Hà Nội, Ngày 29/03/2024

Quán triệt, triển khai thực hiện quy định mới về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng

Ngày đăng: 14/03/2022   20:55
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 14/3/2022, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 58-QĐ/TW, ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị “Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” và lấy ý kiến về dự thảo Hướng dẫn thực hiện Quy định. Hội nghị được tổ chức trực tuyến, kết nối với 63 điểm cầu ở các địa phương trên cả nước.

Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Tiểu ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương và đồng chí Nguyễn Quang Dương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương đồng chủ trì Hội nghị.

7 điểm mới trong Quy định số 58-QĐ/TW về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng

Quy định số 58-QĐ/TW (Quy định 58) được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành ngày 08/02/2022 là văn bản thay thế Quy định số 126-QĐ/TW, ngày 28/02/2018 của Bộ Chính trị một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng.

Quán triệt Quy định 58 của Bộ Chính trị, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương cho biết, Quy định 58 gồm 06 Chương, 22 Điều, giảm 03 điều so với Quy định số 126 trước đây.

Đồng chí Nguyễn Quang Dương quán triệt nội dung Quy định 58.

Theo đó, đồng chí Nguyễn Quang Dương nhấn mạnh 7 điểm mới về nội dung của Quy định 58 so với Quy định 126 trước đây, bao gồm:

(1) Bổ sung quy định mức giới hạn bố trí đối với cán bộ, đảng viên có vấn đề chính trị phức tạp nhưng không vi phạm Quy định này (những trường hợp này được bố trí cao nhất đến uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ cấp tỉnh và tương đương; bổ sung trường hợp cán bộ, đảng viên là con liệt sỹ, con thương binh ¼ nhưng có cha, mẹ, người nuôi dưỡng trực tiếp của vợ hoặc chồng vi phạm do làm việc cho chế độ cũ thì có thể bố trí đến uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ tỉnh và tương đương).

Theo đồng chí Nguyễn Quang Dương, đây là điểm rất mới so với các quy định, kết luận về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng của Bộ Chính trị các khoá trước.

(2) Trường hợp cán bộ, đảng viên có con dâu, con rể là người nước ngoài thì bố trí, sử dụng cao nhất đến tỉnh uỷ viên và tương đương; có thể làm đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, bố trí đến vụ trưởng và tương đương. Đây là nội dung mới, lần đầu đưa vào quy định của Bộ Chính trị.

(3) Chính sách bố trí, sử dụng và mức bố trí sử dụng đối với cán bộ, đảng viên vi phạm hoặc phức tạp do quan hệ gia đình trực tiếp (bên bản thân) thấp hơn một bậc so với trường hợp gián tiếp (bên vợ hoặc chồng).

(4) Ngoài việc quy định mức trần tham gia cấp uỷ, mức trần ứng cử làm đại biểu cơ quan dân cử ở các cấp và làm việc trong cơ quan, bộ phận, vị trí trọng yếu, cơ mật thì Quy định 58 đã chỉ dẫn tương đương đối với các chức vụ chính quyền trong cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Điều này đã khắc phục được hạn chế do các nội dung này chưa được quy định cụ thể trong quy định trước đây.

(5) Khắc phục triệt để mâu thuẫn bất cập trong việc cho phép một số trường hợp được tham gia đến cấp uỷ cấp tỉnh, bố trí đến trưởng ngành cấp tỉnh, nhưng lại không được làm việc trong cơ quan, bộ phận và vị trí trọng yếu, cơ mật.

(6) Đối với những trường hợp có vấn đề liên quan đến bản thân và quan hệ gia đình (tập trung là những vấn đề chính trị hiện nay), căn cứ mức độ của vấn đề chính trị; uy tín, phẩm chất, năng lực, quá trình phấn đấu, đóng góp của bản thân cán bộ, sẽ do cấp uỷ có thẩm quyền quy định tại Điều 15 xem xét, bố trí phù hợp.

