Hà Nội, Ngày 26/04/2024

Cơ cấu tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở Cộng hòa liên bang Brasil

Ngày đăng: 28/04/2022   07:11
Mặc định Cỡ chữ
Cộng hòa liên bang Brasil là cường quốc hàng đầu ở khu vực Mỹ Latinh, có hệ thống chính trị vừa thể hiện đa dạng vừa mang tính chất đặc thù. Hiến pháp liên bang quy định Brasil là một quốc gia theo thể chế cộng hòa liên bang, được tạo lập dựa trên thể chế chính trị là liên bang, bang, các chính quyền thành phố tự trị và quận liên bang. Bài viết trình bày, phân tích và đánh giá về cơ cấu tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở Brasil.
Ảnh minh họa

Những nguyên tắc cơ bản về thể chế chính trị ở Cộng hòa liên bang Brasil

Nguyên tắc liên bang

Hiến pháp năm 1988 khẳng định Brasil là một nhà nước liên bang liên kết chặt chẽ, không thể bị chia nhỏ thành các quốc gia độc lập, riêng biệt. Chính quyền liên bang có đầy đủ chức năng, thẩm quyền, vai trò, ảnh hưởng, quan hệ của một chính quyền quốc gia. Quyền lực của chính quyền mỗi bang giới hạn trong phạm vi của bang và bị hạn chế đối với các vấn đề quốc phòng, ngoại giao. Các bang liên kết, hợp tác với nhau; không được gây hấn, xâm chiếm cũng không được liên minh thiết lập một chính quyền riêng. Quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công dân đều được đảm bảo bởi cả nhà nước bang của công dân đó và nhà nước liên bang. Việc tạo lập, duy trì chế độ liên bang nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước, dân tộc; bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo vệ các giá trị của người lao động và người sử dụng lao động.

Nguyên tắc phân quyền

Điều 2 Hiến pháp năm 1988 của Brasil xác định: quyền lực nhà nước phải được thực hiện bởi ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp, trong điều kiện vừa độc lập vừa hợp tác và kiềm chế lẫn nhau. Theo chiều ngang, quyền lực nhà nước được phân chia cho 3 hệ thống cơ quan, có chức năng riêng, được hình thành bởi các phương thức khác nhau, giữ nhiệm kỳ khác nhau, hoạt động độc lập nhưng có sự kiềm chế lẫn nhau để đảm bảo không lấn quyền hoặc loại trừ nhau. Theo chiều dọc, tùy thuộc quy mô, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, nhu cầu mà có sự phân chia thẩm quyền hợp lý giữa 03 cấp chính quyền từ trung ương tới cơ sở: liên bang - bang - địa phương.

Nguyên tắc cộng hòa

Nền cộng hòa ở Brasil được thiết lập từ năm 1889 và được đề cập trong các bản Hiến pháp, nhưng chỉ thực sự trở thành nguyên tắc hiến định từ Hiến pháp năm 1988. Quyền lực nhà nước Brasil là của dân, do dân và vì dân, được đại diện hợp lý, xứng đáng và chia sẻ công bằng. Cộng hòa trở thành hình thức chính thể, bản chất xã hội và cơ cấu tổ chức của nhà nước Brasil hiện đại. Mọi cơ quan nhà nước đều được nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp lập nên bằng bầu cử và hoạt động theo nhiệm kỳ; không chấp nhận tái lập thể chế quân chủ hoặc độc tài.

Nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền công dân

Theo quy định của Hiến pháp liên bang, hiến pháp của các bang và các đạo luật, mọi người dân Brasil đều được bảo đảm những quyền cơ bản, bất khả xâm phạm như quyền được sống, tự do, sở hữu, được bảo đảm an ninh và bình đẳng trước pháp luật. Mọi thực thể trong hệ thống chính trị đều phải thực hiện, tuân thủ và tôn trọng nguyên tắc này. Cụ thể, các quyền xã hội, được quy định cụ thể theo nguyên tắc đảm bảo quyền được làm việc, hưởng giáo dục, nghỉ ngơi, bảo đảm an ninh, an sinh xã hội, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, được hỗ trợ khi thiếu thốn, thất nghiệp, nghèo đói, bệnh tật; các quyền chính trị, được quy định nhằm thực hiện nguyên tắc chủ quyền của nhân dân và các quyền cụ thể của cá nhân, thông qua việc bỏ phiếu trực tiếp hoặc gián tiếp một cách bình đẳng trong những cuộc bầu cử, ứng cử, trưng cầu ý dân…

