Hà Nội, Ngày 25/04/2024

Thanh tra với vai trò là cơ quan chống tham nhũng quốc gia

Ngày đăng: 24/05/2022   08:38
Mặc định Cỡ chữ
Thanh tra Quốc hội hiện đại có những điểm “phát triển” về tổ chức, hoạt động, vai trò chức năng so với cơ quan thanh tra Quốc hội cổ điển. Điều này có nghĩa là, bên cạnh chức năng cổ điển là giám sát quyền lực công (chủ yếu là hoạt động hành chính) thì thanh tra Quốc hội hiện đại còn có thêm những chức năng mới, trong đó phổ biến nhất là trở thành cơ quan chống tham nhũng quốc gia.
Văn phòng Thanh tra Philippines

Mô hình thanh tra Quốc hội cổ điển là cơ quan giúp Quốc hội kiểm soát quyền lực đối với các nhánh quyền lực khác thông qua chức năng giám sát các cơ quan thực hiện quyền lực công (cơ quan hành chính và tòa án). Hiện nay, bên cạnh việc ghi nhận chức năng này cho cơ quan thanh tra thì một số quốc gia, vùng lãnh thổ còn quy định cho thanh tra Quốc hội có chức năng là cơ quan chống tham nhũng quốc gia, ví dụ: Papua New Guinea, Philippines, Macau, Uganda, Nam Phi, Nammibia, Ghana, Belize.

Thực ra, chức năng phòng, chống tham nhũng khá gắn bó với chức năng giám sát của thanh tra Quốc hội. Bởi lẽ, chức năng giám sát giúp cho thanh tra nắm bắt được hoạt động của các cơ quan hành chính, phát hiện được các hành vi sai phạm hoặc không hợp lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của họ, trong số đó có những phát hiện có thể liên quan đến các hành vi tham ô, tham nhũng của cơ quan công quyền. Tuy nhiên, việc khẳng định thêm chức năng chống tham nhũng cùng với đó là việc bổ sung một số thẩm quyền cho thanh tra trong lĩnh vực này sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng giúp cơ quan thanh tra chủ động hơn trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Ví dụ, ở Nam Phi, cơ quan này có tên gọi là “người bảo vệ công chúng” (public protector). Theo đó, pháp luật của Nam Phi quy định cơ quan thanh tra có quyền điều tra mọi hành vi liên quan đến quyền lực công hay hành chính công, trong đó có quyền “điều tra các hành vi không trung thực, sử dụng không hợp lý hoặc có sự tham nhũng trong việc sử dụng tài chính công; làm giàu không chính đáng, không theo quy định pháp luật hoặc là nhận một khoản lợi ích không phù hợp từ người khác như là kết quả của việc đưa ra một quyết định hành chính”.

Hay Luật Thanh tra Philippines năm 1989 đã xác định chức năng của thanh tra là: “cơ quan duy trì sự trung thực và liêm chính trong các dịch vụ công và thực hiện các biện pháp tích cực và hiệu quả chống lại hành vi gian lận và tham nhũng”. Mặc dù theo pháp luật Philippines, thanh tra không đồng thời là công tố viên như thanh tra Quốc hội cổ điển nhưng trong cơ cấu của văn phòng thanh tra có bộ phận công tố viên đặc biệt (Special prosecutor), hoạt động dưới sự giám sát và chỉ đạo của thanh tra. Trong vấn đề chống tham nhũng, thông qua công tố viên đặc biệt, thanh tra Quốc hội có thể “truy tố các quan chức bị cáo buộc tham gia vào các hành vi hối lộ và tham nhũng”. Ngoài ra, Thanh tra Philippines còn thực hiện một số nhiệm vụ khác như nghiên cứu chuyên sâu về hệ thống và quy trình hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm phát hiện ra những điểm yếu, kẽ hở tạo cơ hội cho các quan chức nhà nước có hành vi tham ô, tham nhũng, qua đó, đề xuất các biện pháp cải tiến để hạn chế việc mắc phải các hành vi sai phạm của các cơ quan nhà nước. Thanh tra Philippines phối hợp với các tổ chức, cơ quan nhà nước khác như Ủy ban Dịch vụ dân sự (Civil Service Commission), Ủy ban Thanh niên quốc gia (National Youth Commission)… giáo dục, đào tạo, tuyên truyền các tư tưởng, quan niệm sống cho người dân và các quan chức hành chính nhằm hạn chế tham ô, tham nhũng như “cuộc sống đơn giản” (Kapayakan); “tình yêu cho đồng bào” (Pananampalataya)…

Có thể nói, chức năng phòng, chống tham nhũng của thanh tra Quốc hội là sự bổ sung khá hợp lý cho những quốc gia áp dụng mô hình này trong thời kỳ hiện đại. Điều này khiến vai trò kiểm soát quyền lực của thanh tra Quốc hội trở nên mạnh hơn, hiệu quả hơn./.

Theo: daibieunhandan.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Phần Lan dự kiến cắt giảm lương hưu

Ngày đăng 14/04/2024
Chính phủ Phần Lan không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm lương hưu để cải thiện tài chính công.

Sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến vấn đề an sinh xã hội ở Việt Nam

Ngày đăng 29/03/2024
Trong thời đại cách mạng công nghiệp hiện nay, với chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn, đạt được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động cả chiều thuận lợi và không thuận lợi đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, vì vậy cần tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá sự tác động đó để có giải pháp phù hợp với chính sách an sinh xã hội một cách hiệu quả. Đây là nhiệm vụ quan trọng đối với công tác an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.

Kinh nghiệm quốc tế về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư và một số khuyến nghị cho Việt Nam

Ngày đăng 22/03/2024
Nhận diện và phòng ngừa tham nhũng (PNTN) là một vấn đề cần được ưu tiên nghiên cứu, đặc biệt trong một số lĩnh vực quan trọng liên quan tới các dịch vụ công cơ bản như y tế hay giáo dục, từ đó, giúp các cơ quan liên quan tham khảo trong quá trình tham mưu, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư.

Vận dụng các mô hình văn hóa trong quản lý giáo dục

Ngày đăng 11/03/2024
Hiện nay, hệ thống giáo dục cần được quản lý theo hướng mở rộng để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân ở các lứa tuổi khác nhau và đáp ứng yêu cầu học tập nâng cao trình độ của đội ngũ nhân lực bảo đảm phát triển bền vững. Đồng thời, trong xu thế phát triển xã hội hiện nay đòi hỏi các tổ chức phải trở thành “tổ chức học tập”, “đơn vị học tập” và “xã hội học tập”. Do đó, quản lý không giản đơn là việc thực hiện các chức năng hành chính mà quản lý luôn bao gồm việc xây dựng văn hóa tổ chức theo các mô hình như “ba tầng cấp, bốn chiều cạnh văn hóa” và mô hình “các loại hình văn hóa”(1). Cách tiếp cận quản lý theo mô hình văn hóa không thay thế mà bổ sung làm phong phú và đa dạng cho các cách tiếp cận lý thuyết quản lý đối với các loại tổ chức trong xã hội ngày nay. 

Bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số của một số quốc gia và những gợi mở đối với Việt Nam

Ngày đăng 27/02/2024
Trong những năm gần đây, vấn đề để lộ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số ở Việt Nam rất đáng báo động, gây ảnh hưởng tiêu cực đến mỗi cá nhân, cũng như của xã hội. Bài viết nghiên cứu việc bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số của một số quốc gia trên thế giới, đây là những kinh nghiệm và gợi mở đối với Việt Nam để tiếp tục có giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số hiện nay.