Hà Nội, Ngày 29/03/2024

Việt Nam chung tay cùng cộng đồng quốc tế vì đại dương xanh hòa bình và phát triển bền vững

Ngày đăng: 29/06/2022   17:15
Mặc định Cỡ chữ
Tối ngày 28/6/2022, tại điểm cầu Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Chương trình cầu truyền hình trực tiếp "Khát vọng Đại dương xanh" do Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo thực hiện. Trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Chương trình cầu truyền hình trực tiếp "Khát vọng Đại dương xanh".

Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước!

Thưa các quý vị đại biểu, khách quý, đồng bào, đồng chí!

"Mẹ thiên nhiên", trong đó có biển và đại dương, là người mẹ vĩ đại che chở, nuôi dưỡng, cho tất cả chúng ta với trái tim bao dung, lòng nhân ái và tô điểm vẻ đẹp tâm hồn. Hành động bảo vệ, ứng xử với biển, đại dương là trả nghĩa ân tình, là trách nhiệm với Mẹ thiên nhiên và cuộc sống trên Trái Đất của mỗi quốc gia, mỗi con người chúng ta. Cầu truyền hình trực tiếp "Khát vọng Đại dương xanh" hôm nay cùng với các sự kiện hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022 được tổ chức trong tháng 6 này là hoạt động thiết thực rất có ý nghĩa, thể hiện thông điệp, kêu gọi hành động của mỗi người dân Việt Nam với biển cả và đại dương.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin gửi tới quý vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể đồng bào, đồng chí, bạn bè, khách quốc tế lời chào thân ái, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt đẹp.

Thưa quý vị đại biểu, thưa đồng chí, đồng bào!

Biển và đại dương bao phủ hơn 70% bề mặt Trái Đất, là cái nôi của sự sống, mang lại nguồn tài nguyên vật chất và tinh thần vô cùng to lớn cho nhân loại; là huyết mạch giao thương quốc tế, cửa ngõ kết nối, đồng thời, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển hòa bình, thịnh vượng của các quốc gia, dân tộc.

Tuy nhiên, biển và đại dương của chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống chưa từng có như cướp biển, buôn lậu; những hành động đơn phương vi phạm pháp luật quốc tế; biến đổi khí hậu; việc khai thái tài nguyên biển quá mức; hệ sinh thái, môi trường biển bị ô nhiễm và suy thoái, nhất là rác thải nhựa, thậm chí rác thải nhựa còn xuất hiện trong loài cá sống sâu nhất của đại dương... Điều đó đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, cả trước mắt và lâu dài đối với nhân loại, có thể đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia, dân tộc và cộng đồng dân cư. Và đã bao lần đại dương "nổi giận" vì cách cư xử của loài người, bao loài sinh vật biển quý hiếm đã vĩnh viễn bỏ chúng ta ra đi mãi mãi, và tình trạng này vẫn còn tiếp diễn, nhiều loài sẽ tiếp tục biến mất nếu chúng ta không hành động kịp thời.

Đây là vấn đề toàn cầu, toàn dân, đòi hỏi các quốc gia, dân tộc, mọi cộng đồng và mỗi người dân cần nhận thức và hành động đúng đắn vì đại dương xanh, vì an toàn, hòa bình và phát triển bền vững. Cụ thể là:

Thứ nhất, khẩn trương thiết lập và triển khai cơ chế hợp tác khu vực, toàn cầu, chia sẻ dữ liệu, củng cố, hoàn thiện chính sách về bảo tồn các hệ sinh thái, bảo vệ môi trường và khai thác tài nguyên biển bền vững một cách thực chất, hiệu quả, đi đôi với bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển.

Thứ hai, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và an ninh trên biển trên cơ sở tuân thủ pháp luật quốc tế, nhất là Hiến chương và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), tôn trọng chủ quyền, lợi ích và các hoạt động kinh tế hợp pháp, chính đáng của các quốc gia.

Thứ ba, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế; tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý; bảo đảm tự do, an toàn, an ninh hàng hải, hàng không trên biển. Tuân thủ quy định về các cơ chế hợp tác nghề cá trên thế giới mà các nước ven biển là thành viên, các nguyên tắc của Quy chuẩn ứng xử cho nghề cá có trách nhiệm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc.

Thưa các quý vị đại biểu, khách quý!

Là một quốc gia biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam đã và đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ chung tay cùng cộng đồng quốc tế hướng tới đại dương xanh, hành tinh xanh, hòa bình, ổn định, hợp tác và cùng phát triển thịnh vượng, nỗ lực hành động, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế; chủ động tham gia các cơ chế song phương và đa phương; tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác khu vực, quốc tế về biển và đại dương.

Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ quốc tế; cắt giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải; giải quyết các tranh chấp về biển và đại dương thông qua các biện pháp hòa bình, theo luật pháp và công ước quốc tế. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời tôn trọng quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nước khác.