Cơ cấu và tổ chức hệ thống chính trị

Chính quyền liên bang

- Tổng thống và Chính phủ: Tổng thống phải là công dân Brasil, được sinh ra ở Brasil và tuổi tối thiểu là 35. Hiến pháp năm 1997 cho phép Tổng thống có thể giữ chức nhiều nhiệm kỳ, miễn là không quá 02 nhiệm kỳ liền nhau (mỗi nhiệm kỳ là 04 năm). Tổng thống mới sẽ được cử tri trực tiếp bầu, kèm Phó Tổng thống mới 90 ngày trước khi đương kim Tổng thống mãn nhiệm. Ứng viên tổng thống phải thuộc đảng phái chính trị nào đó và để đắc cử, phải giành được đa số tuyệt đối (trên 50%) phiếu bầu. Nếu không ứng viên nào giành được đa số phiếu tuyệt đối thì cuộc bầu cử lần hai sẽ được tổ chức trong vòng 20 ngày kể từ khi công bố kết quả bầu cử lần đầu.

Theo Điều 84 Hiến pháp năm 1988, Tổng thống Brasil có thẩm quyền rất lớn: đứng đầu và quản lý ngành hành pháp; bổ nhiệm bộ trưởng, thẩm phán tòa tối cao và các quan chức cao cấp hành pháp, tư pháp khác; đề xuất lập pháp; đề xuất các dự chi ngân sách, kế hoạch, chương trình phát triển hàng năm, nhiều năm; phủ quyết một phần hoặc toàn bộ dự luật đã được Quốc hội thông qua; phê chuẩn và công bố dự luật đã được Quốc hội thông qua, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật; thống lĩnh các lực lượng vũ trang; ân xá một phần hoặc toàn phần cho tội nhân; thiết lập, duy trì hoặc cắt bỏ quan hệ với các nước; tiếp đón nguyên thủ và thủ tướng các nước; tiếp nhận đại diện ngoại giao quốc gia của các nước; đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế… Giúp việc Tổng thống là Phó Tổng thống, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Quốc phòng, Nội các và nhiều cơ quan khác. Bộ máy này hợp thành với Tổng thống, tạo nên Chính phủ Brasil.

Hội đồng Nhà nước là cơ quan cố vấn cho Tổng thống về những vấn đề quan trọng như việc liên quan đến tính ổn định của thể chế dân chủ, sự can thiệp của liên bang, tình hình an ninh, thực trạng chiến tranh… Hội đồng này có 14 người (Phó Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện, các nhà lãnh đạo đa số và thiểu số ở Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện, các nhà lãnh đạo đa số và thiểu số ở Thượng viện, Bộ trưởng Tư pháp và 06 công dân trên 35 tuổi - trong đó 02 người do Tổng thống, 02 người do Thượng viện và 02 người do Hạ viện bổ nhiệm, với nhiệm kỳ 03 năm và không được tái bổ nhiệm). Tổng thống cũng có thể yêu cầu một hoặc nhiều bộ trưởng có mặt trong các phiên họp của Hội đồng Nhà nước khi bàn thảo về lĩnh vực liên quan đến bộ, ngành đó. 

Hội đồng Quốc phòng là cơ quan tư vấn an ninh - quân sự cho Tổng thống về các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, bảo vệ Nhà nước và lãnh thổ liên bang. Hội đồng Quốc phòng bao gồm Phó Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện, các bộ trưởng tư pháp, kế hoạch, ngoại giao, an ninh, quân sự. Nội các Brasil hiện nay gồm 21 bộ và 02 văn phòng tương đương, phụ trách các bộ, ngành liên quan của nền hành chính liên bang. Văn phòng Công tố là cơ quan công tố, có nhiệm vụ bảo vệ trật tự pháp lý, chế độ dân chủ và các quyền không thể bị bãi bỏ của cá nhân, tổ chức và xã hội. Còn Văn phòng Tư vấn công cộng là cơ quan đại diện và tư vấn pháp lý, có nhiệm vụ đại diện cho ngành hành pháp trong và ngoài tòa án, tư vấn pháp luật, hỗ trợ hành pháp. 

