Hà Nội, Ngày 19/04/2024

Cơ chế và hệ thể chế phát hiện, thu hút, tuyển chọn và trọng dụng nhân tài lãnh đạo, quản lý (tiếp theo và hết)

Ngày đăng: 28/06/2022   10:38
Mặc định Cỡ chữ
Đổi mới một đội ngũ ngang tầm làm công việc hệ trọng trong việc sắp đặt tổ chức và tuyển chọn người.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp đại diện trí thức, nhà khoa học Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Tư chất và phẩm hạnh cá nhân người đứng đầu

Ai cũng có ba mối quan hệ là với mình, với người, với việc. Là người có đức chính, phải thể hiện sự đúng mực, cao thượng trong các mối quan hệ đó, nhưng trước hết là trong công việc. Người được giao quyền lực công mà “nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Cổ nhân đã răn dạy: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Do vậy, liêm chính vừa là tiêu chí đạo đức cơ bản, vừa là thước đo bản lĩnh giữ mình và khả năng chống lại sự tha hóa quyền lực của người làm công tác tổ chức cán bộ, trước hết là người đứng đầu. 

V.I. Lê-nin nói, để xứng đáng là “con mắt tinh đời”, ngoài “năng lực chuyên biệt”, “trực giác về tổ chức”, người đứng đầu các cơ quan giữ trọng trách về công tác tổ chức cán bộ trong hệ thống chính trị mà không chính thì ở dưới sẽ “quân hồi vô phèng”; nếu người quản lý không liêm, tất cả sẽ thi nhau sách nhiễu cấp dưới và “xà xẻo” của công, những điều này nhất định sẽ làm tổn thương đức chính, nhất định lâm vào căn bệnh “cánh hẩu”, thậm chí đố kỵ với cán bộ. “Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn mà kéo vào chức nọ, chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm dập những người có tài năng hơn mình”. “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính; mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”. Tâm phải rộng để dung nạp người trong thiên hạ. Tâm phải công bằng để làm việc trong thiên hạ. Tâm phải trầm tĩnh để xét lý trong thiên hạ. Tâm phải vững vàng để chống lại những biến cố trong thiên hạ. Đây là phẩm chất hàng đầu của của đội ngũ này. Không đơn thuần là của cải, người làm công tác tổ chức cán bộ phải chế ngự lòng tham về mọi phương diện, tức “không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình”. 

Bất kể ai trong hệ thống công quyền đều phải thực hành liêm chính; song người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ càng phải là tấm gương trước hết về sự liêm chính.

Kiến lập cơ chế bảo đảm quyền lực và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong công tác tổ chức cán bộ

Đổi mới cơ chế tuyển chọn nhân tài, cơ chế kiểm soát quyền lực, trong đó hạt nhân là nguyên tắc lãnh đạo tập thể trên nền tảng tập trung dân chủ, nhưng cá thể hóa trách nhiệm, trước hết là của người đứng đầu cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ là việc cần kíp và có ý nghĩa chiến lược, thể hiện ở các yếu tố cơ bản sau:

Thứ nhất, không nhìn thấy, hoặc thấy mà không nhận ra nhân tài.

