Hà Nội, Ngày 23/04/2024

Làm gì để đổi mới công tác tuyên giáo?

Ngày đăng: 02/08/2022   13:25
Mặc định Cỡ chữ
Vấn đề đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên giáo đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Tôi đã ghi lại đôi điều, đã từng nói và cảm thấy nay vẫn còn có ích, tập trung vào nội dung: “Làm gì để đổi mới công tác tuyên giáo”.
Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

1. Muốn đổi mới công tác tuyên giáo, trước hết phải đổi mới tư duy về công tác tuyên giáo

Phải nhận biết công tác tuyên giáo ngày nay có gì giống trước đây và có gì khác trước. Trước đây, chúng ta hiểu công tác tuyên giáo là tuyên truyền, giáo dục, vận động và thuyết phục quần chúng. Tiếu lâm có câu chuyện như sau: Trong một bữa tiệc khoản đãi, người ta mời cán bộ tuyên giáo cái lưỡi, mời cán bộ tổ chức cặp mắt, mời cán bộ kiểm tra đôi chân gà. Mời cán bộ tuyên giáo cái lưỡi là có ý nói tuyên giáo hay ba hoa một tấc đến trời. Mời cán bộ tổ chức cặp mắt, vì tổ chức hay có cái nhìn xoi mói, lý lịch ba đời cán bộ còn phanh phui. Mời cán bộ kiểm tra đôi chân gà, vì kiểm tra hay bới móc, bới lông tìm vết...! Tất nhiên tiếu lâm là để cười, không nói lên bản chất của sự vật. Nói tuyên giáo là miệng lưỡi của Đảng không sai, nhưng là chưa đủ.

Công tác tuyên giáo có là tai mắt của Đảng không? Có nhìn thẳng vào sự thật để đánh giá đúng tình hình và xu hướng phát triển không? Có lắng nghe dư luận xã hội và ý kiến của mỗi người về các vấn đề chính trị, xã hội nóng bỏng không? Bộ phận điều tra dư luận của Ban Tuyên giáo sinh ra chẳng phải là để làm nhiệm vụ đó sao?

Một câu hỏi khác: Công tác tuyên giáo có phải là cái đầu không? Nói một cách giản đơn, sáng tạo ra lý luận tiên phong và hệ tư tưởng của giai cấp lãnh đạo cách mạng là công đoạn đầu tiên của công tác tuyên giáo. Lênin và Bác Hồ đều nói: Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng. Vậy tuyên giáo cũng là cái đầu, là trí tuệ chứ?

Một câu hỏi nữa: Công tác tuyên giáo có phải là tay chân không? Chắc chắn tuyên giáo không phải là nói chay, dạy suông, nói một đường làm một nẻo, nói không đi đôi với làm. Tôi còn nhớ, đồng chí Nguyễn Văn Linh, lúc sinh thời hay nói về kinh nghiệm công tác tuyên giáo bằng 10 chữ sau đây: Điều, nghiên, phân, tổng, phổ, tuyên, văn, giáo, huấn, hành. (Điều = điều tra; nghiên = nghiên cứu; phân = phân tích; tổng = tổng hợp; tuyên = tuyên truyền; văn = văn hoá, văn nghệ; giáo = giáo dục; huấn = huấn luyện; hành = hành động). Miệng nói tay làm, làm để người ta noi theo, đó chính là chân tay.

Tổng hợp lại, công tác tuyên giáo là miệng lưỡi, là tai mắt, là đầu óc, cũng là chân tay của Đảng.

Định nghĩa mà Nghị quyết Trung ương 5 khoá X về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới nêu lên là rất chính xác: “Công tác tư tưởng, lý luận (nói rộng ra là công tác tuyên giáo) là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng ta, là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị và tinh thần của chế độ,... Khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hoá và đạo đức”.

2. Đổi mới phương thức và phong cách làm công tác tuyên giáo

Đã từ lâu, Đảng ta phê phán kiểu tuyên truyền suông, nói về những chuyện đông tây thì thông thạo, còn đề cập tới thực tế xã hội và những vấn đề bức xúc mới nảy sinh từ cuộc sống thì lúng túng. Huấn luyện, giáo dục thì có vẻ thuộc làu kinh điển, còn đường lối, chính sách của Đảng thì không thật rõ, giải đáp thắc mắc của cán bộ, đảng viên và quần chúng lại loanh quanh không mấy thuyết phục. Lý luận xa rời thực tế, nói không đi đôi với làm, đó là những mặt yếu của công tác tuyên giáo.

