Hà Nội, Ngày 20/04/2024

Tình thương yêu bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước

KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27/7/1947 - 27/7/2022)
Ngày đăng: 27/07/2022   07:11
Mặc định Cỡ chữ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình yêu thương bao la đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công. Người nhắc nhở chúng ta: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”(1).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội, ngày 31/12/1954. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn ngày 27/7 hàng năm làm Ngày kỷ niệm thương binh, liệt sĩ và chỉ đạo công tác thương binh, liệt sĩ

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; song ngay sau đó, thực dân Pháp nấp sau lưng quân Anh với danh nghĩa giải giáp vũ khí quân đội Nhật đã quay lại xâm chiếm miền Nam nước ta. Nhân dân miền Nam tiếp tục anh dũng đứng lên chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược. Nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống, hy sinh một phần xương máu trên các chiến trường. Với mong muốn làm dịu bớt nỗi đau mất mát to lớn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xuất thành lập Hội giúp binh sĩ tử nạn. Và ngày 28/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Hội giúp binh sĩ bị thương do Người làm Hội trưởng danh dự.

Với truyền thống hòa hiếu, mong muốn xây dựng nền hòa bình bền vững và tắt muôn đời ngọn lửa chiến tranh để không ai phải hy sinh xương máu, tính mạng nên Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ ta đã ký với Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới, bởi họ dã tâm cướp nước ta lần nữa. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến để khẳng định: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(2). Hết thảy người Việt Nam yêu nước đều nghe theo Lời kêu gọi của Người đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp để bảo vệ Tổ quốc. 

Chiến tranh là thử thách lớn nhất với một quốc gia, dân tộc, bởi so với thời bình, thì số người bị thương, bị chết tăng lên rất nhiều. Đời sống của quân dân ta lúc đó, nhất là các binh sĩ bị thương rất khó khăn, thiếu thốn. Trước tình hình đó, cùng với việc chỉ đạo chính quyền các cấp và kêu gọi nhân dân giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ, ngày 16/8/1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khai mở chính sách thương binh, liệt sĩ ở nước ta.    

Tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm Ngày thương binh để Nhân dân ta có dịp bày tỏ tình thương yêu, biết ơn, giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước. Thực hiện chỉ thị của Người, một hội nghị gồm đại biểu các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương, khối và tỉnh đã họp ở xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên để bàn bạc và nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm Ngày thương binh liệt sĩ trong cả nước. Như vậy, từ năm 1947 đến nay, Ngày thương binh liệt sĩ 27/7 trở thành ngày toàn dân tộc ta thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Và cũng từ đó, việc thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” hàng năm đã hình thành nên truyền thống hiếu nghĩa, bác ái, quý trọng và biết ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đền đáp lại công lao của những thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, người có công đã hy sinh, cống hiến cho độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc, cho hạnh phúc của Nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Nhà nước và Nhân dân gửi tình cảm tri ân thương binh, bệnh binh, hương hồn các liệt sĩ

Với tư cách cá nhân một con người yêu thương đồng loại, đồng thời với tư cách đại diện của Đảng, Chính phủ và Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người có công với nước. Vào dịp 27/7 hàng năm, Người thường ra lời kêu gọi toàn thể đồng bào và chiến sĩ, hoặc gửi thư tới Bộ trưởng Bộ Thương binh, cựu binh; hoặc gửi thư, gửi quà đến các bệnh viện để động viên các thương binh, các gia đình liệt sĩ. Người thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp thực hiện nghiêm chính sách thương binh, liệt sĩ để đảm bảo cho họ được “ổn định về vật chất, vui vẻ về tinh thần”. 

