên, chia sẻ cũng có thể thực hiện giữa những thứ trừu tượng hơn như kiến thức, trách nhiệm hoặc quyền lực, chia sẻ giả là hành vi chia sẻ của các công ty áp dụng mô hình được gọi là mô hình kinh tế chia sẻ. 

- Theo phương thức kinh doanh: các nhà nghiên cứu đặt tên cho mô hình kinh tế này là mô hình kinh tế ngang hàng hoặc mô hình kinh tế tiêu dùng hợp tác. Họ đưa ra đặc điểm nhận dạng của mô hình này là tiếp cận ngang hàng thông qua nền tảng, cho phép người tiêu dùng tiếp cận những tài sản hoặc dịch vụ do người khác sở hữu vào đúng thời điểm mình cần và việc này giúp giảm bớt các chi phí. Như vậy, mô hình kinh doanh mới này không dựa vào việc mua quyền sở hữu tài sản. 

Tiến sĩ luật và kinh tế Francesco Ducci của Trường Đại học Western, Canada đã đề cập đến tiêu dùng theo yêu cầu, theo ông mô hình kinh tế này cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng “theo yêu cầu” và trong những giao dịch này quyền sở hữu được thay thế bằng quyền tiếp cận hoặc thuê tài sản dùng chung. Từ định nghĩa này có thể thấy những hình thức chia sẻ phi thương mại hoặc phi lợi nhuận đã bị loại trừ. 

- Dựa vào quyền đối với hàng hóa hay dịch vụ: tiến sĩ Toon Meelen của Đại học Utrecht (Hà Lan) cho rằng: kinh tế chia sẻ là việc người tiêu dùng hay công ty cung cấp cho nhau quyền truy cập tạm thời vào các tài sản vật chất chưa được sử dụng đầy đủ của họ (khả năng nhàn rỗi) vì tiền. Chuyên gia kinh tế Ádám Osztovits(1) Lãnh đạo về Đối tác, Chiến lược và Chuyển đổi thuộc PWC Hungary khẳng định mô hình kinh tế chia sẻ này đã làm thay đổi thái độ về sở hữu tài sản. 

Giáo sư Jochen Wirtz thuộc Đại học Quốc gia Singapore đưa ra sự khác biệt giữa nền tảng chia sẻ hạn chế về tài sản và nền tảng chia sẻ không hạn chế về tài sản. Các nhà nghiên cứu đưa ra quan điểm đó là các nền tảng kinh tế chia sẻ chỉ cung cấp quyền truy cập vào tài sản, nguồn lực và dịch vụ mà không chuyển giao quyền sở hữu. Ví dụ, các nền tảng khác như Amazon hay Ebay cho phép thực hiện giao dịch ngang hàng nhưng đó không phải là các nền tảng kinh tế chia sẻ vì các giao dịch đó là chuyển giao quyền sở hữu. 

- Dựa trên việc tối ưu hóa mức độ sử dụng hàng hóa hay dịch vụ: chuyên gia Min Jung Kim của Viện Phát triển Hàn Quốc khẳng định: kinh tế chia sẻ là mô hình kinh tế mà ở đó mọi người tiêu dùng một dịch vụ cụ thể và các nhà cung cấp là những người sở hữu tài sản nhàn rỗi. Một số nhà nghiên cứu như Botsman, R. và doanh nhân Rogers, R cho rằng mô hình kinh tế này chia sẻ ngang hàng quyền sử dụng tạm thời tài sản hay dịch vụ nào đó thì bắt buộc tài sản hay dịch vụ đó phải đang không được sử dụng, hay nói cách khác là đang nhàn rỗi hay chưa sử dụng hết công năng. Đây là đặc trưng vì cộng đồng, vì môi trường của mô hình kinh tế chia sẻ. Quan niệm này đã thu hẹp phạm vi của kinh tế chia sẻ khi khẳng định chỉ có các giao dịch với những tài sản được sở hữu nhưng chưa sử dụng hết công năng mới là giao dịch trong kinh tế chia sẻ. 

- Dựa trên việc kết hợp các yếu tố kinh tế và xã hội: tiến sĩ Kristofer Erickson và chuyên gia Inge Sorensen của Trường Đại học Glasgow khẳng định, kinh tế chia sẻ là sự kết hợp các yếu tố kinh tế và xã hội. Sự tương hỗ giữa các thành viên trong cộng đồng chia sẻ ngang hàng là khía cạnh xã hội. Khía cạnh kinh tế là chi phí và lợi ích giữa các thành viên và nhà cung cấp nền tảng. Quan niệm này không đề cập đến việc chia sẻ quyền sở hữu hay quyền truy cập hàng hóa, dịch vụ. 