Còn nhớ, năm 1957, có lần tôi đi công tác theo đồng chí Trường Chinh, được ngồi cùng xe bên cạnh đồng chí, trong khi trao đổi ý kiến về cách viết báo, đồng chí bỗng hỏi: “Anh có nhận xét gì về cách viết của Bác Hồ không?”. Tôi thật sự lúng túng, không biết trả lời như thế nào bèn hỏi ngược lại: “Thưa anh Năm, Bác Hồ viết một cách giản dị, trong sáng, dễ hiểu, dễ vào lòng người, nhưng ở đây không hiểu anh định hỏi về cái gì ạ?”. Anh Năm nói: “Anh có thấy trong các bài viết của mình, Bác rất ít khi trích dẫn kinh điển, mặc dù Bác là người hiểu kinh điển rất uyên thâm?”. Bản thân tôi (anh Năm) cũng thắc mắc và trực tiếp hỏi Bác Hồ về điều đó. Bác trả lời: “Những điều Mác, Ăngghen, Lênin nói đến là chân lý, nhưng nói trong những hoàn cảnh cụ thể khác ta bây giờ. Vì vậy, học Mác, Ăngghen, Lênin là học tập tinh thần và phương pháp cách mạng chứ không phải tầm chương trích cú”. Anh Năm nói thêm: Bây giờ có cuốn sách lý luận của một tác giả mới xuất bản, một phần ba là trích dẫn. Trích dẫn như thế khác nào phô kiến thức, phô của. Thử tưởng tượng một cô gái muốn trang điểm mà cứ vàng xuyến đeo đầy cổ, đầy tay thì còn gì lố bịch bằng?

Tuyên truyền, giáo dục bây giờ phải rất thiết thực, không áp đặt mà có tính thuyết phục, không phải bắt người ta nghe cái mình cần nói, mà nói cái mà người ta cần nghe, nói và dạy những gì có ích cho sự nghiệp cách mạng và có ích cho cuộc sống mỗi con người. Nói và viết, giảng giải và trình bày sao cho lọt lỗ tai, thấm vào lòng người để ai nấy đều nghe theo và làm theo.

3. Đổi mới đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo

Ai cũng biết bản lĩnh chính trị vững vàng, sự say mê công việc và tinh thông nghề nghiệp là những điều mà một cán bộ tuyên giáo cần có. Cán bộ tuyên giáo phải trung thành với lý tưởng, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bám sát thực tế, miệng nói, tay làm… Với những phẩm chất đó, đội ngũ cán bộ tuyên giáo ngày nay có nhiều mặt được, mặt tiến bộ, song sự bất cập, yếu kém và khuyết điểm còn không ít. Làm thế nào để có một đội ngũ mạnh? Đó là điều chúng ta từng trăn trở.

Ngày tôi mới về làm Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (năm 1992), các đồng chí lãnh đạo trước có nói rằng cán bộ tư tưởng - văn hóa phải là người nói giỏi, viết giỏi. Tôi thấy Trưởng Ban như tôi cũng chưa nói giỏi, viết hay, huống gì anh chị em. Có người nói rất giỏi nhưng viết không được, lại có người viết rất hay nhưng nói không rành. Tôi đề nghị hạ bớt tiêu chuẩn: Cán bộ tư tưởng - văn hóa phải nói được, viết được. Nhiều đồng chí góp ý kiến nêu thêm một vế nữa: nói được, viết được và làm được. Thế mà sau 5 năm tôi làm Trưởng Ban, cái tiêu chuẩn được coi là hạ bớt đó vẫn chưa đạt nổi.