Trong Thư gửi cho thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ ngày 27/7/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ. Nhiều nơi đồng bào đã hiểu đúng và làm đúng như vậy. Nhưng cũng còn một số ít địa phương chưa hiểu đúng, làm đúng. Tôi mong rằng đồng bào, đoàn thể và cán bộ ở những địa phương đó sửa chữa những thiếu sót ấy và quan tâm giúp đỡ những người đã từng hy sinh cho nước nhà”.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Người, hàng năm đến ngày 27/7, những người yêu nước Việt Nam đều tưởng nhớ đến các thương binh, các gia đình liệt sĩ, những người đã hy sinh tính mệnh, hoặc góp phần xương máu trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc vĩ đại của Nhân dân ta. Thúc đẩy mạnh mẽ thêm tình thương yêu của đồng bào với thương binh, gia đình liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Càng tưởng nhớ đến những người con dũng cảm của Tổ quốc, thì mọi người càng phải thêm hăng hái thi đua làm trọn nhiệm vụ tổng động viên, để chuẩn bị đầy đủ, để chuyển mạnh sang tổng phản công, để giành lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc… Nhân dịp này, tôi xin gửi một tháng lương để góp vào quỹ tổ chức. Và tôi trân trọng gửi các anh em thương binh và gia đình các tử sĩ lời chào thân ái và quyết thắng”(3).

Bên cạnh việc nhắc nhủ đồng bào ta đền ơn đáp nghĩa với thương binh và gia đình liệt sĩ, người có công với nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên an ủi, động viên anh chị em thương binh phấn đấu, gắng sức trở thành những người “tàn nhưng không phế”, hăng hái, lạc quan đóng góp trí lực của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta. Người căn dặn: “Các đồng chí đã hy sinh một phần xương máu vì Tổ quốc, chẳng may bị thương, bị bệnh trước khi quân thù bị hoàn toàn tiêu diệt, kháng chiến được hoàn toàn thành công… Khi đã khôi phục sức khỏe, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận. Tôi cùng đồng bào luôn luôn nhớ đến các đồng chí”(4). 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần tự đặt mình vào tâm thế của các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ để thay mặt họ khi thì cảm ơn các bác sĩ, nhân viên y tế chăm sóc họ; khi thì cảm ơn đồng bào đã tận tình giúp đỡ. Người chỉ rõ: “Họ đã hy sinh cho ai? Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào. Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ đang tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ. Tôi cũng mong đồng bào sẵn lòng giúp đỡ họ về vật chất và về tinh thần. Từ trước đồng bào đã giúp đỡ nhiều. Nhưng tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh. Mà lòng bác ái của đồng bào cũng không có hạn. Vì vậy, tôi mong và chắc rằng: đồng bào trước đã giúp đỡ, sau này sẽ sẵn sàng giúp đỡ mãi. Nhân dịp này, tôi xin thay mặt anh em thương binh và gia đình tử sĩ cảm ơn đồng bào. Tôi cũng thay mặt Chính phủ, gửi lời thân ái an ủi các anh em thương binh và gia đình tử sĩ và hứa rằng Chính phủ luôn luôn tìm cách săn sóc các bạn. Chúc các bạn được bình yên”(5). 

Khi đi công tác ở nước ngoài hoặc ở trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên đến viếng thăm các nghĩa trang liệt sĩ, thăm mộ các chiến sĩ vô danh. Người đã dành những lời nói kính cẩn trang trọng nhất cho vong linh các chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh cho Tổ quốc. Trong thư gửi đồng bào Nam Bộ, chiến sĩ ở tiền tuyến và Ủy ban hành chính Nam bộ (ngày 10/5/1946), Người đã bày tỏ ân tình trân trọng của mình: “Tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc tranh đấu cho nước nhà”(6). Trong Lời kêu gọi nhân ngày kỷ niệm hai năm kháng chiến toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng biểu lộ: “Tôi lại thay mặt Chính phủ, kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh cho Tổ quốc và gửi lời thân ái an ủi các thương binh, cựu binh, cùng gia đình các chiến sĩ”(7).