Robin Chase, cựu Giám đốc điều hành của Công ty Zipcar cho rằng: mô hình kinh tế mới này đang thay đổi bản chất của tư bản, mô hình này giúp giải quyết những vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt là biến đổi khí hậu, bất bình đẳng trong thu nhập(2). Nhà kinh tế học Arun Sundararajan đưa ra một thuật ngữ mới đó là “chủ nghĩa tư bản dựa trên đám đông”(3) khi khẳng định về bản chất thuật ngữ ông đưa ra mô tả kinh tế chia sẻ với đặc điểm là dựa vào thị trường, có ảnh hưởng lớn, dựa trên đám đông, hầu như không phân biệt giữa cá nhân và tổ chức chuyên nghiệp, giữa làm toàn thời gian và lao động theo mùa vụ. 

Tuy nhiên, Giáo sư Giana M. Eckhart của Trường King’s Business và Giáo sư Fleura Barhdi thuộc Đại học Luân Đôn, Vương quốc Anh cho rằng, không có sự tương hỗ giữa các bên trong mô hình này và chia sẻ không còn giữ được ý nghĩa ban đầu vì người tiêu dùng phải trả tiền để tiếp cận hàng hóa, dịch vụ của người khác. Người tiêu dùng chỉ quan tâm đến chi phí thấp và sự tiện lợi. Các tác giả cho rằng sự tăng trưởng của kinh tế chia sẻ đã chứng minh người tiêu dùng sẽ chỉ thay đổi hành vi của họ, hướng tới tiêu dùng bền vững hơn nếu nó được thực hiện dễ dàng và có lợi nhất cho họ. 

- Dựa trên khía cạnh địa lý: Giáo sư Anna R. Davies của Trường Trinity thuộc Ailen và cộng sự cho rằng, về lý thuyết các nền tảng công nghệ chia sẻ có thể vượt qua các ranh giới giữa các quốc gia(4). Các công ty truyền thống về lưu trú và vận tải phải đối mặt với những trở ngại đáng kể về mặt địa lý nếu họ muốn mở rộng hoạt động như việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng đối với các công ty kinh tế chia sẻ lại ngược lại, những rào cản về mặt địa lý lại thấp hơn nhiều. Nhưng thực tế, nhiều công ty kinh tế chia sẻ (như Uber) lại bị hạn chế hoạt động ở rất nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, các công ty kinh tế chia sẻ đang thay đổi để phù hợp với từng vùng. 

- Dựa trên yếu tố công nghệ: việc hình thành và phát triển của mô hình kinh tế mới này đều phải dựa vào các nền tảng kết nối internet, dữ liệu lớn và các thuật toán. Cuộc điều tra năm 2017 của chuyên gia Min Jung Kim - Viện Phát triển Hàn Quốc đã kết luận mô hình kinh tế chia sẻ thành công do hàng rào gia nhập thấp(5). Dữ liệu lớn, kết nối cung cầu trên quy mô lớn đã giúp san bằng thứ bậc trong mô hình kinh doanh, chi phí vận hành thấp, đáp ứng được đa dạng nhu cầu, tăng lòng tin… 

- Dựa trên mong muốn của người tiêu dùng: nhà phê bình Bulajewski Mike tại Meta, Washington cho rằng, kinh tế chia sẻ thành công vì mô hình này khai thác cảm xúc, nhu cầu thuộc về một cộng đồng của người tiêu dùng. Các nhà nghiên cứu cho rằng, ý thức cộng đồng giải quyết các vấn đề liên quan đến niềm tin trong việc chia sẻ, đặc biệt là khi chia sẻ có bù đắp chi phí. Tiến sĩ Kristina Dervojeda, Quản lý cao cấp tại PWC Hà Lan và cộng sự đã nhận định đối với mô hình kinh doanh này, việc xây dựng một cộng đồng và tạo ra sự phù hợp với xã hội là điều cốt yếu. Tuy nhiên, lòng tin này cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như học vấn, sắc tộc, giới tính… để kinh tế chia sẻ vận hành trơn tru, người dùng phải tin tưởng vào những người lạ và hàng hóa mà họ chia sẻ và để tạo lòng tin thì các nền tảng dựa vào hệ thống xếp hạng hoặc đánh giá để tạo ra một vòng phản hồi tự điều chỉnh. 