(7) Điều 15 của Quy định chỉ rõ diện cán bộ, đảng viên có vấn đề chính trị mà cấp uỷ cấp dưới cần phải xin ý kiến cấp uỷ hoặc cơ quan tổ chức cấp trên khi bố trí, sử dụng.

Bảo vệ chính trị nội bộ là vấn đề hệ trọng của Đảng

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Dương cũng gợi ý thảo luận góp ý một số vấn đề liên quan đến dự thảo Hướng dẫn thực hiện Quy định 58. Theo đó, các địa phương và các đại biểu có mặt tại điểm cầu Ban Tổ chức Trung ương đã đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Hướng dẫn, đặc biệt về các phần: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; những vấn đề liên quan đến chế độ cũ; những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, hồ sơ, lý lịch, những yếu tố liên quan đến nước ngoài; vấn đề chính trị nội bộ liên quan đến quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại…

Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, bảo vệ chính trị nội bộ là vấn đề hệ trọng, đòi hỏi sự chặt chẽ, cẩn trọng để đảm bảo vấn đề chính trị nội bộ không chỉ cho Đảng mà còn là sinh mệnh chính trị của cán bộ, đảng viên.

Đồng chí Trương Thị Mai cho biết, hiện nay riêng về vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ có những văn bản của Đảng hết sức quan trọng cần phải được tiếp tục nghiên cứu, quán triệt thực hiện để tạo sự thống nhất về mặt nhận thức, rõ về mặt quan điểm trước khi đi vào xử lý những vấn đề thực tiễn cụ thể như: Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 18/8/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ chính trị trong tình hình hiện nay; Kết luận số 72-KL/TW ngày 19/5/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay…

Trưởng Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương dẫn lại nội dung của Chỉ thị 39 có chỉ rõ, công tác bảo vệ chính trị nội bộ là nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng, liên quan đến sự sống còn, tồn vong của chế độ. Bảo vệ chính trị nội bộ là bảo vệ đường lối, quan điểm, Cương lĩnh, pháp luật; bảo vệ sự đoàn kết nội bộ trong Đảng; sự trong sạch của đội ngũ cán bộ; bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước, ngăn chặn âm mưu chống phá của các thế lực địch. Bảo vệ chính trị nội bộ là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị mà trước hết là cấp uỷ, tổ chức đảng và người đứng đầu. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ phải chấp hành nghiêm Quy định, Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật…

Theo đó, Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương là cơ quan tham mưu cho Đảng về những vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ đã nêu tại Chỉ thị 39. Ban Tổ chức Trung ương có nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ trong công tác cán bộ và tổ chức bộ máy.

Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, chúng ta đặt trọng tâm là vấn đề chính trị hiện nay. Khi xem xét lịch sử chính trị với chính trị hiện nay thì vấn đề chính trị hiện nay là chính, điều này đã được tiếp tục thể hiện rõ trong Quy định 126 và Quy định 58 mới ban hành. Theo đó, các vấn đề liên quan đến bản thân cán bộ và quan hệ gia đình thì bản thân là chính; giữa quản lý đầu ra và quản lý đầu vào thì đầu vào là chính; giữa xử lý và sử dụng thì sử dụng là chính… Việc quán triệt các nội dung liên quan đến bảo vệ chính trị nội bộ không chỉ dừng lại ở việc quán triệt Quy định 58 mới ban hành mà còn phải quán triệt Chỉ thị 39, Kết luận 72 và các văn bản có liên quan khác để tạo sự thống nhất sâu sắc.

Đối với Quy định 58, Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, một số chương có những điểm hết sức quan trọng như Chương II liên quan đến tiêu chuẩn chính trị; Chương III về xem xét kết nạp người có vấn đề chính trị vào Đảng; Chương IV xem xét bố trí cán bộ, đảng viên có vấn đề chính trị và Chương V về thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

Với 16 ý kiến đóng góp hết sức cụ thể của các đại biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu cơ quan giúp việc là Cục Bảo vệ chính trị nội bộ (Ban Tổ chức Trung ương) tiếp thu nghiêm túc, tối đa và nghiên cứu sâu sắc hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn thực hiện Quy định 58 theo nguyên tắc đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, dễ thực hiện.

