Hà Nội, Ngày 29/03/2024

Quảng Nam nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Ngày đăng: 16/05/2022   11:51
Mặc định Cỡ chữ
Thực hiện thành công Đề án về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới sẽ là giải pháp hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh...

Ảnh minh họa.

Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Trong đó, yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải nâng cao trách nhiệm, triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ và tạo môi trường, điều kiện để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ. Đồng thời, Nghị quyết cũng nêu: Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược bảo đảm các tiêu chuẩn quy định và đáp ứng yêu cầu, trong đó bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt; bồi dưỡng toàn diện về kỹ năng; định kỳ cập nhật kiến thức mới theo từng nhóm đối tượng là một trong những định hướng được xác định.

Xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh Quảng Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khoá XII), thời gian qua, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh uỷ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác cán bộ, trong đó đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được quan tâm, chú trọng.

Đội ngũ cán bộ đạt chuẩn

Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Quảng Nam có 39.393 CBCCVC, được chia thành 5 nhóm: (1) Cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý (231 đồng chí); (2) Cán bộ được quy hoạch các chức danh cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý (713 đồng chí); (3) Cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện BTV cấp ủy cấp huyện, sở, ban, ngành, mặt trận và các đoàn thể tỉnh quản lý (2.925 đồng chí); (4) CBCCVC được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc diện BTV cấp huyện quản lý (994 đồng chí) và CBCCVC được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc sở, ban, ngành, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tỉnh quản lý (5.475 đồng chí); (5) CBCCVC còn lại (29.055 đồng chí).

Nhờ làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ CBCCVC của tỉnh về cơ bản đã đạt tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và trình độ lý luận chính trị theo quy định. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện thường xuyên đã góp phần nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ CBCCVC toàn tỉnh, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị đề ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên những vẫn còn một bộ phận chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn. Thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, có khả năng dự báo, xử lý tốt những vấn đề phát sinh từ thực tiễn; thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn sâu ở một số lĩnh vực. Một số cán bộ chưa được chuẩn hóa về trình độ ngoại ngữ, tin học; trình độ, khả năng làm việc trong môi trường quốc tế và xử lý thông tin trên không gian mạng của đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý có mặt còn hạn chế. Một số cán bộ chưa được đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh, kỹ năng lãnh đạo, quản lý; chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức cần thiết trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử nên khi thực hiện nhiệm vụ còn bị động, lúng túng. Nhiều cán bộ được đào tạo chuyên môn chưa gắn với yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh, chưa phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhiệm.

Trước thực trạng đó, cũng như trước yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, Tỉnh uỷ Quảng Nam nhận thấy cấp thiết phải có giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung, từng khâu trong công tác cán bộ nói riêng, trong đó đào tạo, bồi dưỡng là một khâu quan trọng. Trên tinh thần đó, Đề án số 10-ĐA/TU, ngày 30/3/2022 của Tỉnh uỷ Quảng Nam về đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030 được ban hành đã góp phần đưa ra giải pháp quan trọng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong toàn tỉnh.

Hướng tới nâng cao chất lượng đội ngũ

Đề án số 10-ĐA/TU được xây dựng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho CBCCVC. Thông qua tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thường xuyên và khuyến khích việc tự học, tự nghiên cứu của CBCCVC nhằm xây dựng đội ngũ CBCCVC của tỉnh có chất lượng và cơ cấu hợp lý, đủ khả năng lãnh đạo để đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.

Đề án cũng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Nam.

Đề án đã đề ra các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn cho phù hợp. Trước mắt, giai đoạn 2022-2025, tỉnh phấn đấu có 100% cán bộ thuộc nhóm 1, 2, 3 (theo các nhóm nêu trên) được đào tạo đạt chuẩn chuyên môn và lý luận chính trị, được bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý theo lĩnh vực công tác và thường xuyên được cập nhật kiến thức mới. Đồng thời, có 50% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Đối với nhóm 4 và 5, 100% CBCCVC hoàn thành tiêu chuẩn ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức theo quy định. Tiếp theo, giai đoạn 2025-2030, tỉnh phấn đấu có 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh quy định và cập nhật kiến thức mới. 70% cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt dưới 55 tuổi và cán bộ quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt của tỉnh dưới 50 tuổi được đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài về kỹ năng, lãnh đạo, quản lý, ngoại ngữ và tin học. Phấn đấu có trên 20% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.

