Hà Nội, Ngày 16/04/2024

Luật Lưu trữ (sửa đổi) là cần thiết đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số

Ngày đăng: 29/03/2022   22:36
Mặc định Cỡ chữ
Theo Chương trình công tác năm 2022, Bộ Nội vụ đã chuẩn bị hồ sơ xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi). Để việc sửa đổi Luật Lưu trữ năm 2011 được hiệu quả và thiết thực, phóng viên Tạp chí Tổ chức nhà nước đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Vũ Thị Phụng, Phó Chủ tịch Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Khoa Lưu trữ học và Quản trị Văn phòng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) xung quanh những vấn đề liên quan đến việc xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi).

PGS.TS Vũ Thị Phụng, Phó Chủ tịch Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam. Ảnh: Việt Dũng

Phóng viên: Với trách nhiệm của một nhà khoa học có nhiều năm công tác và nghiên cứu về lĩnh vực lưu trữ, theo PGS.TS có cần thiết phải sửa đổi Luật Lưu trữ năm 2011? 

PGS.TS Vũ Thị Phụng: Trước tiên cần khẳng định, việc ban hành Luật Lưu trữ năm 2011 là một thành tựu không thể phủ nhận của ngành Lưu trữ. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành, Luật Lưu trữ đã bộc lộ một số bất cập, đồng thời có nhiều vấn đề mới phát sinh, nên cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tế hiện nay, nhằm tiếp tục tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước nói riêng và ngành Lưu trữ nói chung; đồng thời khẳng định vị thế của ngành, cũng như tác động, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về lĩnh vực lưu trữ. Do đó, sửa đổi Luật Lưu trữ là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Theo tôi được biết, trong Chương trình công tác năm 2022 của Bộ Nội vụ, lãnh đạo Bộ cũng đã giao Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước chuẩn bị hồ sơ cho việc xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Phóng viên: Vậy, theo PGS.TS, việc xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) cần thực hiện theo phương pháp và các bước như thế nào?

PGS.TS Vũ Thị Phụng: Thứ nhất, về phương pháp xây dựng Luật: Việc sửa đổi Luật Lưu trữ cần được tiến hành trên cơ sở tư duy khoa học kết hợp với tư duy pháp lý. Điều này đòi hỏi những người có trách nhiệm và trực tiếp tham gia vào việc sửa đổi Luật Lưu trữ cần rà soát, xem xét một cách tổng thể, từ bố cục đến nội dung của Luật Lưu trữ năm 2011. Việc xem xét cần tiếp cận theo cả hai góc độ, gồm tiếp cận theo mục tiêu và tiếp cận về mặt bố cục, nội dung. Tiếp cận mục tiêu, tức là cần xác định rõ: Luật Lưu trữ ban hành để làm gì? Cần điều chỉnh những mối quan hệ nào liên quan đến tài liệu lưu trữ và hoạt động lưu trữ thông qua các chính sách cụ thể của Nhà nước? Việc tiếp cận mục tiêu rất quan trọng, nhằm giúp cho việc sửa đổi Luật đi đúng hướng và nội dung của Luật tập trung điều chỉnh các vấn đề cơ bản, quan trọng. Sau khi tiếp cận mục tiêu, cơ quan chủ trì xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) cần đánh giá về bố cục và nội dung của Luật xem các vấn đề đặt ra đã được quy định đầy đủ và phù hợp chưa? Trên cơ sở đó xác định những vấn đề cần chỉnh sửa, bổ sung và chỉnh sửa như thế nào để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất trong toàn bộ Luật và các luật khác có liên quan. Như vậy, mới mang lại hiệu quả như mong muốn và nâng tầm Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật Lưu trữ phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

PGS.TS Vũ Thị Phụng, đại diện Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội với Bộ Nội vụ để nghe báo cáo đề nghị xây dựng dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), ngày 25/3/2022.

Thứ hai, về một số yêu cầu cần lưu ý trong quá trình xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi): Theo tôi, cơ quan chủ trì soạn thảo cần xác định rõ tính chất, đặc điểm và yêu cầu của một văn bản luật. Đây là vấn đề rất quan trọng vì nó giúp cơ quan chủ trì xây dựng Luật có định hướng và cơ sở bảo vệ ý kiến trong các buổi thẩm định dự thảo Luật sau này.

Ở góc độ khoa học pháp lý, việc ban hành một văn bản luật là nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản và quan trọng, tương đối ổn định về một lĩnh vực nào đó (ở đây là lĩnh vực lưu trữ). Muốn xác định các quan hệ xã hội cần điều chỉnh thì cần xác định đối tượng chính tạo ra các mối quan hệ đó là gì? Đối với Luật Lưu trữ, đối tượng chính là tài liệu lưu trữ. Vì vậy, trước khi xác định các quan hệ xã hội liên quan, những người xây dựng luật phải xác định rõ các vấn đề liên quan đến tài liệu lưu trữ, như: tài liệu lưu trữ là gì, gồm những loại tài liệu nào (nếu phân loại theo chủ sở hữu thì có tài liệu lưu trữ công, tài liệu lưu trữ tư; nếu phân loại theo vật mang tin thì có tài liệu lưu trữ dạng giấy, phim, ảnh, ghi âm, điện tử…). Luật Lưu trữ (sửa đổi) cần bổ sung thêm điều khoản để khẳng định giá trị của tài liệu lưu trữ trên nhiều phương diện (chẳng hạn: tài liệu lưu trữ là nguồn thông tin quá khứ; tài liệu lưu trữ là minh chứng, bằng chứng pháp lý; tài liệu lưu trữ là di sản văn hóa; tài liệu lưu trữ là tài sản đặc biệt của quốc gia và các chủ sở hữu…)

Do tầm quan trọng của tài liệu lưu trữ nên một quy luật tất yếu là con người, các quốc gia, các cơ quan sẽ quan tâm và tìm cách để lưu giữ, bảo quản lâu dài và khai thác, sử dụng những giá trị nhiều mặt của tài liệu lưu trữ (gọi chung là hoạt động lưu trữ), từ đó cũng có thể xuất hiện những hành vi mua bán, trao đổi, chiếm đoạt, xuyên tạc nội dung của tài liệu lưu trữ để phục vụ cho các mục đích khác nhau. Vì thế, xoay quanh tài liệu lưu trữ, đã xuất hiện những mối quan hệ đa dạng và phức tạp, cần có luật pháp của các quốc gia và luật pháp quốc tế để điều chỉnh. 

