Hà Nội, Ngày 19/04/2024

Kết quả triển khai mô hình đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến tại Học viện Hành chính Quốc gia

Ngày đăng: 11/05/2022   16:35
Mặc định Cỡ chữ
Trong thời đại ngày nay – thời đại số, thời đại của thông tin và nền kinh tế tri thức, nền kinh tế số đã tạo ra những biến đổi to lớn trong mọi hoạt động của con người và xã hội. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, học trực tuyến đã được áp dụng phổ biến ở một số quốc gia trên thế giới, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Xinh-ga-po… và đang trở thành xu hướng mới của giáo dục thời đại 4.0. Đặc biệt, từ khi có đại dịch Covid-19, phương pháp học trực tuyến đã được áp dụng mạnh mẽ và rộng khắp tại Việt Nam, trong đó có Học viện Hành chính Quốc gia.
Họp trực tuyến giữa lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia và Trường Đào tạo cán bộ cao cấp của Nhà nước và Chính phủ Cu-ba, ngày 02/3/2022.

Dạy học trực tuyến (E-learning) là hình thức giảng dạy và học tập trên internet. Trong đó, người dạy sử dụng các ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin (CNTT) để tổ chức hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học, bao gồm: dạy học thông qua hệ thống quản lý học tập (LMS – Learning Management System); dạy học thông qua hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS – Learning Content Management System); dạy học thông qua các hệ thống dạy học trực tuyến.

Thực trạng dạy học trên internet tại Học viện Hành chính Quốc gia

Những năm gần đây, Học viện Hành chính Quốc gia đã đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT, trang thiết bị hiện đại; xây dựng và ban hành quy chế đào tạo, chương trình đào tạo phục vụ tổ chức, triển khai mô hình đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến và đã đạt được một số kết quả sau:

Về quy chế: Học viện đã xây dựng quy chế ứng dụng CNTT trong quản lý, tổ chức đào tạo nhằm bảo đảm hệ thống quản lý, giám sát trong suốt quá trình giảng dạy, học tập, thi, kiểm tra, đánh giá và cấp văn bằng, chứng chỉ. Đơn vị khảo thí tổ chức xây dựng ngân hàng đề thi đầy đủ và thực hiện quy trình khảo thí độc lập.

Về nội dung, chương trình: Hệ thống bài giảng điện tử, thư viện điện tử với số lượng đầu sách, giáo trình, tài liệu tham khảo và các cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành để cung cấp, hỗ trợ cho việc học tập và nghiên cứu của người học phù hợp với từng đối tượng người học. Bên cạnh đó, Học viện xác định phương hướng, kế hoạch phát triển đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tới nhằm xây dựng hoàn chỉnh đề cương chi tiết của từng học phần, chuyên đề đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng trong tình hình mới.

Về cơ sở vật chất: Học viện đã đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng trên internet, gồm: hệ thống máy chủ và hạ tầng kết nối mạng internet; xây dựng phòng kỹ thuật lắp đặt các thiết bị phục vụ công tác giảng dạy; phòng làm việc phục vụ sinh hoạt của cán bộ quản lý, giảng viên và trang bị các thiết bị cần thiết khác.

Về nguồn nhân lực: Học viện đã xây dựng được đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT có trình độ chuyên môn vững, đủ năng lực vận hành hệ thống một cách hiệu quả. Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, cán bộ hỗ trợ học tập đã được bồi dưỡng về kỹ năng và phương pháp giảng dạy trên internet.

Hệ thống phần mềm, cổng thông tin điện tử: Hệ thống ứng dụng CNTT quản lý trực tuyến toàn bộ thông tin từ quá trình tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng, xét tốt nghiệp và cấp bằng cho từng người học đã hoạt động hiệu quả. Cổng thông tin điện tử cập nhật thường xuyên thông tin về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng giáo dục, học phí…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến vẫn còn một số khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế như: hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy trên môi trường internet chưa đáp ứng được số lượng người học truy cập vào hệ thống cùng một lúc nên xảy ra sự cố hoặc tình trạng tốc độ chậm, nghẽn…; thiết bị phục vụ trường quay đã cũ làm giảm chất lượng hình ảnh, âm thanh; phòng giảng dạy chưa đạt chuẩn về cách âm nên ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học; một số giảng viên chưa thật sự thành thạo trong việc sử dụng thiết bị dạy học trực tuyến cũng làm ảnh hưởng đến quá trình truyền đạt nội dung bài giảng…

Ngoài ra, việc quản lý và giám sát đối với người học gặp nhiều khó khăn và khó kiểm soát vì nhiều lý do khách quan, như: những quy tắc ứng xử trên mạng trong giữ gìn trật tự lớp học, xin phép ra vào lớp, phát biểu, ngôn ngữ giao tiếp mạng đều ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả học tập. Thư viện điện tử, kho học liệu số chưa thực sự phong phú, các loại văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành chưa được cập nhật kịp thời phục vụ cho người học. Sự phối hợp giải quyết công việc giữa các đơn vị chưa thực sự hiệu quả, thiếu tính chủ động…

Một số giải pháp nhằm phát triển đào tạo, bồi dưỡng trên internet tại Học viện

Một là, nâng cấp hệ thống máy chủ, hạ tầng kết nối internet; xây dựng mới trường quay và phòng học trực tuyến đủ tiêu chuẩn chất lượng.