Ở thời nhà Lý, việc nước trị hay loạn cốt ở trăm quan, người giỏi thì nước trị, người xấu thì nước loạn, các bậc đế vương sở dĩ hưng nghiệp được là nhờ dùng người quân tử, bị mất nước là bởi dùng kẻ tiểu nhân. Thời vua Lê Thánh Tông, việc tuyển lựa quan xét xử càng trở nên nghiêm ngặt. Các quan chức đương nhiệm mà không cử được người giỏi thì cũng xử biếm hoặc phạt tiền. Chế độ quan lại thời phong kiến còn đặc biệt chú trọng tới trách nhiệm của các quan lại trong thừa hành công vụ. Quốc triều Hình luật có nhiều quy định trừng trị nghiêm khắc, như: phạt do để chậm trễ chiếu chỉ công văn giấy tờ, quan do vô tình dùng dằng để lỡ mất việc, nếu việc nhỏ (công việc hàng ngày) xử tội biếm, việc thường (công việc hàng tháng) xử tội đồ, việc lớn (công việc hàng năm) xử tội lưu; đối với quan lại tại chức, không đến nơi làm việc mà không có lý do thì bị xử phạt biếm hoặc bãi chức, nếu ở sở làm mà ngồi không đúng phép sẽ bị xử tội biếm hoặc phạt tiền. Đó chính là sự mẫu mực để thiết lập trật tự kỷ cương, bảo vệ chế độ phục vụ, trước hết đối với nhân tài. Chính việc dùng người đúng khả năng, chọn đúng người thực tài, nhất là thái độ chí công vô tư trong tuyển dụng mà nhà Trần ở giai đoạn cường thịnh đã không để sót nhân tài, càng không cho kẻ bất tài, gian nịnh có cơ hội lộng hành, và hiếm ai là bậc thực tài mà trở nên bất đắc chí... 

Thứ hai, biết là hiền tài mà không dùng. 

“Dụng nhân như dụng mộc” nên không thể đem lòng tỵ hiềm, mang cái tiểu kỷ, nhất là lấy sự ghen ghét mà đối đãi với nhân tài. Nhất là đối với người có tài đức to, thì đừng săm soi, chê bai những nết nhỏ mọn; đối với người có danh dự lớn, thì đừng chỉ trích những lỗi nhỏ. Vào thời Trần, các vua Trần đã biết sử dụng những bậc hiền tài như Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản… và tin tưởng giao cho những trọng trách lớn để đánh giặc giữ nước, giữ vị trí thống lĩnh toàn quân, bởi các vị đó đều là bậc “anh tài kiệt xuất”. Mặt khác, triều Trần không thành kiến với lầm lỗi hay quá khứ của người tài, như  Nguyễn Trung Ngạn, Trần Thì Kiến, Trần Khánh Dư từng bị giáng chức vì phạm lỗi lầm, nhưng vì các vua Trần “tiếc có tài năng” nên họ đều được phục chức và trọng dụng xứng đáng.

Thời nhà Lê, Bộ luật Hồng Đức có gần 30 điều khoản quy định chế tài áp dụng cho các hành vi tham nhũng, trong đó quy định: Những người quyền quý thế gia và các hoạn quan nội thần không được cầu cạnh nhờ cậy việc quân với các quan tướng hiệu, nếu trái thì quan nhất phẩm, nhị phẩm bị phạt hay biếm, quan tam phẩm, tứ phẩm thì bị cách chức hay bị đồ; quan ngũ phẩm, lục phẩm thì bị đồ hoặc lưu, quan thất phẩm trở xuống thì bị lưu hoặc tử hình. Quan tướng hiệu nhận lời thì bị tội đồ hoặc lưu. Nghĩa là sự nghiêm minh không loại trừ một ai. 

Ở triều Nguyễn, quan lại đặt ra có số nhất định, nếu bổ dụng hoặc đặt ra quá hạn định, hay không nên đặt, không tâu xin mà tự đặt ra thừa 1 viên phải phạt 60 trượng, biếm 2 tư và bãi chức, thừa 2 viên trở lên thì xử tội đồ. Người xin vào chức đó phạt 50 roi, biếm 1 tư. Nếu các quan có thân thuộc dự thi mà không hồi tỵ đều phải phạt 80 trượng. Các quan lại trong triều, kể cả hoàng thân quốc thích, nếu phát hiện ra những hành vi khuất tất, không công bằng, không giữ phép, dối trá, bưng bít, chuyên quyền, thì đều phải tham hặc; đồng thời, còn giám sát cả việc thi cử tuyển chọn nhân tài cho đất nước nhằm đảm bảo sự công bằng trong thi tuyển, lựa chọn được người hiền tài giúp nước. 