Một số giải pháp nhằm quản lý hiệu quả mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam

Sự ảnh hưởng của kinh tế chia sẻ đến hành vi tiêu dùng, người sử dụng nền tảng, nền kinh tế, môi trường, tài nguyên, hoạch định chính sách đã được kiểm chứng trong thực tiễn. Việc nghiên cứu thực trạng hoạt động của mô hình kinh tế chia sẻ giúp các nhà hoạch định chính sách nhận biết được tầm quan trọng của mô hình này đối với sự phát triển của kinh tế để có cách tiếp cận thận trọng và đầy đủ đối với các khía cạnh của mô hình kinh tế chia sẻ. Về phương diện nghiên cứu, cần tiếp tục làm rõ một số nội dung sau:

Một là, đánh giá tổng thể một số mô hình kinh tế chia sẻ đang hoạt động tại Việt Nam để làm cơ sở lý luận và những tác động đến kinh tế - xã hội. Từ đó, ban hành chính sách, pháp luật về quản lý các mô hình kinh tế chia sẻ để làm rõ chủ thể quản lý, đối tượng quản lý, nội dung quản lý và các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước đối với mô hình kinh tế chia sẻ.

Hai là, đưa ra các quy định mang tính hướng dẫn chung đối với việc xử lý mối quan hệ giữa các công ty áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ với các bên có liên quan. Hiện nay, mỗi quốc gia đều có cách ứng xử riêng dựa vào cách hiểu về mô hình kinh tế chia sẻ. Thực tế hoạt động của các mô hình kinh tế chia sẻ cho thấy, mặc dù đã được điều chỉnh cho phù hợp với từng quốc gia, nhưng chúng đều có những điểm chung. Việc có hướng dẫn về cách ứng xử đối với các mô hình kinh doanh mới này có thể giúp chúng phát triển và đóng góp được nhiều vào sự phát triển kinh tế, tránh việc cấm hoạt động đối với các mô hình này hay để các mô hình này hoạt động tự phát và không thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước và cộng đồng.

Ba là, đưa ra các khuyến nghị về việc Nhà nước nên sử dụng các công cụ và biện pháp nào đối với quản lý mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam hiện nay để mô hình này phát triển hiệu quả; đồng thời có chính sách phù hợp, hiệu quả để phát huy thế mạnh và hạn chế khuyết điểm của mô hình kinh tế chia sẻ nhằm thúc đẩy kinh tế chia sẻ phát triển trong kỷ nguyên số.

Bốn là, việc bảo mật dữ liệu cá nhân đã được quy định tại các văn bản pháp luật như: Luật An toàn thông tin mạng, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Công nghệ thông tin, Nghị định về Thương mại điện tử, Nghị định về xử lý vi phạm hành chính liên quan tới hoạt động thương mại điện tử nhưng vẫn có sự thiếu thống nhất về dữ liệu cá nhân, đặc biệt các quy định liên quan đến những dữ liệu sinh trắc học. Hiện nay, việc bảo vệ dữ liệu thông qua việc sử dụng công nghệ blockchain được coi là một giải pháp tối ưu. Do vậy, cần nghiên cứu cách thức bảo mật dữ liệu của cá nhân hiện đang được áp dụng trên thế giới để từ đó đưa ra các giải pháp nhằm bảo mật dữ liệu người tiêu dùng.

Năm là, cần hoàn thiện pháp luật thuế để tránh tình trạng trốn thuế của các công ty kinh tế chia sẻ. Bởi trong thực tế, hoạt động của loại hình kinh tế chia sẻ có hiện tượng lợi dụng sự không rõ ràng trong quy định về hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp và hoạt động thời vụ để từ đó lách luật nhằm đóng mức thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân thấp hơn. Do vậy, nên có quy định về ngưỡng xác định cung cấp chuyên nghiệp và thời vụ để từ đó đưa ra cơ sở tính thuế thu nhập.

Sáu là, cần tạo ra “hệ sinh thái” nhằm thúc đẩy hợp tác giữa mô hình kinh tế chia sẻ và mô hình kinh doanh truyền thống. Các công ty theo mô hình kinh tế chia sẻ, mô hình kinh doanh truyền thống đều được đối xử bình đẳng. Các công ty theo mô hình truyền thống có thể học hỏi để áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain, robot,… vào công việc kinh doanh và từ đó thu hẹp khoảng cách với mô hình kinh tế chia sẻ. 

