Hà Nội, Ngày 25/04/2024

Phải phát ngôn nhất quán, nói đi đôi với làm

Ngày đăng: 25/05/2022   08:12
Mặc định Cỡ chữ
Hầu hết đảng viên - cán bộ hưu trí là những người vừa có tri thức, trình độ chuyên môn, vừa có kinh nghiệm sống và công tác, có uy tín trong xã hội. Do đó, mỗi lời nói, việc làm của đảng viên - cán bộ hưu trí luôn có tác động lan tỏa lớn với những người xung quanh.
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện hiện tượng một số đảng viên - cán bộ hưu trí nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với sau khi về nghỉ hưu. Đây là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đã được chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.

Theo báo cáo mới nhất của Ban Tổ chức Trung ương, giai đoạn 2016-2020, gần 8.300 đảng viên có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị đã bị xử lý kỷ luật. Trong đó, có 477 đảng viên nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói không đi đôi với làm, hứa nhiều, làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu...

Tỷ lệ đảng viên bị xử lý kỷ luật về biểu hiện này không nhiều; nhưng tình trạng “nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu” xuất hiện khá phổ biến. Khi đương chức hoặc còn công tác trong cơ quan, đơn vị, tổ chức thì những cá nhân này tuân thủ nghiêm các quy định phát ngôn, nêu ý kiến trên tinh thần xây dựng; nhưng khi về hưu bắt đầu “trở cờ”. Mức độ nhẹ là những lời nói hoặc sẵn sàng nêu ý kiến về vấn đề nhạy cảm, chưa được kiểm chứng. Mức độ nặng hơn, họ chê bai, coi nhẹ vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, bình phẩm tùy tiện về lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, a dua theo ý kiến của người nọ, người kia; thường xuyên nghe, xem những trang thông tin phản động; “like, share” (ấn nút thích và chia sẻ) những thông tin xấu, độc chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội. Một số người còn thể hiện thái độ bất mãn với suy nghĩ “nước ngoài cái gì cũng hay, nước mình có hay đến mấy cũng không chịu thừa nhận”...

Thậm chí, một số ít người khi về hưu đã lợi dụng dân chủ và chủ trương tăng cường giám sát, phản biện xã hội để đăng đàn trên các diễn đàn mạng cộng đồng, trên mạng xã hội chỉ trích cơ quan Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, khi được một số cư dân mạng tung hô, họ lại tưởng mình là "ngôi sao", càng “viết tợn, nói tợn”. Đáng tiếc là do không kiểm chứng thông tin, phân tích, bình phẩm không dựa trên tinh thần xây dựng, nặng về suy diễn, nên họ đã sai lại càng sai. Một số cán bộ về hưu còn mù quáng tham gia vào nhóm nọ, nhóm kia được các thế lực thù địch, chống phá giúp sức thành lập nhằm ẩn nấp, trá hình cho những mưu đồ cơ hội, phản động, chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Để ngăn chặn biểu hiện "nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu" nêu trên, cần xác định rõ đây không chỉ là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mà về mặt đạo đức xã hội nói chung cũng không thể chấp nhận. Chính vì vậy, cấp ủy, tổ chức Đảng phải đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường tuyên truyền, giáo dục đạo đức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là những người còn đương chức để mỗi người có phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thấy sai dám dũng cảm đấu tranh, thấy đúng phải quyết tâm bảo vệ; giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn; sống thủy chung, trước sau như một...

Mỗi đảng viên - cán bộ hưu trí cần thiết phải “tự soi, tự sửa” mỗi ngày để không trượt ra khỏi con đường mà mình đã chọn là đứng trong hàng ngũ của Đảng, phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc; không ngừng củng cố niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tin tưởng tuyệt đối vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Mỗi người cần có cái nhìn rộng mở, bao quát để không rơi vào tình trạng nhìn nhận thực tiễn theo kiểu phiến diện “thầy bói xem voi”, tuyệt đối tránh tình trạng “đoán bừa, nói bừa, phán bừa”. Thay vào đó là nhìn nhận, phân tích, bình luận, phát ngôn khách quan, khoa học, biện chứng, vì cái chung, vì đại cục.

Cấp ủy, tổ chức Đảng cũng nhất định phải đổi mới hơn nữa sinh hoạt chi bộ, phát huy cao tinh thần dân chủ gắn với tăng cường kỷ cương, kỷ luật Đảng; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Đặc biệt, giải pháp quan trọng hàng đầu đối với cấp ủy, tổ chức Đảng là triển khai thực hiện thật hiệu quả Chỉ thị số 28-CT/TƯ ngày 21/01/2019 của Ban Bí thư (khóa XII) về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, cấp thiết để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; để cán bộ, đảng viên dù đương chức hay về hưu vẫn luôn xứng đáng là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Ðảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân...

Chỉ có thể bằng các giải pháp tổng hợp, lấy con người là trung tâm, coi xây dựng đạo đức trong Đảng là tiên quyết thì hiện tượng “nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu” sẽ được kiểm soát và từng bước bị đẩy lùi, kỷ luật phát ngôn được giữ vững./.

Theo: hanoimoi.com.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng

Ngày đăng 23/04/2024
Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác nhân sự, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước.

Quyết tâm lớn, giải pháp mạnh, đồng tình của người dân!

Ngày đăng 16/04/2024
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương đúng đắn, xu thế tất yếu, không thể chậm trễ và không thể đảo ngược. Tuy nhiên, đây là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng nên phải tính toán kỹ lưỡng, quyết tâm lớn, giải pháp mạnh và có sự đồng tình của người dân.

Ghép tên xã theo kiểu "công bằng máy móc" sẽ tạo ra những cái tên nực cười

Ngày đăng 15/04/2024
Nếu cứ “công bằng” theo kiểu ghép máy móc tên 2 xã được sáp nhập, chúng ta sẽ tạo ra những cái tên bị nhiều người đánh giá là buồn cười như “Đôi Hậu” ở Nghệ An.

Cảnh giác trước những luận điệu giả danh phản biện xã hội

Ngày đăng 09/04/2024
Phản biện xã hội là một hình thức thể hiện tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến một cách có cơ sở khoa học nhằm thực hiện quyền dân chủ và ý thức trách nhiệm của công dân. Ở Việt Nam, phản biện xã hội ngày càng được mở rộng nhằm thúc đẩy việc xây dựng nhà nước pháp quyền và quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, cũng như phát huy trí tuệ cộng đồng. Tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân đã và đang lợi dụng quyền này để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước gây bức xúc dư luận, đòi hỏi cần phải kịp thời vạch trần và lên án.

Để không hổ thẹn với dân, với chính mình

Ngày đăng 04/04/2024
Trong cuộc sống, có làm ắt có đúng có sai, nhất là những công việc khó khăn, phức tạp, nhạy cảm tác động đến nhiều người. Nhưng nếu chỉ vì sợ sai, sợ bị xử lý, sợ phải chịu trách nhiệm mà chùn bước, thì không xứng đáng là cán bộ, đảng viên, không xứng đáng với niềm tin của nhân dân.