Theo tôi, để làm tốt vấn đề này, cơ quan chủ trì xây dựng Luật cần trao đổi, thảo luận thậm chí có thể xây dựng sơ đồ những mối quan hệ liên quan các loại tài liệu lưu trữ, từ đó xác định được các quan hệ nào là cơ bản, quan trọng và ổn định cần điều chỉnh, để lựa chọn và đưa vào dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Lưu trữ cũng cần đáp ứng các yêu cầu quan trọng như: thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về các vấn đề liên quan đến tài liệu lưu trữ, hoạt động lưu trữ. Về các biện pháp cụ thể, những vấn đề gì Nhà nước chưa bảo đảm thực hiện được thì không nên quy định trong Luật, nhưng vẫn cần có nguyên tắc, yêu cầu để các đối tượng liên quan biết và thực hiện. Bên cạnh đó, Luật Lưu trữ (sửa đổi) cũng cần cập nhật những tiến bộ và thành tựu mới của khoa học, công nghệ và tham khảo kinh nghiệm của lưu trữ các nước để vận dụng phù hợp vào thực tế ở Việt Nam. 

Phóng viên: Theo PGS.TS, Luật Lưu trữ năm 2011 có những điểm gì không còn phù hợp, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung? 

PGS.TS Vũ Thị Phụng: Theo quan điểm của cá nhân tôi, bố cục của Luật Lưu trữ năm 2011 có nhiều điểm chưa phù hợp, do một số chương được xây dựng trên cơ sở các hoạt động lưu trữ (như: thu thập, chỉnh lý, bảo quản tài liệu…) chứ chưa cấu trúc theo các mối quan hệ liên quan đến tài liệu lưu trữ và theo các nhóm chính sách của Nhà nước như đã phân tích ở phần trên. Vì vậy, cấu trúc của Luật Lưu trữ là vấn đề đầu tiên cần được nghiên cứu sửa đổi.

Về nội dung, ngoài một số quy định cụ thể cần điều chỉnh cho phù hợp, để đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số và ứng dụng những thành tựu của khoa học, kỹ thuật hiện đại, Luật Lưu trữ (sửa đổi) cần cụ thể hóa và bổ sung chính sách mới của Nhà nước về phát triển lưu trữ điện tử, lưu trữ số, lưu trữ tư và hoạt động dịch vụ lưu trữ…  

Bên cạnh đó, Luật Lưu trữ (sửa đổi) cần xác định các chế tài phù hợp, cụ thể, đảm bảo tính khả thi, nhằm xử lý trường hợp nếu các đối tượng không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm như quy định. Đây chính là điểm yếu nhất của Luật Lưu trữ năm 2011, cần được bổ sung.

Có thể nói, việc các cấp có thẩm quyền cho phép nghiên cứu, sửa đổi Luật Lưu trữ là cơ hội tốt để hoàn thiện Luật. Tôi tin tưởng rằng, cơ quan được giao chủ trì xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) sẽ thực hiện nhiệm vụ này một cách khoa học, đảm bảo bám sát yêu cầu thực tế trong công tác quản lý nhà nước về lưu trữ.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn PGS.TS Vũ Thị Phụng./.

Trần Kiên/tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

ĐBQH - PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Lịch sử, địa lý, văn hóa là yếu tố quan trọng trong việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập

Ngày đăng 15/04/2024
Đến năm 2025, cả nước dự kiến có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập và việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới này là vấn đề hiện đang được dư luận rất quan tâm. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc đặt tên cần thể hiện được dấu ấn, truyền thống văn hóa, lịch sử địa lý… của địa phương.

Vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả

Ngày đăng 05/04/2024
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đột phá chiến lược về thể chế. Bài viết tập trung nghiên cứu các yêu cầu đặt ra trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, từ đó xác định vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Công vụ và sự thay đổi hướng tới trả lương theo vị trí việc làm

Ngày đăng 29/03/2024
Nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình công vụ vị trí việc làm và hướng đến trả lương theo vị trí việc làm. Bài viết phân tích, trao đổi về công vụ và các mô hình công vụ cùng với vấn đề vị trí việc làm để hướng tới trả lương theo vị trí việc làm.

Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

Ngày đăng 22/03/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thanh niên, khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”(1). Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, quan điểm về sự nghiệp “trồng người” trở thành tư tưởng xuyên suốt, góp phần chuẩn bị và xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu, dẫn dắt thanh niên trở thành lớp người kế tục trung thành, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chính

Ngày đăng 19/03/2024
Văn bản hành chính (VBHC) là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức(1). VBHC là phương tiện không thể thiếu để các cơ quan, tổ chức truyền đạt các thông tin quản lý và ban hành các quyết định quản lý. VBHC cũng là sản phẩm phản ánh kết quả hoạt động của của cơ quan, tổ chức nói chung, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức nói riêng.