Thứ ba, khi dùng người mà không tin nhân tài.

Chỉ có người hiền mới cầu được hiền. Thành tâm “cầu hiền” là một trong những phẩm chất của “người hiền” ở vị trí nắm giữ rường cột quốc gia. Tiền nhân nói: người trí thức không bỏ lỡ người và không uổng lời. Trong “Chiếu cầu hiền” của vua Lê Lợi có viết: “Người tài ở đời vốn không ít, mà cầu hiền tài không chỉ có một đường, hoặc người nào có tài kinh luân mà bị khuất ở hàng quan nhỏ, không ai tiến cử, cùng người hào kiệt náu ở nơi đồng nội, lẫn trong hàng binh lính... trẫm đâu biết được”, rằng: “Phàm các quan liêu đều phải hết chức vụ, tiến cử hiền tài. Còn như các kẻ sĩ quê lận ở xóm làng cũng đừng lấy điều “đem ngọc bán rao” làm xấu hổ, mà để trẫm phải than đời hiếm nhân tài”. Nghĩa là các bậc minh quân đều mong những người có tài năng, đạo đức và thẳng thắn, trung thực ra giúp nước, bằng cả con đường tiến cử và tự tiến cử. 

Vì vậy, đối với nhân tài, đã tin thì thu nạp, đã thu nạp thì phải dùng và đã dùng thì phải tin. Nhân tài ngại ngùng nhất và sợ hãi nhất là thái độ ngờ vực, tệ hại hơn là nửa tin nửa ngờ của người cùng với họ. Không thành kiến với xuất thân của người tài. Nhiều hiền sĩ trong nhân gian, không kể xuất thân, đã được triều đình biết đến và có cơ hội thi thố tài năng. Chiếu khuyên dụ hào kiệt của vua Lê Thái Tổ viết: “Ta nhắc mình tỏ lòng thành thật khuyên các bậc hào kiệt đều nên cùng nhau gắng sức, cứu đỡ muôn dân, đừng có kín tiếng giấu tài khiến thiên hạ phải hãm trong lầm than mãi mãi”. 

Khi mới lập triều đại Tây Sơn, với vị thế là một vĩ nhân “hết trận lôi đình lại ra ơn mưa móc, cứu sinh đều khắp, với các sĩ phu thì cuốn vào máy, thu vào lồng, tìm trong hang núi, hỏi chốn thôn quê, hái chẳng sót loài cỏ mọn”, với “khí tượng công bằng rộng lớn từ xưa ít thấy”, vua Quang Trung đã khiến những sĩ phu yêu nước, thức thời, năng động đều tìm đến và xả thân vì đại nghĩa đến cùng: tiêu biểu như Ðoàn Nguyễn Tuấn (anh rể của đại thi hào Nguyễn Du), Vũ Huy Tấn, Bùi Dương Lịch, Phạm Huy Lượng (tác giả “Tụng Tây Hồ phú” nổi tiếng).  

Dưới triều Nguyễn, nhiệm vụ của Đô Sát Viện là giám sát hành vi của các quan lại trong triều kể cả hoàng thân quốc thích để phát hiện ra những hành vi khuất tất, không công bằng, không giữ phép, dối trá, bưng bít, chuyên quyền đều phải tham hặc. Thời vua Minh Mạng, vấn đề thưởng phạt cũng rất nghiêm minh, quan lại có công thì được ban thưởng lớn, có tội, có lỗi đều bị xử phạt nghiêm khắc. Cụ thể, năm 1838, vua Minh Mạng cách chức Thượng thư Bộ Lễ của Phan Huy Thực do lỗi không kiểm tra, đôn đốc để người dưới quyền trễ nải trong công vụ. Tin dùng nhân tài và đến lượt nhân tài cũng phải chứng tỏ cho sự tin tưởng và trọng dụng ấy! Trái thế, cả hai phạm tội rất to, nhất định gây nên và tự chuốc lấy họa kép: thân người dụng nhân rước họa, và tới lượt mình, nhân tài tự mình trở thành kẻ phế nhân, đáng phải bị bỏ đi, chỉ trong thời khắc như trở bàn tay.