Cán bộ tham gia Đề án được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Các nội dung bồi dưỡng được chú trọng như: bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 và nhiệm kỳ 2025-2030; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo tiêu chuẩn chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới; bồi dưỡng qua thực tiễn; bồi dưỡng ở nước ngoài; bồi dưỡng ngoại ngữ; bồi dưỡng tin học; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh; bồi dưỡng cho cán bộ người dân tộc thiểu số; bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số; bồi dưỡng chuyên sâu về ngành, lĩnh vực công tác; bồi dưỡng quản lý nhà nước…

Với mục tiêu đã đề ra, Tỉnh uỷ Quảng Nam xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để đảm bảo thực hiện thành công Đề án. Theo đó, từ nay đến năm 2025, tỉnh tập trung xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện các nội dung của Đề án; ban hành các cơ chế, chính sách bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra. Nghiên cứu tăng cường bồi dưỡng theo nhu cầu và yêu cầu vị trị việc làm; thực hiện bồi dưỡng trước khi đề bạt, bổ nhiệm. Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Đề án giai đoạn 2022-2025 và tùy vào tình hình thực tế, Quảng Nam sẽ quyết định cụ thể những vấn đề về công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC giai đoạn 2025-2030.

Với mục tiêu rõ ràng, lộ trình cụ thể, sự quyết tâm của các cấp uỷ và sự đồng thuận của đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân, Đề án về đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC của tỉnh Quảng Nam chắc chắn sẽ đạt mục tiêu đề ra, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh ngày càng vững mạnh, cùng Đảng bộ, Nhân dân Quảng Nam thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng./.

Theo: xaydungdang.org.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Tỉnh Long An xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao và năng lực sáng tạo

Ngày đăng 26/03/2024
Long An là tỉnh nằm ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với vị trí vừa tiếp giáp, vừa là cửa ngõ nối liền Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ nên rất thuận lợi trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, lãnh đạo các ngành, địa phương của tỉnh Long An luôn quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và có nhiều giải pháp, chính sách để thu hút, thúc đẩy đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng nhu cầu của địa phương.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ cấp cơ sở của thành phố Hà Nội

Ngày đăng 08/03/2024
Chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở là một trong những nhân tố quyết định, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của hệ thống Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và xây dựng hệ thống chính trị cấp cơ sở trong sạch, vững mạnh. Từ phân tích thực trạng, bài viết đưa ra các giải pháp để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở của thành phố Hà Nội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Tỉnh Tuyên Quang tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Ngày đăng 28/02/2024
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một nội dung rất quan trọng trong công tác cán bộ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong sự nghiệp phát triển đất nước nói chung và tỉnh Tuyên Quang nói riêng. Bài viết khái quát những kết quả đạt được và đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Tuyên Quang đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay

Ngày đăng 19/02/2024
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là yếu tố quyết định đến việc triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, đào tạo, bồi dưỡng là một trong các nội dung, chức năng cơ bản của quản lý nguồn nhân lực khu vực công hiện nay. Tuy nội hàm của “đào tạo” và “bồi dưỡng” không hoàn toàn đồng nhất, nhưng công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC là tổng thể các hoạt động được thực hiện một cách có kế hoạch, có hệ thống nhằm bổ sung tri thức, kỹ năng, động cơ, thái độ và hành vi, từ đó nâng cao hiệu quả công việc được giao của mỗi CBCCVC cũng như làm tăng lên mức độ đóng góp, cống hiến của họ đối với việc thực hiện mục tiêu của tổ chức, đơn vị.

Quản lý chặt chẽ các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; kiên quyết khắc phục căn bệnh ngại học, lười học về lý luận chính trị

Ngày đăng 17/01/2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phải có quyết tâm chính trị cao, không ngừng phấn đấu để khẳng định bản sắc, vị trí trung tâm quốc gia hàng đầu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp cho Đảng và Nhà nước. Quản lý chặt chẽ các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; kiên quyết khắc phục căn bệnh ngại học, lười học, học qua loa, học đại khái về lý luận chính trị.

Tiêu điểm

Chat GPT - Góc nhìn quản lý nhà nước

Sự ra đời của Chat GPT (còn gọi là ChatGPT, chatbot) là bước “đột phá” cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực công nghệ AI, có thể tác động lớn tới hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau. Mặc dù, còn nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực tiềm ẩn nhưng nếu tiếp cận phát triển công nghệ này một cách có trách nhiệm và đạo đức thì có thể đảm bảo rằng Chat GPT sẽ trở thành một công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả lĩnh vực.