Hai là, tổ chức rà soát, biên soạn giáo trình, tài liệu và thiết kế các bài giảng phù hợp với hình thức dạy trực tuyến; bổ sung và cập nhật văn bản mới nhằm nâng cấp kho học liệu số phù hợp tình hình thực tiễn.

Ba là, tổ chức các khóa tập huấn về phương pháp giảng dạy, kỹ năng xử lý tình huống dạy học trên internet, các kỹ năng sử dụng thiết bị, phần mềm,… đây là những yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả tiếp thu kiến thức của người học.

Bốn là, xây dựng chính sách quản lý cho các hoạt động dạy học trên môi trường mạng được pháp luật thừa nhận, có sự đồng bộ chung giữa Học viện và địa phương. Cần có biện pháp nâng cao tính tự giác của người học trong quá trình tham gia học tập.

Năm là, xây dựng chương trình khảo sát lấy ý kiến người học về phương pháp dạy học trên internet để có cơ sở điều chỉnh cho phù hợp.

Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt các quốc gia phát triển đào tạo trên internet, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Xinh-ga-po…./.

-----------------------

Tài liệu tham khảo:

1. https://moet.gov.vn

2. Nguyễn Thành Tâm. Thách thức và Giải pháp đối với đào tạo trực tuyến tại Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh giáo dục thông qua kỹ thuật số. Tạp chí khoa học công nghệ, số 4/2018.

3. Lê Ngọc Thông. Đào tạo trực tuyến trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và sự đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng mô hình hóa. Kỷ yếu hội thảo Quốc gia về Đào tạo trực tuyến trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. H. Nxb Kinh tế Quốc dân, 2017.

4. Phan Chí Thành. Cách mạng công nghiệp 4.0. Xu thế phát triển của giáo dục trực tuyến. Tạp chí Giáo dục số 432, 1/2018.

 

ThS Lê Thị Thu Thủy - Học viện Hành chính Quốc gia

Theo: quanlynhanuoc.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Hướng dẫn về tiêu chuẩn quản lý nhà nước đối với các trường hợp có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính

Ngày đăng 06/04/2024
Bộ Nội vụ cho biết, trường hợp có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị - hành chính trước ngày 30/6/2022 thì thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP, theo đó không phải hoàn thiện tiêu chuẩn về quản lý nhà nước tương ứng trong trường hợp tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý có quy định.

Tỉnh Long An xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao và năng lực sáng tạo

Ngày đăng 26/03/2024
Long An là tỉnh nằm ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với vị trí vừa tiếp giáp, vừa là cửa ngõ nối liền Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ nên rất thuận lợi trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, lãnh đạo các ngành, địa phương của tỉnh Long An luôn quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và có nhiều giải pháp, chính sách để thu hút, thúc đẩy đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng nhu cầu của địa phương.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ cấp cơ sở của thành phố Hà Nội

Ngày đăng 08/03/2024
Chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở là một trong những nhân tố quyết định, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của hệ thống Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và xây dựng hệ thống chính trị cấp cơ sở trong sạch, vững mạnh. Từ phân tích thực trạng, bài viết đưa ra các giải pháp để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở của thành phố Hà Nội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Tỉnh Tuyên Quang tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Ngày đăng 28/02/2024
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một nội dung rất quan trọng trong công tác cán bộ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong sự nghiệp phát triển đất nước nói chung và tỉnh Tuyên Quang nói riêng. Bài viết khái quát những kết quả đạt được và đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Tuyên Quang đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay

Ngày đăng 19/02/2024
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là yếu tố quyết định đến việc triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, đào tạo, bồi dưỡng là một trong các nội dung, chức năng cơ bản của quản lý nguồn nhân lực khu vực công hiện nay. Tuy nội hàm của “đào tạo” và “bồi dưỡng” không hoàn toàn đồng nhất, nhưng công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC là tổng thể các hoạt động được thực hiện một cách có kế hoạch, có hệ thống nhằm bổ sung tri thức, kỹ năng, động cơ, thái độ và hành vi, từ đó nâng cao hiệu quả công việc được giao của mỗi CBCCVC cũng như làm tăng lên mức độ đóng góp, cống hiến của họ đối với việc thực hiện mục tiêu của tổ chức, đơn vị.