Thứ tư, khi trọng dụng mà không bảo vệ được nhân tài (mắc trọng tội).

Kinh nghiệm cho thấy, dùng nhân để trị người, dùng nghĩa để trị mình, nhất là trong việc đối đãi với nhân tài, thường nhất định thành công. Bởi vì, khi dùng người tài phải dựa theo nghĩa mà an định bốn phương. Nên phải dùng nhân nghĩa mà đối đãi với nhân tài, chính là bảo vệ nhân tài vậy. Ví dụ, vua Quang Trung bày tỏ lòng mình trong “Chiếu cầu hiền”: cho phép mọi người có tài năng thuộc mọi tầng lớp trong xã hội được dâng sớ tâu bày kế sách; cho phép các quan văn võ tiến cử người có nghề hay, nghiệp giỏi; cho phép người tài tự tiến cử; sẵn sàng cất nhắc người xứng đáng, không kể thứ bậc... thì quả là bậc “thánh đức lớn ngang trời đất”, “sáng đẹp hơn ngũ đế, lòng nhân hiếu cảm động đến trời”, làm “rực rỡ cơ nghiệp to lớn, nối tiếp cơ đồ vĩ đại”. Cổ nhân thường răn: chớ mang nhốt những người quân tử vào chung một rọ với bọn tiểu nhân. Dân gian lại có câu: chớ mang bỏ ếch vào giỏ cua. Đó chính là cách bảo vệ nhân tài.

Tuy nhiên, ngay trong hạng quân tử cũng có mấy hạng: chân quân tử và ngụy quân tử, nên để bảo vệ nhân tài cần loại bỏ những người nói năng khéo léo, nét mặt giả bộ niềm nở, vì đây thường là hạng người ít có lòng nhân. Kẻ có tính hay hồ nghi, chớ cắt đặt cho cùng lo toan việc lớn. Những kẻ đại gian lại giống như người trung, kẻ đại nịnh tuồng giống người trung tín, nhất là với những kẻ miệng lưỡi, thì phải thanh lọc để làm trong sạch đội ngũ nhân tài. Tài năng là tiêu chí đầu tiên khi tuyển chọn quan lại, nếu không có tài năng thì dù là thân vương, tôn thất cũng không dùng. Ví dụ, danh tướng Trần Quang Khải được phong làm tướng vì giỏi cầm quân, thay cho Trần Quốc Khang tuy lớn tuổi, lại là anh nhà vua nhưng tài năng chỉ vào loại tầm thường. Đó cũng chính là cách rất hiệu nghiệm để bảo vệ, vun đắp nhân tài, giữ yên triều chính, xã tắc.

Cố nhiên sửa điều dở cho ai chớ nghiêm khắc quá; dạy điều hay cho ai chớ cao xa quá. Nhưng, nghe và tin theo những kẻ xúc xiểm nhân tài, những kẻ manh tâm bôi nhọ nhân tài, rồi thoái thác trách nhiệm, xa lánh người ngay, bỏ mặc người trung, thì không chỉ tự hạ nhục nhân tài, hạ nhục mình, mà còn tự hại chính mình. Chẳng hạn, Thái sư Trần Thủ Độ đã toan cho chặt đứt ngón chân của một kẻ nhờ Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung xin cho chức câu đương. Thượng hoàng Nhân Tông từng phê bình vua Trần Minh Tông vì ban tước quá nhiều. Với những kẻ tài năng nhưng đạo đức thấp kém, nhà Trần kiên quyết xử nghiêm. Đặng Long là cận thần của vua Trần Nhân Tông, rất giỏi văn học nhưng hàng giặc Nguyên, phải bị xử chém. Ấy là thượng sách trong phép bảo vệ những nhân tài chân chính.