Tôi nghĩ đào tạo và đào tạo lại (bồi dưỡng) là một cách tốt để xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo. Nhưng cán bộ tuyên giáo muốn đảm đương được nhiệm vụ của mình thì phải không ngừng tự rèn luyện, tự trưởng thành. Muốn giáo dục người khác, cán bộ tuyên giáo phải tự giáo dục mình trước đã. Muốn thiên hạ làm theo mình thì tự mình phải thật sự là tấm gương. Bác Hồ từng nói: “Một trăm bài diễn văn hay không bằng một tấm gương sáng!”.

4. Đổi mới cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động và có chính sách khuyến khích thích hợp đối với cán bộ tuyên giáo

Chúng ta đang sống trong giai đoạn phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin. Các lĩnh vực tuyên giáo, đặc biệt là các phương tiện thông tin đại chúng đã và đang phát triển và hiện đại hóa rất nhanh. Về mặt này, các cơ quan tuyên giáo và đội ngũ làm công tác tuyên giáo còn nhiều mặt hạn chế: lạc hậu về cơ sở vật chất kỹ thuật và về phương tiện hoạt động, bất cập trong chính sách khuyến khích vật chất đối với người làm công tác tuyên giáo. Người ta nói: cán bộ tuyên giáo vẻ vang thật, nhưng nghèo thật.

Hai mấy năm về trước, Tổng Bí thư Đỗ Mười có nói: Phải có chính sách ưu đãi cho những người làm công tác Đảng. Không có lý do gì để cán bộ của Đảng lại thích làm công tác chính quyền hơn là công tác Đảng (đương nhiên công tác tuyên giáo của Đảng thuộc lĩnh vực công tác Đảng). Thế nhưng, trao đi đổi lại thì sự ưu đãi ấy cho đến nay vẫn chưa có, và cũng khó mà có được.

Chắc chắn là chúng ta có rất nhiều trăn trở về việc đổi mới cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện hoạt động và chính sách đãi ngộ đối với công tác tuyên giáo. Tôi cho rằng khó mà đáp ứng được ngay các yêu cầu đề ra. Song, đó vẫn là vấn đề đã và đang tiếp tục đặt ra trên bàn nghị sự. Khó mà đổi mới bộ mặt của một cơ thể đang lớn lên bằng việc giữ lại một bộ quần áo cũ đã quá chật hẹp./.

 

HÀ ĐĂNG

Theo: tuyengiao.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng

Ngày đăng 23/04/2024
Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác nhân sự, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước.

Quyết tâm lớn, giải pháp mạnh, đồng tình của người dân!

Ngày đăng 16/04/2024
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương đúng đắn, xu thế tất yếu, không thể chậm trễ và không thể đảo ngược. Tuy nhiên, đây là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng nên phải tính toán kỹ lưỡng, quyết tâm lớn, giải pháp mạnh và có sự đồng tình của người dân.

Ghép tên xã theo kiểu "công bằng máy móc" sẽ tạo ra những cái tên nực cười

Ngày đăng 15/04/2024
Nếu cứ “công bằng” theo kiểu ghép máy móc tên 2 xã được sáp nhập, chúng ta sẽ tạo ra những cái tên bị nhiều người đánh giá là buồn cười như “Đôi Hậu” ở Nghệ An.

Cảnh giác trước những luận điệu giả danh phản biện xã hội

Ngày đăng 09/04/2024
Phản biện xã hội là một hình thức thể hiện tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến một cách có cơ sở khoa học nhằm thực hiện quyền dân chủ và ý thức trách nhiệm của công dân. Ở Việt Nam, phản biện xã hội ngày càng được mở rộng nhằm thúc đẩy việc xây dựng nhà nước pháp quyền và quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, cũng như phát huy trí tuệ cộng đồng. Tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân đã và đang lợi dụng quyền này để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước gây bức xúc dư luận, đòi hỏi cần phải kịp thời vạch trần và lên án.

Để không hổ thẹn với dân, với chính mình

Ngày đăng 04/04/2024
Trong cuộc sống, có làm ắt có đúng có sai, nhất là những công việc khó khăn, phức tạp, nhạy cảm tác động đến nhiều người. Nhưng nếu chỉ vì sợ sai, sợ bị xử lý, sợ phải chịu trách nhiệm mà chùn bước, thì không xứng đáng là cán bộ, đảng viên, không xứng đáng với niềm tin của nhân dân.