Việt Nam sẽ thực hiện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, tiếp tục đổi mới hệ thống chính sách, pháp luật, quy hoạch về quản trị biển và đại dương. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển, nhất là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển dựa trên công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Xử lý tốt các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển và đại dương, nhất là rác thải nhựa như hiện nay chúng ta đã chứng kiến.

Nhân dịp này, tôi trân trọng cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả về biển và đại dương của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển trên thế giới. Đồng thời, khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam sẵn sàng hợp tác, chung tay với cộng đồng quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu về biển và đại dương, đặc biệt trong bảo vệ môi trường, khai thác hợp lý, hiệu quả, bền vững nguồn lợi kinh tế biển, góp phần bảo đảm phúc lợi tốt hơn cho người dân gắn với bảo vệ hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.

Thưa các quý vị đại biểu, khách quý!

Hàng nghìn năm qua, biển đã gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước và đời sống của Nhân dân ta, mang lại nguồn lợi vật chất, làm giàu thêm bề dày văn hóa, tinh thần của người Việt Nam chúng ta qua các thời kỳ. Càng yêu biển đảo quê hương bao nhiêu, chúng ta càng phải tăng cường truyền thông, phổ biến và vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị của biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tôi ghi nhận và biểu dương các cơ quan, đơn vị đã tham mưu, tổ chức Chương trình Cầu truyền hình trực tiếp hôm nay. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm khơi dậy tình yêu biển đảo quê hương, vun đắp lòng tự hào, ý thức dân tộc đối với chủ quyền của Tổ quốc, đồng thời lan tỏa ý thức trách nhiệm của Việt Nam và cộng đồng quốc tế trong việc giữ gìn hòa bình và để hợp tác, phát triển đại dương xanh và bền vững.

Mẹ thiên nhiên bao dung. Mẹ thiên nhiên vĩ đại. Hãy để mẹ thiên nhiên mỉm cười vì hành động đẹp của chúng ta với biển và đại dương. Tất cả chúng ta có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế vì một đại dương xanh, một đại dương hòa bình, một đại dương đoàn kết, hợp tác và phát triển, một đại dương nuôi dưỡng cuộc sống và làm đẹp tâm hồn mỗi chúng ta. Hãy hành động thực chất, ý nghĩa và hiệu quả để cảm ơn Mẹ thiên nhiên, trong đó có biển và đại dương.

Chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể đồng bào, đồng chí luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn./.

Theo: baochinhphu.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Bộ Chính trị chuẩn y chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025

Ngày đăng 29/03/2024
Chiều 29/3/2024, Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc chuẩn y chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Điện Biên tập trung nguồn lực cho Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngày đăng 28/03/2024
Thường trực Ban Bí thư đề nghị các cơ quan, mỗi cá nhân cần toàn tâm, toàn ý, phát huy cao nhất trách nhiệm, năng lực thực hiện tốt phần việc được giao, đảm bảo Lễ kỷ niệm thành công tốt đẹp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt Đoàn đại biểu nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số tiêu biểu thành phố Hà Nội

Ngày đăng 27/03/2024
Chiều tối 27/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp mặt Đoàn đại biểu nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số tiêu biểu của thành phố Hà Nội. Đánh giá cao và biểu dương đóng góp của cộng đồng nhân sĩ, trí thức, tín đồ tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, trong đó có cộng đồng nhân sĩ, trí thức, tín đồ tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội, khơi dậy khát vọng và trách nhiệm phát triển Thủ đô Hà Nội.

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng (02/4/1904 - 02/4/2024)

Ngày đăng 07/03/2024
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (bí danh Sao Đỏ, Hai Nam, Triệu Vân…), thường được các đồng chí hoạt động cách mạng cùng thời gọi là Anh Cả; sinh ngày 02/4/1904 tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm, tổng Đoàn Lâm, huyện Thanh Miện, nay là xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương trong một gia đình nghèo có truyền thống yêu nước. Đồng chí là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Yêu cầu đối tượng thực hiện giải trình làm rõ các vấn đề chưa thực hiện được, đề xuất giải pháp khắc phục, lộ trình thực hiện

Ngày đăng 27/03/2024
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho rằng, khi tiến hành lựa chọn vấn đề yêu cầu thành viên Chính phủ giải trình cần bám sát thực tiễn những vấn đề nóng, bức xúc nổi lên trong đời sống, đồng thời yêu cầu đối tượng thực hiện giải trình báo cáo, làm rõ những vấn đề đã thực hiện được, chưa thực hiện được và đề xuất các giải pháp khắc phục, lộ trình thực hiện đối với những vấn đề được yêu cầu giải trình.

Tiêu điểm

Sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến vấn đề an sinh xã hội ở Việt Nam

Trong thời đại cách mạng công nghiệp hiện nay, với chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn, đạt được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động cả chiều thuận lợi và không thuận lợi đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, vì vậy cần tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá sự tác động đó để có giải pháp phù hợp với chính sách an sinh xã hội một cách hiệu quả. Đây là nhiệm vụ quan trọng đối với công tác an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.