Vì thế, bảo vệ nhân tài một cách cương quyết không chỉ giúp cho quốc gia xã tắc phồn vinh, không chỉ để cho nhân tài nảy nở, phúc ấm dân tộc mãi mãi dài lâu mà còn lấp lánh mãi trí huệ, danh dự, nhân nghĩa và liêm sỉ của người mang trọng trách trọng dụng, tính ưu việt của thể chế trong bảo vệ và đối đãi nhân tài.

Thứ năm, “đem cái mũ của bậc nhân tài đội lên đầu kẻ bất tài, vô hạnh”.

Nguyễn Huệ viết trong “Chiếu cầu hiền” rằng: “Nếu như che mất ánh sáng, giấu đi vẻ đẹp, có tài mà không được đời dùng, thì đó không phải là ý trời sinh ra người hiền vậy”. Ví dụ, dưới thời đất nước loạn lạc, danh sĩ Nguyễn Thiếp (hiệu La Sơn phu tử), dẫu sớm xa lánh thời cuộc, lui về quê ở ẩn trên núi, nghiền ngẫm lẽ thịnh suy trời đất, làm một hiền triết, nhưng không thể không cảm tấm lòng của Nguyễn Huệ đã đến mời tới ba lần, khiến ông phải xuống núi dâng kế, rằng: “Nếu đánh gấp thì không quá mười ngày sẽ phá được. Nếu trì hoãn một chút thì khó mà phá được nó”. Lời bàn hợp chủ ý của Nguyễn Huệ, càng khiến vị chủ soái tăng tốc hành quân và đánh đuổi 29 vạn quân Thanh xâm lược. Tấm lòng của vua Quang Trung đối đãi với La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp - người được nhà vua xem là “bậc thày để thờ” - thật đáng để muôn đời soi về nghệ thuật thu phục và đối đãi nhân tài, về đem vầng hào quang của cái mũ hiền tài cung kính trao một cách minh triết cho bậc kỳ tài trong thiên hạ. 

Hiền tài như của báu trời sinh, nhưng nếu hiền tài không cho người ta biết đến thì thật phí hoài, và khi đó thì lỗi lại ở chính hiền tài. Như trong “Chiếu cầu hiền”, Hoàng đế Quang Trung đã viết: “Trước đây thời thế suy vi, Trung châu gặp nhiều biến cố, kẻ sĩ phải ở ẩn trong ngòi khe, trốn tránh việc đời, những bậc tinh anh trong triều đường phải kiêng dè không dám lên tiếng. Cũng có kẻ gõ mõ canh cửa, cũng có kẻ ra biển vào sông, chết đuối trên cạn mà không biết, dường như muốn lẩn tránh suốt đời”. 

Vì vậy, trong trọng dụng nhân tài, gặp người hiền mà không thể cất nhắc lên được, hoặc cất nhắc được mà không kính cẩn, vô hình là khinh mạn họ; gặp người không thiện mà không thể đuổi đi được hay đuổi đi mà không đuổi xa, ấy chính là lầm lỗi của kẻ dùng người. Mặt khác, nếu khuôn phép đạo đức và hình phạt không đặt ra và nghiêm dụng thì rối loạn, mà rối loạn thì họa và loạn sẽ cùng đến. Bệnh tiểu kỷ, bệnh tham nhũng quyền lực, công tư bất minh đã tạo cơ hội cho không ít kẻ bất tài, xu nịnh. Khi đã không thành ý, lại kém cỏi, thậm chí vì lòng dạ đen tối của mình mà đem cái mũ của bậc hiền tài chụp bừa lên đầu của kẻ tiểu nhân, bất tài thì không khác gì rước mối vào nhà, nối giáo cho giặc. Đó là tội đáng phải bị lưu, đồ. Rốt cuộc, nhân tài rũ áo khoanh tay. 

