![]() |
TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH THEO PHƯƠNG CHÂM “ĐÚNG VAI, THUỘC BÀI”
Chia sẻ với Tạp chí Tổ chức nhà nước, TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) nhấn mạnh: công khai, minh bạch luôn gắn với giải trình và trách nhiệm giải trình của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là trong công tác cán bộ; đồng thời cho biết, định hướng lớn trong hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội là tăng cường hoạt động giải trình, làm rõ trách nhiệm và tính minh bạch trong hoạt động công vụ. Hoạt động này góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa, ngăn chặn, cảnh báo từ sớm, từ xa những người, cơ quan, tổ chức, đơn vị có biểu hiện thiếu trách nhiệm, không trong sáng, tiêu cực, tham nhũng có thể phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ, đồng thời là điều kiện để các cơ quan chia sẻ, cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.
Theo TS Nguyễn Đình Quyền, tăng cường trách nhiệm giải trình là góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch, khách quan, trong sáng, chính xác, công bằng theo phương châm “đúng vai, thuộc bài” trong công tác cán bộ; phòng ngừa từ sớm, từ xa các hạn chế, thiếu sót, tiêu cực, vi phạm có thể phát sinh trong công tác này.
Nhấn mạnh, tăng cường trách nhiệm giải trình là một trong những phương diện của kiểm soát quyền lực nhà nước trong công tác cán bộ. Do đó, theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền, việc tăng cường trách nhiệm giải trình phải được thực hiện đồng bộ với kiểm soát quyền lực khác, nhất là phải kết hợp chặt chẽ với thiết chế công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Đây là điều kiện tiên quyết để các thiết chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ có điều kiện tiếp cận thông tin cần thiết trong việc tiến hành kiểm tra, thanh tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.
- Khoản 1 Điều 15, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Người thực hiện trách nhiệm giải trình là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình. - Khoản 8 Điều 2, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định: Giải trình là việc cơ quan, cá nhân hữu quan giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo yêu cầu của chủ thể giám sát. |
PHÁT HUY DÂN CHỦ ĐỂ TĂNG CƯỜNG GIẢI TRÌNH TRÁCH NHIỆM TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ
Để tiếp tục tăng cường trách nhiệm giải trình trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, theo TS Nguyễn Đình Quyền, cần thực hiện 3 giải pháp sau:
Giải pháp thứ nhất, để đảm bảo giải trình trách nhiệm được thực hiện một cách xác đáng, có căn cứ chặt chẽ, cần hoàn thiện các quy định về vị trí việc làm và trách nhiệm công vụ của từng vị trí công tác, phân cấp, phân quyền đi đôi với việc xác định rõ, cụ thể phạm vi trách nhiệm của từng cấp, từng vị trí, trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu. Cần quy định cụ thể, khoa học, chặt chẽ và khả thi về căn cứ, trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành, thành phần, thẩm quyền yêu cầu tiến hành giải trình và việc xem xét, đánh giá, xử lý kết quả, tính trung thực, chính xác của việc giải trình, bảo đảm thận trọng, khách quan, công bằng, minh bạch trong việc xem xét trách nhiệm.
Làm tốt công tác tiếp cận thông tin một cách thuận lợi, đầy đủ, chính thức và toàn diện là điều kiện quan trọng để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trách nhiệm giải trình trong công tác cán bộ. Vì vậy, cần phát huy dân chủ, nhất là dân chủ ở cơ sở trong tổ chức, hoạt động của các tổ chức đảng, các cơ quan nhà nước; đảm bảo dân chủ được thực hiện thực chất ở tất cả các khâu trong quy trình cán bộ với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Bên cạnh việc tăng cường trách nhiệm giải trình, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện về các nguyên tắc, nguyên lý, quy trình, thủ tục, thẩm quyền, cách thức tiến hành trong công tác cán bộ, nhất là trong việc giới thiệu, đề cử, bầu cử, thi cử, tuyển dụng, phân công, bố trí cán bộ, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ, các biện pháp tránh xung đột lợi ích… làm rõ trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể trong công tác cán bộ ở từng khâu, từng cấp, từng vị trí.
Giải pháp thứ hai, trách nhiệm giải trình cần được coi là một trong những nội dung quan trọng của quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động của công chức, công vụ, phải được tiến hành thường xuyên trong sinh hoạt thường kỳ đấu tranh tự phê bình và phê bình, đánh giá cán bộ, tổng kết rút kinh nghiệm, lấy phiếu tín nhiệm… Giải trình trách nhiệm cần phối hợp chặt chẽ với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra, thanh tra, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động của công chức, công vụ, công tác cán bộ, bởi đây là cơ sở quan trọng trong việc tiếp cận thông tin, phát hiện và xử lý thông tin phục vụ cho hoạt động giải trình trách nhiệm. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động của công chức, công vụ, nhiều vấn đề cần được giải trình làm rõ để xác định chính xác, minh bạch những vấn đề liên quan đến sự thật khách quan đang được giải quyết. Do đó, dân chủ trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo phải được tăng cường trên mọi phương diện, nhất là phải bảo đảm công khai, minh bạch, công tâm, công bằng trong quá trình giải quyết.
Giải pháp thứ ba, cần triển khai định kỳ công tác rà soát, kiểm tra, đánh giá trách nhiệm công vụ trong quá trình cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn thực hiện nhiệm vụ theo quy định hoặc được giao theo sự phân công. Trong trường hợp phát hiện những vấn đề có liên quan đến trách nhiệm công chức, công vụ, cần tổ chức thực hiện việc giải trình làm rõ trách nhiệm để kịp thời phát hiện xử lý hoặc ngăn chặn. Đây là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa từ sớm, từ xa các biểu hiện thiếu trách nhiệm, vi phạm, tiêu cực, tham nhũng có thể xảy ra.
Công tác cán bộ theo quy định được tiến hành ở nhiều khâu từ quy định tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phân công, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, thực hiện chính sách cán bộ… Do đó, trách nhiệm giải trình phải được thực hiện ở tất cả các khâu trong trường hợp người lãnh đạo, quản lý hoặc các thiết chế kiểm soát quyền lực xét thấy cần thiết để bảo đảm cho hoạt động công vụ được thực hiện nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Để đảm bảo công tác giải trình trách nhiệm được thực hiện một cách chặt chẽ thì việc tiến hành không thể tùy tiện mà phải theo đúng các quy định pháp luật về căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành, hậu quả pháp lý…
Dân chủ là thiết chế cơ bản, quan trọng của Nhà nước pháp quyền; là “cái nôi” của giải trình trách nhiệm trong nền công vụ, công tác cán bộ. Khi dân chủ còn hình thức thì khó có giải trình chính xác, khách quan, minh bạch. Để dân chủ, giải trình trách nhiệm được thực hiện một cách thực chất, đúng sự thật khách quan thì phải có những bảo đảm về mặt chính trị, pháp lý, tổ chức… như về địa vị pháp lý, quyền của cán bộ, công chức, viên chức; các phương diện để thực hiện các quyền đó trên thực tế và những bảo đảm từ phía Nhà nước khi quyền đó bị xâm hại, vi phạm dưới mọi hình thức khác nhau. Việc thực hiện các quyền này phải được tiến hành thường xuyên và trở thành nguyên tắc cơ bản trong quản lý nhà nước, công tác cán bộ. Phát huy dân chủ là điều kiện rất cần thiết để tăng cường công tác giải trình trách nhiệm trong công tác cán bộ hiện nay./.
Trí Đức
Tin tức cùng chuyên mục