Hà Nội, Ngày 19/04/2024

Các Đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Ngày đăng: 31/05/2022   21:35
Mặc định Cỡ chữ
Chiều 31/5/2022, tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV, các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tiến hành thảo luận tại Tổ, cho ý kiến vào dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thảo luận tại Tổ. Ảnh: Báo Thanh Hóa

Cần nghiên cứu cân nhắc thêm để bảo đảm tính toàn diện khi quy định về khái niệm “cơ sở”

Tại phiên thảo luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, trực tiếp và gần nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về chủ trương phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đồng thời đồng tình cao với kết cấu, bố cục nội dung các chương, điều trong dự thảo Luật.

Góp ý cụ thể vào dự án Luật, các ĐBQH đề nghị cần quy định cụ thể về thời hạn sửa đổi, bổ sung cũng như quy định cho “tạm dừng” hoặc “đình chỉ” việc thi hành đối với những phần nội dung văn bản của cộng đồng dân cư có nội dung “không phù hợp” trong thời gian chờ để sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản của cộng đồng dân cư như quy định tại Khoản 3 Điều 20. Đề nghị dự thảo Luật quy định cụ thể tổ chức, đoàn thể ở cấp xã, ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có thẩm quyền phê chuẩn, chuẩn y, công nhận kết quả bầu Ban Thanh tra nhân dân.

Đồng thời, cần nghiên cứu cân nhắc thêm để bảo đảm tính toàn diện khi quy định về khái nhiệm “cơ sở” nhằm đảm bảo phạm vi điều chỉnh phù hợp của Luật này; cân nhắc, điều chỉnh hoặc làm rõ các chính sách để bảo đảm tính thống nhất với cấu trúc, nội dung của dự án Luật.

Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội

Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc tán thành với loại ý kiến thứ nhất mà Chính phủ đã nêu trong Tờ trình về việc trong Luật có một chương riêng quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp, đồng thời có một số nội dung quy định đặc thù với doanh nghiệp nhà nước. Vì doanh nghiệp nhà nước là các tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng các nguồn đầu tư công của Nhà nước nên cần thiết phải có những quy định mang tính đặc thù để quản lý, kiểm soát việc sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước, kiểm soát tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. 

Góp ý về cơ chế đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Hoàng Thị Thúy Lan cho rằng: dự án Luật chưa phản ánh được một cách rõ nét, đầy đủ vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tổ chức để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình tại từng loại hình cơ sở. Nhấn mạnh đây là vấn đề cốt lõi, rất cơ bản để thực hiện dân chủ ở cơ sở, vì vậy cần được quy định đầy đủ, cụ thể và chi tiết, đại biểu Hoàng Thị Thúy Lan đề nghị cần thiết kế theo hướng coi quyền làm chủ của Nhân dân làm trung tâm, là tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả quản lý của Nhà nước. Phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân. Vai trò đó cần được nhấn mạnh ở việc chủ động đề xuất các vấn đề dân bàn, dân quyết định, dân được tham gia ý kiến; bảo đảm Nhân dân thực hiện quyền kiểm tra đối với chính quyền địa phương cấp xã cũng như thực hiện đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân...

Tích hợp các quy định trong cùng một luật

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) cho rằng, sau thời gian thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, có thể khẳng định việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp nhất là ở cơ sở hết sức quan tâm. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn nhiều bất cập; trong khi các nội dung quy định còn dàn trải ở nhiều văn bản. Do vậy cần thiết phải có những quy định được tích hợp trong một luật.

Đại biểu đánh giá, Ban soạn thảo đã xem xét, chỉnh lý những nội dung được các Đoàn ĐBQH và ĐBQH tổng hợp gửi đến. Đối với Ban Thanh tra nhân dân, trước đây đã quy định ở Luật Thanh tra nhưng khi xây dựng dự thảo, nội dung này đã được chuyển toàn bộ sang Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Về hình thức như vậy là phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về quy định 2 năm một lần phải thực hiện bầu lại Ban Thanh tra nhân dân thuộc các cơ quan Nhà nước. Thực tế cho thấy, Ban Thanh tra nhân dân ở các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan hành chính thực hiện theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP là rất hình thức, không hiệu quả. Do vậy, cần có cơ chế, hình thức khác để giúp cho Ban Thanh tra nhân dân hoạt động thực sự có hiệu quả. Đồng thời, nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân nên quy định theo hướng phù hợp với nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Công đoàn và cần có quy định trách nhiệm cụ thể của Ban Thanh tra nhân dân.