- Quốc hội: Quốc hội Brasil bao gồm Thượng nghị viện và Hạ nghị viện, với thành viên là các nghị sĩ sinh ra tại Brasil và không giới hạn số nhiệm kỳ. Hạ nghị viện có 513 ghế được phân bổ cho các bang và quận đặc biệt. Hạ nghị sĩ phải trên 21 tuổi và mỗi nhiệm kỳ là 04 năm. Thượng nghị viện có 81 ghế, quận đặc biệt và mỗi bang đều được 03 ghế. Thượng nghị sĩ phải trên 35 tuổi và mỗi nhiệm kỳ là 08 năm, trong đó bầu hai lần (một lần 1/3 và một lần 2/3) cách nhau 04 năm trong mỗi nhiệm kỳ. Quốc hội nắm quyền lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia. Điều 49 Hiến pháp 1988 quy định: Quốc hội có quyền soạn thảo, thông qua các văn bản lập pháp (gồm Hiến pháp và Hiến pháp sửa đổi, luật và luật sửa đổi bổ sung, pháp lệnh, nghị quyết, quyết định về các biện pháp tạm thời); thông qua các báo cáo tài chính và xem xét báo cáo về thực hiện các kế hoạch hành pháp; kiểm tra, giám sát những hoạt động, hành vi của toàn ngành và cá nhân các quan chức hành pháp, tư pháp; phê chuẩn, sửa đổi hoặc bãi bỏ các điều ước quốc tế Tổng thống đã ký; cho phép hoặc không cho phép Tổng thống tuyên bố chiến tranh, lực lượng quân sự nước ngoài đi qua lãnh thổ…

- Hệ thống tòa án liên bang: bao gồm Tòa án tối cao, Tòa án phúc thẩm, các tòa án khu vực liên bang, các tòa án chuyên trách (về bầu cử, lao động, dân sự, quân sự, hành chính…), các tòa án của bang, quận liên bang và lãnh thổ liên bang. Tòa án Tối cao liên bang gồm 11 thẩm phán là những người nổi tiếng, uyên bác về luật pháp, có độ tuổi từ 35 đến 65, được Tổng thống đề cử và bổ nhiệm sau khi Thượng viện phê chuẩn với đa số tuyệt đối phiếu. Thẩm phán của Tòa án phúc thẩm cũng cần tiêu chuẩn và sự bổ nhiệm tương tự, nhưng chỉ cần Thượng viện phê chuẩn với đa số tương đối phiếu. Thẩm phán của các tòa án liên bang khác chỉ cần ở mức thấp hơn 30 đến 65 tuổi và không cần sự phê chuẩn của Thượng viện…

Tất cả các thẩm phán liên bang đều được bổ nhiệm với nhiệm kỳ suốt đời, được hưởng khoản lương không sụt giảm… nhưng không được giữ bất cứ chức vụ nào trong bất kỳ cơ quan nào khác - kể cả khi đã rời khỏi vị trí thẩm phán, trừ việc đảm nhận chức vụ giảng dạy. Thẩm phán chỉ được tham gia xét xử khách quan, độc lập, không được nhận bất kỳ một khoản lệ phí tòa án nào, vì bất cứ lý do gì và không được tham gia vào bất kỳ sự tranh tụng nào.

Chính quyền cấp bang

- Chính quyền bang được tổ chức theo phân quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mỗi bang có một thống đốc và một phó thống đốc lãnh đạo bộ máy hành pháp bang với nhiệm kỳ 04 năm. Cả thống đốc và phó thống đốc đều là chức vụ được cử tri bầu trực tiếp, vào thời gian trước ít nhất là 90 ngày so với ngày mãn nhiệm nhiệm kỳ hiện tại. Khác với chính quyền liên bang, trong cơ quan lập pháp mỗi bang chỉ có một viện duy nhất gọi là nghị viện bang. Tổng số nghị sĩ được quy định gấp 3 lần tổng số các hạ nghị sĩ của bang đó trong Hạ viện liên bang. Hầu hết mỗi bang đều có một tòa án tối cao bang, một tòa án phúc thẩm, nhiều tòa án khu vực và lưu động, cùng chia sẻ quyền lực tư pháp và xét xử, phán quyết theo trình tự từ tòa cấp thấp lên tòa cấp sát trên. Mọi vụ việc chỉ được coi là giải quyết xong ở cấp bang sau khi thông qua tòa án tối cao bang.