Đồng chí Trương Thị Mai cũng đề nghị các đơn vị mau chóng gửi lại các kiến nghị, đề xuất bằng văn bản để Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo và nhanh chóng ban hành Hướng dẫn nhằm tạo sự thống nhất với Quy định 58. Quá trình triển khai các quy định, hướng dẫn, nếu có vấn đề thực tiễn phát sinh, đề nghị các đơn vị có phản hồi để Ban Tổ chức Trung ương kịp thời báo cáo Tiểu Ban Chính trị nội bộ Trung ương và Bộ Chính trị sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn.

“Tập trung cố gắng ban hành Hướng dẫn thực hiện Quy định 58 trong thời gian sớm nhất. Quyết tâm không để vấn đề văn bản ảnh hưởng đến tình hình bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng”, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh./.

Theo: xaydungdang.org.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Điện Biên tập trung nguồn lực cho Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngày đăng 28/03/2024
Thường trực Ban Bí thư đề nghị các cơ quan, mỗi cá nhân cần toàn tâm, toàn ý, phát huy cao nhất trách nhiệm, năng lực thực hiện tốt phần việc được giao, đảm bảo Lễ kỷ niệm thành công tốt đẹp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt Đoàn đại biểu nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số tiêu biểu thành phố Hà Nội

Ngày đăng 27/03/2024
Chiều tối 27/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp mặt Đoàn đại biểu nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số tiêu biểu của thành phố Hà Nội. Đánh giá cao và biểu dương đóng góp của cộng đồng nhân sĩ, trí thức, tín đồ tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, trong đó có cộng đồng nhân sĩ, trí thức, tín đồ tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội, khơi dậy khát vọng và trách nhiệm phát triển Thủ đô Hà Nội.

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng (02/4/1904 - 02/4/2024)

Ngày đăng 07/03/2024
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (bí danh Sao Đỏ, Hai Nam, Triệu Vân…), thường được các đồng chí hoạt động cách mạng cùng thời gọi là Anh Cả; sinh ngày 02/4/1904 tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm, tổng Đoàn Lâm, huyện Thanh Miện, nay là xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương trong một gia đình nghèo có truyền thống yêu nước. Đồng chí là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Yêu cầu đối tượng thực hiện giải trình làm rõ các vấn đề chưa thực hiện được, đề xuất giải pháp khắc phục, lộ trình thực hiện

Ngày đăng 27/03/2024
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 969/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho rằng, khi tiến hành lựa chọn vấn đề yêu cầu thành viên Chính phủ giải trình cần bám sát thực tiễn những vấn đề nóng, bức xúc nổi lên trong đời sống, đồng thời yêu cầu đối tượng thực hiện giải trình báo cáo, làm rõ những vấn đề đã thực hiện được, chưa thực hiện được và đề xuất các giải pháp khắc phục, lộ trình thực hiện đối với những vấn đề được yêu cầu giải trình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thanh niên cần thực hiện "5 xung kích", "6 khát vọng" trong chuyển đổi số

Ngày đăng 26/03/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thanh niên cần thực hiện "5 xung kích", "6 khát vọng", là lực lượng xung kích, nòng cốt, giương cao ngọn cờ tiên phong, tình nguyện đi đầu, làm chủ công cuộc chuyển đổi số và phát triển Việt Nam sớm trở thành quốc gia số.

Tiêu điểm

Chat GPT - Góc nhìn quản lý nhà nước

Sự ra đời của Chat GPT (còn gọi là ChatGPT, chatbot) là bước “đột phá” cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực công nghệ AI, có thể tác động lớn tới hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau. Mặc dù, còn nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực tiềm ẩn nhưng nếu tiếp cận phát triển công nghệ này một cách có trách nhiệm và đạo đức thì có thể đảm bảo rằng Chat GPT sẽ trở thành một công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả lĩnh vực.