Người luôn có sự đồng cảm sâu sắc và sự chia sẻ, an ủi, động viên kịp thời với người thân của các liệt sĩ. Khi nghe tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh cho Tổ quốc, trong thư chia buồn với gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định tình yêu thương của mình với tất cả thanh niên Việt Nam và nhất là với các liệt sĩ: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước... Những thanh niên đó là dân tộc anh hùng. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ”(8).     

Người dành thời gian viết nhiều bài báo ngợi ca, biểu dương những liệt sĩ anh hùng, như Mạc Thị Bưởi, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót; ca ngợi các cán bộ lãnh đạo của Đảng hy sinh vì nước như Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ…; biểu dương các thương binh có thành tích tốt đẹp trong học tập, tăng gia sản xuất, trở thành các chiến sĩ thi đua và lao động xuất sắc, như các anh Trần Chút ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh; Nguyễn Văn Hơn người miền Nam, công tác ở Nghệ An; Phạm Văn Tiêm ở Nông trường Đông Hiếu.v.v.

Với tinh thần gương mẫu của một nhà tổ chức vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiến tạo một chế độ, chính sách, phong tục, tập quán hiếu nghĩa, tri ân, yêu mến thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công ở nước ta. Dưới sự chỉ đạo của Người, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và người có công đã lôi cuốn được sự tham gia của tất cả các tầng lớp nhân dân, các ngành, các giới; không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn thể hiện tình cảm, lương tri của Nhân dân Việt Nam; thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng chính sách, pháp luật đối với thương binh, liệt sĩ và người có công. Người đã ký ban hành nhiều Sắc lệnh quy định về chế độ, chính sách cho thương binh, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ như: Sắc lệnh số 20-SL ngày 16/02/1947 quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ; Sắc lệnh số 58-SL ngày 06/6/1947 về tặng hoặc truy tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập cho tập thể, cá nhân có công với nước, với dân hoặc tặng cho những người nước ngoài có công với Việt Nam. 

Về mặt tổ chức, thiết chế, cơ chế thực hiện, Người ký Sắc lệnh số 613 thành lập Bộ Thương binh và Cựu binh; Sắc lệnh số 101-SL về việc thành lập Sở và Ty Thương binh, cựu binh ở khu và tỉnh; Sắc lệnh số 92-SL ngày 03/10/1947 cử cán bộ Văn phòng Bộ Thương binh, Cựu binh (Đổng lý sự vụ, Đổng lý Văn phòng); Sắc lệnh số 45-SL ngày 22/7/1951 cách chức ông Lê Thanh An, Đổng lý Văn phòng Bộ Thương binh, Cựu binh đã phạm một số sai lầm trong công tác phải đưa ra truy tố trước tòa án; Sắc lệnh số 253-SL ngày 22/10/1948 chuẩn y để ông Lê Xuân Hưu từ chức Phó Đổng lý sự vụ Bộ Thương binh và Cựu binh; Sắc lệnh số 50-SL ngày 05/4/1950 bổ nhiệm Phó Đổng lý Văn phòng Bộ Thương binh và Cựu binh…

Trước lúc đi xa, Người ân cần căn dặn: “Đầu tiên là công việc với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp đối với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ), người có công với nước mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”(9). Với những điều nêu trên, có thể khẳng định tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ và người có công thực sự là nhân văn cao đẹp, là mẫu mực để muôn đời học tập và làm theo. 

Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đền ơn, đáp nghĩa thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng

75 năm qua, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng không ngừng được bổ sung, hoàn thiện và được triển khai đồng bộ, thống nhất và kịp thời. Những trường hợp vi phạm chính sách, pháp luật về công tác thương binh liệt sĩ đều được xử lý nghiêm minh. Đội ngũ cán bộ làm công tác thương binh, liệt sĩ, từng bước được kiện toàn để có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn ngang tầm nhiệm vụ.          