- Chính quyền khu vực liên bang: có cơ cấu tổ chức và thẩm quyền, quan hệ, hoạt động như chính quyền bang. Mỗi khu vực liên bang cũng có cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp (tương tự chính quyền bang). Hiến pháp liên bang quy định đối mỗi khu vực liên bang có 100.000 dân trở lên thì bắt buộc phải có hệ thống tòa án xét xử từ 02 cấp trở lên, cùng các cơ quan tư pháp như văn phòng công tố, văn phòng tư vấn công cộng…

- Chính quyền quận và lãnh địa liên bang: cũng tổ chức tương tự như chính quyền bang và khu vực liên bang, tuy nhiên không được chia nhỏ thành các địa phương hay đô thị giống như bang và khu vực liên bang.

Chính quyền địa phương

Mỗi bang hoặc khu vực liên bang được chia làm nhiều đơn vị hành chính địa phương và đô thị. Mỗi đơn vị cơ sở này có những quyền mà bang hoặc khu vực liên bang ủy thác, đồng thời có các quy chế, luật lệ riêng để áp dụng, thực hiện nhiệm vụ quản lý những hoạt động cơ bản tại khu vực mình.

Quân đội

Brasil hiện là quốc gia có lực lượng quân đội lớn nhất Mỹ Latinh, bao gồm 3 bộ phận chính là hải quân, lục quân, không quân. Theo Hiến pháp năm 1988, cảnh sát cũng được coi là một nhánh của quân đội, nhưng chịu sự chỉ huy của từng bang. Quân đội có khoảng 60% quân số tuyển theo chế độ nghĩa vụ quân sự dành cho nam giới tuổi từ 21 đến 45, thời hạn tham gia từ 9 đến 12 tháng; còn tự nguyện thì tuổi từ 17 đến 45, không có thời hạn. Brasil còn có lực lượng quân sự bán chính quy và quân nhân dự bị.

Các hoạt động và thiết chế quan hệ chính trị

Hoạt động bầu cử

Bầu cử là hoạt động tiêu biểu, quan trọng và thông dụng nhất trong hệ thống chính trị Brasil; phản ánh vai trò, giá trị và mức độ tham gia chính trị của từng công dân, tổ chức, đảng phái; tạo ra nhân lực, cơ cấu mới cho các thiết chế chính quyền, quyết định thực trạng và xu hướng phát triển của cả hệ thống chính trị. Các thiết chế chính quyền được thực hiện quyền lực chính trị bằng sức mạnh bảo đảm, cưỡng chế của nhà nước và pháp luật, nên các thiết chế khác thường tìm cách tham gia, tác động đến quyền lực chính trị ấy bằng vị thế chính trị bản thân, những mối quan hệ chính trị và các phong trào chính trị… 

Nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền công dân được Hiến pháp năm 1988 đề cao, tạo sự mở rộng về các quyền bầu cử. Hiện nay, pháp luật bầu cử quy định quyền cũng là nghĩa vụ bầu cử phổ thông và bắt buộc đối với tất cả công dân biết chữ trong độ tuổi 18-70. Những công dân tuổi từ 16 đến dưới 18 hoặc trên 70 và những công dân không biết chữ từ 16 tuổi trở lên cũng được quyền bầu cử, nhưng không có nghĩa vụ phải bầu cử. Bầu cử thông qua cơ chế phổ thông, trực tiếp với hình thức công khai hoặc phiếu kín, mỗi phiếu có giá trị như nhau.

Ủy ban Bầu cử quốc gia đảm trách tất cả những vấn đề liên quan đến bầu cử, như đăng ký cử tri; đăng ký ứng viên; ngày giờ, nơi và thủ tục lúc bỏ phiếu; giám sát và công bố kết quả bầu cử… Tại các bang, việc này thuộc về các ủy ban bầu cử khu vực trong mỗi bang. 

Hoạt động tương tác giữa các thiết chế chính quyền

Ở chính quyền liên bang, Quốc hội nắm giữ quyền lập pháp. Đối với hành pháp, Quốc hội được giám sát, kiểm tra hoạt động; phê chuẩn, sửa đổi hoặc bãi bỏ các điều ước quốc tế mà ngành hành pháp đã ký; chuẩn y hoặc phủ quyết các quyết định hành pháp đặc biệt; buộc tội, xét xử, cách chức, bãi nhiệm Tổng thống và các quan chức cao cấp nếu phạm trọng tội… Còn đối với ngành tư pháp, Quốc hội được giám sát hoạt động; quy định chế độ, mức lương và quyền lợi ưu đãi cho thẩm phán liên bang; xem xét, đình chỉ công tác hoặc bãi nhiệm thẩm phán liên bang phạm tội. Thượng viện được phê chuẩn hoặc không phê chuẩn những thẩm phán tòa tối cao và tòa phúc thẩm liên bang do Tổng thống đề cử…

