Hà Nội, Ngày 25/04/2024

Thành phố Hồ Chí Minh: Quyết tâm nâng hạng PCI

Ngày đăng: 24/01/2022   15:06
Mặc định Cỡ chữ
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương năng động, kinh tế phát triển, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước, nhưng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đang có xu hướng giảm trong 5 năm qua. Để nâng hạng PCI và hoàn thành mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025, đưa thành phố nằm trong nhóm 5 địa phương đứng đầu cả nước về PCI, ngay từ đầu năm 2022, các cấp, ngành, chính quyền của Thành phố đang bắt tay triển khai nhiều giải pháp.
Mô hình “ATM nhận, trả hồ sơ” tự động tại UBND Quận 6 là một trong những biện pháp minh bạch hóa giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao thứ hạng PCI tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Xếp hạng thứ 14/63 địa phương

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, PCI của Thành phố hiện xếp hạng thứ 14/63 địa phương trong cả nước. Qua phân tích số liệu giai đoạn 2016-2020, thứ hạng cạnh tranh có sự thay đổi từ hạng 8 xuống hạng 14, tuy nhiên, điểm số cạnh tranh lại tăng từ 61,72 điểm lên 65,70 điểm. Như vậy, trong 5 năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh của Thành phố dù tăng nhẹ 3,98 điểm, nhưng thứ hạng PCI vẫn tụt giảm so với nhiều địa phương trên cả nước.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Đào Minh Chánh cho biết, nhóm chỉ số tốt của Thành phố Hồ Chí Minh (trong tốp 10 cả nước, cần duy trì), gồm: chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp, chỉ số hợp đồng lao động. Nhóm chỉ số bình quân (thứ hạng từ 11 đến 40, cần cải thiện), gồm: chỉ số tính minh bạch, chỉ số chi phí thời gian, chỉ số gia nhập thị trường. Nhóm chỉ số kém (thứ hạng từ 41 đến 63, cần tập trung cải thiện), gồm: chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số chi phí không chính thức, chỉ số cạnh tranh bình đẳng, chỉ số tính năng động, chỉ số thiết chế pháp lý, chỉ số an ninh trật tự…

Nhận xét về một trong các chỉ số kém của Thành phố Hồ Chí Minh trong đánh giá xếp hạng PCI, Giám đốc Chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Thành phố Hồ Chí Minh Võ Tấn Thành cho biết, trên thực tế, vẫn còn có doanh nghiệp gặp khó khăn khi làm việc liên quan đến hệ thống chính quyền ở cấp sở, ngành, quận, huyện. Điều này chứng tỏ cấp thực thi chính sách chưa thực sự làm doanh nghiệp hài lòng.

Nói rõ hơn về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Bé thông tin: "Vẫn có trường hợp một số doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3, Khu công nghiệp Tân Phú Trung nộp hồ sơ lên Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh) để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép về môi trường, giấy đầu tư mới… mà 3 tháng, 9 tháng, thậm chí có trường hợp cả năm trời cũng không được giải quyết...".

Tích cực triển khai nhiều giải pháp

Theo Trưởng ban Pháp chế của VCCI Đậu Anh Tuấn, chỉ số PCI của Thành phố Hồ Chí Minh chưa tương xứng nếu so với vị thế, tiềm năng và quyết tâm của các cấp chính quyền Thành phố. Để cải thiện chỉ số PCI, Thành phố Hồ Chí Minh nên tập trung vào hiệu quả thực thi chính sách hơn là ban hành chính sách. “Chính sách chung chung thì không thể tạo ra hiệu quả thực tế. Thành phố Hồ Chí Minh cần thực hiện cả hai biện pháp là hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục, vượt qua khó khăn vì Covid-19 và hướng tới một môi trường đầu tư lành mạnh, thủ tục hành chính thông thoáng, nhanh gọn… để nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Cùng với triển khai các giải pháp nhằm nâng cao thứ hạng PCI, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh Võ Thị Trung Trinh cho biết, Thành phố đang đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới phát triển chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền số, cung cấp nhiều dịch vụ trực tuyến. Đồng thời, minh bạch thông tin về đất đai, xây dựng, thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp cùng giám sát.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, trong 5 năm qua, Thành phố đã quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chỉ số PCI, nhưng vẫn còn những chỉ số thành phần nằm dưới mức trung bình. Để khắc phục những hạn chế này, UBND Thành phố Hồ Chí Minh xác định năm 2022, Thành phố tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực cải cách hành chính, đổi mới quản lý nhà nước... UBND Thành phố đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương ngay trong tháng 01/2022 xây dựng xong kế hoạch nâng cao chỉ số PCI của đơn vị, địa phương mình. Từ nay đến tháng 06/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cùng VCCI hoàn thành bộ Chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DCCI)...

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan khẳng định: “Mục tiêu của Thành phố là kiên quyết khắc phục yếu kém để tự hoàn thiện và đề ra các bước đi nhằm cải thiện rõ nét hơn môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế”./.

Theo: hanoimoi.com.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Thống nhất cách thức thực hiện khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Ngày đăng 21/04/2024
Ngày 21/4/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 2635/VPCP-KSTT về việc báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), phương án đơn giản hóa về thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ.

PAR INDEX năm 2023: Bộ Nội vụ tiếp tục giữ vị trí thứ 04/17 bộ, cơ quan ngang bộ

Ngày đăng 17/04/2024
Bộ Nội vụ tiếp tục giữ vị trí thứ 04/17 bộ, cơ quan ngang bộ trong bảng Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, đạt 87.04%. Dẫn đầu là Bộ Tư pháp, đạt 89.95% và đứng cuối bảng là Bộ Công Thương, đạt 78.03%.

Công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến tích cực và đạt kết quả khá toàn diện

Ngày đăng 17/04/2024
Ngày 17/4/2024, Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS 2023) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023). 

Thực trạng và giải pháp xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị

Ngày đăng 15/04/2024
Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng chính quyền số là một mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian quan, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã không ngừng nỗ lực, tổ chức triển khai thực hiện và thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị thời gian qua vẫn còn gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định. Trên cơ sở phân tích và đánh giá thực trạng, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng thành công chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.

Bộ Nội vụ làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh về sắp xếp đơn vị hành chính

Ngày đăng 08/04/2024
Tiếp Đoàn công tác của Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) Phan Văn Mãi nhấn mạnh, buổi làm việc với Đoàn công tác là rất quan trọng, giúp TPHCM tiếp tục hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính trong đặc thù của Thành phố; cũng như thúc đẩy công tác cải cách hành chính tại Thành phố thời gian tới.