Kinh tế chia sẻ được đánh giá là mô hình hướng đến sự phát triển bền vững; là mô hình kinh doanh mới nổi và đang phát triển rất mạnh mẽ trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây là mô hình kinh doanh mới, phát triển nhanh dựa trên sự phát triển của khoa học và công nghệ với nhiều biến thể khác nhau, nên cần có các nghiên cứu để có thể hoàn thiện chính sách, pháp luật với mô hình kinh tế này./.

--------------------------------

Ghi chú:

(1) Ádám Osztovits và cộng sự, Chia sẻ hay ngang hàng, sự phát triển của kinh tế chia sẻ, 2015. 

(2) Robin Chase, Peer INC: Cách con người và nền tảng sáng tạo ra kinh tế hợp tác và đổi mới chủ nghĩa tư bản, Nxb New York, 2015.

(3) Sundararajan, Kinh tế chia sẻ: Kết thúc của việc làm và sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản dựa trên đám đông, Nxb The MIT Press, 2016.

(4) Anna R. Davies và cộng sự, Nền kinh tế chia sẻ: vượt ra ngoài hệ thống nhị phân trong kỷ nguyên kỹ thuật số, 2017. 

(5) Min Jung Kim, Chính sách cho kinh tế chia sẻ phát triển, 2017.

 

ThS Nguyễn Thị Hải Hà - Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, Bộ Nội vụ

ThS Trần Kim Anh - Trường Đại học Nội vụ Hà Nội, Bộ Nội vụ

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Phần Lan dự kiến cắt giảm lương hưu

Ngày đăng 14/04/2024
Chính phủ Phần Lan không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm lương hưu để cải thiện tài chính công.

Sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến vấn đề an sinh xã hội ở Việt Nam

Ngày đăng 29/03/2024
Trong thời đại cách mạng công nghiệp hiện nay, với chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn, đạt được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động cả chiều thuận lợi và không thuận lợi đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, vì vậy cần tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá sự tác động đó để có giải pháp phù hợp với chính sách an sinh xã hội một cách hiệu quả. Đây là nhiệm vụ quan trọng đối với công tác an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.

Kinh nghiệm quốc tế về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư và một số khuyến nghị cho Việt Nam

Ngày đăng 22/03/2024
Nhận diện và phòng ngừa tham nhũng (PNTN) là một vấn đề cần được ưu tiên nghiên cứu, đặc biệt trong một số lĩnh vực quan trọng liên quan tới các dịch vụ công cơ bản như y tế hay giáo dục, từ đó, giúp các cơ quan liên quan tham khảo trong quá trình tham mưu, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư.

Vận dụng các mô hình văn hóa trong quản lý giáo dục

Ngày đăng 11/03/2024
Hiện nay, hệ thống giáo dục cần được quản lý theo hướng mở rộng để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân ở các lứa tuổi khác nhau và đáp ứng yêu cầu học tập nâng cao trình độ của đội ngũ nhân lực bảo đảm phát triển bền vững. Đồng thời, trong xu thế phát triển xã hội hiện nay đòi hỏi các tổ chức phải trở thành “tổ chức học tập”, “đơn vị học tập” và “xã hội học tập”. Do đó, quản lý không giản đơn là việc thực hiện các chức năng hành chính mà quản lý luôn bao gồm việc xây dựng văn hóa tổ chức theo các mô hình như “ba tầng cấp, bốn chiều cạnh văn hóa” và mô hình “các loại hình văn hóa”(1). Cách tiếp cận quản lý theo mô hình văn hóa không thay thế mà bổ sung làm phong phú và đa dạng cho các cách tiếp cận lý thuyết quản lý đối với các loại tổ chức trong xã hội ngày nay. 

Bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số của một số quốc gia và những gợi mở đối với Việt Nam

Ngày đăng 27/02/2024
Trong những năm gần đây, vấn đề để lộ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số ở Việt Nam rất đáng báo động, gây ảnh hưởng tiêu cực đến mỗi cá nhân, cũng như của xã hội. Bài viết nghiên cứu việc bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số của một số quốc gia trên thế giới, đây là những kinh nghiệm và gợi mở đối với Việt Nam để tiếp tục có giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số hiện nay.