Liên quan đến Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tại Điều 70 của dự thảo Luật, theo đại biểu: tại khoản 5 đã quy định MTTQ Việt Nam cấp xã chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng thực hiện quyền hạn theo quy định, Điều lệ của MTTQ Việt Nam và hướng dẫn của MTTQ Việt Nam cấp trên. Trong dự thảo Luật cũng quy định rất rõ về Ban Thanh tra nhân dân, nhưng về Ban Giám sát đầu tư cộng đồng thì chưa đề cập đến. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân tương tự như Ban Giám sát đầu tư cộng đồng với mục đích cuối cùng là giúp cho cấp xã thực hiện tốt việc kiểm tra các dự án trên địa bàn; những nội dung cần phải công khai dân chủ cho người dân biết, dân bàn. Như vậy, việc tham gia của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân gần như nhau. Các nội dung hoạt động của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng hiện cũng đã giao cho MTTQ Việt Nam chủ trì trực tiếp hướng dẫn, tham gia vào việc bầu Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Vì vậy, dự thảo Luật nên có những quy định về Ban Giám sát đầu tư cộng đồng để tạo được sự thống nhất trong hệ thống các cơ quan, hệ thống những nội dung quy định trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tiếp xúc đối thoại là nhiệm vụ thường xuyên, đối thoại cần được tổ chức ngay khi thấy có vấn đề

Về nội dung tiếp xúc đối thoại với Nhân dân tại Điều 25, quy định hàng năm UBND cấp xã tổ chức hội nghị đối thoại với Nhân dân trên địa bàn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, những vấn đề liên quan đến quyền lợi của Nhân dân ở địa phương, ĐBQH Đặng Bích Ngọc cho biết: việc tiếp xúc đối thoại là nhiệm vụ thường xuyên của cấp xã, cơ sở. Không phải hàng năm mới tổ chức tiếp xúc đối thoại mà đối thoại cần được tổ chức ngay khi thấy có vấn đề, có chương trình dự án hoặc những nội dung mà người dân đang quan tâm. Do vậy, đề nghị không nên quy định hàng năm mà nên quy định thường xuyên sẽ phù hợp hơn để thực hiện tốt nhất dân chủ ở cơ sở, bảo đảm được các vấn đề người dân quan tâm sẽ được xem xét, trao đổi ngay tại cơ sở.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Hoàng Đức Chính phát biểu tại Tổ.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Hoàng Đức Chính cho rằng: khoản 3 Điều 14 hiện quy định "có 10% cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tại thôn, tổ dân phố đồng thuận thì gửi Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố để đưa ra cộng đồng dân cư bàn và quyết định", điều này đã thể hiện sự dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, đặc thù của các thôn ở vùng quê và miền núi, dòng họ rất đông nên mỗi nội dung chỉ cần 10% cử tri đưa ra để bàn là rất khó. Do đó, cần tăng lên 20% mới bảo đảm được tính cộng đồng dân cư.

Tham gia ý kiến về nội dung “quyết định của cộng đồng dân cư được thông qua khi có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành, có giá trị bắt buộc thi hành đối với công dân sinh sống trong cộng đồng dân cư” tại Điều 19, đại biểu cho rằng, quy định có trên 50% là chưa bảo đảm tính đại diện. Vì vậy, cần tăng tỉ lệ này lên khoảng 80%. 

Bổ sung chế tài xử phạt với những hành vi thông tin sai sự thật trên không gian mạng

Góp ý về dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh đề nghị dự thảo bổ sung quyền của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cùng với đó, cần cấm hành vi xúc phạm nhân phẩm, uy tín của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Bổ sung chế tài xử phạt với những hành vi thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền phải thông tin lại cho người dân những nội dung nào tiếp thu, nội dung nào không tiếp thu sau khi người dân đã góp ý kiến; trách nhiệm về giải trình của cơ quan có thẩm quyền với người dân, với báo chí…

Về quy định thực hiện dân chủ trong các doanh nghiệp, nhiều ĐBQH đều cho rằng, đây là vấn đề khó thực hiện, nên cần làm rõ, để làm sao luật ra đời thì khả thi. ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, chỉ nên tập trung thực hiện ở doanh nghiệp nhà nước nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước, phòng, chống tham nhũng...../.

Ban TCĐT

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa

Ngày đăng 05/02/2024
Theo TS Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn năm 2045, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện Luật này trên thực tế sẽ góp phần quan trọng thể chế hóa các quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Hà Nội: Phát huy tối đa quyền làm chủ của người dân

Ngày đăng 05/01/2024
Ngày 05/01/2024, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban công tác năm 2023; triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong - Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.  

Bắc Giang: Biên soạn, phát hành 2 nghìn cuốn sổ tay về xây dựng chính quyền thân thiện

Ngày đăng 04/01/2024
Ban Chỉ đạo tỉnh Bắc Giang về thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở vừa biên soạn, phát hành 2 nghìn cuốn sổ tay “Chính quyền thân thiện xã, phường, thị trấn”.

Gắn phát huy dân chủ với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Ngày đăng 28/11/2023
Sáng ngày 28/11/2023, tại Trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và văn bản liên quan. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Đẩy mạnh công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Ngày đăng 21/11/2023
Văn phòng Chính phủ luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về công tác dân vận và thực hiện dân chủ ở cơ sở thành các văn bản, quy định cụ thể để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong Văn phòng Chính phủ thực hiện. Qua đó đã góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất và phát huy sức mạnh đoàn kết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tại Văn phòng Chính phủ để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.