Tổng thống nắm giữ quyền nguyên thủ quốc gia và quyền hành pháp. Đối với lập pháp, Tổng thống có sáng quyền lập pháp (quyền đề xuất lập pháp); phê chuẩn và công bố dự luật của Quốc hội thành đạo luật, ban hành văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành luật; phủ quyết toàn bộ hoặc một phần dự luật của Quốc hội; triệu tập các phiên họp đặc biệt, khẩn cấp của Quốc hội… Đối với ngành tư pháp, Tổng thống tham gia sắp xếp quy mô, nhân sự và hoạt động; đề cử, bổ nhiệm tất cả chánh án và thẩm phán liên bang; ra lệnh truy nã, bắt giữ những tội phạm đặc biệt nguy hiểm; ân xá một phần hoặc toàn bộ cho phạm nhân liên bang (giảm nhẹ hoặc bãi bỏ phán quyết trừng phạt của tòa án liên bang)…

Tòa án tối cao liên bang nắm giữ quyền tư pháp. Đối với ngành lập pháp, Tòa án tối cao được quyền xem xét và phán quyết những văn bản, quyết định, hoạt động của Quốc hội có vi hiến không; xét xử các nghị sĩ nếu họ phạm trọng tội; giải thích theo quan điểm của mình chứ không phải Quốc hội khi áp dụng các văn bản của Quốc hội… Còn đối với ngành hành pháp, Tòa án tối cao được hủy bỏ các văn bản hành pháp vi hiến; đình chỉ vô điều kiện những hoạt động hành pháp vi hiến hoặc phạm luật; buộc tội, xét xử, kết tội Tổng thống và các quan chức hành pháp cao cấp nếu họ phạm trọng tội…

Ở chính quyền cấp bang, sự tương tác lập pháp, hành pháp và tư pháp giữa nghị viện - thống đốc - tòa án tối cao bang cũng diễn ra tương tự. Còn ở cấp chính quyền địa phương, do không có hệ thống tòa án, nên sự tương tác xảy ra giữa hai thiết chế lập pháp, hành pháp cấp cơ sở là hội đồng (lập pháp) địa phương với chủ tịch (hành chính) địa phương đó. Mối quan hệ tương tác giữa các thiết chế chính quyền đều phải do 2 hoặc 3 thiết chế cùng cấp phối hợp thực hiện. 

Hoạt động phong trào chính trị

Hoạt động phong trào chính trị ở Brasil thường diễn ra sôi động nhất khi có những sự kiện chính trị quan trọng như sửa đổi hiến pháp, bầu cử tổng thống và quốc hội, thành lập cơ quan và tổ chức mới, ban hành chính sách đặc biệt… Chủ thể của hoạt động này là những phong trào chính trị, có phong trào chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và gián đoạn, nhưng có phong trào tồn tại, phát triển liên tục qua nhiều thập kỷ. Đa số các phong trào chính trị Brasil không có hệ tư tưởng ràng buộc, nhưng có những điều lệ, quy tắc, chủ trương riêng mà đa số thành viên đồng thuận, cùng thực hiện để đạt được mục tiêu của phong trào. Về quy mô và thành phần, số lượng thành viên mỗi phong trào khá đông đảo, đa dạng, bao gồm nhiều tầng lớp cá nhân (công dân tự do, đảng viên, công chức nhà nước…) và tập thể (đảng phái chính trị, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội…). Về phương thức hoạt động, các phong trào có nhiều hành vi, cách thức thể hiện mình, tác động đến chính quyền và xã hội: tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ, hội thảo, hội nghị về vấn đề quan tâm; mít tinh, tuần hành, đình công để ủng hộ hoặc phản đối; giáo dục, huấn luyện, quảng bá, tuyên truyền; cổ vũ hoặc tẩy chay hàng hóa, phương tiện, mô hình, cá nhân, thiết chế; phát động quyên góp ủng hộ tiền bạc, vật chất…

Từ năm 1985 đến nay, khi nền cộng hòa dân chủ được thiết lập, các phong trào chính trị Brasil có điều kiện phát triển, điển hình là các phong trào cải cách ruộng đất, chống nghèo đói, bảo vệ cố đô, bảo vệ môi trường, cải cách bảo hiểm xã hội, ủng hộ chính sách đối ngoại… Hiện nay, hai phong trào hoạt động mạnh mẽ và được quan tâm nhất ở Brasil là phong trào Tăng cường dân chủ và phong trào Đạo đức trong chính trị./.