Trong việc dùng nhân tài, không cất nhắc người căn cứ vào lời nói, không bỏ lời nói căn cứ vào người. Nếu kỳ thị lời “trung ngôn nghịch nhĩ” thì dễ bỏ mất người ngay, nếu tin dùng kẻ biết nói lời xiểm nịnh, cơ hội, lại dốt nát và tham lam, thì nguy hại vô cùng. Phải trái không rõ ràng, tiết nghĩa không giảng xét, thiên hạ sở dĩ loạn là thế. Đối với những chức vụ lớn và hệ trọng nhất trong triều đình, như Hành khiển hay Tể tướng, đặc biệt càng cẩn trọng: “Chức tể tướng thì chọn người hiền trong tôn thất, có đạo đức, có tài nghệ, thông hiểu thi thư thì cho làm”. Khi vua Trần Thái Tông định cho An Quốc là anh của Thái sư Trần Thủ Độ làm tể tướng thì vị Thái sư đã biện lý một cách công tâm: “An Quốc là anh thần, nếu cho là giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra làm sao?”. Cái mũ của bậc hiền tài quả đã trao đúng cho người tài cần trao. Nếu không làm thế, nhất định nhân tài trông đi và ngoảnh mặt, triều chính rối ren và nhà vua có thể tự mình đã rước lấy cảnh loạn từ trong. 

Nguy hại hơn, những kẻ đức nhỏ mà xếp cho địa vị cao; trí cạn mà tham lam lại cắt đặt vào nơi màn trướng quân cơ, để mưu việc lớn, thì việc chưa tàn canh, họa lớn quốc gia rình ngay trước cửa. Từ việc chăm lo giáo dục, khoa cử, đến đường lối cầu hiền rộng mở, nhà Trần luôn huy động tối đa nhân tài trong xã hội. Với cách thức dùng người đúng khả năng, chọn người thực tài, nhất là thái độ chí công vô tư trong tuyển dụng, nhà Trần ở giai đoạn cường thịnh đã không để cho kẻ bất tài, gian nịnh có cơ hội lộng hành. 

Vì trọng nhân tài, nhà Trần dùng người không kể thân - sơ. Vua Trần Anh Tông đối với người tôn thất như Bảo Hưng thân yêu hết mực, nhưng không trao cho việc chính sự, vì không có tài. Việc tôn trọng thực tài, công tư phân minh trong dùng người của nhà Trần đã khiến cho những người tài lúc bấy giờ không phải chịu bất công, ấm ức. Nhưng đến giai đoạn suy vong của nhà Trần, trọng dụng kẻ bất tài, gian nịnh, đã trù dập tài năng, khiến cho không ít người tài người thực tài trở nên bất đắc chí, thành những người lạc lõng giữa thời loạn, như: Vạn thế sư biểu Chu Văn An, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán... Nhân tài cự tuyệt, ngoảnh lưng và cơ đồ triều Trần theo đó mà đổ vỡ.

Có thể khái lược, không ngừng đổi mới cơ chế, hệ thể chế phát hiện, thu hút, tuyển chọn và trọng dụng nhân tài lãnh đạo, quản lý ngang tầm công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ trong tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045 mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra là công việc then chốt, động lực có ý nghĩa quyết định thành công không chỉ cấp bách trước mắt mà mang ý nghĩa chiến lược của tiến trình đổi mới. Việc kiến tạo và phát huy sức mạnh của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nói chung, cấp chiến lược nói riêng là nền tảng xây dựng chiến lược cán bộ ngang tầm trọng trách lịch sử./. 

 

TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng 09/04/2024
Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.

Tỉnh Nghệ An phát huy vai trò của các tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội

Ngày đăng 21/03/2024
Trong những năm qua, Tỉnh ủy Nghệ An luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, giải pháp công tác tôn giáo, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn hoạt động ổn định, thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật và tích cực tham gia các phong trào do chính quyền phát động; tích cực đóng góp các nguồn lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được một số kết quả quan trọng.