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, về truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là với thế hệ trẻ. Song chúng ta cần tiếp tục quan tâm đến việc xã hội hóa công tác chăm sóc thương binh, gia đình chính sách và người có công; nhân rộng các chương trình tình nghĩa một cách phong phú, đa dạng, thiết thực. Tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình tình nghĩa, như xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa, nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa… Chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh nặng, cha, mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; các chính sách ưu tiên đối với con thương binh, bệnh binh, con liệt sĩ và người có công.

Cần tập trung mọi nguồn lực giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng trong công tác thương binh, liệt sĩ sau chiến tranh. Hoàn thành cơ bản công tác xác nhận thương binh, liệt sĩ. Tiếp tục tiến hành khảo sát, tìm kiếm, phát hiện, quy tập hài cốt liệt sĩ, nhất là ở các xã biên giới, các vùng căn cứ cách mạng, vùng diễn ra các trận đánh lớn trong kháng chiến, các phần mộ liệt sĩ trên đất nước bạn; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Góp phần ổn định và nâng cao đời sống của thương binh, bệnh binh, gia đình có công, để họ xứng đáng là những công dân kiểu mẫu, những gia đình cách mạng.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú. Cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, giải quyết căn bản chính sách đối với người có công; nâng cấp các công trình “đền ơn đáp nghĩa”(10). Không chỉ nhân dịp kỷ niệm Ngày 27/7 hàng năm, mà ở bất cứ thời điểm nào, chúng ta luôn phải thực hiện tốt chính sách, pháp luật đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công; bởi đó là tình cảm, trách nhiệm, bổn phận của toàn xã hội. Từ tấm gương mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống đền ơn đáp nghĩa thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã, đang và sẽ luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam phát huy ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng./.

--------------------------------------------

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 12, Nxb. CTQG, H. 2000, tr.503.

(2),(6) Sđd, tập 4, tr.534, tr.228. 

(3) Sđd, tập 6, tr.415. 

(4),(5),(7),(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.579, tr.584, tr.580, tr.652, tr.49. 

(9) Sđd, tập 15, tr.616. 

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.148-149. 

 

PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thế Thắng, Học viện Chính trị quốc gia khu vực I, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới

Ngày đăng 10/04/2024
Trong những năm qua, việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thiết thực, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, ngày càng đi vào thực chất, chiều sâu, từng bước trở thành nhiệm vụ, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên các cơ quan Trung ương. Qua đó, đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có sức lan tỏa, đưa đến những thay đổi tích cực trong toàn Đảng bộ, đặc biệt là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ Khối.

Xây dựng đội ngũ chính trị viên ở đơn vị cơ sở trong Quân đội có đức, có tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày đăng 26/03/2024
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đức và tài luôn là kim chỉ nam định hướng cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng. Chính trị viên là người chủ trì về chính trị ở đơn vị cơ sở, đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Bài viết tập trung phân tích tư tưởng Hồ Chí Minh về đức, tài và sự vận dụng vào việc xây dựng đội ngũ chính trị viên ở đơn vị cơ sở trong Quân đội đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới.

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay

Ngày đăng 20/03/2024
Trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động đã và đang tăng cường chống phá, xuyên tạc về nền tảng tư tưởng của Đảng, những thành quả của cách mạng Việt Nam, mỗi cán bộ, đảng viên cần hiểu và vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trước các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị trong quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Ngày đăng 13/03/2024
Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện đội ngũ cán bộ chính trị trong Quân đội hiện nay cần phải quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này. Đây là nội dung, biện pháp quan trọng, khâu đột phá căn bản để xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị trong Quân đội có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, phương pháp, tác phong công tác ngang tầm nhiệm vụ.

Thành phố Đà Nẵng vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào triển khai công tác dân vận

Ngày đăng 26/02/2024
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận là hệ thống quan điểm toàn diện về dân vận và công tác dân vận. Bài viết khái quát những kết quả nổi bật ở thành phố Đà Nẵng trong việc vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, qua đó đưa ra một số giải pháp để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác dân vận trong thời gian tới tại thành phố Đà Nẵng.