----------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. GS.TS Nguyễn Thiết Sơn (chủ biên), Brasil đầu thế kỷ XXI, Nxb. Từ điển Bách khoa, H.2012.

2. TS Nguyễn Anh Hùng, Nhìn lại cuộc đảo chính pháp lý đối với Tổng thống Brazil năm 2016, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 07/2017.

3. Cristiano Martins, Khoảng trống chính trị cực lớn trên chính trường Brazil, Báo An ninh Thủ đô, 16/07/2017, https://www.anninhthudo.vn/khoang-trong-chinh-tri-cuc-lon-tren-chinh-truong-brazil-post323083.antd.

4. An Châu (tổng hợp), Tương lai nào với ông Bolsonaro?, Báo Công an nhân dân, 13/09/2021, https://cand.com.vn/hau-truong/tuong-lai-nao-voi-ong-bolsonaro--i627985/.

5. Dana de la Fontaine & Thomas Stehnken, The Political System of Brazil, Nxb. Springer, 2015.

6. Ben Ross Schneider (chủ biên), New Order and Progress: Development and Democracy in Brazil, Nxb. Oxford University Press, 2016.

7. Valesca Lima, Participatory Citizenship and Crisis in Contemporary Brazil, Nxb. Springer Nature, 2019.

 

TS Nguyễn Anh Hùng, Viện Nghiên cứu châu Mỹ

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Phần Lan dự kiến cắt giảm lương hưu

Ngày đăng 14/04/2024
Chính phủ Phần Lan không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm lương hưu để cải thiện tài chính công.

Sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến vấn đề an sinh xã hội ở Việt Nam

Ngày đăng 29/03/2024
Trong thời đại cách mạng công nghiệp hiện nay, với chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn, đạt được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động cả chiều thuận lợi và không thuận lợi đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, vì vậy cần tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá sự tác động đó để có giải pháp phù hợp với chính sách an sinh xã hội một cách hiệu quả. Đây là nhiệm vụ quan trọng đối với công tác an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.

Kinh nghiệm quốc tế về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư và một số khuyến nghị cho Việt Nam

Ngày đăng 22/03/2024
Nhận diện và phòng ngừa tham nhũng (PNTN) là một vấn đề cần được ưu tiên nghiên cứu, đặc biệt trong một số lĩnh vực quan trọng liên quan tới các dịch vụ công cơ bản như y tế hay giáo dục, từ đó, giúp các cơ quan liên quan tham khảo trong quá trình tham mưu, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư.

Vận dụng các mô hình văn hóa trong quản lý giáo dục

Ngày đăng 11/03/2024
Hiện nay, hệ thống giáo dục cần được quản lý theo hướng mở rộng để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân ở các lứa tuổi khác nhau và đáp ứng yêu cầu học tập nâng cao trình độ của đội ngũ nhân lực bảo đảm phát triển bền vững. Đồng thời, trong xu thế phát triển xã hội hiện nay đòi hỏi các tổ chức phải trở thành “tổ chức học tập”, “đơn vị học tập” và “xã hội học tập”. Do đó, quản lý không giản đơn là việc thực hiện các chức năng hành chính mà quản lý luôn bao gồm việc xây dựng văn hóa tổ chức theo các mô hình như “ba tầng cấp, bốn chiều cạnh văn hóa” và mô hình “các loại hình văn hóa”(1). Cách tiếp cận quản lý theo mô hình văn hóa không thay thế mà bổ sung làm phong phú và đa dạng cho các cách tiếp cận lý thuyết quản lý đối với các loại tổ chức trong xã hội ngày nay. 

Bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số của một số quốc gia và những gợi mở đối với Việt Nam

Ngày đăng 27/02/2024
Trong những năm gần đây, vấn đề để lộ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số ở Việt Nam rất đáng báo động, gây ảnh hưởng tiêu cực đến mỗi cá nhân, cũng như của xã hội. Bài viết nghiên cứu việc bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số của một số quốc gia trên thế giới, đây là những kinh nghiệm và gợi mở đối với Việt Nam để tiếp tục có giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số hiện nay.